4 bài viết về “đất Mỹ” của Lan Chi

LGT: xin giới thiệu 4 bài viết về nước Mỹ của Hoàng Lan Chi năm 2004-2005. Tất cả đều là Thực, rất Thực.
Long đong tìm việc trên đất Mỹ: viết về thời gian mới qua và đi tìm việc. Người Việt hay có “thói quen” “bóc lột” người mới từ VN qua. Xem, để biết HLC bị “bóc lột” thế nào, phản ứng của HLC nhé. Bài này gửi VB,  mục đích y như trước 75, là kiếm tiền tiêu. (Giải mấy của VB không  nhớ nhưng được 300 Mỹ Kim!)
Tình người Việt trên đất Mỹ: viết về những ân nhân đầu tiên khi đến Mỹ của HLC. Đó là Phương Trần Gia Long, là Quỳnh Virginia, là Út TL, là SongCon…
Hiệp sĩ mù trên đất Mỹ: viết về việc HLC cứ như một hiệp sĩ mù, theo ví con của môt người em họ.
Giao thừa đầu tiên trên đất Mỹ: giao thừa đầu tiên, HLC phải đi tị nạn, cũng vì cái tội…sợ ma.
—————————————————————————————————–
Long đong tìm việc trên đất Mỹ

Xưa các cụ nói “Ngũ thập tri thiên mệnh”  nhưng tôi tự thấy mình đã “Tri” từ tứ thập. Sau bao dập vùi kể từ sau năm 75, truân chuyên từ nghề nghiệp đến việc ra nuớc ngoài, tôi tin người ta có số!

Có người đi nước ngoài ngon ơ. Ra bãi, lên đại, không tốn xu nào. Tôi thì vượt biên mãi không xong, đi chính thức cũng trầy vi tróc vẩy. Cứ ngỡ lên phi cơ từ 84 hay 90. Ai dè, qua thiên niên kỷ mới, vũ như cẩn! (vẫn như cũ!) . Việc làm thì thay đổi tùm lum. Tôi thích y nhưng thi rớt mà phải vào khoa học. Tôi không thích nghề dậy mà cuối cùng vẫn khỏ đầu trẻ! Sau 75, đổi nhiều nghề mà “vinh quang ” nhất là nghề. . . ngồi lề đường bán cà phê cóc và xôi! Sinh viên đi ngang, vẫn kính cẩn chào và còn mua dùm cô gói xôi!
Qua Mỹ , tôi đã dự tính trước là sẽ làm việc ở toilette Mỹ cơ đấy! Có gì đâu, với tôi, không có nghề gì xấu! Huống chi, khả năng mình, mình tự biết. Mình qua muộn thì chấp nhận. Hết.

Đầu tiên tôi trông một em bé 4 tháng cho một cặp vợ chồng trẻ. “Job” này do tôi đọc báo. Chỉ tiếp xúc qua phone mà Thanh, cô chủ nhà , OK ngay vì ” Có nhiều người nói khó nghe quá. Cô thì nói dịu dàng, nhỏ nhẹ “. Tôi tủm tỉm cười khi nghe Thanh nói vậy.

Tuổi già, làm việc trí óc từ 95 đến nay, bây giờ ” lụ khụ” bồng em bé, tôi cũng có phần ngán. Nhưng có lẽ vì tính tôi thích trẻ con (thích cả người già! ) nên ráng làm. Số xui là bé này thuộc loại khó ăn khó ngủ. Cho ăn cả giờ và nhất là cứ ăn nửa bình là stop. Sau một giờ, cho ăn nửa bình tiếp theo không nổi. Thằng nhỏ dãy dụa. Sau một hồi đánh vật với tôi , khi mẹ bé cho bú thì OK! Có lẽ lúc đó thăng nhỏ thấm mệt vì vât lộn với và và đói chăng? Tôi bảo Thanh “Cô sẽ cố thêm hai ngày. Nếu bé không ăn thì cô không làm đâu. Cô trông thì bé phải ăn đủ cữ “.  Chắc sợ “bà ” hăm he nên sau đó bé bú hết dù mất cả giờ. Trông bé có cái cực là buổi trưa buồn ngủ mà cứ phải chong mắt coi cháu! Còn các vụ khác thì đối với tôi là chuyện nhỏ! Tôi tắm cho bé gọn bân. Ru ngủ thì hết ca tân nhạc, ru con kiểu người Bắc ” À ơi, cái cò cái vạc cái nông , sao mày dẵm lúa nhà ông hỡi cò. . ” đến kiểu người Nam “ Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi “, khi ru bằng bài thơ :
Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói toả mờ
Có bóng tình quân đang giong ruỗi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ

Thằng Cu bây giờ. Hình 'chôm" từ face book của bố thằng Cu

Thì  ông già tía của bé, mới 32 tuổi nhưng khoái thơ bèn hỏi ” Phải thơ ông X không cô ?!”.  Mẹ bé nuôi con, đứng ở 13 pounds mấy tuần lễ. Tôi nuôi mới hơn một tháng , bé cân 15 pounds. Xem như thành tích “baby-sit” của “ LanChi bà bà ” coi như OK! Mới hơn một tháng thì cô em chồng của Thanh từ VN qua, phải ở nhà Thanh để ông anh lo mọi việc nên giao bé lại cho cô này. Tôi mất job! Cũng hơi buồn vì bé khó nuôi nhưng vợ chồng Thanh cư xử rất đàng hoàng,lễ phép. Đi làm đều thưa cô và coi cô như mẹ vì các cháu xem giấy tờ và biết tôi thuộc thành phần nào của chế độ truớc 75.

