Web Site
Sau hơn tháng lu bù với web site, cuối cùng thì cũng xong. Thật ra, nếu cậu em chịu khó xây nhà cho tôi ngay lúc đầu với phòng này, vườn nọ, sân kia thì web của tôi chỉ khoảng 2-3 tuần là xong. Lý do, tôi viện trợ một đệ tử cùng load bài. Sau nữa, tôi cũng không load hết các bài tôi viết.
Tôi thích kiểu chữ thư pháp đó nhất và cũng chọn hoa lan Giao Chi. Tôi thích mầu tím và xanh cho web site. Xanh là mầu lá, mầu Mộc! Mộc sinh Hoả vì Hoả là Mạng của tôi. Tím là mầu tôi thích khi về già. Thuở trẻ, mầu tôi yêu là trắng, hồng nhạt, vàng mơ. Vì yêu mầu tím nên tôi đã ngẩn ngơ khi phượng tím cả trời CA. Nhưng người CA thì không thế. Họ bảo hoa rụng quét mệt và mùi hoa “kinh” lắm. Ơ, thì hoa tàn nhuỵ rữa có gì đẹp hay thơm? Tuy vậy may mắn là hàng xóm, đường đi học với phượng tím đẹp lộng lẫy, còn nhà ở không có. Vì thế tôi sẽ không bao giờ phải biết đến mùi hoa úa.
Mấy người CA không dễ thương khi cứ nói về mùi hoa phượng với tôi. Chỉ duy nhất mình Anh, không thế. Anh cũng nói về phượng nhưng không làm tôi “não nùng” khi mô tả mùi hoa. Hơn thế nữa, khi đi ngang vùng có phượng, anh liếc nhìn tôi “phượng của em kìa”. Đó là lý do, tôi “thương” anh hơn nhiều người CA. Thương vì phượng tím của tôi!
Khi đi tìm hoa cho banner của web, tôi mới biết có lan tên Giao Chi. Cũng hay nhỉ. Vì tên thật là Quỳnh Giao kia mà. Vậy thì Lan Chi – Giao Chi cũng chỉ là một. Xem này phượng tím đẹp thế này mà người CA hững hờ, cây cao tán xoè rộng, hoa tím đậm vào đầu mùa và nhạt dần theo năm tháng:
Tội nghiệp cho con chó của Pavlov
Cộng đồng hải ngoại sau này lúc nào cũng có chuyện để “ầm ỹ”. Thì có gì đâu khi mấy vị Ban Tổ Chức cứ lơ đễnh. Kỳ này trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị đã lơ đễnh để huy hiệu có ngôi sao trắng bị tô thành vàng trên nền đỏ! Một ông cựu sinh viên dám viết bài bảo rằng phản ứng của người hải ngoại giống như phản ứng của con chó của Pavlov. Cứ nhìn thấy cái gì ngôi sao đỏ là hô hoán lên VC đã len lỏi. Thực ra cũng câu chuyện con chó Pavlov nhưng nếu anh ta viết nhã nhặn thì không đến nỗi. Đằng này anh ta viết rất xấc xược và hỗn hào khiến “Phàn Lê Huê” nổi giận. Thế là tôi phải hướng về Tây Phương xin Phật Tổ cho tôi nghỉ tu hai giờ để viết bài dậy cho cái anh cựu sinh viên này biết thế nào là lễ độ! (cái giọng văn này “du côn” nhỉ?!). Một giờ để viết bài, bốn mươi lăm phút để đi tìm bài anh ta viết, bài mấy người chửi anh ta, năm phút để ..chọn bút hiệu mới viết cho những đề tài như thế này! Hoàng Ngọc An là bút hiệu mới để viết bài về thời sự. Tôi vẫn yêu Hoàng, họ ngoại. Nó cho tôi sự dịu dàng như tình cảm của các -em họ ngoại-của tôi. Càng về xế chiều, tôi càng xa họ nội. Có lẽ vì tình cảm của họ hàng bên nội không như ngoại và làm tôi xa, xa…
Phản ứng của đa số người hải ngoại khi nhìn thấy dấu hiệu cộng sản như ngôi sao vàng trên nền đỏ ở bất cứ đâu là giật mình. Không thể nào không nhìn thấy cái dấu hiệu đó. Vậy mà thiệp mời của Đại Hội 16 của Trường Đại Học CTCT đã như thế đó. Huy hiệu trường, ngôi sao trắng đã hoá vàng. Sự việc này đã buồn rồi nhưng sự việc một cựu sinh viên lại dám bảo cộng đồng như con chó Pavlov, thế là sóng gió nổi lên. Thật tội nghiệp cho con chó của Pavlov, nó bị lôi ra chửi mà chả hiểu chuyện gì!
