Truyền Thanh Mạch Sống- Quyên Di và Hoàng Lan Chi (Tháng Tư Dươn g Đào- Thơ Nghiêu Minh) 2008

Đài Việt Nam Hải Ngoại

Truyền Thanh Mạch Sống

Chương trình Mái Ấm Gia Đình

Quyên Di và Hoàng Lan Chi phụ trách

Tháng Tư Dương Ðào

Này em, con bồ câu Ðàlạt

Gù trên nóc chợ giữa mù sương

Cành lan trắng cũng vừa thơm ngát

Theo cùng em lên dốc đến trường

Ngày bình minh má hồng nắng nhạt

Cành thông non vừa lớn bên hồ

Em chân suối tung tăng tiếng hát

Hồn tôi sỏi vụn cũng soi mòn

Tôi đồng bằng đem trâu lên núi

Hát nghêu ngao giữa lối hoa đào

Lúc đó em và trăng cùng tuổi

Mình yêu trăng và mình yêu nhau

Nhớ hôm qua suối còn trên núi

Cùng sim rừng lớn giữa mùa trăng

Em chạy nhẹ quanh đồi mưa bụi

Suối giờ đây chảy xuống hồ xanh

Này em, hạt cà phê Ðàlạt

Chín trên đồi mời gọi bầy chim

Tôi và trâu lần theo ngọn thác

Thèm giọt đắng cho vỡ mạch tim

Ðường khuya lạnh quán đêm lưng dốc

Khói thuốc trùm như những núi sương

Em và tôi khuấy hồn trong cốc

Giọt đen tuyền mình uống yêu đương

Căn gác sâu thấy núi sau nhà

Vườn cải xanh búp non còn ngủ

Tôi và trâu bắt đầu ủ rũ

Nhớ ruộng xanh và nhớ vườn cau

Rồi một ngày mang theo thác đổ

Cả rừng thông và những hồ sương

Em làm quen mùi thơm lúa trổ

Giếng nước trong tràn xuống đầy mương

Này em, áo bà ba thôn nữ

Khói cơm chiều un trắng mái đưng

Cánh áo len nằm sâu đáy tủ

Còn hương đầu khi mới yêu đương

Năm tháng rộng trên đường xuôi ngược

Tình nương nhau tình ngã tình nâng

Ðể những mùa tuyết bay giá buốt

Em còn mang chiếc áo hương nồng

Em nơi đây rực rỡ dương đào

Con bồ câu trên cành gù gọi

Giọt cà phê hồn tôi tiếp nối

Màu dương đào tím cả hồn nhau.

Nghiêu Minh

Lan Chi: Chương trình Mái Ấm Gia Đình xin chào tái ngộ quý thính giả. Kính thưa quý vị, trong các kỳ trước chúng tôi đã gửi đến quý vị nhiều chủ đề liên quan trực tiếp đến gia đình như những phút xao lòng, người đàn bà thứ nhất và thứ hai của người đàn ông hay cách dậy con gái ở tuổi 13… Đặc biêt hôm nay xin được giới thiệu đến quý vị một nét đẹp khác của mái ấm. Nét đẹp ấy là gì, xin mời quý vị theo dõi nhé.

QD: Vâng, thưa quý vị, hôm nay chúng tôi không giới thiệu chủ đề có tính cách giáo dục nữa mà mời quý vị thưởng thức nét văn hoá nghệ thuật ở một góc nhà. Nằm khiêm tốn trong tủ sách gia đình, có truyện, có thơ của tình nhân cho nhau, của vợ chồng cho nhau. Nói đến thơ cho vợ thì chúng ta hẳn đã xem nhiều bài thơ viết cho vợ của các nhà thơ. Thơ tặng vợ đa số là ca tụng những tháng năm tần tảo nuôi chồng, dậy con, sự hy sinh vô bờ của người phụ nữ. Hôm nay chúng tôi giới thiệu một bài thơ cho vợ phải nói khá độc đáo. Xin nhờ Lan Chi giới thiệu nét độc đáo ấy nhé.

Lan Chi: Vâng, nét độc đáo đó là bài thơ như một tình sử vậy. Đi từ thuở quen nhau đến khi lấy nhau và đường đời xuôi nguợc có nhau. Bài thơ với tựa đề "Tháng tư dương đào" của Nghiêu Minh. Anh QD này, anh nghĩ gì khi đọc tựa đề này?

QD: Dương đào là loại cây bụi, cành non nhiều lông, cành già nhẵn, hoa mọc thành chùm ở kẽ lá. Dương đào không phải là loại hoa bán đắt tiền, nhưng nó tạo vẻ thơ mộng, cũng như cái thơ mộng của mimosa vậy. Với tựa đề ấy, khó mà hình dung được đấy là thơ cho vợ. Hẳn Lan Chi đã có tiếp xúc với tác giả rồi vì đó là ‘nghề của nàng’ mà. Vậy xin nàng giải nghĩa cho thính giả biết với?