Virginia không có báo hàng ngày như Orange County nên tôi phải chờ đến thứ sáu. Xem thì  toàn 2 bé (trông không nổi ) hay các cô làm nail, phải trông đến 9 giờ tối (làm cũng không nổi). Một chị bạn Gia Long giới thiệu việc trông một cụ già đau tim. Thường thì tôi thích phone trước , hỏi sơ cho biết một số điều, cảm thấy được thì mới nhận. Nhưng chị bạn nói ” Chị có nói chuyện với Bà Du. Bà ta nói có vẻ tử tế lắm. Dân có học. Bả bảo, phải đến để xem phòng em ở ra sao, có tươm tất không. “.

Giê su ma, lạy chúa tôi! Khi đến bà Du, tôi ngã ngửa! Ngay khi mở cửa, bà Du trạc tuổi tôi, bà ta nhìn tôi bằng đôi mắt soi mói, không một chút thiện cảm! Đó là tôi mặc giản dị, không ” điệu hạnh ” đấy! Bà Du có vẻ “chảnh ” và:
-Khi sang Mỹ, đi làm thì coi đó là cái job của mình. Đừng nghĩ rằng, ngày xưa mình là ông này bà nọ rồi bây giờ sao người khác lại sai mình!

Tôi hơi chưng hửng. Tôi chẳng nói gì về mình cả. Bà Du không biết, sau 75, tôi từng lê la bán cà phê cóc ở lề đường sao? Nhưng cái làm tôi bất mãn nhất là bà đưa đi coi phòng và nói:
-Ban ngày chị toàn quyền sử dụng phòng này nhưng vì thỉnh thoảng có nguời nhà tôi về nên đêm thì chị qua ngủ chung với cụ.

Trời đất! Môt sự bóc lột dã man vô nhân đạo. Coi bà cụ đau tim, không giờ giấc rõ rệt (cụ dậy giờ nào, phục vụ giờ đó. Cụ ngủ giờ nào, ngủ giờ đó! Tiền thì khủng khiếp, trả 600US/tháng mà lại còn toan tính đẩy việc coi bà cụ ban đêm cho tôi! Chỉ là nói tránh đi. Chứ bà Du hoàn toàn có thể “Chị ở phòng này. Khi nào có nguời nhà về thì chị chịu khó ngủ tạm với cụ ” thì còn nghe được! Đằng này, bảo ban ngày ở phòng đó, ban đêm ngủ với cụ! Cụ già sẽ ho, đi toilette. . . Làm sao ngủ đuợc ? Có khác nào bóc lột, bắt trông cả ban đêm?! Tôi ngán ngẩm cho tình người trên đất Mỹ!

Tôi nói để trả lời sau vì tính tôi không thuộc loại cà chớn,gây sự vô ích! Nhưng bà Du :
-Chị cứ cho biết chị có bằng lòng với mức lương đó không? Hay chị muốn đề nghị bao nhiêu thì cứ nói!

Tôi chẳng nói gì. Hành vi giống như bóc lột, ăn hiếp người mới từ VN qua khiến tôi khó chịu, không muốn làm tí nào. Dù có trả gấp đôi, tôi cũng say No. Với tôi, hiện tại, tiền không là quan trọng. Buổi tối gọi phone, gặp ông chồng, tôi chỉ lịch sự :
-Tôi rất tiếc là tôi cũng đã già, khó ngủ nên nếu ở chung phòng với cụ, tôi  sẽ không ngủ được. Do đó không giúp anh chị được. Xin lỗi.

Chị bạn tôi cũng bất mãn. Chị nói rằng, trao đổi qua phone, thấy bà Du có vẻ được lắm. Khi gặp mới hỡi ôi! Tôi thắc mắc vì sao chị Du nói , theo kiểu “dằn mặt tôi “, chị bạn “Tại vì mình có nói cho Du biết cái “background” của bạn. Đã từng là giảng nghiệm viên đại học khoa học Sài Gòn  nên sẽ chăm sóc bà cụ tốt vì là người có học, hiểu biết “. Trời đất, đâu ngờ “cái background” đó đã làm bà Du chỉnh tôi ” …đừng nghĩ trước kia mình là. . . . mà bây giờ tự ái!’ Chán!

Tôi đọc báo thấy tìm người phụ việc nhà. Khi nói qua phone, chị bảo hai vợ chồng đi làm, cần người nấu ăn, làm việc nhà sơ sơ. . Nhưng sau này, khám phá ra chị nói dóc vì vô tình tôi biết chị là sui gia của chủ nhà nơi tôi đang ở tạm. Bà này cho tôi hay, ông chồng đau, ở nhà, chị cần người trông coi chồng nhưng nếu đăng báo, nói trông người bịnh thì mọi người chạy hết. Tôi hỏi kỹ, được biết tình trạng ông ta cũng không nặng lắm, tôi OK làm thử.

Hai vợ chồng đến gặp tôi. Bà này hơn tôi ba tuổi. Thật hết biết. Bà nói ngay khi nhìn thấy tôi :
-Giá tôi găp một người như chị Tám, tôi thấy thích hơn là chị!

Tôi hiểu ý chị nói, nhìn cái tướng tôi, có cảm tưởng không làm được việc nặng!Một sự đoán sai xa lắc xắc lơ! Chỉ với 30 phút, tôi đã thanh toán nhà bếp, toilette và hút bụi toàn bộ lầu một của chủ nhà nơi tôi ở trọ! Tự ngày xưa, tôi đã tập làm việc nhanh và gọn! Những tháng năm đói khổ sau 75, tôi đã từng lê la vỉa hè bán cà phê thì làm sao tiểu thư được?

