HÒA BÌNH

Tôi cười cười:

– Chắc em bắt chước ông Đạo Dừa hứa giải quyết chiến tranh trong ba  ngày?

Hòa Bình cau mặt:

– Hòa Bình không đùa! Cuộc chiến này phát khởi do những mâu thuẫn quốc tế và quốc nội. Giải quyết những mâu thuẫn ấy là giải quyết được chiến tranh!

– Mâu thuẫn? Ví dụ?

–   Hừ! Miền Nam đầy rẫy mâu thuẫn, thiếu gì ! Còn Miền Bắc mâu thuẫn giữa những người thân Nga, thân Tầu muốn đưa cuộc chiến theo chiến lược của Tầu hoặc của Nga. Mâu thuẫn giữa những cộng sản nòng cốt với những người theo đảng vì ảo tưởng chống Mỹ cứu nước?”

 (Trích Hoà Bình –Hoàng Lan Chi )

 

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/HoaBinh-HoangLanChi-NamPhongPhuongDung.mp3

 LGT: Xin giới thiệu một truyện ngắn mà Hoàng Lan Chi viết và đăng báo từ trước 75. Khi viết là lúc chiến tranh đang leo thang và trong niềm ao uớc Hoà Bình, Lan Chi viết truyện này. Hoàng Lan Chi đăng net vào khoảng 2003. Một lần lang thang và gặp một trang web nào đó đọc truyện này. NamPhong và Phương Dung đọc, phải nói khá hay. Xin cảm ơn trang web này và cả 2 người đọc.Không phải truyện học trò mà là chút suy tư!

Trời Đà lạt mù sương. Tôi khoác chiếc ao len mỏng, xuống bếp pha cà phê. Qua khung cửa , khuôn vuờn như rực rỡ với ngàn đoá hồng rung rinh trước gió. Khung cảnh qúa thanh bình. Với hoa nở, chim hót, suối reo, ngàn thông vi vút, thác ngàn vang. Chiến tranh như ở một nơi nào , xa xôi lắm. .

Có tiếng động. Tôi quay lại. Cô gái như đoá hồng , thậât xinh đẹp sau giấc ngủ ngon. Tôi mỉm cười :

-Em dậy rồi đấy ư?

Cô bé lại cạnh tôi. rất tự nhiên cầm tách cà phê nhấp một ngụm nhỏ. Tôi mỉm cười trước vẻ hay hay của nàng:

–        Đắng lắm. Bé không uống được đâu?

Cô bé hất đầu , nét buớng bỉnh:

-Ai là bé?

A, ghê nhỉ ?    tôi nhún vai :

-Thì em !

-Tôi không phải là cô bé !

-Thì là cô lớn?

-Tôi không đùa !

Tôi nghiêng đầu cười :

-Thì tôi cũng không đùa?    Em còn bé lắm. Tôi gọi bằng cô bé , không được sao?

-Tôi đã 18 rồi, không còn là cô bé !

-Phải , muời tám. Có thể  lắm. Không còn bé. Nhưng cũng chưa đủ lớn. Với tôi, em còn bé. Và như thế, tôi gọi em là cô bé.

Cô bé có vẻ nhuờng buớc truớc vẻ lỳ lợm của tôi. Nàng hớp thêm một ngụm cà phê. Nhăn mặt. Tôi lẳng lặng pha tách khác. Đưa cho cô bé, tôi cố chọn giọng nói dịu dàng nhất mà tôi có thể :

-Đừng tập với cay đắng sớm em ạ.

-Tôi không thích ngọt. Kể cả nói ngọt.

Tôi nhún vai :

-Không hề ngọt. Chỉ là không quá đắng. Như của tôi.

_Tại sao vậy?

-Em khác. Tôi khác. Này em, mình nói chuyệân khác đi?    cà phê cho em cũng đắùng. Cứ uống đi em sẽ thích. Chưa ai chê cà phê tôi pha bao giờ cả. Chỉ cần nhìn mặêt tôi cũngcó thể pha cà phê đúng gu. Tin tôi đi.

 

Nàng cầm tách cà phê nhấp một ngụm , vẻ hài lòng. Tôi mỉm cười:

-Thấy chưa? Tôi biết gu của em mà?

Cô bé nguớc mắt nhìn tôi. Vẻ bướng bỉnh, ngang ngạnh dịu một phần. Đôi mắt ngây thơ quá đỗi. Chuá ơi !

-Anh lạ lắm. Vì sao tôi ở đây?

