Cô tôi, một nhà giáo gương mẫu, một bà mẹ tuyệt vời, một người đ ẹp hơn hoa hậu- Tưởng nhớ GV Trần Quý Cáp, bà Đinh Thị Lộc- Marc h 27, 2020

Hoàng Lan Chi

Cô tôi, một nhà giáo gương mẫu, một bà mẹ tuyệt vời,

một người đẹp hơn hoa hậu

Trong khi nạn dịch đang tràn lan thì cô ruột tôi, giáo viên trường tiểu học Trần Quí Cáp trước 75, bà Đinh Thị Lộc , vừa qua đời ở San Jose.

Tôi biết là nếu học trò cũ của cô tôi ở khắp thế giới mà biết được tin thì sẽ rất tiếc thương. Những lứa học trò tiểu học đầu tiên của cô tôi có lẽ năm nay cũng gần 75.

Ngày xưa, cô tôi nổi tiếng là cô giáo đẹp, dạy giỏi, tận tâm. Tôi còn nhớ rất nhiều lần đi ra ngoài, tôi đã được ưu đãi chỉ vì họ được biết tôi là cháu “Cô Đinh Thị Lộc”. Ví dụ tôi làm giấy tờ ở Hành chánh Tỉnh, cô thư ký thấy cái họ “Đinh” của tôi và có lẽ cả khuôn mặt “nhang nhác” sao đó nên họ tự động hỏi trước “ Chị là gì của bà Lộc dạy ở Trần Quí Cáp”. Khi biết tôi là chúa ruột thì các cô ấy ưu tiên làm trước, chỉ dẫn tận tình. Họ nói rất dễ thương “Chúng tôi ngày xưa thọ ân sự giáo dục của cô Lộc thì ngày nay nếu gặp con cháu cô, chúng tôi phải giúp đỡ chứ”. Sự tận tâm của cô tôi làm học trò nhớ mãi. Ai cũng biết đa số học sinh tiểu học rất “thần tượng” cô giáo tiểu học nhất là khi cô vừa đẹp, vừa hiền, vừa dạy hay. Cái tinh thần Quân-Sư-Phụ ngày xưa đã ăn sâu bám rễ vào da thịt học trò thuở ấy.

Ngày di cư vào Nam, dạy tiểu học Trần Quý Cáp (cô tôi thứ ba từ trái qua)

Cô tôi đẹp lắm. Thú thật trên đời, tôi chưa thấy ai ở VN đẹp như cô tôi cả. Cái nét đẹp của con gái Bắc. Thanh tú, thanh khiết, mong manh. Hình thuở con gái của cô, tôi ngắm mãi không chán. Đúng là nét đẹp của con gái Bắc thời trước: khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu. Có thể nói hai cô ruột út của bà nội tôi là hai người đẹp theo kiểu “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Cô Lộc, là chị, có nét đẹp thuần Á đông. Còn cô em kế, cô Phúc, lại có nét “hơi lai lai”. Chú ruột út của tôi cũng có khuôn mặt đẹp theo kiểu “rất đàn ông”: GS Toán Đinh Tiến Lãng. Tôi biết học trò Chu Văn An, Nguyễn Trãi thời 63-75 biết danh tiếng chú tôi cũng như họ biết các tên tuổi Nguyễn Văn Phú, Cù An Hưng, Phạm Kế Viêm, Võ Thế Hào. Đây nhìn hình cô tôi ngày xưa, đép tự nhiên không son phấn này. Có phải là đẹp hơn hoa hậu bây giờ không nào. Hoa hậu bây giờ nhờ nghệ thuật trang điểm nên đã tôn vẻ đẹp lên rất nhiều. Bỏ son phấn ra, nhiều cô hoa hậu trông không xuất sắc lắm.

Hai cô út: cô Phúc bên trái và cô Lộc bên phải

(Ngày xưa không son phấn và đẹp tự nhiên như thế đó)

Cô tôi thập niên 50. Không son phấn.

Có đúng là nét đẹp gái Bắc thời xưa hay không:

mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu. Nét rất thanh tú

Cô tôi bên phải. Nét đẹp dịu dàng như một đóa ngọc lan

Có lẽ đất giòng họ tôi đặt ở “ngành giáo dục” nên đa số đi vào ngành giáo và đều nổi tiếng hay khá nổi tiếng vì dạy hay. Cô Lộc tôi cũng thế. Cô thông minh, cực kỳ thông minh y như bà nội tôi và cô suy nghĩ ra những phương pháp dạy rất hay, giúp học trò mau nhớ. Cô lại có tính tình mềm mỏng, dịu dàng, kiên nhẫn. Tôi đoán có lẽ cô chả đánh học trò bao giờ. Ngoài ra, “Đinh Thị Lộc” của tôi lại còn có chữ viết đẹp kinh khủng. Chữ ngay ngắn, đẹp đẽ, điệu đà đúng kiểu con gái Bắc thuở xưa. Nó không có nét đẹp theo kiểu “chữ đẹp” như thời các con tôi. Hai đứa con tôi đều viết chữ rất đẹp nhưng tôi thì không. Chắc các cháu thừa hưởng gien viết chữ đẹp từ “bà Lộc”!