Lan Chi: Anh đúng một nửa. Lan Chi có nói chuyện nhưng không phải tác giả mà là đối tượng của bài thơ tức vợ nhà thơ. Chị ấy cho biết đó là tháng tư mùa hoa anh đào nở của Virginia và cũng là sinh nhật chị. Nhìn hoa anh đào bây giờ, nhớ đến dương đào thưở nọ, anh viết bài thơ ấy tặng chị. Anh QD biết không, Lan Chi thuờng thích những gì nhẹ nhàng thơ mộng nên khi đọc bốn câu đầu, Lan Chi thích cái hình ảnh, cô gái lên dốc đến trường và dọc con dốc, một cành lan trắng cũng vừa nở thơm ngát. Và thưa quý vị, Lan Chi sẽ đọc đoạn thơ trước rồi sau đó xin mời quý vị nghe Hồng Vân ngâm

Này em, con bồ câu Ðà Lạt

Gù trên nóc chợ giữa mù sương

Cành lan trắng cũng vừa thơm ngát

Theo cùng em lên dốc đến trường

QD: Thơ mà phải diễn tả, phải cắt nghĩa thì đôi khi không còn phải là thơ nữa. Tuy nhiên, trong đoạn thơ này, hình ảnh đẹp quá khiến cho mình không cần phải cắt nghĩa mà đã cảm xúc. Anh con trai gọi cô gái và chỉ cho cô thấy con bồ câu của thành phố Ðà Lạt đang gù trên nóc chợ còn đang ẩn hiện giữa sương mù. Bồ câu gù có nghĩa là bồ câu đang cất tiếng gọi bạn tình. Nhưng bồ câu này cũng có thể là chính cô gái, và câu đầu của đoạn thơ cũng có thể được hiểu là lời gọi của chàng trai. Anh gọi: “Này em, con bồ câu Ðà Lạt của tôi ơi…” Thôi, chắc tôi ngưng ở đây cô Lan Chi ạ, vì coi chừng tôi rơi vào cái bệnh cắt nghĩa thơ mất thôi! Anh con trai này có vẻ hiền lành nhưng coi bộ cũng cắc cớ lắm đó!

Lan Chi: Lan Chi suy nghĩ giống anh. Tác giả đã gọi người tình là con bồ câu. Chà, khi yêu nhau thì gọi nhau bằng đủ thứ tên. Và Lan Chi biết anh không thích cắt nghĩa thơ mà chỉ thích cảm thơ. Nhưng này anh, cái đoạn ba có hơi khó hiểu. Vì sao, "tôi đồng bằng đem trâu lên núi?" Nhưng Lan Chi lại thích cái câu "Lúc đó em và trăng cùng tuổi". Nghe thú vị thật. Anh QD biết không, ngày xưa Lan Chi thích bài thơ "Tuổi 13" của Nguyên Sa vì mấy câu sau:

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám

Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba

Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ

Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn

Thật dễ thương. Còn bây giờ, Nghiêu Minh với câu thơ "Lúc đó em và trăng cùng tuổi" cho ta biết ngay tuổi của nàng. Mà lạ nhỉ, các nhà thơ hay dùng trăng để ví von hay ám chỉ điều gì đó liên quan đến người yêu. Mai mốt Lan Chi … sẽ làm thơ dùng mặt trời để ám chỉ, cho lạ, anh QD ơi!

QD: Được rồi, với mặt trăng, người ta dễ ẩn dụ vì trăng rằm là 15, trăng tròn vành vạnh là trăng 16. Còn với mặt trời, chỉ là "tà tà bóng ngả về tây" thì tôi sẽ xem cô nương Lan Chi dùng ẩn dụ kiểu nào để nói về tuổi của giai nhân! Còn bây giờ tôi mời Lan Chi cùng quý thính giả xem đoạn thơ tiếp nhé

