Hoàng Lan Chi
THỜI BUỔI @ CÓ LẼ CHỈ NÊN RA TAM CÁ NGUYỆT SAN
Thời buổi bây giờ, báo giấy hàng ngày dù ở Mỹ hay Sài Gòn thì có vẻ cũng khó sống. Các tờ nhỏ chết. Tờ trung bình chết. Tờ “lớn vừa” chết. Chỉ còn các “báo đại gia” là còn sống nhưng phải kèm thêm online.
Lẩn thẩn nghĩ. Có lẽ ra báo giấy tam cá nguyệt san có thể sống tà tà được nhỉ?
Ba tháng sẽ có bài tổng kết thời sự thế giới, thời sự cộng đồng và thời sự VN. Độc giả cũng có thể ngả lưng trên ghế dựa, cầm tờ báo mà xem cho thoải mái thay vì phải tua tua, bấm bấm, lích lích, lướt lướt!
Các chuyên mục Văn Học Nghệ Thuật sẽ chọn lọc thật đặc sắc: ai ra đi, ai đã ra đi được 1năm, 5 năm; ai sẽ rực rỡ; mục “Họ nói gì” chỉ là môt câu hỏi “nóng” trong kỳ được nhiều văn nghệ sĩ trả lời. Mục “Họ đã nói gì”, cũng do nhiều người trả lời cho một đề tài “quan trọng” đã qua.
Văn Học: mục Tạp ghi chọn bài đặc sắc kể ngắn, gọn. Đây không phải nơi “khoe” mặt hàng văn chương mỹ miều. Tạp ghi thiên về thời sự, đời sống, chia sẻ kinh nghiệm, kỷ niệm với người nổi tiếng
Thơ: môt bài đặc sắc mà ai cũng thưởng thức được. Không ai “ngấm” được loại thơ bây giờ của người trong nước : một giỏ đầy từ ngữ kêu rổn rảng mà người đọc không hiểu gì vì không tài nào liên kết câu này với câu nọ. Thơ hay theo kiểu Tô Thùy Yên, Hoàng Anh Tuấn, Mường Mán, Vũ Hoàng Chương…: có lẽ ai cũng “hiểu” được.
Thể thao: các giải lớn thế giới trong “kỳ”. Một bài bình luận đặc sắc ( ý tưởng sắc bén, lời văn cô đọng gọn ghẽ không rườm rà) về các sự kiện, nhân vật
Đời sống: sinh hoạt, giá cả, mặt hàng mới
Thế đó.
Ba tháng để chọn những đặc sắc. Được viết bởi những người viết “già nhưng mới” . “Già tuổi ” để họ có đầy đủ vốn liếng, từ ngữ đẹp đẽ, ý nghĩa của thời 1954-1975. “Mới trong kỹ thuật” để họ không đi theo cái cũ là lê thê, dài dòng, chậm chạp.
Ai sẽ làm được tam cá nguyệt san ấy nhỉ?
Hoàng Lan Chi
1/2024