Của Để Dành và Của Nợ
Hôm trước tôi viết “Của Để dành” rồi đi học. Có vậy mà vài người bạn hối “viết tiếp đi chứ”. Hôm nay viết tiếp nhưng cũng phải dán trở lại “Của để dành” trước khi qua “Của Nợ” chứ!
“Của Để Dành”
Tôi có một cô bạn gốc Bến Tre, nghĩa là Nam Kỳ rặt. Còn tôi là dân Bắc Kỳ lai, vì di cư vào Nam từ khi còn nhỏ híu. Vì sao hai đứa chơi thân với nhau, có trời mới biết. Một quan điểm về cuộc sống mà tôi và cô bạn này khá giống nhau, và sau này chúng tôi đặt tên cho sự việc này là “Của Để Dành”. Dường như đây là tên của một cuốn phim, nội dung hao hao những việc như của chúng tôi.
Bạn tôi hay tào lao giúp người chung quanh bao gồm bạn bè, học trò. Tôi cũng vậy. Giúp là giúp. Khi giúp, hồn nhiên giúp vì tự nhiên như thế. Hay không phải tự nhiên mà do ngấm những bài luân lý giáo khoa thư do gia đình và học đường nhồi nhét thì cũng không biết. Những người già cỡ tôi chắc còn nhớ, thuở tiểu học phải học nhiều câu đại loại như “Anh em như thể tay chân, Bán anh em xa mua láng giềng gần, Một giọt máu đào hơn áo nước lã, Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng…”. Sau đó vô tình có được những “lại quả” từ những người mình từng giúp. Cái “lại quả” này có khi còn lớn và nhiều hơn cái mình cho đi. Ví dụ cụ thể là khi đi dạy học, bạn tôi đã giúp đỡ một sinh viên rất tận tình, bỏ cả thì giờ cá nhân để làm việc XYZ cho nó. Sau đó vài năm, sinh viên đã ra trường, giữ chức vụ gì đó và vô tình bạn tôi đến cơ quan này để “xin xỏ” cái gì đó cho chung cư bạn tôi ở ( vì bạn tôi là tổ trưởng), học trò cũ thấy cô là mừng húm và cái “xin xỏ” đó không còn là “xin xỏ” nữa mà đi nhanh cấp kỳ, nhanh đến độ các tổ viên ngạc nhiên. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, tên học trò này là đứa có tình nghĩa, chứ gặp đứa trời ơi đất hỡi, nó không thèm nhìn mặt cô giáo cũ nữa ấy chứ đừng nói đến việc giúp cô!
Cá nhân tôi cũng vậy, nhiều lần được sự giúp đỡ từ người khác mà trước đó, do mình giúp họ! (chứ tôi nghĩ, nếu tôi không giúp họ, với cá tính ích kỷ cộng với làm biếng của người này, rất khó mà tôi được sự giúp lại từ họ! Tôi bi quan nhỉ?!) Một “con ranh” nói với tôi là “ Phật dạy làm phước, không dạy trông mong đáp trả”. Tôi thấy “con ranh” này nói ngu qúa các bác ạ. Thứ nhất, Phật dạy nhưng làm theo lời Phật thì mấy ai làm được? Ai cũng theo tuốt mo “chăm phần chăm” lời Phật dạy thì thế gian này đầy dẫy Phật rồi còn gì! Ngu thứ hai là khi mình giúp, mình trông mong gì trả? Khùng hay sao mà khi giúp lại nghĩ có ngày người đó sẽ trả? Nếu họ không trả thì lăn đùng ra ăn vạ à? Vì thế, nhiều khi tôi đã nghĩ bậy như thế này “Chẹp, tên này ích kỷ chết đi được, cứ coi cách nó sống, chả giúp gì ai nhưng nếu nó giúp mình, chắc chỉ tại kỳ trước mình giúp nó việc kia chăng?!” Khi đi tu, cũng cầu mong một kết quả chứ đâu phải không. Ví dụ mong được lên Niết Bàn hay Thiên Đường. Tóm lại Chúa hay Phật gì thì đều dạy tu và “nhá nhá” cái quả của Tu là thoát vòng bể ải. Tên nào nghe lời Phật Chúa “dụ dỗ” thì cứ đi tu, còn tôi nhất quyết nếu có kiếp sau, thì không lên Niết Bàn hay Thiên Đường gì hết ráo mà xin về cõi trần tục luỵ này, có đầy đủ hỉ nộ ái ố cho dzui! Nhất là ở trần gian mới có “net” để cãi nhau đủ trò cho vui, Niết Bàn/Thiên Đường toàn hoa thơm cỏ lạ, moi người cứ là nhìn nhau bằng “tình thương mến thương”, lấy đâu ra chí choé cơ chứ !
