Con Đường Doanh Nghiệp của Nguyễn Văn Đông -April 14, 2018

Hoàng Lan Chi

Con đường doanh nghiệp của Nguyễn Văn Đông

LGT: mọi tài liệu về Nguyễn Văn Đông đều có trong một USB. Sẽ được bán tại đêm tưởng niệm Nguyễn Văn Đông ở Nam CA (vé đã bán hết cách đây một tuần). Tiền bán USB sẽ được trao cho chị Nguyệt Thu và làm từ thiện cho Nguyễn Văn Đông . Tôi cũng đề nghị bà Marie Tô tặng kèm USB cho mỗi DVD. Mong quý bạn mua DVD gốc. Ai mua băng lậu, Ns Nguyễn Văn Đông sẽ buồn lắm đó.

***************************************

Nguyễn Văn Đông là một doanh nhân ngành giải trí rất giỏi. Ngay từ 1956 ông đã là Trưởng Ban Vì Dân đi lưu diễn khắp miền Nam.

Ghi chú hình:

Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, Trưởng Đoàn Văn nghệ Vì Dân, đi trình diễn văn nghệ ở các tỉnh Miền Nam Việt Nam với các nghệ sĩ:
– Hàng đầu, từ trái sang phải: Trần Ðô (chuyên viên sân khấu); nghệ sĩ Kiều Hạnh (thân mẫu của ca sĩ Mai Hương); tam ca nhi đồng Phước Vân, Bích Vân, Ngọc Vân (và một em bé tập sự); nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông, trưởng đoàn (có dấu “X”); bà kịch sĩ Ba Vân; ca sĩ Khánh Ngọc; ca sĩ Minh Diệu; nghệ sĩ Trần Văn Trạch; vũ sư Trịnh Toàn; ca sĩ Mai Ly; nhạc sĩ Mạnh Phát; diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim; các ca sĩ Kim Lan, Kim Oanh.
– Hàng thứ nhì, từ trái sang phải: Anh Việt (chuyên viên ánh sáng); Trần Quang, Trần Thịnh, Trọng Tuyến (các chuyên viên âm thanh); nghệ sĩ Ba Vân; các ca sĩ Ngọc Quang, Thanh Nguyên; nghệ sĩ Bảy Xê; nhạc sĩ Minh Kỳ; nhạc sĩ Thu Hồ; nghệ sĩ Quách Ðàm, nhạc sĩ Hoài Linh. Các hàng sau là tài xế, nhân viên an ninh…
(Ảnh chụp tại chân Tháp Mười tầng, Gò Tháp, một địa danh lịch sử oai hùng, trong chuyến lưu diễn văn nghệ ỡ vùng Đồng Tháp Mười ngày 11 và 12/4/1959)

Ghi chú hình:

Đoàn Vì Dân và ở phi trường Tân Sơn Nhât 1961 khi lưu diễncác tỉnh miền Nam:

Sự thành công của Vì dân thời ấy cho thấy Nguyễn Văn Đông rất có tài tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội lớn, rất thành công tại Saigon, cũng như các tỉnh.

Ông không dừng ở đấy mà còn phụ trách thêm ban nhạc “Tiếng Thời Gian” của đài Saigon. Ban nhạc này quy tụ những tên tuổi như Lệ Thanh, Anh Ngọc, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Ðàm…

Do kinh nghiệm đó mà Nguyễn Văn Đông được chọn làm trưởng ban tổ chức “Ðại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc,” tập hợp hơn 40 đoàn văn nghệ, đại diện cho toàn miền Nam; tranh giải liên tiếp 15 ngày đêm tại Saigon. Với tất cả những thành tích kể trên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông đã được trao tặng “Giải Âm Nhạc Quốc Gia.” Bà cố vấn Ngô Ðình Nhu là người trao tặng giải thưởng này cho họ Nguyễn.

Sau này ông là Giám Đốc Kỹ Thuật cho các hãng dĩa Continental, Sơn Ca, Premier… Với cương vị ấy, ông dễ dàng đào tạo ca sĩ. Cứ xem một Thanh Tuyền từ Đà Lạt về vào 1963 thì chỉ 8 tháng sau đã được tung ra trên bầu trời thủ đô và chói sáng. Rồi một năm sau, 1964, Giao Linh cũng chỉ được đào tạo chưa đầy năm là cũng đã nổi sóng. Những điều trên cho thấy tài năng của Nguyễn Văn Đông trong lãnh vực lancer ca sĩ.

Trong một e-mail với Hoàng Lan Chi khi nói về Trường Sa với Sơn ca số 9 , tiếng hát Lệ Thu, Nguyễn Văn Đông chia sẻ như sau : “ Gởi em xem 2 files về hình bìa và list nhạc SƠN CA 9, có thâu 2 bài của Trường Sa. Thời đó chương trình Sơn Ca và Continental nổi tiếng vì chương trình nghệ thuật và kỷ thuật cao, thực hiện rất công phu.”

Tại sao kỹ thuật cao? Trong Câu Chuyện Văn Nghệ với Quỳnh Giao ( https://youtu.be/1U_X8UnpJ7w), cố ca sĩ QG cũng có nói rằng những băng Sơn Ca rất có giá trị vì Nguyễn Văn Đông đã mời những nhạc sĩ thượng thặng về hòa âm như Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Lê Văn Thiện, Văn Phụng…Chính những hòa âm và kỹ thuật của Continental và Sơn ca ĐÃ NÂNG GIÁ TRỊ NHẠC PHẨM lên rất nhiều.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Đông cũng biết thị trường cổ nhạc, cải lương bao giờ cũng đông nên hãng dĩa của ông đã thực hiện rất nhiều tuồng. Tuy có thể viêt dòng nhạc “sang” như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp nhưng con người doanh nghiệp tài ba Nguyễn Văn Đông đã dùng bút hiệu Phượng Linh để đo ni đóng giày cho Giao Linh với rất nhiều nhạc phẩm. Ông đã đánh giá đúng khi nói rằng “Cải lương đã nuôi tân nhạc”.

Đây là các hãng dĩa do Nguyễn Văn Đông phụ trách kỹ thuật:

Continental 1960:

Trăm Hoa Miền Nam 1966:

Sơn Ca 1967:

Nhạc quê Hương – 1967

Hoa Bốn Phương 1971

Premier 1971

Sau 1975, tại hải ngoại, đúng như cô Tô Ngọc Thủy tâm sự trong buổi live stream giới thiệu chương trình Tưởng Niệm Nguyễn Văn Đông: hai trung tâm lớn Asia và Thúy Nga được xem như là hai trung tâm tiếp nối con đường của Nguyễn Văn Đông. Sự tiếp nối này không được lộng lẫy rực rỡ như doanh nghiệp Nguyễn Văn Đông vì sự hạn hẹp của thị trường hải ngoại nên thiếu vắng tích cải lương, tích cổ xưa hoặc vọng cổ hoặc tân cổ giao duyên. Tuy vậy, hai trung tâm này cũng đã cố gắng duy trì, phổ biến dòng nhạc VNCH suốt hơn 45 năm qua. Một thành công không thể phủ nhận: bolero VNCH đang lên ngôi trong giới trẻ VN, vào thế kỷ 21, 2018. Thúy Nga đóng góp không nhỏ trong vấn đề này.

Hoàng Lan Chi

4/2018

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.