Tháng sáu buồn


Tặng anh Lê Vân Tú để cùng nhớ về “người ấy”

Một

Tôi quen anh khi chúng tôi cùng coi thi tú tài ở Petrus Ký. Lúc buớc vào phòng tôi thấy  anh đang đánh số trên bàn. Tôi cúi chào và cũng lấy phấn làm theo. Nhưng tôi có linh cảm. Ngẩng đầu và bắt gặp ánh mắt anh nhìn..Tôi nhìn lại. Chỉ thấy một dáng cao gầy, một khuôn mặt khá thông minh. Chẳng có gì đặc sắc để tôi phải chú ý!

Tôi trao đổi với anh rất ngắn. Sau khi phát bài  tôi rảo buớc đi khắp lớp. Rồi tôi ngồi ở cuối lớp, anh thì ở bàn giáo sư. Tôi cảm thấy nhột nhạt. Hoá ra anh đang nhìn tôi. Cái nhìn đăm đắm. Cái nhìn sâu thẳm. “Thôi nha, cô nương không thích đâu. Đừng hòng quyến rũ cô nương” Tôi nhủ thầm.

Nhưng có lẽ tôi thua mất rồi vì… “lão” lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn. Lúc bước lên bàn giáo sư, “lão” nói ngọt như đường phèn “Quỳnh ngồi đây đi để tôi xuống dưới” . Trước khi đi, “lão” ôm theo một chồng giấy nháp. Hồi đó giấy nháp cho thí sinh đủ màu sắc và rất đẹp: vàng, hồng, xanh.

Tôi khó chịu vì đôi mắt anh cứ tiếp tục nhìn mình thăm thẳm. “Thôi nghe, cha đang tìm mọi cách quyến rũ tui phải không! Còn lâu, chị đây già jeu lắm, cho cưng biết”.  Anh lên bàn giáo sư, chìa truớc mặt tôi những tờ giấy nháp hồng xanh, trên đó mỗi tờ là họ tên tôi với đủ kiểu chữ bay buớm và rất đẹp. Tôi thấy lòng hơi xao xuyến. Dù sao ngày ấy tôi cũng chỉ mới ra truờng hai năm. Tôi bắt đầu nói chuyện với anh, quên mất cái tính nghiêm chỉnh lúc làm việc.

Dường như hồi xưa , đàn ông muốn tấn công con gái hay bắt đầu bằng việc coi bói thì phải. Thời nào thì đàn bà con gái cũng đều khoái coi bói cả. Nghe nguời khác bói về mình và nói đại lọai như “Cô sống với nội tâm.Cô có chuyện buồn không biết nói cùng ai.Tâm hồn cô rất nhạy cảm, sâu sắc v.v.” thì có lẽ con gái nào cũng thích.

Tôi cũng vậy. Nhất là khi anh nhìn thật lâu vào đôi mắt tôi và phán “Quỳnh có nụ cười tươi nhưng đôi mắt buồn quá. Cuộc đời Quỳnh cũng nhiều phong ba lắm đây”.  Rồi anh ứng khẩu làm bốn câu thơ về đôi mắt và nụ cuời của tôi trên giấy hồng. Tôi quên mất rồi chỉ còn nhớ…”ngây thơ đáy mắt sầu gờn gợn…”

Hai

Thỉnh thỏang vẫn gặp anh trong sân truờng đại học. Lúc đó nghe thiên hạ đồn về anh nhiều lắm. Một trong các giáo sư dạy giỏi nhất thành phố. Nguời hào hoa phong nhã nhất Khoa Học. Tay nhảy giỏi của các vũ truờng. Nguời quyến rũ nhất ban T. Mỗi khi gặp nhau, anh vẫn sử dụng chiêu bài “nhìn đăm đắm”.Tôi cũng hay nghịch ngợm như anh, nghĩa là cũng sử dụng đôi mắt “nai vàng ngơ ngác” để quyến rũ những nguời mà mình chưa chắc “chấm” nhưng thích họ phải đứng vào hàng ngũ “nguời ái mộ của mình” À ha, chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào. Tôi tự nhủ thầm như thế.

Nhưng một lần vô tình nói chuyện, biết đuợc tôi là cháu gái của người bạn thân thì anh không còn “nhìn đăm đắm” nữa. Kể từ đó anh là anh lớn của tôi. Dù đôi lúc “anh lớn”cũng lẳng lơ quá. Như một buổi tối, tôi ngồi trực trong ban. Anh đi ngang, tạt vào trêu đùa cái gì đó rồi” Quỳnh nhắm mắt lại đi””Chi vậy?”Nhắm mắt và há mồm ra!” Trời đất, cô giáo trẻ đâu có ngu. Không. Sau tiếng hét to, anh cười hì hì xòe viên kẹo “Dữ dậy? Anh có làm gì bé đâu?”

