Sao anh không về chơi Hoa Thịnh Đốn
Hoàng Lan Chi
Ngày xưa không hiểu sao tôi thích vài câu sau của Hàn Mặc Tử:
Sao anh không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai muớt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điềnCó lẽ vì “xanh như ngọc” và “che mặt chữ điền” chăng?
Tháng Năm, trời xanh ngắt và Hoa Thịnh Đốn đang đẹp. Nắng hè chưa đổ lửa và hoa đang tưng bừng khoe sắc:
Sao anh không về chơi Hoa Thịnh Đốn
Để ngắm rừng phong lúc xế chiều
Để nghe dòng nhạc kiêu hùng ấy
Và thấy thương yêu bỗng thật nhiều!Nghe “sến” nhỉ?!
Tôi yêu Hoa Thịnh Đốn cũng vì mùa thu diễm lệ với rừng phong lá đỏ. Những con đường quanh co lên đồi xuống dốc và thi thoảng đó đây là rừng trúc mảnh mai. Vì thế nếu rủ rê thì tôi thích rủ đến vào mùa thu. Bây giờ đang là hè và tôi muốn rủ rê anh đến vào mùa thu.
Nhất là thu năm nay! “Thu quyến rũ” không phải vì một tà áo xanh mà thu chơi vơi vì dòng nhạc Lê văn Khoa. Cách đây mấy năm tôi đã nghe nhạc hoà tấu của LVK và thấy hay. Tôi không có cơ hội nghe nhiều nhạc hoà tấu của các tác giả khác và vì thế với tôi, nhạc sĩ Việt là LVK, nhạc hoà tấu hay! Năm nay, với dàn nhạc giao hưởng cả trăm nhạc công, ca sĩ của Ukraine đã là môt điều thú vị rồi. Thú vị khác là nghe hợp xướng Hoa Thịnh Đốn. Thú vị khác nữa là nghe nhạc LVK trong dòng nhạc lịch sử ca.
Tôi biết, anh sẽ bĩu môi với cái thú một và hai. Không hề chi, anh mê dàn nhạc giao hưởng Pháp, Mỹ, có vẻ sang trọng quá! Tôi, lắm khi tôi yêu chân quê. Như tôi yêu:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gío nội bay đi ít nhiều!Yêu “chân quê” nên tôi sẽ thú vị với những Ukraine , với những gì coi như cùng loại với Ukraine !
Và anh không yêu dàn hợp xuớng của Hoa Thịnh Đốn thì cũng phải thôi vì anh có phải là “người Hoa Thịnh Đốn” đâu nào?Nhưng anh sẽ đồng ý với tôi cái thú vị số ba! Thì chính anh đã réo gọi “ …Em nghe nhạc hoà tấu LVK chưa hả cô Bắc kỳ nho nhỏ của anh? Em cứ hay nghe sáng tác mới để làm gì!”. Ơ, thì phải nghe sáng tác mới để giới thiệu chứ. Anh khó tính và hay chê các nhạc phẩm mới. Tôi làm khó để anh phải gửi nhạc LVK. Năm ấy, tôi nghe nhạc giao hưởng của LVK đúng vào mùa thu. Trong tiết trời se lạnh, trong sắc vàng đỏ của lá phong ngập đường đi, nhạc LVK chiếm trọn hồn tôi. Với “In the moon light”
Một duyên tình cờ mà tôi phỏng vấn LVK cho chương trình “Ca Ngợi Tự Do”. Anh Bùi Dương Liêm là người phụ trách chương trình “Phỏng Vấn và Tìm Hiểu” của đài Truyền Hình Hoa Thịnh Đốn và anh bận việc bất ngờ nên anh nhờ tôi thay anh.
Hoàng Lan Chi- Lê Văn Khoa- Nguyễn Đức Nam
Nguyên uỷ của Đài Truyền Hình Hoa Thịnh Đốn là thế này: tại Fairfax County , khi một công ty TV cable nào trúng thầu thì “county” yêu cầu họ phải bảo trợ một vài “chanels” cho county, và đây là sự thành hình của hệ thống truyền hình Fairfax Public Access(FPA).
FPA gồm hai channels một channel gồm những chương trình nói tiếng Anh và một channel dành cho các sắc dân người Mỹ gốc ngoại quốc. Ngoài ra còn có một chanel phát thanh.