Nhớ hôm qua suối còn trên núi

Cùng sim rừng lớn giữa mùa trăng

Em chạy nhẹ quanh đồi mưa bụi

Suối giờ đây chảy xuống hồ xanh

Này em, hạt cà phê Ðàlạt

Chín trên đồi mời gọi bầy chim

Tôi và trâu lần theo ngọn thác

Thèm giọt đắng cho vỡ mạch tim

QD: Cái anh thi sĩ Nghiêu Minh này chúa là ví von. Hết ví người ta là bồ câu, giờ lại ví người ta là suối chảy tung tăng giữa núi rừng. Thế rồi lại còn ví người ta là hạt cà phê chín nữa. Cô con gái trong trắng, mềm mại như suối lớn lên giữa núi đồi, với sim, với trăng, với mưa bụi. Nhưng cô cũng rất quyến rũ khiến người con trai đồng bằng phải đam mê. Vì thế cô là hạt cà phê chín tỏa hương thơm nồng đậm, đến nỗi anh chàng thèm đến độ… muốn vỡ mạch tim. Tôi không nghĩ anh ta dắt con trâu… thiệt lên núi theo nàng đâu, nhưng là con trâu trong tâm hồn, con trâu của tấm lòng thuần hậu, chân chất người con trai đồng bằng. Thế mà cái anh con trai thuần hậu chân chất đó thèm giọt đắng cà phê Ðà Lạt thơm nồng quyến rũ đến độ… vỡ cả mạch tim thì khiếp thật đấy!

Lan Chi: ừa hén, Lan Chi cũng nghĩ "con trâu’ có lẽ ám chỉ cái tính chân chất của chàng, người đồng bằng miền nam. Anh QD này, Lan Chi thích nhất cái câu " thèm giọt đắng cho vỡ mạch tim". Tác giả gọi người yêu là hạt cà phê Đà Lạt và thèm giọt cà phê cho vỡ tim. Vâng, ta yêu em và trái tim này đang muốn vỡ vì tràn ngập hình ảnh em đang chạy trên đồi mưa bụi cùng với hương lan toả ngát núi đồi. Đoạn thơ sau lại có một câu theo thiển ý Lan Chi là hay. Đó là " em và tôi khuấy hồn trong cốc". À ha, vì Lan Chi cũng mê cà phê nên tưởng tượng hình ảnh tình nhân ngồi bên nhau, cùng khuấy cốc cà phê và như đang khuấy hồn nhau chung trong cốc. Tác giả này người Nam chính cống bà lang trọc mà "xí xọn" dùng chữ "cốc" của người Bắc tụi mình đây, anh QD à. Tình yêu muôn năm! À, câu này làm Lan Chi liên tưởng đến một câu thơ khác của Phạm Công Thiện mà Lan Chi rất thích, để Lan Chi đọc anh QD nghe nhé

Gió thổi đồi tây hay đồi đông

Mưa hạ ly hương nước nguợc giòng

Trong mơ em vẫn còn bên cửa

Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Mười năm qua gió thôi đồi tây

Tôi long đong theo bóng chim gầy

Một thoáng em về trong đáy cốc

Mây trời bay trắng cả rừng cây

Cái "cốc" trong thơ văn nghe không khô khốc mà lại rất gợi hình phải không anh, cũng như “Thoáng hiện em về trong đáy cốc” của thơ Quang Dũng vậy. Nhưng thôi để Lan Chi đọc đoạn thơ của Nghiêu Minh nhé

Ðường khuya lạnh quán đêm lưng dốc

Khói thuốc trùm như những núi sương

Em và tôi khuấy hồn trong cốc

Giọt đen tuyền mình uống yêu đương

QD: Hai đoạn sau đây cũng dễ thương lắm cô Lan Chi ạ:

Căn gác sâu thấy núi sau nhà

Vườn cải xanh búp non còn ngủ

Tôi và trâu bắt đầu ủ rũ

Nhớ ruộng xanh và nhớ vườn cau

Rồi một ngày mang theo thác đổ

Cả rừng thông và những hồ sương

Em làm quen mùi thơm lúa trổ

Giếng nước trong tràn xuống đầy mương

Anh chàng “miệt vườn” này cũng sung sướng hạnh phúc khác nào Từ Thức vào được non tiên. Anh này nói năng tán tỉnh thế quái nào mà lại được nàng mời vào nhà, leo lên gác mới kinh chứ! Thế rồi cũng giống như Từ Thức, vào được non tiên rồi thì lại nhớ quê nhà, chàng “miệt vườn” nhà ta đam mê thì đam mê thật nhưng bắt đầu nhớ rưộng xanh, nhớ vườn cau quê mình rồi. Tuy nhiên, chàng ta hơn hẳn Từ Thức bỏ về quên một mình để rồi mất cả chì lẫn chài, đằng này chàng “miệt vườn” bưng luôn cô gái đất cao nguyên xuống đồng bằng với mình. Thế là nàng đem theo trong hồn nào là thác đổ, nào là rừng thông, nào là hồ sương… đi theo anh chàng, làm quen với hương lúa và mương rạch sông ngòi miền đồng bằng.

