VIẾT ‘I’ HAY ‘Y’ (2)
- 1 1. Kỹ thuật hay kĩ thuật, tu sỹ hay tu sĩ?
- 2 2. Chú ý hay chú í, y học hay i học?
- 3 3.Quy hay qui, quý hay quí, quỷ hay quỉ, quỳ hay quì, quỹ hay quĩ, quỵ hay quị?
- 4 Tóm lại, theo giáo sư Đoàn Xuân Kiên (cư ngụ tại Anh quốc), có nguyên tắc gồm 5 điểm để viết I và Y do Alexandre De Rhodes để lại như sau:
*Bạch Diện Thư Sinh
Báo Trẻ số 657 ra ngày 07.01.2010 có bài “Tiếng Việt ngày nay: Chữ và Nghĩa” của tác giả Quốc Thái đã gây cho tôi nhiều thiện cảm vì tác giả là một bạn trẻ sống ở hải ngoại mà rất quan tâm tới việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt; hơn nữa lại còn có tinh thần chống chế độ Cộng Sản độc tài, độc đảng rất cao.
Tôi tán đồng hầu hết những điều tác giả Quốc Thái nêu ra trong bài viết, nhất là đoạn tác giả nhắc nhở cho vài vị cựu tù Cộng sản “không có ý thức”. Quốc Thái viết: “Trong công ty tôi có một Bác xưa là sĩ quan cao cấp của Quân lực VNCH mà nói với tôi rằng ‘hồi giải phóng vô, sau đó Bác đi học tập cải tạo, đất nước mình nghèo và lạc hậu, bây giờ đổi mới và phát triển rất nhiều so với thời VNCH và lúc mới giải phóng’. Tôi hỏi Bác, ai là giải phóng? Tại sao Bác gọi kẻ thù mà một thời Bác từng cầm súng chống sự xâm lăng của họ và bảo vệ miền Nam là giải phóng, họ giải phóng Bác và nhân dân miền Nam à? Và tại sao Bác lại nói rằng Bác ‘đi học tập cải tạo’, như vậy Bác tự cho rằng lý tưởng Quốc gia của Bác khi xưa là sai hay sao? Vậy tại sao Bác hiện diện ở xứ sở này để làm gì?”
Chỉ có một điều tôi xin tác giả Quốc Thái xem xét lại. Đó là việc tác giả khẳng định rằng “CS hay viết I thay cho Y, ví dụ: mỹ, thì họ viết là mĩ, kỹ thì họ viết là kĩ, v.v. và Y thì lại thay cho I, ví dụ như sỹ quan, nhạc sỹ, bác sỹ. Lối viết này tôi thấy rất nhiều trên báo của người Việt hải ngoại”.
Thiển nghĩ đây không còn phải là vấn đề Quốc – Cộng nữa mà là một vấn đề thuộc lãnh vực của môn ngữ học.
Đã có biết bao nhiêu người thắc mắc, tự hỏi viết I hay Y trong chính tả chữ quốc ngữ, cách nào đúng? Có quy tắc gì không? Xưa nay,trong từ điển cũng như trên các sách vở báo chí rõ ràng đã có chuyện viết bất nhất hai chữ này; còn trong đời thường đã từng xẩy ra biết bao nhiêu cuộc cãi vã, thiếu điều ‘thượng cẳng tay hạ cẳng chân’ với nhau chỉ vì viết I hay viết Y mà ra!
Do đó, dường như tất cả những ai quan tâm tới chữ quốc ngữ đều mong ước các nhà chuyên môn về ngữ học nghiên cứu và thống nhất với nhau về cách viết chính tả tiếng Việt, trước khi nhà nước, học đường, các nhà làm từ điển và các cơ quan truyền thông làm phần việc của họ để sớm hoàn tất việc định chuẩn hoá cách viết chính tả tiếng Việt, trong đó cách viết hai chữ I và Y nổi bật lên.
Hôm nay, nhân đọc bài viết trên báo Trẻ của tác giả Quốc Thái, tôi nhớ lại trước đây trên Mục Sưu Khảo của Vietcatholic News, tôi đã được đọc một bài viết của Linh mục Nguyễn Ngọc Huỳnh, CssR, cũng bàn về chữ nghĩa, và về cách viết chữ I và Y. Mặc dù ngày xưa tôi có “giật” được Chứng chỉ Ngữ học Việt Nam (tại VK/Đh SG) thật, nhưng tự nhận, tôi không chuyên môn về ngữ học, mà chỉ là một trong muôn vàn người quan tâm tới việc thống nhất chính tả Việt ngữ và muốn học hỏi thêm với các nhà chuyên môn, và tôi đã mạo muội đúc kết ý kiến của các vị đó thành một bài ngắn nêu lên lí do và quy tắc cho việc thống nhất cách viết hai chữ I và Y trong chữ quốc ngữ .
