Hôm nay cuối tuần, Lan Chi có niềm vui nho nhỏ. Đó là khi đọc “Vài giòng trao duyên” của nhà thơ Hoàng Ngọc Liên.
Đúng là vài giòng vì khi Lan Chi dùng “word count” đếm thì chỉ vỏn vẹn hơn sáu trăm chữ. Nhưng trao duyên thì cũng đúng. Miếng trầu và chỉ một miếng thôi là đầu câu chuyện. Vậy hơn sáu trăm chữ cùng chân dung của nhà thơ từ “Một nghìn chín trăm hồi đó” cũng là trao duyên từ một nhà thơ quân đội lão thành cho cô chủ bút thuộc thế hệ đàn em của tạp chí Sóng Thần.
Vâng, Lan Chi còn nhớ thuở xưa khi còn bé, chưa đến nỗi “bé tẻo tèo teo em bé như con mèo” đã xem “Cô bé treo mùng’ tập truyện ngắn của Hoàng Ngọc Liên và thú vị lắm. Có lẽ nội dung truyện ấy cũng như thơ tình Nguyên Sa phù hợp với lứa tuổi ô mai. Từ thuở Lan Chi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thì nhà thơ Hoàng Ngọc Liên đã sáng tác. Run rủi làm sao, cô “khoa học mất dạy” (xuất thân khoa học và không còn được dậy từ khi VC vào Sài Gòn) nhận bài từ nhà thơ Hoàng Ngọc Liên khi Hoàng Lan Chi làm chủ bút cho nguyệt san Mạch Sống. Quen từ đó để khi Lan Chi đảm trách chủ bút cho Sóng Thần, Lan Chi mời và ông vui vẻ nhận lời phụ trách cho trang Thơ của Sóng Thần.
Vài giòng trao duyên vơi Sóng Thần của ông đem đến cho Lan Chi cảm xúc vô cùng vì …thơ của Đằng Phương. Vâng, thuở tiểu học, Lan Chi rất mê giờ lịch sử. Thuộc những bài thơ hào hùng. Thi sĩ Hoàng Ngọc Liên nhắc lại kỷ niệm xưa. Ông đã mê thơ Cao Bá Quát, Tản Đà, Đằng Phương, Hữu Loan, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… Lan Chi cũng vậy. Và khi đọc lại bài “Anh Hùng Vô Danh” của Đằng Phương, Lan Chi thấy xôn xao. Vâng, những anh hùng vô danh của đất nước đẹp biết bao. Họ không cần sử sách ghi danh, không cần tạc bia đá nhưng:
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt và xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm trinh trung
Để hòa hợp làm linh hồn giống Việt.
Ôi Lan Chi ước ao biết bao nhiêu, những người tranh đấu hôm nay, ngày mai sẽ như thế.
“Anh” Hoàng Ngọc Liên thân mến,
Tựa bài Lan Chi ghi là “Gửi người cùng họ”, lẽ ra phải thêm… cùng họ ngoại! Vì họ nội của Lan Chi khác kia. Thưa nhà thơ lão thành là “anh” thì… ai không biêt sẽ cho là Lan Chi “hỗn” ! Không đâu, “cà chua” một tí thôi. Lý do là có những người cùng thời với anh, Lan Chi thưa bằng chú và có cả những người Lan Chi gọi bằng “Anh”. Khi nhận mail anh, Lan Chi thưa là Anh và nghĩ rằng anh thích vậy. Chả có ông thi sĩ nào thích bị gọi bằng chú cả. Chắc anh không ra ngoài lệ ấy!
Anh biết không, Lan Chi không có dịp chép những bài thơ vào vở học trò như anh. Nhưng còn một bài thơ khác, Lan Chi cũng rất thích. Nếu anh nhớ, anh gửi cho Lan Chi. Lan Chi nhớ mấy câu đầu như sau:
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông làng mạc ruông đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử
Thầy tôi bảo các con nên nhớ rõ
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Bao anh hùng thuở trước của giang san
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc…
Yêu thơ hùng, thích nhạc hùng và làm thơ hùng thuở mười bốn. Bài thơ ấy cứ bị bạn bè trêu là “Già quá, không tin là Lan Chi viết năm mười bốn”. Ức không cơ chứ vì khi làm thơ là người ta tưởng tượng. Nếu ai đó nói:
Là thi sĩ nghĩa là ru vơi gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để tâm hồn treo ngược ở cành cây…
Thì Lan Chi cũng muốn nói:
Là thi sĩ nghĩa là toàn tưởng tượng
Mộng rất xa chả thực tế chút nào
Thì năm một chín sáu ba, Lan Chi cũng viết cho “Chuyện Phiếm” của Chính Luân nói về hiện tượng làm thơ tưởng tượng của tuổi học trò. Đang phụ mẹ bán tạp hóa nhưng gieo vần thơ cứ như đang dạo bước chốn thiên thai!
