Phan Nhật Nam -Tưởng nhớ Nguyễn Văn Đông – Mưa vẫn bay g iăng trên chiều quê hương -March 6, 2018

Phan Nhật Nam

Mưa vẫn bay giăng trên chiều quê hương..

Dẫn Nhập: Ngày 26 tháng 2, 2018 Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời tại Sài Gòn, sáng thứ Sáu 2 Tháng 3, đám tang được gia đình tổ chức đơn giản như đời sống cuối đời lặng lẽ của ông từ 30 Tháng 4, 1975, sau khi đi tù về, 1985. Đám tang diễn ra với một hoạt cảnh cảm xúc.. Những Người Lính QLVNCH thành kính im lặng chào tay tiễn biệt người chỉ huy: Đại Tá Nguyễn Văn Đông- Danh tính Nghệ Sĩ Lớn của âm nhạc Miền Nam – Biểu tượng chung của Nghệ Thuật Dân Tộc đã bị giới cầm quyền cộng sản Hà Nội cố sức xóa bỏ từ ngày sụp vỡ VNCH, 1975 nhưng vô hiệu. Nếu không nói đã gây phản tác động mạnh mẽ, sâu rộng, củng khắp.. Bởi Văn Hóa Nghệ Thuật phương Nam đã khiến kẻ xâm lược cộng sản hiện đủ bản chất vô tính, bất nhân, phi dân tộc của bản thân trước chứng nhận của Lịch Sử và Dân Tộc, cho dù đã đoạt thắng quân sự tại ngày 30 tháng 4, 1975. Thanh Âm/Tiếng Lời từ Nhạc Nguyễn Văn Đông vẫn mãi tồn tại thắm thiết như cảnh tượng cảm xúc màn mưa bay qua khu đồn vắng in hình Người Lính Cộng Hòa chắc tay súng giữ nước, an dân..

1. Ông sinh năm 1932 tại quận Nhất, Sài Gòn, năm 1946, vào tuổi 14, gia đình gửi thiếu niên Nguyễn Văn Đông vào Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu bắt đầu nghiệp dĩ Chiến Sĩ-Nghệ Sĩ và ông đã tận hiến suốt đời dài cho đến ngày vĩnh viễn ra đi, buổi đầu xuân 2018. Hoàn tất chương trình văn hóa- quân sự Trường Thiếu Sinh Quân năm 19 tuổi, người thanh niên NVĐông đương nhiên tiếp theo học Khóa 4 Trường Võ Bị Nam Việt cũng tại Vũng Tàu. Tháng 10 năm 1952, ông tốt nghiệp Thủ Khoa Thiếu Úy Trường Võ Bị, qua năm 1953, học bổ tức khóa "Ðại Đội Trưởng" tại trường Liên Quân Ðà Lạt; Năm 1954, ông ra Hà Nội hoàn tất khóa "Tiểu Đoàn Trưởng" để trở nên sĩ quan cấp Tiểu Đoàn Trưởng trẻ nhất của Quân Đội Quốc Gia lúc 22 tuổi. Những lý lịch quân vụ vừa kể cần được nhắc lại để thấy ra tấm lòng thiết tha yêu quân ngũ, phụng vu đất nước là một phản ứng tự động ắt có từ người quân nhân thuần thành – Nguyên Thiếu Sinh Quân, Đại Tá VNCH- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông – Tính cách cao thượng với dạng thức bình thường của những thế hệ Người Lính Cộng Hòa qua thể hiện Nghệ Thuật cao và Chiến Đấu bền bỉ.. Tương tự trường hợp Trung Tá Nhẩy Dù Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh, kế tục với những thế hệ sinh vào thập niên 1940, 1950 đã góp mặt suốt cuộc chiến Việt Nam cho đến ngày tàn cuộc.. Điễn hình với gương hy sinh lẫm liệt của Nguyên Thiếu Sinh Quân, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Chúng ta hãy cùng Người Lính-Nghệ sĩ Nguyễn Văn Đông sống lại những phút giây cảm xúc khi Tình Yêu và Tình Đất Nước hòa lẫn nên thành Một – Hiện thực với thê hệ Tuổi Trẻ đã Yêu/Sống trên quê hương rực rỡ Miền Nam như lời ca thắm thiết, âm sắc kỳ ảo trong Khúc Tình Ca hàng hàng lớp lớp..

