Nguyễn Quốc Đống- Tưởng Niệm Nguyễn Văn Đông -March 5, 2018

Tưởng Niệm Cố Đại Tá- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông (1932-2018)

Nguyễn Quốc Đống, cựu SVSQ K. 13/TVBQGVN

5-3-2018

Cựu Đại Tá- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông vừa qua đời tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 26-2-2018, hưởng thọ 86 tuổi. Ông là một sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng là một nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam, ra đời tại Sài Gòn ngày 15-3-1932, nguyên quán ở Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam phần. Tên tuổi của ông được gắn liền với những bản tình ca thời chinh chiến tiêu biểu như “ Chiều Mưa Biên Giới”, “ Mấy Dặm Sơn Khê”, “ Phiên Gác Đêm Xuân” , “ Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp”… , khi miền Nam VN tràn ngập khói lửa trong cuộc chiến chống Bắc quân cộng sản xâm lược (1955-1975).

Nhạc của ông mang tính đại chúng, lời ca chân tình, giản dị, mang nét đẹp của tâm tình người thanh niên mới vào đời còn nhiều mộng mơ, nhưng vẫn không thiếu nét hào hùng của người trai thời loạn. Vì thế, những lời nhạc này đã tự nhiên đi vào lòng người nghe, được nhiều người yêu thích. Họ yêu dòng nhạc của ông vì âm điệu, và lời ca chan chứa tình yêu: tình yêu gia đinh, tình yêu lứa đôi, và trên hết là tình yêu quê hương. Trước 1975 , chẳng mấy ai không biết đến, và không một lần hát các bài nhạc lính của ông. Có thể có người không biết tên tác giả của những lời ca như:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?

Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu

…..

Hoa phượng rơi đón mùa thu tới

Màu hoa thắm thiết quá thu ơi

Đón giao thừa một phiên gác đêm

Chờ xuân đến súng xa vang rền…

Nhưng họ vẫn nhớ đôi lời, và vẫn hát, vì bài hát diễn tả cảm xúc dào dạt của chính họ, nói lên nỗi lòng của họ thật tự nhiên… dù có khi hát trật nhịp, hay sai lời. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta đọc được những lời “ tri ân” của các tác giả viết về ông , nhiều năm trước khi ông qua đời. Sau ngày ông mất, chúng ta thấy được người dân miền Nam, cả trong nước lẫn tại hải ngoại, vẫn dành cho ông tình cảm chan hoà, thắm thiết như ngày xưa, nhiều cựu quân nhân VNCH đối với ông vẫn một lòng yêu kính, đứng nghiêm trên đường phố Sài Gòn ngày 2-3-2018, chào tiễn ông ra đi.

Đại tá Nguyễn Văn Đông bắt đầu binh nghiệp rất sớm. Ông được gia đình gửi vào trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu năm ông mới 14 tuổi, và ông ra trường TSQ /VT năm ông 19 tuổi (1951). Sau đó ông gia nhập Quân đội quốc gia Việt Nam, theo học khóa 4 trường Võ Bị Vũng Tàu, tốt nghiệp thủ khoa năm 1952, mang cấp bậc thiếu úy. Sau ngày đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Geneve (20-7-1954), ông phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cho đến ngày 30-4-1975, khi miền Nam VN rơi vào tay cộng sản, cấp bậc cuối cùng của ông là đại tá, phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu.

Nguyễn Văn Đông là người lính tác chiến, nhưng ông “ tay súng, tay đàn”, và sự nghiệp của ông trong lãnh vực âm nhạc được nhiều người thán phục, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Ông viết được gần 100 bài hát thuộc nhiều thể loại: nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc giáng sinh, nổi bật nhất là nhạc lính. Trong thời gian theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với một nhạc trưởng tài ba người Pháp nên có kiến thức vững vàng về nhạc lý, biết sử dụng nhiều nhạc cụ. Ông trở thành nhạc sĩ trong Ban Nhạc của trường TSQ , gồm toàn các nhạc sĩ thiếu niên. Tài năng thiên phú của ông về âm nhạc đã phát triển mạnh trong môi trường sôi động tại trường TSQ, kết quả ông đã sáng tác được những nhạc phẩm có giá trị được nhà trường công nhận như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè, khi tuổi đời còn rất trẻ (16 tuổi).

