Lần đầu tham dự lễ ở TT Việt Ngữ Hải Ngoại- Dec 3, 2016

Thứ Bảy ngày 3 tháng 12, 2016, lần đầu tiên tôi tham dự Buổi Phát Phần Thưởng của một TT Việt ngữ ở hải ngoại. Đó là buổi phát thưởng của trường Việt Ngữ Trưng Vương được tổ chức ở Tiểu Học Dara. Trong tôi chen lẫn vui buồn. Bài tạp ghi này chỉ là vài cảm tưởng của cá nhân tôi. Đã là ý kiến cá nhân thì có thể sai hay đúng, có thể chủ quan nhiều hơn khách quan. Tuy vậy, như tôi đã thưa với cô hiệu trưởng trẻ tuổi, ý kiến của tôi sẽ dựa trên ba tư cách: tư cách của một cao niên từng đứng trên bục giảng của vài trường học thời Việt Nam Cộng Hòa , tư cách của một người đang là “bà nội” và cũng mong muốn “gìn vàng giữ ngọc” nền văn hóa Việt Nam, tư cách của một nhà báo Mỹ- Việt thường có những bài viết có tính cách góp phần làm đẹp xã hội.

Cái đập vào mắt tôi đầu tiên là rất đông đồng phục của học sinh chiếm gần hết dãy ghế bên phải sân khấu. Sự đông đảo ấy làm lòng tôi vui bát ngát. Các cháu sinh trưởng ở Úc có mặt đông thế có nghĩa “người mình” đã hy sinh khá nhiều để cho con em học tiếng Việt. Sự hiện diện của các cháu bé tí, lớp một, làm lòng tôi xúc động nhiều hơn.

 

Cái đập vào mắt tôi thứ hai là một vóc dáng thanh tú, một khuôn mặt xinh đẹp, một tà áo dài thướt tha tất bật tới lui. Hóa ra đó là BS Nhãn Khoa, Khánh Tiên, cô Hiệu Trưởng trẻ tuổi.

 

Cái đập vào mắt tôi thứ ba là bé Anna, bốn tuổi, rất xinh xắn. Bé dạn dĩ, hát một mình và “xí xọn” chạy vào hầu hết các màn múa của các anh chị. Tương lai, có lẽ đây là một ca sĩ nhí đáng yêu của cộng đồng QLD. Mẹ của bé hát cũng rất hay.

 

Cái đập vào mắt tôi thứ tư là một cô bé trên dưới mười tuổi. Áo dài vàng thật đẹp và giọng hát thật ngọt.

 

Cái đập vào mắt tôi thứ năm là các thầy cô giáo. Những âu phục trang nhã, những tà áo dài xinh tươi và những cử chỉ lịch sự, lễ phép.

Cái đập vào mắt tôi thứ sau là Thủ Khoa lớp 12. Đẹp trai, hiền lành, nói năng lễ độ. Tôi cũng chớp nhoáng phỏng vấn cháu. Xem tại đây:

https://youtu.be/m6tMy7xgFLM

Lễ Chào Cờ khai mạc buổi lễ. Cái ngạc nhiên đầu tiên với tôi là các cháu không lên sân khấu mà vẫn ở dưới khán phòng khi hát quốc ca VN. Không có micro, không có giọng hát chính nên dàn đồng ca không được mạnh. Người lớn hát theo khá ít. Ban đầu tôi hát khá to và về sau thì rất nhỏ vì cảm thấy mình hơi lạc lõng. Phải chi, một dàn hai mươi em lên sân khấu với một em hát chính có micro và tất cả mọi người đều hòa giọng theo: có lẽ như thế sẽ có một khí thế hơn chăng?