Tôi nghe bà nội kể lại, khi còn con gái, cô Lộc tôi là người đã giup mẹ quán xuyến khá nhiều việc nhà. Cô ra đồng sáng sớm để trông coi tá điền. Tuy là con gái nhưng cô bạo dạn lắm, cô đi một mình sáng sớm ra đồng và chẳng hề sợ ma sống, ma chết gì cả. Có giai thoại rằng một lần ma dắt cô ra tận nghĩa địa ngồi cả đêm ở đó. Cô không hề sợ ma một tí tị tì ti nào cả. Cháu gái cô, con bé Giao Tồ (là tôi đây) thì chán mớ đời, chả được giống cô ở nết dạn ấy vì tôi rất sợ ma!

Nói về chuyện tình của cô tôi thì ối chao đấy là một chuyện tình rất đẹp. Đẹp và hiếm. Chú là người mê cô nên sau 54 đã tìm cách vượt tuyến và may mắn chú thoát. Chú vẫn nói với người chung quanh “Cuộc đời tôi chỉ lấy Lộc thôi. Không lấy được Lộc, tôi không lấy ai cả”. Chú được toại nguyện. Chú đã ôm được người con gái đẹp hơn hoa hậu ấy vào lòng.

GS Tống Viêm, người đã vượt tuyến đi tìm tình yêu

Cô tôi có phải là đẹp hơn hoa hậu không nào?

Vì cô tôi đẹp hơn hoa hậu nên năm cô con gái của cô tôi đều đẹp. Tôi nghĩ rằng những ai ở đường Tự Đức- Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, trước 1975, chắc còn nhớ hình ảnh em tôi, Duyên Hà, yểu điệu thướt tha đi bộ. Duyên Hà đẹp. Đẹp nhất nhà. Đó là tôi nghĩ thế. Chú tôi đặt tên cho các con gái rất hay: Duyên Hà là để tưởng nhớ Thái Bình, quê chúng tôi. Rồi Khôi Nguyên. Khôi Nguyên cũng rất đẹp. Em có tài viết văn. Bút hiệu Khôi An của Nguyên đã đoạt giải nhất “Viết Về Nước Mỹ”. Tiếp đó là Ngọc Đường. Rồi Quỳnh Lâm. Rồi Trường An. Tuy thế các em tôi đều có tên ở nhà rất giản dị và các bạn biết đấy, trong họ hàng thì chúng ta toàn nhớ tên ở nhà mà thôi! Tuy vậy, vì thích văn chương nên dù “không ai biểu”, tôi cũng nhớ hết trơn tên của các em con cô Lộc. Trừ Duyên Hà không có tên ở nhà, còn lại là Ti, Tí, Tỵ, Tẹo, Khoai!

Sau 75, cuộc sống khó khăn, vất vả càng làm nổi bật người phụ nữ Việt Nam ở cô tôi. Một mình cô bương chải, xông phó mưa gió, tìm “tuyeau” để lần lượt, từng em, từng em đều vượt biển thoát. Cô là người mẹ có thể hy sinh tất cả mọi thứ cho các con.

Hiện giờ cả năm em đều học hành giỏi dang, đều thành công ở Mỹ. Các em vẫn giữ được nếp nhà. Duyên Hà mỗi lần nói chuyện, vẫn rất nhẹ nhàng y như mẹ và cũng rất “điệu đà”. Em Tẹo qua Mỹ khi mới dăm tuổi thì xinh đẹp theo một kiểu rất lạ, giống như lai Tây Ban Nha và thật lễ phép khi nói chuyện với các chị họ.

Tôi còn nhớ sau 75, mỗi dịp hè, cô Lộc đưa các em đến nhà tôi ở cả ngày vì gia đình tôi có ba đứa sinh trong Nam, sàn sàn tuổi các em con cô.

Cô tôi có giọng nói trẻ, trẻ rất lâu. Giọng nói đúng con gái Bắc. Rất nhẹ nhàng, thanh tao, cao sang. Rất nhiều lần khi còn ở Mỹ, gọi tới nhà cô , tôi cứ lộn “Ti hả em” thì cô tôi lại “Dạ không tôi là mẹ của Ti!”. Giời ơi là giời!