Chưa thấy ai như bà này. Bà ta hạch sách, hoạnh hoẹ tôi đủ điều. Từ việc xem passport đến việc cá nhân riêng tư của tôi. Lại chê VN ở dơ! Cứ như tôi từ VN mới sang là cũng ở dơ, quê mùa vậy! Tôi phải tự cho mình 10 điểm khi tôi rất bình tĩnh để đối thoại với người đàn bà-mang tiếng có học-con cái đều là bác sỹ, dược sỹ này! Bà nêu việc hút bụi các lầu. Tôi ngạc nhiên:
-Sao hôm nọ qua phone, không nghe chị nói?
-Tôi quên. Nhưng hút bụi có gì đâu ? Tôi rất active. Con người phải active mới khoẻ mạnh! Tôi không thích ngồi không, tôi luôn tìm việc mà hoạt động cho người không bịnh!
Tôi trố mắt. À, lại sổ tiếng Tây nữa cơ đấy. Vì từ nãy giờ, bà xúc phạm tôi khá nhiều nên lần này tôi bình thản:
– Dạ vâng, “active” thì rất đúng. Tôi cũng vậy. Ở nhà tôi cũng rất “active”. Nhưng khi ở với ch , tất cả những gì chị muốn tôi làm, chị nêu ra hết, tôi làm tròn trách nhiệm trên các việc đó là đủ. Căn cứ trên các việc chị giao, tôi sẽ thảo luận mức lương với chị. Thì giờ còn lại, tôi dành cho riêng tôi!

Thật hết biết, bà ta hỏi tôi:
-Việc riêng của chị là việc gì?
Tôi -đến nước này- chịu không nổi – tôi sẵng giọng:
-Tôi viết báo, thưa chị? Tôi thích viết vì đó là một “hobby” của tôi! và đồng thời có vài tờ báo còn trả nhuận bút nữa. Một bài tôi viết có khi là 30 US!

Bà ta ngạc nhiên. Bà chủ nhà (sau này cho tôi biết, bà cũng bực mình với bà này khi thấy bà ta hạch sách hoạnh hoẹ tôi đủ điều ) đứng dậy vào phòng lấy tờ bán nguyệt san TD ở Texas:
-Bài của cổ viết có đăng trong này nè?

Bà ta im lặng. Và đương nhiên gặp một phụ nữ như tôi, bà ta hết dám mời trông coi ông chồng đau tim của bà!

Tôi cũng hơi buồn. Đã từng nghe nói, dân VN hay có loại người, ma cũ ăn hiếp ma mới, người đi lâu bắt nạt kẻ mới đến. . . . Giá như cái số-ừ cái số -đừng xui xẻo-tôi đi từ 82 thì làm gì những phụ nữ trên dám có thái độ đó với tôi ?

Bạn vàng của tôi, anh VTH giơi thiệu anh P. Anh có cơ sở thêu logo và lúc này công việc nhiều nên cũng cần người phụ. Tôi đến làm thử và bảnh lắm, tuyên bố :

-Em làm thử, học việc. Anh mất thời gian chỉ nên tuần lễ đầu, em làm free, không lấy tiền đâu?

Coi vậy, cũng có trục trăc. Đó là anh P yêu cầu tôi giúp anh! ” Em nấu cơm cho em thì nấu dùm cho hai cha con anh luôn “! Trời đất, nhè tôi -nữ hoàng làm biếng về bếp núc (thời gian siêng là những năm ngoài 30. Giờ ngoài 50, rất làm biếng!) – mà bảo làm bếp cho ba người ăn! Tôi từ chối nhưng cuối cùng thì tôi cũng đành giúp nhưng với điều kiện, tôi nấu sao ăn vậy. Không được chê ỷ eo! Và giờ làm bếp tính vào giờ làm việc.

Tôi bảo với VTH ” Tôi còn đang muốn đi làm những nghề sau đây: toilette công cộng Mỹ, phụ nấu bếp, quét rác đường, đứng coi cây xăng. . ” Nghề nào coi như “tệ hại ” nhất của Mỹ, cũng muốn làm qua cho biết mùi Mỹ! Sá gì? Tôi -đã từng đứng vững suốt gần 30 năm qua ở VN- sá gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó? Long đong, lận đận từ thuở trẻ đến già. Âu đó là cái số! Số con rệp!

Viết tại Rừng Gió tháng 9 năm 2004

Hoàng Lan Chi

————————————————————————-

Tình người Việt trên đất Mỹ
 
Hòang Lan Chi

Năm 2000, tôi bị mất việc ở một đại học tư tại VN. Trước đó, tôi cũng đã nộp hồ sơ xin định cư Úc do con trai bảo lãnh. Ỷ y chỉ có hai con và cả hai đều đang định cư Úc thì mình sẽ đuợc ưu tiên nhất trong “class Parent”  nên tôi không xin việc nữa. Mà có xin cũng khó khăn vì tuổi tác. Một học trò chỉ  web trong nuớc vn3 để tôi có thể vào chơi mà không tốn tiền internet, chỉ tốn điện thoại nội hạt (tức điện thoại trong nước).

Ngày xưa, từ năm đệ tứ, đang học Gia Long, tôi đã bắt đầu gửi bài đăng báo nhưng dấu nhẹm gia đình vì sợ bị la. Sau này lên đại học, tôi vẫn lai rai viết cho vài tờ với mục đích -tôi gọi là -kiếm tiền đãi bạn bè ăn bò viên. Sau 75, tất nhiên phải ngưng việc viết báo tài tử đó. Đến năm 98, tôi viết lại nhưng chỉ về  đề tài giáo dục cho báo SGTT hay về “Phỏng vấn xin việc” cho báo NLD trong nuớc. Tôi không thể viết truyện tình cảm cho các báo sau 75 vì ngôn ngữ của họ không phù hợp với tôi. Nhân vật của tôi -thích là Chàng hay Nàng chứ còn họ thì Anh hay Chị dù là nói về những người trẻ. Và trên hết, họ thực tế, trăn trở và chẳng có cái lãng mạn như thời truớc 75.

Khi tham gia web vnn, tôi viết tuỳ bút kể truyện Sài Gòn ngày xưa, thời  còn bé, trung học, đại học… Cả web say sưa theo dõi Bà bà kể! Tôi khá nổi tiếng và đuợc nhiều thành viên, cả trong và ngoài nuớc mến. Được hơn một năm thì ai đó rủ rê và tôi chạy qua web Đặc Trưng của hải ngoại. Tôi cũng đuợc nhiều netter tại đây thích. Họ ngạc nhiên, vì sao sống bao năm dưới chế độ CS mà tôi vẫn còn lãng mạn quá !