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn thể hiện tài năng trong nhiều lãnh vực khác của âm nhạc. Ông có tài khám phá ra các tài năng trẻ, giúp họ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, và sớm thành danh như các ca sĩ Giao Linh, Thanh Tuyền, Hà Thanh… Sau này, ca sĩ Hà Thanh trở thành người hát nhạc của ông thành công nhất; tên tuổi của người nhạc sĩ sáng tác Nguyễn Văn Đông của miền Nam đã gắn liền với người ca sĩ mang tên Hà Thanh của đất Thần Kinh ( Huế) . Đúng là một kết hợp nghệ thuật kỳ thú. Năm xưa, khi Hà Thanh mới vào Sài Gòn trình diễn, nếu cô không được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chú ý đến giọng ca thiên phú, và bỏ công khuyến khích cô tiếp tục việc ca hát tại thủ đô Sài Gòn, hẳn cô đã không có cơ hội phát triển tài năng, để trở thành một trong những danh ca được nhiều người mến mộ sau này.

Vào thập niên 60, quốc gia non trẻ Việt Nam Cộng Hòa mới được thành lập, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chính phủ VNCH đã sớm biết sử dụng âm nhạc như một vũ khí “ an dân” , dùng các hình thức nghệ thuật như ca , vũ, nhạc, kịch để đem niềm vui đến cho người dân, giúp họ từng bước ổn định đời sống, nhất là người dân miền Bắc phải rời bỏ quê nhà chạy nạn cộng sản ở miền Nam xa lạ. Đoàn nghệ thuật Vì Dân do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm trưởng đoàn ra đời với mục đích này, gồm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Lê Thương, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Kim Cương, Trang Thiên Kim…

Hãng dĩa Continental và Sơn Ca do ông làm giám đốc đã thực hiện các chương trình nhạc đặc biệt ( albums ca nhạc) riêng cho từng ca sĩ, giúp làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ VNCH vào thập niên 60 và 70 như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Phương Dung, Giao Linh, Thanh Tuyền…

Chẳng những hoạt động trong lãnh vực tân nhạc, ông còn là cha đẻ của một thể loại nhạc mới, tân cổ giao duyên, được nhiều người ưa chuộng. Ông cũng là người soạn nhạc nền cho nhiều vở tuồng cải lương nổi tiếng, dưới tên Đông Phương Tử. Chính sách biết dùng người tài vào đúng lãnh vực của chính phủ VNCH đã giúp ông phát triển tài năng tối đa. Tài sáng tác nhạc của ông cống hiến cho đời nhiều nhạc phẩm giá tri, tài tổ chức và lãnh đạo của ông trong hoạt động ca nhạc đã giúp chính phủ cộng hòa thực hiện được những công trình ích quốc, lợi dân trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước sau hiệp định Geneve, vừa giữ nước, vừa dựng nước.

Suốt 20 năm khói lửa tại miền Nam Việt Nam, biết bao nhiêu thanh niên phải “xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh”. Chàng tuổi trẻ Nguyễn Văn Đông cũng không ngoại lệ. Ông tự nguyện chọn nghiệp lính, và dù thành công lớn trong lãnh vực âm nhạc, ông khẳng định “ âm nhạc chỉ là nghề tay trái, binh nghiệp mới là nghề tay phải” của ông. Lý do khiến ông thành người lính chuyên nghiệp chính là lòng yêu nước tha thiết. Ông yêu mảnh đất nơi ông sinh ra và trưởng thành, muốn bảo vệ nó, để người dân được sống an vui, hạnh phúc. Tình yêu quê hương lớn hơn tất cả mọi thứ tình cảm khác, ông trân trọng đặt nó lên hàng đầu, không suy nghĩ thiệt hơn, không vì danh, hay lợi cho cá nhân.