Anh Liên ơi, không biết bây giờ tuổi học trò còn ai thích thơ hùng? Từ sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, chương trình học rất kỳ cục. Học trò chán giờ sử, sợ môn văn. Những bài thơ sặc mùi tuyên truyền bắt trẻ nhỏ học khiến các em không có sự rung động thực sự. Lan Chi hết sức đau lòng khi thấy cả một thế hệ bị đầu độc. Thậm chí các em còn “viết lịch sử ngược” nghĩa là đem tài trí ra viết lại các huyền sử để trêu cợt. Ôi, cái thuở mà chúng ta có “Tâm Hồn Cao Thượng” là sách gối đầu giường không còn nữa. Thế hệ trẻ trong nước bây giờ thực tế quá đỗi phũ phàng.
Câu nói của Tổng Thống Kennedy “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc” làm tuổi trẻ Hoa Kỳ thuở ấy rúng động. Còn bây giờ? Có lẽ chúng ta quá già rồi chăng?
Thế giới thay đổi hàng ngày. Cả khoa học và đạo đức.
Hoài niệm xưa là dấu hiệu của tuổi già.
Thôi thì hãy để giòng đời trôi anh Liên nhỉ. Gửi anh những vần thơ của Vũ Hoàng Chương mà Lan Chi rất thích như là một tạm biệt với anh nhưng cũng như một nhắn gửi đến “Những anh hùng vô danh hôm nay của Đằng Phương”
Trả ta sông núi ! Từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha,
Ngược vết thời gian cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta !
(Vũ Hoàng Chương)
Hoàng Lan Chi (2008)
**************
Chuyện Vui Bên Lề Tòa Soạn
Nhà thơ Hoàng Ngọc Liên gửi bài đầu tiên cho Sóng Thần. Hoàng Lan Chi đọc xong cảm động quá, viết tiếp nối. Nhưng tuổi già nên chuyện nọ xọ chuyện kia. Hoàng Lan Chi viết như thế này:
– Khi còn bé, Lan Chi thích truyện ‘Cô bé treo mùng’ của anh Liên lắm.
“Anh Liên” cũng già, mắt kèm nhèm nên khi đọc chẳng chú ý và Hoàng Lan Chi gửi lên net.
Một anh bạn đọc và cười ngất:
–Cô nương Lan Chi ơi, cô bé cái lầm rồi. “Cô bé treo mùng” là của Hòang Ngọc… Tuấn (em… Hoàng Ngọc Liên!). Cô nương khen như thế này có khác gì ai đó viết cho cô nương như sau “Tôi thích đọc Kiều Giang của chị Hoàng Lan Chi lắm”! (Kiều Giang là truyện phóng tác của Hoàng Hải Thủy)
Hoàng Lan Chi giật mình và meo cho Hoàng Ngọc Liên:
-Anh hư quá? Lan Chi viết bài xong, có đưa anh xem, sao anh không nói gì để Lan Chi lộn “Cô bé treo mùng” là của anh? Rõ ràng anh có đọc vì sau đó anh còn gửi bài “Trả ta sông núi” cho Lan Chi mà?
-Có chú ý đâu?
Lan Chi kể cho ạnh bạn kia, anh ta nói:
-Ông Liên già rồi nên cô nương có ghi là cô bé treo mùng hay bà lão … treo màn thì Hoàng Ngọc Liên cũng chẳng chú ý!
Bị mắng, nhà thơ Hoàng Ngọc Liên than thở:
-Lan Chi à, cô có phải bắc kỳ không mà sao cô đanh đá thế?
Lan Chi vênh mặt:
-Đương nhiên là bắc kỳ rồi mới đanh đá như vậy chứ!
Và cuối cùng bài thơ con cóc ra đời như sau:
Cô bắc kỳ đanh đá!
em, con gái năm tư
cô bắc kỳ chín nút
sao em vào nam sớm
mà quá đỗi bắc kỳ
em chu môi mắng mỏ
làm tôi hồn phách xiêu
dù mắng hư ngàn lần
tôi đành chịu trăm chiều
em đanh đá dễ thương
cho tôi phút hồn nhiên
nghe tuổi già xế bóng
reo vui thuở thanh niên
này cô em bắc kỳ
cứ chu môi cong cớn
cứ đánh đòn ông anh
cứ mắng sao hư thế
nhé cô em bắc kỳ!