Một netter của Đặc Trưng,tham gia Hội Ái Hữu Gia Long ở Việt Báo online, đã kéo người Gia Long HLC về Việt Báo. Rồi từ đó, tôi lang thang thêm vài web. Thuờng thì tôi gửi bài chứ ít có thời gian chat chit vì net tại VN chậm và còn đắt. Tuy vậy, tôi cảm thấy phải tri ân người làm ra internet. Điều này đã giúp cho mọi người trên thế giới giao thiệp với nhau nhanh chóng và gần gũi. Nhất là giúp những người già đang thất nghiệp như chúng tôi vui khá nhiều. Chúng tôi quen nhau qua net, học hỏi đuợc nhau nhiều điều từ những bài viết trên net.  Tôi có khá nhiều bạn net. Những người ban đầu ảo mà sau thành Thật hết cả.


Giang T, thứ 2 từ trái, người đưa Lan Chi từ Đặc Trưng về forum Việt Báo. Giang T cũng là Ngọc trang ( moderator đầu tiên của forum Trưng Vưong và Thân hữu ở Việt Báo. Hiện nay, moderator là chị Bích Huyền) –Hoàng Lan Chi áo đen (Toronto năm 2004)- Dương Bích Nga ( em gái nhà văn Dương Hùng Cường và là chị Dương Đức Tuấn. Tuấn là  bạn Khoa Học của Lan Chi)
Tôi sang Mỹ tháng 2 năm 2004. Nghe giọng tôi qua phone, các bạn net vui mừng. Họ đã tổ chức buổi họp mặt với người Gia Long HLC  thật dễ thương. Có 3 forums ở Việt báo: Gia Long và thân hữu, Trưng Vương và thân hữu, Đất Lạ Trời Quê.

Forum “Gia Long và thân hữu”  đón Hoàng Lan Chi năm 2004 ( Nam California)
Hoàng Lan Chi thứ 4 từ trái, hàng trên.


Forum Trưng Vưong và thân hữu đón Hoàng Lan Chi khi Lan Chi từ Việt Nam qua Nam california (2004)
Tạ Công Quyền bạn Khoa Học của Lan Chi, Hoàng Lan Chi, chị Bích Huyền (moderator của forum ), Hồng Vũ Lan Nhi.

Tôi rời CA đến VA cuối tháng 3. Tại đây, chị Phương Trần, nữ sinh Gia Long là người đầu tiên giúp đỡ tôi. Chị đến thăm và đem một gói quà lớn làm tôi hết sức cảm động. Quà có mỹ phẩm, dù, dép đi trong nhà. Chị đưa tôi đi họp để tập dượt hát cho ngày Mother’s day và cũng là ngày Hội Gia Long Đông Bắc Hoa Kỳ tổ chức lễ hàng năm. Buồn cuời, tôi ngồi cạnh Trưởng Ban Báo chí của Hội và không hề nhớ đó chính là người đã  mail cho tôi xin bài! Làm sao nhớ đuợc khi rất nhiều đặc san Gia Long xin. Thậm chí có lần cả Gia Long trong nước mà tôi không để ý nên gật đầu. Sau này, Kim Dzung phone “Sao chị không báo cho em biết QG chính là HLC?” ” Làm sao chị biết đuợc chính là em? !”

Hoàng Lan Chi -Phương Trần ( 2004 Virginia)

Chị Phương đã ân cần trong mọi việc cho tôi. Cảm động nhất khi chị gọi phone cho cô bé chủ nhà nơi tôi sẽ đến coi trẻ. Chị nói:
-Hội Gia Long chúng tôi bảo đảm về con người của cô HLC. Chúng tôi đang muốn tìm việc gần đây để tiện đưa đón HLC đi họp hội Gia Long nhưng có lẽ là duyên giữa cháu và cô HLC nên cô LC đã nhận lời làm cho cháu.

Rồi chị dặn dò tôi :
-Em đừng mua gì cả. Cứ để xem tình hình đã. Mua chi cho phí tiền. Nếu sau này thiếu cái gì thì báo cho Phương hay..

Khi tôi báo đã ổn định nơi làm và cần computer thì chị :
-OK, nhà Phương có một cái nhưng có lẽ ông xã Phương sẽ đổi cái mới. Để Phương đưa cho LC..

Nhưng sau đó tôi đã order laptop và chị không gửi nữa. Khi tôi cần tìm việc làm khác, chị cũng sốt sắng giới thiệu cho tôi vài chỗ. Khi tôi phải rời nhà mà tôi giữ trẻ  chị Phương đã gửi gấm tôi đến ở nhờ nhà bạn chị. Chị đã đem thịt đến cho tôi ăn. Không bao giờ tôi quên đuợc ký thịt ấy. Rồi sau này chính chị đưa tôi đi làm thẻ làm việc và thẻ xã hội. Chị cũng chu đáo đem cho tôi áo lạnh khi thấy trời đã sang thu. Tôi đau tay, chị chở tôi đến chị kia để xoa bóp, hơ ngải cứu. Phương đã hành động đúng với tinh thần tương trợ mà Hội Ái Hữu Gia Long đã đề ra. Phương cũng đã hành động đúng trên cuơng vị tình người với nhau. Rằng người qua Mỹ truớc thì giúp đỡ người qua sau. Một trái tim lớn! Một tâm hồn đẹp đang vẫn cùng tôi, dìu tôi trên những buớc đầu bỡ ngỡ ở VA.