“Của Nợ”!
Một anh bạn nói rằng “Em đó, không hiểu sao có nhiều người cứ hay làm vì em!”. Thực tình anh ta có nói hai chữ nữa về tôi nhưng tôi cắt. Mở ngoặc là cắt không phải vì ý đó chê gì tôi mà ngược lại. Anh ta còn dẫn chứng kẻ A, người B, anh C, Chị D, v.v. ! Ý anh ta nói rằng ngày ở Virginia, tôi dọn nhà không biết bao nhiêu lần và mấy người phải giúp tôi! Tôi bật cười. Ờ, tôi dọn nhà cứ lia chia và mấy ông anh/cậu em đủ cả cứ thế phải phụ tôi. Ở xứ rừng gió này, tôi có nhiều người ơn. Đầu tiên là chị Phương Trần, coi như sư tỉ Gia Long. Ngày tôi đến, cô Phạm Thị Nhung gửi mail cho nhóm Gia Long ở Virginia, gửi gấm tôi. Phương liên lạc ngay, đến thăm tôi liền và còn mang quà nữa. Rồi đến Đinh Quang Trung, lớp giúp computer, lớp giúp dọn nhà, lớp giúp đi đây đó. Đến bác Thành Phan, giúp đi thi lái xe, giúp đi chợ khi tôi kẹt xe, giúp đi đây đó. Đặc biệt một lần, bác còn phải giúp tôi đi học ban đêm. Tôi chưa bao giờ đi học cả nên sợ trời tối, sợ ma! Bác phải đến nhà cho tôi đi học và 9 giờ tối đến đón về. Ngay cả chủ nhà trẻ, cậu ta ít chiều ai nhưng lại chiều bà cô. Nó đục đẽo nhà để bắt dây cable cho tôi xem TV học Anh văn.
Về đây, một người bạn cho tôi đi vài nơi mà anh đoán là tôi thích. Anh bạn khác thì giúp tài liệu thi lái xe và các thứ linh tinh đến xe. Một lần, tôi cần đi Pasadena để thăm người bạn cũ, một anh bạn khác cũng hy sinh hơn nửa ngày để giúp. Những người này là “Của Nợ” của tôi. Món nợ này, tôi thích thì trả, không thích thì chơi tình vờ!Vì tôi sẽ lý sự như sau: Chị là sư tỉ Gia Long có nhiệm vụ giúp sư muội! Cậu này cứ coi như là em nuôi, qua Mỹ đã lâu, có nhiệm vụ giúp bà chị. Chủ nhà coi như cháu, lâu lâu nhờ bà trông dùm con nhỏ, nay bắc dây cable cho bà là phải đạo! Còn mấy ông này này, úi trời, cứ coi như được phục vụ “người đẹp”! Thế là huề tiền! (Coi bà già mà chảnh ghê chưa! Dám mấy ông đọc được cái này, kỳ tới lại “o xịt” tôi ra, không giúp thì bỏ bu tôi lắm!)
Còn “của trời ơi đất hỡi”, các bạn tôi biết là ai không? Là hai đứa con của tôi chứ ai. Của này vốn “trời ơi đất hỡi” nên “fermer boutique” ở đây vậy!