-Tối qua em gục truớc cổng nhà tôi. Em đã uống quá nhiều rượu. Em đạp gai hoa hồng của tôi. Tôi đã phải băng chân cho em.

-Nhớ rồi. Buồn quá.

-Buồn?    Em mới muời tám tuổi. Có gì để buồn đến say mèm giữa đêm khuya?

-Tại em ghét chiến tranh !

–A ha, cô bé mười tám ơi. Chiến tranh đang tiếp diễn hàng ngày. Em còn nhỏ, hãy lo học đi. Đừng nghĩ đến chiến tranh.

-Không.

-Thôi được. Em cứ ghét chiến tranh. Còn tôi, tôi chấp nhận vì tôi là một phần của nó

Cô bé nhún vai :

-Biết rồi. Anh là. .

-Đừng nói. Em nhìn bức hình tôi mặc quân phục trong phòng ngủ chứ gì?    Em có thấy tượng chúa trong ấy không?    Tôi mới được tăng hôm qua. Khi về nhà htì gặp em trước ổng. Phải chăng chúa đã đem em đến cho tôi?    À mà em tên gì ấy nhỉ?

– Hoà Bình !

–        Hoà Bình?

–        Em có đạo không Hoà Bình?

–        Có. Nhưng em đang ghét chúa?

–        Vì sao?

–        -Chiến tranh !

–        -Chúa đâu có gây ra chiến tranh?   ?

Cô bé buớng bỉnh :

– Hừ! Chúa không gây ra chiến tranh nhưng chúa đã sinh ra thân thế con người!

Tôi tủm tỉm cười. Hòa Bình lại cau mặt:

– Anh cười gì? Không phải sao? Hừ!

 

Nếu chúa biết bao tâm hồn ly tán

Vì đã nâng binh lửa ấp lên môi

Thị ắt chúa cũng thẹn thùng hối hận

Đã sinh ra thân thế của con người!

(vô danh ) 

Tôi tròn mắt:

– Hòa Bình có vẻ thuộc thơ tiền chiến nhỉ?

Hòa Bình không trả lời, ngả đầu vào vai tôi lim dim mắt. Tôi vuốt ve tóc nàng. Mái tóc thật đen mướt. Bàn tay tôi di động xuống bờ vai. Hòa Bình vẫn lim dim mắt. Tôi muốn hôn lên đôi mắt nàng. Đôi mắt đẹp quá chừng!

Hòa Bình chợt mở mắt:

– Anh! Hòa Bình đói bụng rồi!

– Ừ nhỉ! Anh quên, để anh bảo ông gia Tư đi mua. Hòa Bình ăn phở nhé?

Hòa Bình nhẹ gật đầu. Lúc này nàng hiền ngoan vô cùng. Tôi nghĩ, giá nàng là người yêu của tôi. Ồ chắc Quỳnh ngạc nhiên lắm! Nhưng rồi Quỳnh sẽ yêu Hòa Bình.

Tôi kêu ông già Tư lên sai đi mua hai tô phở. Xong tôi với tờ giấy trên bàn viết ba chữ N. Y. M và bảo Hòa Bình:

– Em đọc đi!

– Gì thế?

– Cứ đọc đi!

– Tên người yêu anh à?

– Không ! Một câu nói ! Em cứ đọc đi! Hòa Bình nhìn rồi đọc:

– En nờ! I gờ rếch! Em mờ!

– Giỏi lắm! Nhưng chữ En nờ người Nam đọc là gì?

– Anh nờ!

– Đúng rồi! Nhưng bỏ nờ và mờ đi!

Nói xong tôi nhìn nàng. Đôi mắt thay lời nói. Hòa Bình quay mặt đi. Tôi bảo:

– Bao giờ em đọc được em nói ra nhé!

– Em biết rồi!

– Thật không?

– Thật!

– Nói thử anh nghe!

Hòa Bình mím môi nhìn ba chữ N. Y. M rồi chợt gục đầu dấu mặt vào ngực tôi, nàng nói nhanh:

– Anh yêu em!

Tôi sung sướng ôm ghì Hòa Bình trong vòng tay:

– Đúng rồi! Em thông minh lắm!

Hòa Bình không đáp vẫn dấu mặt vào ngực tôi. Tôi thấy ngực áo ươn ướt. Ô! Hòa Bình mà khóc ư?   !