Ba

Một ngày của tháng tư  năm bẩy lăm. Chúng tôi hàng ngày vẫn vào truờng và lang thang ở trước giảng đường vì các phòng ban đều bị niêm phong. Chúng tôi chờ đến phiên mình “đăng ký” với “Ủy Ban Quân Quản”. Lúc đó chúng tôi rất hoang mang không biết tưong lai sẽ ra sao, chính phủ mới sẽ đối xử thế nào?

Anh ngồi cạnh tôi ở bậc thềm truớc phòng Vật Lý. Hỏi thăm về chuyện tình yêu . Anh có lối nói chuyện rất quyến rũ  khiến tôi đang âu lo mà cũng bỏ được muộn phiền để trò chuyện về Tình với anh.

-Quỳnh là mẫu nguời vừa có vẻ tươi mát của trẻ con vừa có vẻ đậm đà của phụ nữ, mẫu nguời mà Pháp gọi là femme enfant. Một trái cây vừa chua vừa ngọt.  Anh nói cả về tâm hồn lẫn thể xác.Anh biết một mẫu nguời phù hợp với Quỳnh. Đó phải là nguời rất thực tế nhưng cũng rất mơ mộng. Phải từng trải, lịch duyệt, galant nhưng cũng phải rất đàn ông, dũng mãnh…

-Thế Quỳnh làm lễ chiêu hồn tên đó nhé?

-Đừng làm!Cứ để tự nhiên.Tiếc là các bạn anh đã đi nước ngòai hết. Nếu không anh giới thiệu, anh biết có một nguời rất phù hợp với Quỳnh.

Bẩy tháng sau tôi lấy chồng. Cuộc hôn nhân vội vã vì sợ nhà nước gả cho một anh thương binh.

Bốn

Một sáng năm một chín bẩy tám. Tôi không còn giảng dạy mà coi thư viện. Gia đình theo xưa, tính nhút nhát, sợ sệt khiến tôi cứ chịu đựng cuộc hôn nhân tồi tệ mà không đủ can đảm dứt bỏ.

Hôm đó tôi đang ở trong thư viện. Anh đi vào. Vẫn dáng dấp cao gầy. Vẫn giọng nói quyến rũ. Tôi ngồi đối diện anh.

-Thế nào cô bé, cuộc sống của em ra sao ?

Tôi òa khóc. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Anh bất ngờ. Rồi bối rối. Tôi vẫn coi anh là một anh lớn của tôi. Nhưng khi anh hỏi, tôi tủi thân quá. Tôi nhớ lại ngày tháng tư bẩy lăm câu anh nói “Em là một cô bé đặc biệt..Anh nghĩ nguời nào phải diễm phúc lắm mới lấy đuợc em. Cô bé femme enfant.”

Sinh viên vào rồi ra vì cô thì đang khóc tưng bừng còn thầy thì bối rối! Bây giờ nghĩ lại cũng buồn cuời cho tình cảnh anh lúc bấy giờ.

Đã bao năm trôi qua từ ngày ấy.Tôi rời truờng, phiêu bạt đủ nghề.Thăng trầm đủ kiểu. Rồi điều phải đến dù muộn màng. Tôi đã chia tay với người chồng bất đắc dĩ.

Khi ở cái “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi biết rằng mỗi nguời có một số. Tôi không còn oán trời, giận đất hờn nguời nũa mà sống an phận. An phận như bây giờ rất an phận với nỗi cô đơn. Ngày xưa ai đó coi tử vi nói rằng “Canh cô mậu quả. Số chị sẽ luôn cô độc”. Tôi đã gân cổ cãi “Cô độc hay không là ở mình”. Nhưng bây giờ “tri thiên mệnh” thì quả là …số mình cô độc thật. Tài sản quý báu nhất hiện thời của tôi là hai con thì chúng cũng ở xa mẹ nghìn trùng.

Năm

Tôi mới thực hiện xong một chương trình phát thanh. Về một nhạc sĩ kiêm giáo sư đại học. Chương trình hoàn tất và không dưng tôi nhớ ngày nào. Về anh. Có lẽ vì nhạc sĩ cũng dậy khoa học như anh và làm tôi nhớ kỷ niệm xưa. Anh vẫn còn ở Việt Nam.Giờ này chắc đã nghỉ hưu.

Mùa này phượng đang nở và Sài Gòn thì nóng lắm. Nhưng tôi biết con đường Phùng Khắc Khoan vẫn rợp bóng me và mát. “Con đường mùa đông” của tôi đấy. Tôi không thích mùa đông nhưng suốt quãng đời sinh viên, con đường mùa đông quanh năm suốt tháng đón chân tôi. Phải chăng vì thế mà tôi lạc bước đến đây, nơi thời tiết lạnh nhiều hơn nóng, nơi mà mùa đông tuyết phủ trắng trời để tình trắng như bông tuyết…

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.