Một bạn net khác, anh TH, luôn gọi phone hay mail chia sẻ âu lo với tôi. Chính anh đã gửi gấm tôi cho anh Thế Linh ở VA để anh TL giúp đỡ  trong giai đoạn đầu chưa biết lái xe. Thế Linh là người bạn khá tốt. Anh đã giới thiệu tôi với một số người  ở VA để họ tìm việc làm cho tôi.

Các bạn gái thì người gần gũi, chia sẻ vui buồn nhiều là Gia Long XH.  Chính XH đã mua dùm phone card khi tôi ở Dulles, không có điều kiện về khu Eden. XH phải ra Little Sài Gòn mua card,  mail cho tôi biết số acconunt để tôi gọi được cho bạn bè, gia đình ở khắp các tiểu bang. XH luôn gọi phone để nghe tôi kể lể khúc nhôi đời cô Lựu của tôi !

Nguời tiếp theo  là cô Út TL. Cô Út là nữ sinh Trưng Vương. Cô thích văn tôi ở forum Gia Long tại Việt Báo online và chị em kết nghĩa tỷ muội từ khi tôi còn ở VN.  Cô Út đã lái xe đưa tôi đến Los xin visa sang Canada. Mất một ngày với tôi. Trên đất Mỹ, thời gian vô cùng quý báu mà Út đã lo cho tôi như thế.

Hình ngày xưa của Út TL gửi “tỷ” Lan Chi

Người thứ ba là TVMT. Một netter Dactrung. Em đã giới thiệu báo cho tôi cộng tác kiếm thêm tiền, việc làm cho tôi. Em đã nhắc nhở ” chị phải ngưng ngay, không đuợc cố sức. Em đã hỏi bác sỹ. Nếu chị để tay cứng sẽ chữa trị rất lâu” may phuớc có TVMT chứ không  tay sẽ bị tổn thương nặng hơn vì guợng làm.

Một bạn net khác, SC thì tìm cách đưa tôi đi họp văn nghệ ở Boston. Em đã gửi sách cũng như CD nhạc cho bà chị nghe  đỡ buồn..

Môt số bạn net khác thì giúp đỡ khi tôi cần một thông tin nào đó như mua cell phone loại gì, lắp net cable ra sao, thi lái xe thế nào…

Có những bạn net khác thân hơn. Thân vì từng là bạn cũ khoa học. Thân vì là hạp nhau cái gì đó. Các bạn cũ khoa học  ai cũng tốt với tôi cả. Không giúp về tài chánh đâu nhưng tình cảm đáng quý biết bao. Biết tin tôi sẽ về CA cuối tháng 10/2004, các bạn Khoa học dự định tổ chức họp mặt lần nữa. Đáng tiếc là phút chót, tôi phải huỷ bỏ vì tay bị đau do làm việc hơi quá sức, phải đi Bác sĩ và đang chữa trị.

Tại Cali, tôi có đông họ hàng và mọi người luôn quan tâm chăm sóc cuộc sống của tôi  bằng những cú phone hỏi thăm nhưng ở VA thì lại chẳng có ai. Nên những bạn net mới đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi đã nũng nịu với Anh cứ như mình còn bé lắm. Thật  thú vị khi mùa thu, trời mưa buồn mà nhận mail anh ” anh sẽ đánh cái cửa kính đã làm em kẹp tay . Chả là tôi kể, buớc ra xe, tôi để tay vào khe hở  của cánh cửa và ông anh họ vô tình cho kính kéo lên làm ba ngón tay gày guộc của tôi bị kẹp đau điếng. Hay khi tôi muốn in hình thì anh “cho biết máy in, anh sẽ gửi giấy và mực cho em..” Tôi thích lắm vì chưa lái đuợc xe nên rất nhiều cái cần thiết cho cuộc sống mà không làm sao đi mua đuợc. Thôi thì bạn net ở xa phải gửi cho vậy. Như cô bé Xí xọn đã gửi qua bưu điện cho tôi microphone. Hay Quỳnh Va đã phải đưa tôi đi Walmart  để mua áo mặc trong nhà vào mùa lạnh.

Lời cuối, tôi muốn dành cho một người đàn bà ! Dì Tám thân yêu của tôi ! Bà chính là chủ nhà  – nơi tôi ở tạm trong khi chờ đợi tìm việc làm. Bà đã cho tôi dùng phone khá thoải mái để liên lạc với các nơi cần người giữ trẻ. Khi tôi đi làm  về, kêu đói bụng thì trong khi tôi tắm, bà đã để nóng cho tôi tô phở gà. Làm sao quên đuợc tô phở ân tình ấy? Các con trai gái của bà thật dễ thương. Họ trò chuyện vui vẻ. Chính một người con rể của bà, TH đã cho tôi mượn thẻ credit card  để TH install dùm tôi AOL. Hết hạn free, TH và tôi cancel khá cực vì cả TH và tôi không còn giữ tờ giấy đã khai các information với AOL. Tội cho TH, đang bận bịu mà phải đến nhà tôi, cùng tôi làm việc hơn hai giờ mới cancel đuợc  AOL. Dì Tám thì lúc nào cũng ân cần vui vẻ. Gọi phone hỏi tôi làm việc đuợc không, sống tốt hơn chưa, nhắc tôi lâu lâu ghé Dì Tám chơi..Khi tôi về, Dì Tám nấu bún cho ăn. Tôi hỏi tiêu, ớt ở đâu (vì đã quên nơi để)  thì Dì Tám mắng yêu :
-Con gái mới đi lấy chồng có vài tháng đã quên nhà cửa rồi.

Tôi phì cuời và nghe lòng ấm biết bao mà kể. Tôi đã ở trọ, đã ra đi -bây giờ về để nghe mắng yêu “con gái sao quên .?”

Nhân chi sơ tính bổn thiện.Tôi tin như thế và tin rằng số người Việt tốt với đồng loại vẫn đông hơn số  xấu.Tình người Việt trên đất Mỹ, đối với tôi, vẫn là một chút gì để tôi nhớ, giữ rất kín,  rất sâu trong trái tim nhỏ bé già cỗi của tôi!