Chương trình truyền hình tiếng Việt trong vùng Hoa Thinh Đốn trình chiếu trên đài Fairfax Public Access lấy tên Mỹ là Vietnamese Public Television –( VPTV ), tên Việt là Truyền Hình Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, logo do Bùi Dương Liêm “design”.VPTV hay THVN/HTĐ do Lê Văn Hùng và Ngô Ngọc Hùng sáng lập vào năm 1991 cùng với một nhóm anh em khác, tất cả đều tự nguyện (volunteer)”, bỏ tiền tuí và thời gian để điều hành chương trình. Sau một thời gian phát hình, VPTV nhận được sự yểm trợ của khán thính giả trong vùng qua các cuộc gây quỹ..
Sau khi anh Lê Văn Hùng di chuyển khỏi vùng Hoa Thịnh Đốn, Ngô Ngọc Hùng được anh em bầu làm Tổng Giám Đốc (Trưởng nhóm ). Các “volunteers” thời đó, ngoài anh Ngô Ngọc Hùng là các anh Nguyễn Thành Công, Đinh Quang Trung, Võ Thành Nhân, Nguyễn Văn Thành, Bùi Dương Liêm, Bùi Vũ Đức, Phạm Ngọc Lâm,Nguyễn Uyên, Hùng Vòng, Đỗ Hồng Anh, Nguyễn Văn Hiếu, Giáp Phúc Hưng….và các chị Kiều Thu, Nguyễn thị Bé Bảy, Quỳnh Trang, Lê Chi, Thùy Linh, Ngọc Hạnh…
Chương trình Truyền Hình Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn gồm hai phần: phần thứ nhất một tiếng đồng hồ gồm có tin tức, phóng sự, và văn nghệ. Phần thứ hai nửa giờ “Trực Tiếp Phỏng vấn và Tìm Hiểu” do Bùi Dương Liêm làm Giám Đốc.
Từ năm 1997, Ngô Ngọc Hùng ra ngoài để lập Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại và nhóm còn lại vẫn tiếp tục. Anh Đinh Quang Trung được bầu làm Tổng Giám Đốc thay thế anh Ngô Ngọc Hùng. Ông Nguyễn Phúc gia nhập vào năm 1996. Sau khi anh Đinh Quang Trung rút lui, dành thì giờ cho đài phát thanh….. anh em bầu ông Nguyễn Phúc làm Tổng Giám Đốc kể từ năm 2000). Từ đó đến nay ông Nguyễn Phúc vẫn phụ trách chương trình một giờ và Bùi Dương Liêm vẫn lo chương trình “Trực Tiếp Phỏng Vấn và Tìm Hiểu” nửa giờ.
Bùi Dương Liêm thông minh và có lối phỏng vấn đặc biệt của riêng anh. Chương trình của anh không cho biết trước câu hỏi và phát hình ngay buổi tối, không “edit” gì cả. Có thể xem gần gần như là “trực tiếp”. Đã không đưa câu hỏi trước và anh lại hay “bắt bí” nên một số người đã ví von “Chương trình thẩm vấn” thay vì phỏng vấn!
(Thật ra, chương trình này đã thực hiện một cách “ trực tiếp” cho tới năm 1997, nghĩa là khán giả đang coi ở nhà được gọi vào để đặt câu hỏi trực tiếp với người đang được phỏng vấn.)
Tôi cũng nghe đồn “thẩm vấn.” . Vì vậy năm 2009, khi Bùi Dương Liêm mời tôi cắm hoa cho tháng Năm, tháng Châu Á Thái Bình Dương”, tôi hăm he “Anh mà hỏi bí tôi là tôi từ anh ra!”. Coi bộ Bùi Dương Liêm cũng hơi ớn cô Bắc Kỳ này nên dỗ dành “Cắm hoa là nghề của chị, có gì mà bí” nhưng cũng “xỏ lá” “Và tôi sẽ khônghỏi ngày xưa ông xã chị mua hoa ở đâu đâu?”.
Tôi cũng tranh luận với Bùi Dương Liêm về phỏng vấn. Tôi lý sự:
-Chương trình phỏng vấn của tôi là “Trò Chuyện với Lan Chi” nên tôi không bắt bí ai cả. Họ tự do nói và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì họ phát biểu. Họ, không phải là ứng cử viên một chức vụ nào đó, mở cuộc họp báo mà tôi phải hỏi khó. Ở đây là tôi tìm hiểu nên tôi cho câu hỏi trước để họ chuẩn bị và nói cho gọn ghẽ.Bùi Dương Liêm không chịu. Anh nói rằng anh không muốn đóng kịch, tôn trọng người được phỏng vấn.cũng như muốn dành cho khán thính giả những thích thú bất ngờ. Anh cho bìết nhiều người rất thích lối phỏng vấn của anh, trong đó có ông Du Tử Lê.