1. Kỹ thuật hay kĩ thuật, tu sỹ hay tu sĩ?
Lm.Nguyễn Ngọc Huỳnh cho là viết cách nào cũng được vì đọc lên nghe giống nhau cả, linh mục nói thêm: nếu viết tất cả bằng chữ I thì “gọn” hơn và tốt hơn cho việc thống nhất chính tả.
Nói như Lm. Nguyễn Ngọc Huỳnh thì vấn đề vẫn còn tùy tiện. Thiển nghĩ, nên viết thống nhất bằng chữ I trong trường hợp này. Viết I trong trường hợp này là đúng theo nguyên tắc do Alexandre De Rhôdes đưa ra từ năm 1651: (a) chữ I dùng để ghi nguyên âm của âm tiết, có thể là nguyên âm đơn /i/ hay nguyên âm đôi /iê/ : bí, biết. (Xin đọc Gs. Đoàn Xuân Kiên. Nói Thêm Về Chữ I Và Chữ Y Trong Chính Tả Tiếng Việt. Định Hướng số 32, tr.43).
2. Chú ý hay chú í, y học hay i học?
Đây là trường hợp chữ I đứng một mình, không phụ âm đầu, không phụ âm cuối, chẳng có bán nguyên âm đệm, chẳng có bán nguyên âm cuối. Lm. Nguyễn Ngọc Huỳnh cho rằng trường hợp này viết Y sẽ có “thẩm mĩ hơ”, đỡ “tội nghiệp” hơn.
Giáo sư Đoàn Xuân Kiên cũng nghĩ như vậy. Ông nêu lí do vì có “sự thiên vị trong tâm lí ngôn ngữ”: “ Trong chính tả hiện nay, khi âm /i/ đứng ở đầu âm tiết thì khi viết có tình hình nước đôi: ý tưởng, nhưng í ới. Nếu theo đúng nguyên tắc (a) của De Rhodes thì phải nhất loạt viết là I mà thôi. Tuy vậy, trong khi chúng ta viết âm ỉ, ầm ĩ, đi ỉa theo đúng nguyên tắc âm vị học thì sự thiên vị trong tâm lí ngôn ngữ đã dẫn đến thói quen viết y thị, ý kiến, ỷ lại.”
Nếu tôi không lầm về thời điểm thì vào năm 1983 (không dám chắc lắm), lúc đó tôi đang ở Trại A 20 (Trại Xuân Phước, Mật khu Kì Lộ, tác giả Nguyễn Chí Thiệp gọi là Trại Kiên Giam) và đã đọc được bài báo đưa tin về Hội nghị các nhà ngữ học VN (Bắc cũng như Nam) tại Đại học Tây Ninh, tức Đại học Cao Đài trước 1975. Hội nghị này đã khuyến cáo: Tạm thời có thể tùy ý viết I hoặc Y trong trường hợp chữ này đi một mình.
3.Quy hay qui, quý hay quí, quỷ hay quỉ, quỳ hay quì, quỹ hay quĩ, quỵ hay quị?
Xin đồng ý ngay với Lm. Nguyễn Ngọc Huỳnh khi ông cho rằng quỷ là q+uỷ, nhưng bảo củi là q+ủi thì không chính xác.
Vì trong tiếng Việt, k viết trước các nguyên âm “i”, “e”, “ê”: ý kiến, kén chọn, kênh kiệu.
c viết trước các nguyên âm khác: ca hát, con cá, cô cậu, cúc cung.
q viết trước bán nguyên âm đệm “u”: qua loa, quan tòa, luẩn quẩn, loạng quạng.
Lm. NguyễnNgọc Huỳnh nhấn mạnh “u” ở đây là bán nguyên âm, vì nếu là nguyên âm thì theo nguyên tắc ta phải viết “cu”. Thế nhưng ông lại chủ trương viết được cả hai cách các chữ quy hay qui, quý hay quí, v.v., lấy lí do khi đọc lên, viết cách nào,thì nghe cũng giống nhau cả!
Đang khi đó, giáo sư Đoàn Xuân Kiên cũng nói âm /k/ được kí hiệu bằng 3 chữ cái c, k,q tùy trường hợp. Nhưng giáo sư nhấn mạnh trường hợp chữ q đi với tổ hợp âm chúm môi /ui/. Ông nhận xét trong tiếng Pháp, không bao giờ q viết một mình mà luôn luôn đi kèm với u cho nên người ta dễ lầm tưởng qu ở đây chỉ là phụ âm đầu trong trường hợp âm chúm môi và sẽ viết quí, quít vì âm /i/ nay là nguyên âm đứng làm phần âm chính của âm tiết. Sự thực thì phần chính của âm tiết chúm môi là /ui/ chứ không là /i/, cho nên nếu đã viết quyết, quyền thì tại sao lại viết quí mà không viết quý.