Viết tại Rừng Gió Virginia  2005

Hoàng Lan Chi 

—————————————————————————————————-

Hiệp Sĩ Mù Trên Đất Mỹ
 
Hoàng Lan Chi

Cô em họ tôi nói “Chị Minh cứ nói chị ấy là hiệp sỹ mù khi dọn từ CA lên Colorado. Nhưng đâu phải vậy, khi Minh dọn, Chị Sa phải lo nhà, chị Thi cho vay tiền  mở tiệm thuốc, Anh Dzu  giúp chuyên chở …Bả còn chồng và ba con. Em là hiệp sỹ lé khi từ đảo vào Mỹ và di chuyển từ CA lên Texas. Chị mới đúng là hiệp sỹ m! Bà to gan thiệt. Đi một mình từ Việt Nam  sang CA rồi lên Virginia múa lung tung xèng. Bà làm với ông P đuợc bao lâu” “4 tháng” “Thế là lại múa kiếm xông pha hả”.

Nghe cô em tiếu lâm, tôi thấy buồn cười. Cũng pha chút ngậm ngùi. Đúng là mù không thấy nước Mỹ và điếc không sợ súng!

Tôi từ Việt Nam đến California cuối tháng 2. Mới một tuần thì bay vù sang Montreal và Toronto. Về  lại California chừng mươi ngày thì sang  Virginia. Nơi đây, không họ hàng, bạn bè thân. Chỉ sau ba tuần, tôi xách va ly đi làm vú em. Vú em ru bé đủ dân ca ba miền và cả ngâm thơ! Sau hơn tháng tôi dọn tạm đến nhà chị Phong rồi Dì Tám trong khi chờ tìm việc làm. Ba tuần sau, tôi làm công nhân cho anh P. Công việc vừa chân tay vừa trí óc.

Chân tay đây: lôi thùng hàng ra phân lọai theo size. Vd 100 áo thun đủ cỡ S, M, L, Xl, XXL…Cho từng áo vào khuôn. Phải canh  thẳng thớm. Lót vải lót vào ngay ngực áo nơi sẽ thêu logo. Lấy khuôn khác, rà vào và ấn mạnh xuống cho hai khuôn úp vào nhau. Có thể điều chỉnh khuôn tùy áo mỏng, dày. Gỡ ra. Được bốn áo thì cho vào dàn máy thêu có bốn đầu. Phải cẩn thận nếu không áo bị dính, coi như tiêu đời. Trong khi máy thêu thì đi làm khuôn khác. Cũng có lúc phải ngưng để xỏ chỉ. Máy thêu xong thì tháo áo. Cắt vải dư. Phải cẩn thận đừng cắt P. Xếp lại theo từng size. Cho vào thùng.

Trí óc đây: máy hơi cũ nên suốt chỉ hết, dàn máy không ngưng ngay mà chạy thêm một lúc. Phải sửa cái đầu bị hết suốt cho máy chạy lại chỗ áo chưa đuợc thêu. Phải đeo mục kỉnh vào, mở to mắt để xỏ kim. Khi cắt vải dư, phải xem khi nào thì cắt tròn, khi nào cắt dài hay xé và phải cẩn thận, đừng cắt P vào áo. Cũng phải xem logo có đẹp không để kêu boss vào computer chỉnh lại. Phải xếp áo đúng size. Phải đếm cho đúng với hàng đuợc giao. Nếu thiếu thì boss sẽ báo cho khách biết để họ giao bù. Công việc tuởng đơn giản chứ  cũng căng thẳng. Đang đếm thì phải xỏ kim hay làm gì đó ví dụ khách đến và ra giao hàng nên quên và phải đếm lại từ đầu!

Ông boss của tôi thuộc lọai cần cù, chăm chỉ hạt bột, chịu khó nên tự tay làm logo trên computer. Tuy thế, ông ta hơi thiếu khoa học. Xưởng nhỏ, được chế biến từ gara và để áo tùm lum trên các lưng ghế. Khi tôi mới tới, còn phải khum lưng xếp áo trên các thùng carton vì bàn không còn chỗ trống. Tôi sắp xếp lại một số động tác lại. Tôi mua các giỏ nhựa, dùng bút lông ghi các size S, M, L. . để khi phân lọai áo thì bỏ vào cho dễ. Lý do khi vô khuôn áo, cũng phải làm theo size. Tôi mua bảng nhựa và ghi lên bảng khi đếm áo. Nhờ vậy đỡ bị đếm lộn hay đếm lại từ đầu. Tôi lấy một cuộn chỉ để làm dấu, đặt ngay đầu máy nào mà suốt có thể sẽ phải thay khi thêu nửa chừng …

Tôi ghét việc xỏ kim. Già cả mà phải mở to mắt xỏ chỉ, rất mệt. Máy cũ, có ngày xỏ 20 lần. Tôi đình công không xỏ nữa vì đã yêu cầu boss kêu Tajima đến sửa nhưng boss “trùm sò”không gọi thợ. Boss phải xỏ kim, có lẽ cũng thấy khổ nên đồng ý gọi thợ. Trước đó, bà kia giới thiệu chuyên viên X. Ông này phán, muốn sửa thì chi: vé phi cơ cho thợ từ New York đến VA, khỏang 500 US gì đó, tiền công 100US/giờ. Tôi lẳng lặng vô net, vào customer service gửi mail cho họ, nêu yêu cầu. Ban đầu Tajima tử tế, gọi phone đến chỉ cho boss sửa máy. Về sau, boss cần sửa dàn máy kia nữa nên kêu tôi mail hỏi giá cả. Tajama cho hay, tiền đến nơi chúng tôi là 40 US, tiền công 90US/giờ. Mẹ ơi, thế là nhờ  tôi mà boss tiết kiệm đuợc tiền vé phi cơ do ông X bịp boss. Tôi vênh mặt “à, thế ra cô nương đây lại kiêm cả chức  thư ký cho ông đấy hử ?”