Tôn trọng chương trình của Bùi Dương Liêm nên tôi cũng soạn bài nhưng đến lúc phỏng vấn mới đưa câu hỏi cho anh Lê văn Khoa. Hơi trục trặc chút xíu, chị Bé Bảy, bà xã Bùi Dương Liêm nghe nhầm tuởng là chương trình “35 năm âm nhạc LVK, 35 năm tị nạn và 10 năm tưởng nhớ nạn nhân vụ 911”. Đến nơi mới biết là “Ca ngợi tự do”! Gồm nhạc cổ điển, symphony “1975” của LVK, dàn hợp xướng Hoa Thịnh Đốn hát với dàn hoà tấu của Ukraine. Phỏng vấn một vị trong Ban Tổ Chức cũng thay đổi, cuối cùng là nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam thay cho XYZ.
Anh Lê Văn Khoa, tôi mới gặp lần đầu. Còn Nguyễn Đức Nam , anh “Hồi xưa, tôi với Lan Chi phỏng vấn nhau hoài!”. Chúng tôi cùng bật cười. “Có trời mới biết anh Nam định nói gì nhỉ”, anh LVK nói. Thực ra, NĐN ám chỉ năm 2005, tôi mời anh hợp tác chương trình “Tác Giả-Tác Phẩm và Thính Giả” với tôi, trong đó tôi và anh cùng bàn luận về một tác phẩm CD.
Tôi hỏi chị Bé Bảy “Hôm nọ phỏng vấn anh Lê Duy San, còn chạy vào bếp để ho được, bây giờ thì sao? “Cứ ho tự nhiên vì không edit đâu!” Trời đất, thế mà khúc sau có ho thật vì khi không giọng khàn đặc nên phải “ho” một cái!
Phần ba của chương trình được đưa lên youtube là phần vui nhất vì tôi chọc ghẹo Nguyễn Đức Nam . Nói cách khác, tôi “hỏi bí” nhưng không có tính cách “thẩm vấn” nên hẳn NĐN không có gì phải “từ” tôi! Ngược lại, cô bạn nhỏ còn thích và khen “Cái ông gì đó bị chị dí nhưng tỉnh như ruồi. Đúng là dân Bắc Kỳ với nhau”.
Tháng Chín, mới chớm vào thu nên rừng phong rất đẹp. Mầu lá chớm đổi nên dưới ánh nắng mai, chút xanh, chút đỏ và chút vàng óng ánh như dát vàng thật dễ làm lòng người xao xuyến. Tôi mong có anh đến vào thời khắc ấy. Chỉ cần có người cùng ngắm, cùng chia sẻ và nhất là lại nghe nhạc không lời của LVK khi dung dăng hay ngồi trên một gốc cây gẫy trong rừng phong, thì còn gì thú bằng phải không?
Tôi nhớ ngày nào ở Đà Lạt, khi tôi mải mê lại gần thác nước, anh kéo tôi “Thôi cô nương ơi, ướt hết tóc bây giờ”. Tôi chúi người suýt ngã vào lòng anh. Cú ngã ấy nếu có sẽ là gì nhỉ? Tôi bật cười nhớ lại chuyện xưa. Anh, đang ràng buộc và tôi thì tự do. Hẳn là lúc đó, anh rất “xao lòng” vì tôi! Linh tính phụ nữ mà. Phái đoàn vào buôn, trời đổ cơn mưa, anh lại kéo tôi “Mưa rồi cô nương ơi, đứng xích vào đi”. Cú kéo ấy không làm tôi suýt chúi vào lòng anh nhưng đã đẩy tôi thoảng qua anh, rất nhẹ. Để rồi tôi đứng vào đoàn người dưới hàng hiên che và anh thì hứng mưa! Tóc anh ướt, mắt anh uớt còn tim tôi thì …ướt!
Bao năm, tôi còn nhớ như thế đó. Phụ nữ, phụ nữ “lãng mạn con nhà giáo” như tôi hay thích những “nho nhỏ” như vậy. Bây giờ cả anh và tôi đều tự do nhưng có gì đó ngăn cản. Phải chăng là tuổi già, là trái tim không dễ bị uớt như xưa, là thay đổi ở tôi – nhiều hơn anh?