Tôi nghĩ mắt nàng lúc này đang đẫm lệ chắc đẹp lắm! Tôi lại thấy thèm được hôn lên mắt nàng. Nhưng ông Tư đã mang hai tô phở về. Tôi săn sóc cho nàng ăn như săn sóc một người yêu bé nhỏ, một người vợ hiền ngoan.

Ăn xong tô phở, Hòa Bình đẹp gấp bội. Đôi mắt long lanh. Gò má hây hây đỏ. Tôi mỉm cười thầm nghĩ “Hòa bình thì phải cho no ấm chứ! Chiến tranh mới nghèo đói!”

Nắng bắt đầu lên, xóa tan sương mù. Tôi hỏi:

– Hòa Bình đi dạo phố với anh không?

Hòa Bình giơ bàn chân băng bó lên. Tôi cười:

–        Ừ nhỉ ! Anh quên !

Hòa Bình ngồi im, đôi mắt dữ dội lúc này thật hiền dịu. Tôi chợt khám phá ra lúc nàng dữ dằn, đôi mắt giống Quỳnh lạ! Tôi mỉm cười khi nhớ một lần tôi chê mắt Quỳnh dữ, Quỳnh thản nhiên cười:

– Nếu anh thấy được cái  dữ của tôi thì anh xứng đáng là bạn tôi !

– Vì sao?

–        À! Vì Ngự cũng bảo tôi dữ tôi giận thì Ngự bảo khi một người con trai nhìn thấy ở người con gái cái dịu hiền, thùy mị nhưng đồng thời cũng nhìn thấy ở đấy cái hung dữ thì cái nhìn đó mới có giá trị, cảm tình của người con trai dành cho người con gái mới là những cảm tình chân thật nhất!  Tôi thấy Ngự nói có lý!

 

Nghe Quỳnh nói tôi cũng gật gù ! ừ ! có lý !

– Anh! Bao giờ có hòa bình?

Tôi mỉm cười áp má vào tóc Hòa Bình:

– Em khao khát hòa bình lắm ư?

– Phải ! Bao giờ có hòa bình hở anh?

–        Hỏi mấy ông thầy bói em ạ !!

Hòa Bình có vẻ phật lòng. Tôi cười:

– Thật đấy em gái của anh. Không ai có đủ thẩm quyền giải quyết chiến tranh, nên không ai có thể trả lời chắc chắn bao giờ có hòa bình!

– Giải quyết dễ ợt!

Tôi cười cười:

– Chắc em bắt chước ông Đạo Dừa hứa giải quyết chiến tranh trong ba  ngày?

Hòa Bình cau mặt:

– Hòa Bình không đùa! Cuộc chiến này phát khởi do những mâu thuẫn quốc tế và quốc nội. Giải quyết những mâu thuẫn ấy là giải quyết được chiến tranh!

– Mâu thuẫn? Ví dụ?

–   Hừ! Miền Nam đầy rẫy mâu thuẫn, thiếu gì ! Còn Miền Bắc mâu thuẫn giữa những người thân Nga, thân Tầu muốn đưa cuộc chiến theo chiến lược của Tầu hoặc của Nga. Mâu thuẫn giữa những cộng sản nòng cốt với những người theo đảng vì ảo tưởng chống Mỹ cứu nước?

Tôi tròn mắt nhìn người con gái trẻ, vòng tay đang ôm nàng chợt lơi ra:

– Em học những điều đó ở đâu thế? Tự em nghĩ vậy hay em đọc sách?

Hòa Bình bướng bỉnh:

– Em nghĩ hay em đọc sách kệ em!

Tôi thở dài nhè nhẹ rồi lại ôm Hòa Bình vào lòng. Mấy ai được ôm Hòa Bình trong tay như tôi!

– Em còn trẻ quá Hòa Bình ạ! Đừng thắc mắc suy tư cho hao mòn tuổi ngọc. .

– Nhưng chiến tranh…

– Kệ cha nó!

– Không! Em muốn hòa bình!

A! người con gái tên Hòa Bình nên cứ thèm khát hòa bình! Tôi cúi xuống vỗ về:

– Thế thì em cầu nguyện đi Đừng giận chúa nữa Hòa Bình ạ!

Hòa Bình yên lặng. Tôi mơn man gò má nàng:

– Hà mộng Hòa Bình! Sao em tên Mộng Hòa Bình?

– Vì mẹ chờ đợi hòa bình, ước ao hòa bình, mong muốn hòa bình!

– Mẹ?