Ngoài giọng nói trong, nhẹ nhàng, dịu dàng, cô còn có kiểu nói rất đặc trưng của người Bắc. Tỷ như cô nói với tôi vầy “Lúc này mình ra sao? Cô với các em vẫn thế”. Xin thưa “mình” ở đây là ám chỉ tôi đấy. Cô không gọi “Cháu” mà cứ “Cô, Mình”. Mà dường như trong tất cả bốn bà cô ruột, chỉ có cô Lộc tôi có ngôn ngữ kiểu ấy. Nó ngộ nghĩnh làm sao. Nó điệu đà làm sao. Chả bao giờ thấy cô “tao/mày” cả. Không biết ở nhà, các em con của cô có nghe được không chứ con cháu “Giao Tồ-HLC” này thì never. (Trong họ hàng tôi là Giao Tồ. Xem thế đủ biết ngày xưa QG rất khờ và ngốc, tồ)

Sau 85, tôi dọn đến Tự Đức và ở gần nhà cô. Lúc ấy, chỉ còn chú và cô. Các em đã vượt biên hết cả. Ở nhà một mình buồn, cô hay sang nhà tôi chơi. Khi tôi bận tiếp bạn thì cô vào nhà trong và dạy con gái tôi học. “Bà Tổng HLC” dạy con thì quát ầm ầm, bà Lộc dạy cháu thì cứ thủ thà thủ thỉ. Con gái tôi yêu bà lắm vì có bà đỡ đòn cho nhiều lần.

Cô tôi rất khảnh ăn. “Nết này” giống mẹ tôi. Hai bà như hai cây sậy. Nhiều lần tôi cằn nhằn thì cô cứ cười rất hiền “ Cô không ăn được mình ạ. Cô uống sữa vào là đau bụng thôi mình ơi”

Ôi, bà cô xinh đẹp hơn hoa hậu của tôi giờ này đã ra đi. Cô đi nhẹ nhàng vì cô chỉ mới hơi yếu mới vào nhà già không lâu. Y như mẹ tôi. Chỉ ở nhà già thời gian ngắn là ra đi chóng vánh.

Năm em tôi là năm cô gái xinh đẹp, thành công và rất có hiếu với cha mẹ. Tôi cứ nhớ mãi mấy năm trước , khi dự đám tang chú, tức “chồng của bà Đinh Thị Lộc”, tức là “bố của nhà văn Khôi An”, tôi rất cảm động khi thấy lần lượt các cô con gái lên kể kỷ niệm về bố. Cảm động hơn là cả con rể cũng đòi xí phần cho bằng được. Những kỷ niệm được kể ngắn thôi nhưng chúng tôi nghe là “biết ngay đó là sự thực” vì trước đó thỉnh thoảng đã được nghe các em kể lại theo kiểu “tố khổ” rồi. “Tố khổ” kiểu như mắng yêu” ấy mà. Tôi đã viết rằng, chưa bao giờ tôi dự một đám tang nào cảm động và “tuyệt” như vậy. Các con gái kể về bố thật đáng yêu, nhất là “con bé Tỵ”. Nó kể rằng nó hay bắt nạt các chị nên nó vòi cái này cái kia và chú phải chiều nó, ưu tiên cho nó. Tỵ hồn nhiên kể “cái nết đanh đá nhất nhà” ấy không chút ngượng ngùng. Em Tỵ này hát rất hay và có hai đứa con gái thì giời ơi, chúng cũng làm “tim bác Giao tan chảy”. Hai nhóc này lai Nhật và đẹp vô cùng. Trở lại chuyện các em tôi kể kỷ niệm về bố. Duyên Hà từng kể, em mặc thử áo rồi ra gương săm soi và “bố xem con mặc cái này đẹp không?”

Ôi, sao tôi lại nói về chú nhỉ trong khi cô tôi là “nhân vật chánh” kia mà. Ồ, có lẽ tôi bâng khuâng vì tôi e rằng vì “Virus China” mà kỳ này đám tang cô tôi , tôi sẽ không đến được để nghe các em kể về mẹ. Phải ở tận nơi xem con gái, con rể và các cháu đồng ca hợp xướng mới thấy xúc động vô cùng. Nhưng chắc tôi sẽ được xem video sau. Chắc các em tôi sẽ kể những kỷ niệm về mẹ, những hy sinh trời biển của mẹ cho các con thoát cs đến được bến bờ tự do cực khổ như thế nào.

Cô ơi, người cô đẹp hơn hoa hậu của cháu, dạy giỏi vô cùng, lúc nào cũng ôn tồn, dịu dàng, đã hy sinh cả đời cho con cái, hãy yên nghỉ cô nhé. Bà nội đang mỉm cười đón cô đấy. Các em luôn thương yêu bố mẹ và rất có hiếu: đó là phần thưởng lớn nhất đời cho cô rồi cô nhỉ. Các cháu rất yêu bà, đó cũng là phần thưởng quý giá khác, phải không cô.

Thương yêu cô

Cháu “Giao Tồ” của cô

************************************************

XEM THÊM:

-Khôi An viết về Tướng Lê Minh Đảo khi KA mời ông đến nói chuyện tại ĐH Stanford vì con trai Khôi An học ở đây:

http://hoanglanchi.com/?p=8435

-Hoàng Lan Chi- Tâm tình với “hai Hoa Hậu Việt Báo, Khôi An và Phương Hoa”:
http://hoanglanchi.com/?p=8388

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.