Tóm lại, theo giáo sư Đoàn Xuân Kiên (cư ngụ tại Anh quốc), có nguyên tắc gồm 5 điểm để viết I và Y do Alexandre De Rhodes để lại như sau:
Viết Y trong những trường hợp:
1) Khi tổ hợp âm /iê/ ở đầu một tiếng.
Thí dụ: yên, yêu, yết.
2) Trong các tổ hợp âm chúm môi /ui/ và /uiê/ (viết là uy,uyê,uya).
Thí dụ: uy, chuyện, khuya, nguy; (do đó đương nhiên sẽ viết: quy, quý, quỷ, quỳ, quỵ).
3) Ở sau âm ngắn của a [trong chính tả hiện nay cũng viết bằng đồ vị /a/ và âm ngắn của ơ [ tức là đồ vị /â/].
Thí dụ: cay, dày, đây, mây.
Viết I trong những trường hợp:
4) Khi âm /i/ là nguyên âm, hay là phần âm chính của âm tiết.
Thí dụ: ỉ, bí, chim, hí, kìm, lì, lính, sĩ, tị, vì, vinh.
5) khi âm /i/ là âm cuối, đứng sau phần âm chính ở thể thường, để khép âm tiết lại.
Thí dụ: ngùi, đói, người, củi, hồi, trai.
Trên đây là câu chuyện của những người quan tâm tới việc thống nhất chính tả tiếng Việt. Song dù các nhà ngữ học có công lao nghiên cứu đến đâu cũng chẳng đủ thẩm quyền để bắt mọi người phải viết theo nguyên tắc. Hơn nữa trong lãnh vực phong tục tập quán nói chung, lãnh vực ngôn ngữ nói riêng, vốn đã có một quy luật, đó là: thói quen là luật. Không dễ gì trong một sớm một chiều mà có thể thay đổi được một thói quen. Tuy nhiên, hãy cứ cổ võ, hãy cứ học hỏi với các nhà chuyên môn này. Hi vọng một ngày không xa, nhà nước, các học đường, các nhà làm từ điển và các cơ quan truyền thông sẽ đứng ra lãnh trách nhiệm san định, định chuẩn hóa tiếng Việt hầu có thể thống nhất chính tả Việt ngữ, làm cho tiếng Việt tiến lên trong sáng và trưởng thành. Khi đó một học sinh, sinh viên khi làm bài thi sẽ hết còn phải lo âu, như chính chúng tôi đã từng lo âu trước đây, không biết thầy mình ưng mình viết yêu quí hay yêu quý, nước Mĩ hay nước Mỹ, nhà Lí hay nhà Lý, hi sinh hay hy sinh, v.v., nếu không may viết trái ý thầy có thể sẽ bị đánh giá là lố lăng, lập dị thì rất tai hại cho kết quả thi cử.
Tới đây, mong rằng tác giả Quốc Thái và quý độc giả hiểu việc viết I hay Y không phải là vấn đề chính trị, cũng không phải là chuyện lố lăng hay lập dị, mà là chuyện ngữ học, chuyện thống nhất chính tả Việt ngữ. Muốn thống nhất thì phải dựa trên những nguyên tắc hợp lí, phải được Quốc hội chân chính (được bầu lên một cách dân chủ thực sự) chấp thuận và chính phủ ban hành thành luật. Lúc đó mới có thể bắt buộc mọi công dân phải tuân thủ một cách viết chính tả duy nhất đúng.
Hiện nay tuy điều mong ước ấy chưa thành, vẫn còn tình trạng tùy tiện khi viết hai chữ I và Y, nhưng xin đừng ai quy kết cho nhau là học theo lối viết của Việt Cộng hay là lố lăng, lập dị khi viết: nhà Lí, nước Mĩ, li rượu, kĩ nghệ…hay là viết quý mà không viết quí, v.v., đang khi đó vẫn viết ỷ y, y tế, ý kiến (biệt lệ), nhưng lại viết y sĩ…, vẫn viết yêu, yên, yết, nhưng viết Ngã Ba Chú Ía, ỉa đái (xin lỗi)…. Bởi vì viết như vậy là đang áp dụng quy tắc của Alexandre De Rhodes đưa ra từ năm 1651. Quy tắc này rất hữu lí và có thể làm căn bản cho việc thống nhất cách viết hai chữ I và Y trong chữ quốc ngữ.
Bạch Diện Thư Sinh