Cái làm tôi ngạc nhiên thứ hai là MC. Có lẽ đó là một học sinh của trường. Tuy không còn nhỏ nhưng cháu nói và đọc tiếng Việt không vững. Cháu luôn nhìn vào tờ giấy để đọc mà cũng không đọc được lưu loát. Khi tôi bày tỏ suy nghĩ với người ngồi cạnh ( GV dạy lớp 7) thì ông cho biết (nhà trường chủ trương để học trò làm). Tôi có góp ý rằng: đây là buổi lễ phát thưởng có sự hiện diện của quan khách Úc, Việt. Một sự tổ chức chu đáo với một MC tương đối khá là một hành vi thể hiện sự tôn trọng đối với toàn thể người dự. Các em đang học tiếng Việt nên nói không sõi thì chỉ nên để vài em đại diện lên trình bày thành tích học là đủ. Còn MC phải là người lanh lẹ, hoạt bát, nói được song ngữ. MC phải thuộc lòng chương trình. MC phải có giọng nói to. MC phải là người quyền biến khi có sự việc bất ngờ xảy ra. MC cũng là người phải điều phối chương trình. MC cũng phải là người sắp xếp để bảo đảm buổi lễ tiến hành nhanh chóng không bị gián đoạn. Ví dụ, MC phải vầy ( Bây giờ là lễ phát phần thưởng. Xin các giáo viên giúp học sinh chuẩn bị. Lớp 12 lên trước và kế đó lớp 1); hoặc ( xin mời cô Hiệu Trưởng đứng qua trái, kế đó là Dân biểu, và học sinh XYZ để chụp ảnh). Ở đây Mc không làm tròn những nhiệm vụ đó. Em nói nhỏ, đọc không thông, ngắc ngứ làm buổi lê diễn dài. Đây là sơ suất của người lớn. Quan khách, phụ huynh, đến dự buổi lễ phát thưởng chứ không phải dự buổi chấm thi học sinh Úc Việt nói tiếng Việt. Buổi lễ hơi lộn xộn. Cô Hiệu Trưởng đôi lúc kiêm luôn cả vai trò MC. Mọi người trong Ban Tổ Chức hay chụm đầu hỏi nhau trong khi cả hội trường cứ thế ngồi chờ đợi trong tiết trời nóng. Lẽ ra, nên để ba giáo viên phụ trách phần thưởng cho 12 lớp. Phần thưởng để trên bàn, theo từng dãy có bảng ghi lớp để giáo viên lấy cho dễ và trao cho quan khách khi vị này trao cho học sinh. Lẽ ra, phần trang trọng nhất, lớp 12 phát thưởng xong thì nên linh động cho các lớp nhỏ vì rất khó cho các bé ngồi yên trong trời nóng khá lâu như vậy. MC có nhiệm vụ thông báo cho cấp lớp tiếp theo chuẩn bị sẵn lên sân khấu lãnh thưởng.

Cái làm tôi ngạc nhiên thứ hai là trang phục của bà nghị viên người Úc, Tarnya Smith. Trong buổi lễ phát thưởng, Phó CT Ngoại vụ của Tổ Chức Cộng Đồng trang trọng veste, các vị khác cravate, thì bà nghị viên này y phục quá giản dị đến độ khó chấp nhận. Đó là thứ y phục áo ngắn tay, mỏng chỉ được dùng cho đi chợ. Thật đáng tiếc khi một đại biểu của người dân lại thiếu ý thức đến thế trong một sinh hoạt cho những mầm non, tương lai của Liên Bang Úc Đại Lợi! Tôi hy vọng quý vị trong Ban Giám Hiệu sẽ khéo léo nhắc nhở vị dân cử này. Y phục của bà là gương xấu cho học sinh Úc Việt của chúng tôi.

Trong lúc đứng ở cuối phòng, một nữ giáo viên lại gần mời tôi ngồi. Nhân đó tôi hỏi thăm chị để biết thêm vài chi tiết về trường Trưng Vương. Chị Chi cho biết chị dạy ở đâu đã lâu. Trường này được thành lập vào 1991. Ban đầu hầu hết là tự nguyện. Vâng ở đâu thì những trung tâm Việt Ngữ ban đầu cũng là từ những con người nặng tình dân tộc, thiết tha với hai chữ Việt Nam. Họ muốn bảo tồn văn hóa Việt. Cho dù có tha phương cầu thực, có nhận nơi này làm quê hương thì mọi người Việt toàn thế giới luôn mong cộng đồng Việt hải ngoại là một bông hoa tươi thắm xinh đẹp trong vườn hoa Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ hay vườn hoa Liên Bang Úc Châu. Hiện giờ trường cũng đã xin được ngân khoản (fund) từ chính phủ nên có trợ cấp xăng cho các giáo viên, trả tiền thuê lớp học cho trường Tiểu Học Dara…

Tôi ra về lúc gần cuối giờ vì có việc bận. Nghe nói cuối chương trình là ẩm thực và hát karaoke. Thế cũng tốt. Xin cảm ơn người khai sáng. Xin cảm ơn quý Thầy Cô đã hy sinh để gìn giữ ngôn ngữ cho thế hệ con em. Xin cảm ơn Ban Giám Hiệu đã cố gắng chu toàn mọi việc dù ai cũng tất bật với cuộc sống riêng. Tháng 12, mùa Giáng Sinh nhưng không có đêm đông lạnh gía mà hoa phượng đỏ ngát trời Queensland và các học sinh nghỉ hè. Hy vọng, niên khóa mới sẽ là nguồn vui mới, thành công mới với những người biết đổi mới.

Brisbane mùa phượng đỏ 2016

Hoàng Lan Chi

Hải Vân, Phó CT phát biểu:

https://youtu.be/_nhSquN7dws

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.