Đời tôi quân nhân, chút tình riêng gởi núi sông… (Sắc Hoa Màu Nhớ)

Người đi giúp núi sông…

Hàng hàng lớp lớp chưa về

Người người nối tiếp câu thề giành lấy quê hương…

Đời dâng cho núi sông

Lòng này thách với tang bồng

Đừng sầu má thắm phai hồng, buồn lắm em ơi…

Hỡi người anh thương, chưa trọn thề ước

Nhưng tình đất nước ôi lớn lao không đành lòng

Dệt mối thắm riêng tư…

Và xin em hiểu rằng, người đi giúp nước nào màng danh chi

Cầu cho đất nước vượt ngàn gian nguy… (Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp)

Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi, theo đường mây,

Tóc tơi bời lộng gió bốn phương…

Nước non còn đó một tấc lòng,

Không mờ xóa cùng năm tháng

Mấy ai ra đi hẹn về…dệt nốt tơ duyên…(Mấy Dặm Sơn Khê)

Những hình ảnh đẹp và hùng của người chiến sĩ VNCH được mô tả giống như hình ảnh hào hùng của người tráng sĩ trong văn học Việt Nam ngày xưa, đã trở thành hành trang cho nhiều thanh niên miền Nam bước vào cuộc chiến; và rất nhiều người đã ra đi, không trở về… Đời lính gian lao, khổ nhọc, nhưng người lính chấp nhận hy sinh cho quê hương, cho dân tộc.

Những bản nhạc của Nguyễn Văn Đông còn nói lên nỗi đau của người dân Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, và có thể tệ hơn nữa sẽ là ngày …mất nước như dân tộc Hời ngày xưa:

Ôi nước mắt dân Hời

Thành quách một thời tan tành

Hệ bởi đâu?

Sao ta nỡ xa ta

Xẻ đôi sơn hà

Cho Bắc-Nam mình xa cách nhau… (Anh)

Cộng sản miền Bắc thực hiện cuộc chiến xâm lược miền Nam trong suốt 20 năm (1955-1975) đã khiến cả nước suy kiệt, cả triệu quân dân hai miền mất mạng, tài nguyên đất nước bị phá hủy, dẫn đến tình trạng Việt Nam phải rơi vào vòng nô lệ Tàu cộng như ngày nay. Nhìn vào tình trạng « hèn với giặc, ác với dân » của Đảng CS cầm quyền bây giờ thì ngày dân tộc Việt Nam mất nước như dân tộc Hời ngày xưa có lẽ cũng không còn xa.

Tuy nhiên mộng ước « giành lấy quê hương » của người lính Nguyễn Văn Đông, cũng như của bao chàng trai đất Việt tại miền Nam VN đã không thành hiện thực. Ngày 30-4-1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, nước mất, nhà tan. Sau đó giặc cộng đã giáng những đòn trả thù tàn độc lên quân, dân miền Nam. Là một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, lại không chọn di tản khi đất nước rơi vào tay giặc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cũng như bao quân, dân, cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bị Việt Cộng giam tù và đầy đọa nhiều năm trong các trại « tập trung cải tạo ».

Ông bị nhốt 10 năm, thời gian đầu tại trại tù Suối Máu, và những năm sau này, ông bị tách khỏi trại tù « cải tạo », bị đưa về giam tại khám Chí Hòa, nơi giam giữ các tù nhân chính trị đặc biệt. Thời gian dài trong tù, do chính sách đối xử nghiệt ngã với các tù nhân « nặng tội » (theo quan điểm của CS, làm nhạc tuyên truyền thúc đẩy quần chúng, lính tráng chống lại chúng là mang tội rất nặng), do thiếu ăn, thiếu thuốc trị bệnh, ông mắc nhiều bệnh trầm trọng, nên khi được thả về năm 1985, ông như một phế nhân, không đi đứng được. VC chẳng nhân đạo gì khi thả ông « sớm » như vậy, vì chúng nghĩ người nhà nhận ông về, chỉ để đem ông đi chôn mà thôi !