#2 Đất nước hầu như không hề dứt tiếng súng từ tuổi thiếu niên, ngày anh trở thành Người Lính.. Anh sống quen với gian khổ, làm bạn với hiểm nguy cho đến buổi tàn cuộc 30 tháng 4, 1975, chấp nhận phận Người Dân mất nước, Người Lính gãy súng không lời than van, oán trách, kêu gào đền đáp với lòng tự trọng của bậc trí nhân. Hôm nay, nhân ngày Người về cõi vĩnh hằng, thành phần người Việt tồn tại sau cuộc chiến, lớp người trẻ trưởng thành nơi hải ngoại dần nhận ra điều kiêu hãnh: Quân Lực VNCH gồm những chiến binh với sức chiến đấu kiên cường, những đơn vị không hề thua sút so với bất cứ quân đội nào trên thế giới. Và kỳ lạ thay, song song với cuộc chiến đấu âm thầm, bền bỉ và cao thượng dẫu bị xuyên tạc, mạ lỵ bởi một bộ máy tuyên truyền Đông-Tây từ bạn lẫn thù.. Cuộc chiến đã được một Giòng Nhạc Chiến Đấu xây dựng, khắc sâu Hình Tượng Anh Lính Cộng Hòa vào tâm thức Người Dân Miền Nam nước Việt. Dạng hình, tính danh Người Lính ấy đã luôn tồn tại dẫu quá 43 năm kể từ 30/4/75.. Hãnh diện biết bao nếu chúng ta thấy ra rằng Giòng Nhạc Chiến Đấu ấy đã khởi động rất sớm với Nguyễn Văn Đông từ thập niên 50, 60 qua lời tự thuật chân thành xúc động của viên Trung Úy vừa qua tuổi 20.. Tiền đồn cuối năm 1956, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình.. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào tâm thân, tưởng như hồn thiêng sông núi, khí phách tiền nhân bừng bừng trong máu huyết. Từ sâu thẵm trong anh rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy sinh những cung bậc đầu tiên của khúc hát Phiên Gác Đêm Xuân..

3. Tình Yêu vốn có yếu tính của sự Vô Cùng, tuy nhiên con người vẫn có khả năng đạt tới cảnh giới vô cùng ấy ngay tại đời sống bình thường, đơn giản mà chỉ cần mối chân tình và nhiệt tâm yêu thương. Đây không là vấn đề, câu chuyện của văn chương cao xa, lãnh vực nghệ thuật sâu sắc, phạm vi triết học huyền bí.. Nhưng là thực tế được Người Lính/Mỗi Người Lính trong đoàn quân đông đảo, trên quê hương Miền Nam hiện sống qua từng ngày bão lửa từ cảnh sống nguy khốn của mình – Người Lính đã chịu đựng gian nguy, căng thân chiến đấu, từ, với Thương Yêu của Lòng Mẹ nhiệm mầu. Sự mầu nhiệm nầy càng cụ thể hơn sau ngày 30/4/1975 với tình cảnh Người Tù Lính Cộng Hòa để vượt cao hơn cái chết, bứt thoát khỏi đọa đày, cùm vây khổ đói với năng lực Yêu Thương – Tình Yêu Thương của Người Mẹ Miền Nam – Thế nên với tâm chất mẫm cảm nhân hậu của Người Nghệ Sĩ, Nguyễn Văn Đông đã thấy ra từ rất xa năng lực vô vàn của Lòng Mẹ – Tất cả cố kết nên hình tượng – Người Mẹ của thế gian khổ đau nầy và Mẹ Maria cũng là Một. Đã từ rất lâu Nhạc Nguyễn Văn Đông đã viết nên nên âm thanh, ngôn ngữ cảm xúc.. Mẹ ơi lời tâm thư gói trọn tình con viết từ chiến trường.. Mẹ ơi sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con.. Mẹ ơi cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường.. Đồng bào ta cùng thương nhau.. xóa hận thù đi.. lấp đi đường ranh giới.. Buổi Yêu Thương cao quý kia được Nghệ sĩ Nguyễn Văn Đông hiển hiện tại thời điểm linh thiêng.. Một trời sao sáng ngời. Thiên Chúa sinh ra đời. Mang tình yêu thương tới khắp nơi trần thế.. Muôn lời ngợi ca Chúa Giáng Sinh trần gian !