Hai tháng đầu tôi làm với mức lương  rẻ vì boss nói tôi chưa có thẻ làm việc và boss không khai đuợc thuế. Vừa có thẻ thì xảy ra một việc xui xẻo. Thấy tướng tá tôi to con, boss ngỡ tôi còn trẻ trung (!) nên kêu tôi phụ khiêng máy lạnh mới từ đất lên lầu 3, cho máy cũ từ lầu 3 xúông đất. Chưa hết, lại phụ khuân máy lạnh đưa lên ô cửa sổ để lắp. Máy lạnh này chừng 51 lbs. Mỗi người một tay, coi như cánh tay phải của  “bà già”tôi phải nâng chừng 25 lbs lên cao quá đầu mình. Cũng chiều hôm đó, lần đầu tiên mà tôi “làm le”vô khuôn hơn 60 mũ dày. Mỗi mũ mỗi vận sức ghì để kéo …Mấy hôm sau, tôi bị đau tay nhưng không biết cứ làm tiếp. Một tháng sau đau quá, tôi gọi về Cali cho ông chú và khóc ròng. Chú bảo “Cháu phải mang găng vào và tìm thế để làm việc vẫn đuợc mà không phải vận sức nhiều”. Tôi cầm cự tiếp tháng nữa  thì đành nghỉ. Đi khám Bác sỹ. May mắn chỉ là bắp thịt bị căng do làm quá sức chứ không bị gân hay xương gì cả.

Thời gian nghỉ, có lúc tinh thần tôi xuống rất thấp. Vì người thì bảo “Lâu lắm, có khi 2,3 tháng mới khỏi”. Người thì “sau khi khỏi, tay không đuợc như cũ”.

Mẹ ơi, tay đau có khi xào mấy cọng hẹ cũng không nổi. Gắp mấy cọng phở cũng đau. Tôi nản quá. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu? Tôi thèm đuợc khỏe như cũ. Ngày đó,  đi chợ về, hai tay xách bao nhiêu bịch. Ngày đó, tôi làm luôn tay chân trong 6 giờ ban ngày, đêm lại viết lách. Ngày đó, tay trái tôi bồng cu Tý 13 lbs, tay phải xách ghế và mớ tã cho bé đi từ lầu xuống nhà duới tỉnh bơ.

Phải nghỉ làm vì tay đau, vừa buồn vì “que sera sera”, biết ra sao ngày sau tay ơi, tay như cũ hay chỉ còn 50% ? Rầu rĩ vì không kiếm được tiền, mà tôi thì vừa qua Mỹ, thương bạn bè còn ở lại, muốn tặng thùng quà cho bạn cơ! Tôi mua vé số Mega, Loto mấy lần mà trúng có một đồng!

Một ngày đẹp trời, vô tình xem báo. Tìm người nuôi một bà bị bịnh. Hỏi. Thấy công việc phù hợp với cái tay còn đau của mình, tôi đồng ý. Chờ một ngày không thấy người con trai gọi đến để lấy địa chỉ, tôi ủ rũ. Lại cô em họ gọi phone. Tôi kể. Cô ta :
-Thế nó thấy chị chưa?
-Chưa.
-Nó mà thấy chắc nó từ chối.
-Chưa thấy đã từ rồi, có thấy hắn gọi lại chị đâu?

Tôi kể. Tân có vẻ đàng hoàng lễ phép. Mẹ Tân, bà Thanh bị stroke nhẹ. Cần có người ở cạnh coi chừng chứ bà Thanh vẫn đi lại, tự nấu bếp chút ít. Nhà chỉ hai người. Ông chồng Mỹ tối mới về. Các con ở riêng nhưng cũng gần đó.

Nhưng vừa cúp phone thì Tân gọi đến. Tôi hớn hở như em bé đuợc quà. Tôi gọi cho bà chị họ ở Cali.
-Tốt quá. Em làm việc nhẹ nhàng. Nhưng em nhớ là ớt nào là ớt chẳng cay. Chớ trang điểm nhé!
-Rõ!
-Đừng mặc đẹp nhé!
-Rõ!
-Đừng bầy đặt học tiếng Anh với ông Mỹ nhé!
-Rõ!
-Đứng xa ông Mỹ hai mét nhé!
-Rõ!

Chị Thanh 65 tuổi, bị stroke nhẹ. Đẹp, điệu. Ngày thứ hai, tôi thổi xôi cho chị ăn dù đó không phải việc của mình. Ngày thứ ba, thấy tay chị nứt nẻ, tôi bôi lotion dùm. Chị rị mọ sơn móng tay, tôi lại làm dùm. Tính tôi siêng năng và thích chiều người khác. Ai dè, hôm sau chị Thanh hỏi tôi:
-Em thích dây chuyền không?
-Em có nè!

Chị lên lầu lấy túi và tặng tôi một dây chuyền trắng với mặt Phật cẩm thạch xanh khá to. Tôi nhận nhưng hôm sau gọi cho Tân “…. Cô nhận cho mẹ vui chứ cô không lấy đâu. Để cô gửi lại tụi cháu. ” Tân cũng dễ thương “Đâu có gì hả cô, cô cứ giữ đi”.

Tôi cảm thấy vui vẻ. Tất nhiên người già lại bị stroke thì khó tính nhưng tôi tự nhủ, ta cứ coi chị Thanh như chị ruột. Có khó tính một chút thì chiều, chả sao. Coi như việc thiện. Biết đâu sau này lại có người khác tốt với ta. ”

Thế là chỉ trong vòng tám tháng, tôi di chuyển chỗ ở sáu nơi. Riết rồi tôi không nhớ đồ mình để ở đâu nữa. Cô em họ thấy tôi một thân một mình  lại tuổi già mà cứ tùm lum nên đã đùa “Chị tôi, hiệp sĩ mù trên đất Mỹ”!