Lan Chi: ha ha, tác giả mà nghe hai anh em mình tán thế này, hẳn là anh ta sẽ nói, "tui tán thế mới hay chứ lị". Dính ngay chóc. Nàng khăn gói giã từ đồi núi về ..ngửi hương lúa! Anh QD biết không, tác giả từ vùng đồng bằng, Bà Điểm và yêu nàng, cô gái xứ đồi thông. Vì thế mới có câu "em làm quen mùi thơm lúa trổ"… Chà, cái này Lan Chi đùa tí nhe. Làm quen mùi thơm lúa thì dễ ợt hà. Mùi lúa rất ngọt ngào. Nhưng làm quen với công việc …làm sao ra hạt lúa thì không dễ chút nào! Nhưng thôi để Lan Chi đọc tiếp đoạn sau.

Này em, áo bà ba thôn nữ

Khói cơm chiều un trắng mái đưng

Cánh áo len nằm sâu đáy tủ

Còn hương đầu khi mới yêu đương

Nhà thơ này viêt theo dòng tâm tưởng nên sẽ khiến độc giả bối rối. Vì sao anh QD biết không? Vì chàng đón được nàng về dinh và nàng làm quen với ruộng lúa quê chàng. Bằng cớ là nàng mặc áo bà ba thôn nữ nhưng rồi nhà thơ liên tuởng đến áo len?

QD: hôm nay Lan Chi hơi lãng đãng rồi. Áo len là tượng trưng khi cô ấy ở Đà lạt và áo bà ba cho lúc nàng ở quê chàng.

Lan Chi: À, thế ra khi lấy nhau rồi, về đồng bằng, nàng cất áo len vào tủ. Cũng có lý. Nhưng không Lan Chi phản đối vì … bộ ở đồng bằng không mặc áo len sao? Lúc trời hơi hanh hanh lạnh, dân Sài Gòn vẫn khoác áo len vậy!

QD: Lan Chi ơi , trong văn thơ người ta hay như thế. Lan Chi cứ đòi mọi cái phải tách bạch rõ ràng như khoa học của Lan Chi thì đâu có được! Thôi để tôi giới thiêu tiếp đoạn sau, có lẽ Lan Chi sẽ thích một câu trong đoạn này:

Năm tháng rộng trên đường xuôi ngược

Tình nương nhau tình ngã tình nâng

Ðể những mùa tuyết bay giá buốt

Em còn mang chiếc áo hương nồng

Lan Chi: Anh nói đúng, Lan Chi thích câu" tình nương nhau tình ngã tình nâng". Chà, đúng là nghĩa vợ chồng, anh ngã em nâng, em ngã anh nâng nhé! Này cho hỏi, thế khi vợ anh ngã, anh có nâng không?

QD: ơ, đang bình thơ Nghiêu Minh, sao cô lại lan man tìm hiểu đời tư của tôi thế nhỉ. Bà ấy chưa ngã, tôi đã nâng rồi đấy cô ạ!

Lan Chi: Hoan hô anh là galant số một trên đời. Chưa ngã đã nâng rồi. Cái này Nghiêu Minh phải bái phục anh. "Tình nương nhau, chưa ngã đã nâng" . Còn đây là đoạn cuối, Lan Chi đọc rồi anh kết nhé

Em nơi đây rực rỡ dương đào

Con bồ câu trên cành gù gọi

Giọt cà phê hồn tôi tiếp nối

Màu dương đào tím cả hồn nhau.

Lan Chi: chúng tôi vừa gửi quý thính giả bài thơ viết cho người tình trăm năm của Nghiêu Minh với tựa đề "Tháng Tư Dương Đào". Bây giờ xin mời quý thính giả nghe bài thơ này qua giọng ngâm của Hồng Vân.

QD: Thưa quý thính giả, làm thơ cho bạn tình thì dễ, mà làm thơ cho bạn đường thì khó. Lý do, khi còn là bạn tình thì nàng mờ mờ sương khói, nàng phất phơ lụa đào, thơ lắm; còn khi là bạn đường thì nàng hiện thực, ngay bên cạnh, không còn sương khói, phất phơ nữa. Nhưng người chồng nào yêu vợ thật thì tìm thấy trong người bạn đường của mình cả con người sương khói phất phơ kia, mà cả con người hiện thực cùng nhau chia ngọt sẻ bùi bây giờ. Nàng là TÌNH mà cũng là NGHĨA. Tác giả Nghiêu Minh với bài thơ “Tháng Tư Dương Ðào” hé mở cho độc giả và thính giả thấy cái TÌNH đam mê và cái NGHĨA mặn nồng trong cuộc sống lứa đôi. Ðó chính là cái mà chúng ta gọi là “CHUNG THUỶ”, trước sau như một của tình nghĩa vợ chồng. Chúng tôi, Hoàng Lan Chi và Quyên Di xin cám on nhà thơ Nghiêu Minh, đồng thời xin kính chúc quý thính giả có được cuộc sống gia đình ấm êm, hạnh phúc.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.