#4- Lịch sử Dân Tộc Việt hầu như rất hiếm có giai đoạn thanh bình lâu dài.. Bởi phải luôn trực diện đương cự kẻ thù phương Bắc, mở rộng bờ cõi phương Nam.. Qua đến thế kỷ 19, từ khi tiếng súng của tàu chiến Pháp khai hỏa ở cửa Đà Nẵng thì đất nước chìm dần vào cảnh can qua với những thế hệ người Việt quyết tử đánh ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Máu xương người Việt tiếp tục tuôn tràn chất đống khi tổ chức, cộng sản thành hình từ 1930, và quyết giành độc quyền cai trị Dân Việt mặc cho đau thương vạn triêu Người Việt lót đường cho mưu định nhuộm đỏ toàn cầu.. Những thế hệ Người Việt Tự Do phải nhất tề siết chặt tay súng với ý niệm không hể nói nên lời: Tự Do hay Chết. Người Lính Việt Nam dần được hình thành với sứ nhiệm Bảo Quốc An Dân mà quả thật họ không hề nói lên thành chủ thuyết..Trong diễn trình sống/chiến đấu/vượt chết nầy những hình ảnh về người lính thoạt đầu do ước lệ, quy định sẵn dần nên thành hiện thực, sống động, cố kết.. Nầy đây, người trẻ hai mươi, vừa rời lớp học, bỏ bộ đồ dân sự để gánh trên vai ba-lô, cây súng, chiếc nón sắt.. Tất cả kết thành khối nặng tương đương với thân thể, bắt đầu dấn thân vào cuộc trường chinh không kết thúc với số lương lính ít ỏi, bổn phận nặng nề, cảnh chết thường xuyên đe dọa.. Người Lính Miền Nam dần kết cấu nên dạng hình thân yêu hy sinh, xã kỷ của đất nước Miền Nam. Vì đấy chính là người con thân yêu, đứa em máu thịt, người chồng, người cha cột trụ của gia đình, xã hội, đời sống của vạn, triệu người dân.. Nhạc Lính đã hình thành trong diễn tiến nhân bản, thiết tha nầy.. Nguyễn Văn Đông đi tiên phong từ thập niên 50, 60, ông tái hiện cảnh sắc của tiền đồn đầu xuân, đêm gác buổi giao thừa, cảm xúc của người xa xứ nhìn lại chốn quê hương đang trong vùng lửa đạn.. Tiếng lời, ngôn ngữ, cấu trúc Nhạc Nguyễn Văn Đông thanh thoát, đơn giản, trung hậu, chân thành để người ca sĩ diễn đạt như đã sống THẬT NHƯ THẾ.. Nhiều thế hệ người Nam qua âm sắc dựng nên bởi Nguyễn Văn Đông tưởng như đã từng một lần tận yêu thương, hằng sống mãi trong một chiều mưa nơi một miền biên giới mù sương..

Kết Từ: Ông có một tính danh đơn giản – Nguyễn Văn Đông, khởi đầu cuộc sống với một tập thể thấm nhuần nguyên tắc và nặng tính kỹ luật, Trường Thiếu Sinh Quân. Và sau khi tốt nghiệp sĩ quan giữ nhiệm vụ một sĩ quan chỉ huy, tham mưu của đơn vị bộ binh tác chiến. Ông sáng tác ca khúc, soạn tuồng tích sân khấu cải lương, phối hợp tân-cổ nhạc.. Ông thành công trong nghiệp vụ sản xuất sản phẩm nghệ thuật sân khấu, cũng như quân vụ, hiện thực một đời sống đơn giản, bình an và sung mãn cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng không hẳn là vậy.

Sau tháng 4/1975, ông phải chịu cảnh tù cải tạo trong 10 năm như thống nhục chung toàn miền Nam.. Nhưng không phải chỉ cảnh tù bình thường mà tình cảnh cùng khốn của người bị bại liệt nằm trên một tấm ván nhỏ, dùng tay di chuyển đẩy đi. 1985, ông ra khỏi nhà tù, trở trở về nhà, chịu nhiều di chứng trầm kha, tinh thần và thể xác bị suy sụp toàn diện. Nhưng từ trong cơ thể tan vỡ kia, từ chiếc đầu đã mất năng lực sáng tạo nghệ thuật, khi một giám đốc trung tâm băng nhạc hải ngoại về Saigon tiếp xúc với ông và chuẩn bị một chương trình Nhạc Nguyễn Văn Đông với các ca sĩ thành danh do anh đào tạo trước kia.. Tất cả dự tính ắt sẽ thực hiện chỉ đợi những thủ tục giấy tờ, bảo lảnh, trung tâm băng nhạc đã làm sẵn Visa đưa ông sang Mỹ. Nhưng cuối cùng ông đã từ chối với lý do: Nếu chịu qua Mỹ, sau khi về lại Việt Nam thì thế nào cũng bị kiểm điểm bởi những tên cộng sản trẻ tuổi. Ông đã quá lớn tuổi, không thể để bị gọi lên đồn công an, để trả lời cuộc thẩm vấn bởi mấy tên con nít, không biết gì về âm nhạc.." Vâng, sau bao nhiêu khổ nạn, đọa đày ông giữ nguyên tư cách của một sĩ quan Cấp Đại Tá Quân Lực VNCH. Ông giữ đúng phẩm chất một bậc thầy tốt nhiệp Tiến Sĩ Học Viện Âm Nhạc Pháp. Nhưng cao hơn hết, ông vẫn là, luôn là Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông- Người đã tái hiện, làm sống mãi cảnh tượng kỳ ảo mưa bay qua khu đồn vắng nơi buổi Chiều Mưa Biên Giới trên Quê Hương yếu dấu Miền Nam. Hôm nay, vào những buổi chiều mưa trên quê hương, trong lòng người Miền Nam nhớ nước ở hải ngoại vẫn âm vọng tiếng mưa vô hồi tiễn Người đi về cõi vĩnh hằng – Chiến Sĩ-Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông.

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.