Tuy nhiên như một phép lạ, ông từ từ sống trở lại, có lẽ nhờ ý chí vượt lên mạnh mẽ, và nhất là nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc tận tình của người vợ hiền. Bà chung thủy chờ đợi ông 10 năm, và ngày ông trở về, trong hạnh phúc đoàn viên còn có nỗi đau phải chiến đấu giành giựt mạng sống cho ông. Bài hát « Về Mái Nhà Xưa » ông viết nhiều năm về trước, đã như một lời tiên tri cho ngày về thê thảm của các tù nhân « cải tạo » :

Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn

Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn…

Về đây mây nước đêm thâu lạnh lùng

Vườn dâu thưa lá ngại nỗi tương phùng…

Tuy được về với gia đình, nhưng ông đã quyết định không xin đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình « Ra Đi Có Trật Tự » dành cho các cựu tù nhân « cải tạo » (còn được gọi là chương trình H.O.) .

Nhiều người thắc mắc tại sao ông không xin đi Mỹ tỵ nạn, để thoát khỏi cái nhà tù lớn, xã hội VN thời cộng sản, sau nhiều năm bị đầy đọa trong nhà tù nhỏ (các trại tù), nơi ông tưởng đã bỏ thây, và không có ngày về. Có người còn phán đoán đây là một quyết định sai lầm, khiến bản thân ông và gia đình phải chịu nhiều hệ lụy từ khi ra khỏi tù, cho đến ngày ông ra đi vĩnh viễn: mất tự do, mất cơ hội sáng tác, bị công an theo dõi, hoạnh họe… Ông không tìm được nguồn cảm hứng sáng tác, và không còn hoàn cảnh sáng tác thuận lợi như ngày xưa, trước 1975. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đất nước đã đổi chủ, và ông như bao con dân của Việt Nam Cộng Hòa thuộc « bên thua cuộc » ! Ông đã phải thú nhận « Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc ! »

Nhưng lý do nào khiến người nhạc sĩ tài hoa chọn sống thầm lặng, để tài năng bị « thui chột » cùng năm tháng, để nhiều tác phẩm lừng danh, những đứa con tinh thần mà ông coi là có giá trị nghệ thuật đã bị « vùi dập », bị « kỳ thị », và thậm chí cho đến ngày ông nhắm mắt, cũng chưa được phép phổ biến trên quê hương Việt Nam « thống nhất » ? Lý do gần là vấn đề sức khỏe suy sụp sau nhiều năm bị đầy đọa trong trại tù cộng sản. Ông mang rất nhiều bệnh trầm trọng, khiến ông và người vợ hiền luôn phải tranh đấu khó nhọc từng ngày, để giành lấy mạng sống. Một người đã không đủ sức khỏe, nghĩ mình không còn sống được bao lâu nữa, thì còn hứng thú gì để xây lại cuộc sống mới, nơi xứ lạ quê người ? Ông cũng không có con cái, không có áp lực phải ra đi vì tương lai của con, của cháu, nên đã chấp nhận sống phần đời còn lại tại quê nhà trong thầm lặng, nhẫn nhục, bên người vợ hiền; giúp đỡ những thương phế binh VNCH, chiến hữu ngày xưa của ông, trong phạm vi có thể. Đây là một quyết định khó khăn, không phải ai cũng thực hiện được. Lý do sâu xa có lẽ chính là lòng yêu quê hương : ông thực sự muốn sống và chết nơi quê hương, một miền đất thân yêu mà ông đã dành hết tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình để cống hiến và phục vụ. Ca sĩ Thanh Tuyền cho biết « Chú nói với tôi rằng chú không muốn bon chen, chỉ muốn sống tại quê nhà. Lẽ ra chú đã có thể đi Mỹ theo diện H.O. nhưng chú đã chọn chết trên quê hương. »

Đọc lại lời trong một số bản nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, chúng ta thấy được tâm tình của ông, và phần nào hiểu được quyết định ở lại Việt Nam, nơi chốn « hang hùm, miệng rắn » đối với một sĩ quan cao cấp, và một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho quốc gia Việt Nam Cộng Hòa như ông.