Viết tại Rừng Gió Virginia 2005

Hoàng Lan Chi

——————————————————————————————-

Giao Thừa Đầu Tiên Trên Đất Mỹ

Mạng Tích lịch hỏa, số Mậu mà tử vi phán rằng  Canh Cô Mậu Quả  nên đi đâu, tôi cũng bị Cô Quả. May nhờ cái Hỏa sấm sét nên băng giá lạnh lùng của miền đông bắc Hoa Kỳ không quất sụm Bắc kỳ chín nút ?

Tôi lang thang ở nhờ nên không biết đến bất kỳ lễ lạc nào dù của Tây hay Ta.  Không biết thì chớ mà những ngày –người ta quần tụ- thì tôi ….phải đi trốn ! Có gì đâu, nhà ông X, nơi tôi ở tạm và làm công nhân hạng bét cho ông ấy, thỉnh thỏang có giỗ thì tôi phải nhờ ông ta đưa tôi đến Dì Tám (nơi tôi thuê nhà ở trong ba tuần nhưng sau đó hai dì cháu thành người thân của nhau luôn.) Ban đầu, ông ta còn chịu khó đưa tôi đi …lánh nạn (!) nhưng về sau, ông ta chán, không muốn giúp làm tài xế nữa. Đành chịu thôi!

Tết tây, tôi đi lánh nạn ở nhà cha mẹ Quỳnh, một cô cháu lụm đuợc trên net ! Quỳnh dễ thương, đang đi làm, con còn nhỏ nhưng trái tim to tổ chảng (!) nên đã bỏ thì giờ khá nhiều cho tôi. Ví dụ đưa tôi đi mua áo mặc mùa đông, mua bịch nước đá đem đến cho tôi chườm tay đau.  Tết tây, tuyết rơi tá lả mà phải lội tuyết đón cô.Tối thì đưa tôi về lại nhà ông X.

Tết ta, ông X nói tôi đem đồ ăn vào phòng, khóa  kín, khỏi cần đi đâu.Nhưng tôi thấy kỳ cục vì phòng tôi chỉ cách phòng khách năm bậc thang, sát đó là bếp và family room. Lỡ mình ngứa cổ ho môt cái, mọi người biết có mình ở trong thì không giống ai nên tôi lại phải đi trốn tiếp. May sao, nhỏ Quỳnh lướt net, thấy cái bình cắm hoa tết của tôi, cô nàng khóai, gọi phone. Tôi bảo Quỳnh ghé, tôi cho Quỳnh cái quạt để cắm hoa . Sẵn đó nhờ Quỳnh chở đi tị nạn đêm 30 tại nhà Dì Tám!

Gần 9 giờ đêm, ông X gọi báo tin gia đình ổng đã vãn tuồng. Tôi gọi cho chị Phương, cho đầy đủ dữ kiện và nhờ chị gọi dùm taxi Mỹ. Phải 9g30 taxi mới đến. Thấy taxi chạy lộ trình khác ông X, tôi nói ngay (đúng là đa nghi như Tào tháo!) :
-Nhà tôi rất gần đường 29  đó nghe.
-OK .

Tài xế chạy tiếp. Tôi ráng banh đôi mắt già nua ra ngó. Tôi hỏi :
-You turn left vô LeeHWay hả ?
-OK.

Hà, xong.Vô LeeHway là tôi đã biết đường về nhà. Chị Phương rất cẩn thận chu đáo, dặn tôi phải gọi nên gần về nhà, tôi lấy cell ra báo cho chị biết, “ hiệp sỹ mù “ đã hạ kiếm an tòan trên xa lộ! Về phòng, tôi cũng gọi cho Dì Tám. Bà nói:
-Tui với cô Phương đang nói, sao cô mới qua Mỹ mà gan quá. Đêm khuya dám kêu taxi Mỹ ! Tụi tui qua gần 20 năm mà còn chưa dám!

Trời, cái thân tôi long đong lận đận nên mới vất vả vậy chứ Dì Tám khi qua Mỹ, bằng tuổi tôi bây giờ nhưng có con nên đâu phải đi làm, đâu phải đi tỵ nạn đêm 30 tết như tôi.  Nghĩ cũng tủi thân và buồn. Đêm 30, giao thừa, đa số chim bay về tổ, quần tụ với gia đình, còn tôi thì lo đi trốn! Khi về, lại thân gái già dặm trường đi taxi Mỹ mình ên.

Coi vậy chứ cũng có niềm vui khác. Một anh bạn quen trên net đã  đích thân mua hoa đem đến tận nhà cho mẹ tôi ở Montreal.  Cụ vui lắm. Còn nói đùa “ Phải chi hoa này là của bồ bà thì bà vui biết mấy”. Giời ạ, “ bà giáo”  này ngày xưa hét ra lửa mửa ra khói, cai trị lũ con bằng pháp trị, bây giờ về già cụ đổi tính đổi nết, dễ dãi không ngờ.

Gần giao thừa, đang lướt net thì con dâu tương lai (đang ở VN) chộp được tôi. Đang gõ, ngó đồng hồ, tôi viết:
-Chờ mẹ chút !

Thế là năm đầu tiên trên đất Mỹ, tôi khai bút bằng keybord với giòng chữ không dấu gõ ở Yahoo Messenger :

Tân niên khai thần bút
Vạn sự tổng giai thành

Chả là ngày xưa cha tôi dạy và lũ con nhắm mắt vâng theo. Đó là khai bút đầu xuân (thường là mùng 2 tết, tốt ngày) bằng hai câu trên. Thời buổi computer, gặp giao thừa thì gõ luôn khỏi viết, nhập thế kỷ mới tùy tục mới (!!). Chẳng biết ra sao nhưng cứ có kiêng, có lành vậy.

Viết tại Rừng gió Virginia 2005

Hòang Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi, Văn. Bookmark the permalink.