Tôi thích symphony “1975” của Lê văn Khoa. Trải dài mười năm để anh hoàn tất, từ 1985 đến 1995. Nhạc không lời được dùng để diễn tả lịch sử cận đại của Việt Nam . Symphony gồm bẩy phần: Dẫn Nhập, Đám Rước, Hội Hè, Trăng Rằm, Trong Đêm Thâu, Trên Biển Cả và Ca Ngợi Tự Do. Mỗi phần có nét riêng nhưng tôi đặc biệt thú vị với “Hội Hè” vì tôi muốn nhớ lại khung cảnh thanh bình của quê hương và “Ca Ngợi Tự Do” được trình diễn bởi Ban Hợp Xướng của Ukraine, hát bằng chính lời Ukraine. Không biết vì sao nghe bản này lại gợi cho tôi nhớ năm đệ thất mới vào Gia Long. Năm đó văn nghệ cuối năm nhạc sĩ Nguyễn Đức dàn dựng “Tiếng trống Hạ Hồi”. Năm đó, nghe tiếng Hoàng Oanh ngâm thơ rồi dàn hợp xướng nữ sinh Gia Long cất giọng thật hay. Bao năm tôi qua, tôi vẫn nhớ và vẫn yêu:
Ngàn quân Tầu vượt cầu như gió ngàn
Hàng ngàn hàng ngàn quân Tầu vuợt cầu như thác ngàn
Ngàn quân Tầu vuợt cầu tô sắc mầu sắc mầu Nhị Hà Nhị Hà…Ngày bé tôi vốn yêu giờ lịch sử nên khi nghe hợp xuớng bản đó, tôi mê mẩn. Giờ đây, ban hợp xuớng Ukraine đem đến cho tôi một cảm xúc khá lạ khi nghe “Ca Ngợi Tự Do”.
Tôi biết, anh lại sẽ có thể không đồng ý vơi tôi. Chẳng hạn, anh sẽ thích phần “Trăng Rằm” vì trong phần này, tiếng chuông ngân nga trong đêm khuya thanh vắng và êm ả mở đầu cho tấu khúc.
Thì đó chính là cái khác biệt giữa tôi và anh.
Anh yêu chuông chùa ngân nga
Tôi yêu hợp xướng hào hùng.Nhưng dù yêu điều gì thì tất cả đều có ở “Symphony 1975” và tôi lại muốn rủ rê:
Sao anh không về chơi Hoa Thịnh Đốn
Tháng Chín chớm thu và dòng nhạc Lê Khoa
Tiếng chuông chùa sẽ làm anh êm ả
Quên muộn phiền với “Hoàng Thị” xôn xao!Hoàng Lan Chi
Anh yêu yêu
Năm xưa, anh gửi cho “cô Bắc kỳ nho nhỏ” “In the moon light” này đây:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/MoonLight.mp3Năm nay cô Bắc Kỳ gửi cho anh, “Full moon” nhé
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/Moon.mp3Nhưng cô Bắc Kỳ lại thích Festival cơ:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/Festival.mp3Và đây trong đêm thâu nơi biển cả khi đi tìm tự do:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/Sea.mp3Và đây nữa, Ban hợp xướng Ukraine với “Ca ngợi tự do”:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/Freedom.mp3
Mời ghé xem
-
Bài mới
- HLC-Cầu Chúc Thầy Chu Phạm Ngọc Sơn đến được nơi Thầy muốn- Aug 14, 2024
- Hoa xôi, cá xôi- Lên đường thôi, “bà chằng” ơi – June 30, 2024
- Người Mẫu” Lucky rất ngoan trong Vườn Phật- May 14, 2024
- HLC-Bài thơ hay của LêThuyVi- Khi Thuỵ về Nha Trang- July 5, 2024
- Huỳnh Chiếu Đẳng- Hãy biến điện thọai cũ thành s ecurity camera cho nhà bạn- march 12, 2024
Những bài đọc nhiều nhất
- Sài Gòn ngày ấy
- Gia Long ngày ấy
- Trang Tưởng Nhớ Nguyễn Văn Đông -2018
- Bảy ngày ngà ngọc
- Portland tưởng như là ngày cũ
- Trường xưa thầy cũ
- Một thuở sinh viên
- Một thuở gõ đầu trẻ
- Một thời “Tổng Nha Kế Hoạch”
- Con gái người dưng
- Viết về các văn sĩ thân hữu
- Viết về các nhạc sĩ thân hữu
- 30 năm nhìn lại
- Những người tình “Chu Văn An”
- PV NS Nam Lộc về nhạc trẻ
- Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông
- Hà Thanh với Nguyễn Văn Đông
- Một chặng đường thơ
- Trang Viết về Phạm Duy
Lan Chi thắc mắc
Trích đoạn Lan Chi phỏng vấn vài người