Đã từng có thời gian đi tu nghiệp ở nước ngoài, (Hawaii, Hoa Kỳ, năm 1957) ông đã trải qua kinh nghiệm của một người xa quê, và nhớ quê. Ông là người « lãng mạn », thậm chí tự nhận mình là người « yếu đuối », ông cảm nhận được nỗi buồn da diết của người xa quê hương. Trong bài ca « Tình Cố Hương », ông tâm sự :

Khi anh rời xa cố hương

Tâm hồn anh vấn vương

Theo từng cây số buồn…

Khi anh rời xa cố hương

Nghe lòng mang vết thương

Quê người xa cội nguồn…

Xa cố hương miền thương bao dấu yêu…

Trông cánh chim về phương chân núi xa

Nhớ quê nhà nằm mơ đôi cánh bay

Nơi muôn trùng xa nước non

Chân tình anh sắt son

Không ngại câu đá mòn

Thấy mai đào khoe sắc xuân

Cánh nhạn trong gió sương

Nghe lòng vang khúc ca hoài hương.

Một người nặng lòng yêu quê hương như thế thật khó mà chọn sống đời ly hương, biệt xứ suốt đời. Chúng ta cũng thông cảm với nhạc sĩ, và đừng quá hẹp hòi phán đoán ông theo nhận định chủ quan của mình. Mỗi người một hoàn cảnh, và chọn lựa được sống theo cách riêng của mình, miễn sao vẫn giữ được tư cách « gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn ». Điều này nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã thể hiện được suốt quãng thời gian ông sống tại quê nhà sau ngày mất nước. Người tài năng như ông có nhiều, nhưng người có nhân cách lớn như ông không nhiều, phải nói là hiếm hoi, nhất là trong thời đất nước điêu linh dưới chế độ « xã hội chủ nghĩa ».

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã xa rời chúng ta mãi mãi. Thân xác ông nay chỉ còn là nắm tro, nhưng không có nghĩa là tất cả đều mất hết. Ông để lại những bản nhạc bất hủ, chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc. Ông truyền lại cho thế hệ mai sau tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng hy sinh vô bờ bến của người trai thời loạn, ưu ái nhắc họ :

Anh nhớ gì không anh ?

Những trai hùng đi giúp non sông

Trên bốn ngàn năm qua

Dải sơn hà đôi phen thạch mã

Gỗ đá còn gian lao,

Tiếng anh hào muôn thưở hơn nhau

Giữa cao trào thế giới dâng mau

Tựa ngàn sóng tuôn bờ đại dương…

Anh nhớ gì không anh?

Những anh tài phiêu lãng phương xa

Vui sướng gì đâu anh

Chốn quê người vui riêng hạnh phúc….

Anh nhớ gì không anh?

Giữa thanh bình hay lúc gian nguy

Xin hết lòng chung lo

Bản dư đồ cha ông nhọc khó

Trên bước đường tương lai,

Kết tâm đồng một dải non sông

Bắc-Nam cùng dòng giống tinh anh

Trời Đông một cõi núi sông Việt Nam

Trời Nam một cõi minh châu trời Đông (Anh)

Mong sao nước Việt đời đời

Anh dũng oai hùng chen chân thế giới

Mặc thời gian tóc phai đổi màu

Mặc đại dương sóng to gió gào

Đàn chim bé trong làn chớp xanh

Yêu trời tự do Á đông

Thương về đồi núi xa xa. (Hải Ngoại Thương Ca)

Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, phải đối phó với nạn diệt chủng, đang dần mất chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ vào tay ngoại bang là Tàu cộng, nên các thế hệ hậu duệ người Việt phải nhớ những lời dặn dò chân tình này, để “nghìn sau nối nghìn xưa”, tiếp tục bảo vệ và xây dựng quê hương Việt Nam, do tiền nhân Việt bao đời khó nhọc dựng nên.

Hôm nay chúng ta cùng thắp nén hương lòng tưởng nhớ ông, để tri ân một người Việt Nam yêu nước, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa biết coi trọng Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm. Gửi lời tri ân đến ông cũng chính là để tri ân chế độ Việt Nam Cộng Hòa, với nền giáo dục dân tộc, nhân bản, và khai phóng, đã đào tạo được những công dân yêu nước, những trí thức có nhân cách cao đẹp; điều khiến chúng ta luôn cảm thấy tự hào.

NGUYỄN QUỐC ĐỐNG

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.