Hòa Bình vòng tay ôm cổ tôi:

– Ừ! Ngày mẹ hoài thai Hòa Bình, bố đi chiến đấu miền xa Mẹ chờ đợi, cầu nguyện hòa bình cho bố về. Nhưng bố đi mãi không về! Mẹ vẫn chờ đợi, ước ao và cầu nguyện Hòa Bình ra đời và mang tên Mộng Hòa Bình trong niềm mong ước đó!

Tôi gật gù, ôm Hòa Bình chặt hơn.

– Bây giờ mẹ đâu?

Hòa Bình chợt vùng dậy đôi mắt long lanh dữ dội:

– Chết rồi ! Chết rồi ! Chết rồi anh biết chưa?

– Vì sao?

– Vì sao? Vì sao nữa à? Chiến tranh! Chiến tranh anh biết chưa? Hừ ! Anh biết chưa?

Hòa Bình gằn giọng, bàn tay bấu vào vai tôi đau điếng.

Tôi nhìn thấy tất cả nỗi thảm sầu đau đớn trong đôi mắt nàng. Tôi dịu dàng vuốt tóc nàng. Không nói. Hòa Bình chợt gục đầu vào vai tôi nức nở. Tôi để yên cho nàng khóc. Tội nghiệp ! Tội nghiệp Hòa Bình của tôi!

Khóc một lúc lâu, Hòa Bình mệt lả. Tôi áp má vào tóc nàng:

– Để anh bồng em lên giường nằm nghỉ nhé Em mệt rồi đó!

Hòa Bình gật đầu. Nàng lại hiền ngoan như con cừu non. Tôi đưa nàng vào giường rồi kéo ghế ngồi cạnh. Hòa Bình không chịu bắt tôi lên nằm cùng nàng. Chiều ý nàng tôi leo lên giường định nằm ngoài nhưng Hòa Bình bắt tôi vào trong và dang tay ra cho nàng gối đầu. Tôi cười, một tay dở đầu nàng một tay vuốt cánh tay Hòa Bình:

– Gớm! Em gái làm nũng quá! Nào thôi! Em ngủ đi một lúc cho khỏe !

Hòa Bình quay người nằm nghiêng nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt và giọng nói ngây thơ lạ lùng:

– Anh biết ru không?

– À! Biết chứ! Biết chứ !

– Vậy anh ru đi!

– Ờ! Để anh ru Hòa Bình ngủ nhé!

Đôi mắt Hòa Bình đã nhắm lại mở ra:

– Ô hay! Sao lại ru Hòa Bình ngủ?!

Tôi cười xòa:

– Ừ nhỉ ! Anh quên ! Ru chiến tranh ngủ chứ ai ru Hòa Bình ngủ!

Tôi mỉm cười vỗ nhẹ vào má nàng:

– Thôi bây giờ em ngủ đi! Anh ru nhé ! à ơi ! à ơi !

Đôi mắt Hòa Bình lại mở ra:

– Anh ru dở quá!

Tôi cười tủm tỉm:

– Thế Hòa Bình dạy anh đi!

– Phải dạy cơ à? Hừ! Ngu quá! Ru em khó lắm chứ chả chơi đâu! Ru “em nhỏ” mới hát à ơi còn ru “em lớn” phải hát Ngậm ngùi anh biết chưa?!

Tôi tròn mắt ngạc nhiên rồi phá ra cười:

– A! biết chứ! Biết chứ ! Phải “Nắng chia hai bãi chiều rồi. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây !”  không?

– Đúng rồi! Vậy anh ru đi! Nhớ chưa “em lớn” thì phải ru Ngậm Ngùi nghe không!

Tôi mỉm cười. Ôi! Hòa Bình của tôi thật là tuyệt! Tuyệt ! Tôi nhè nhẹ cất tiếng ru Ngậm Ngùi cho “em lớn” Hòa Bình ngủ.

Chỉ một lát sau nàng đã ngủ và tôi cũng thiếp vào giấc mộng bên cạnh Hà Mộng Hòa Bình. Trong giấc ngủ, lần đầu tiên tôi mơ thấy hòa bình về với quê hương.

Khi tôi tỉnh lại, trời đã xế chiều. Tôi nhìn sang bên cạnh. Hòa Bình đã biến mất! Thế vào đó tờ giấy mà tôi đã viết ba chữ N Y M và bảo Hòa Bình đọc. Tôi cầm tờ giấy lên xem, chỉ vỏn vẹn vài hàng: “yêu anh rất nhiều. Đừng tìm em nữa. Hòa Bình sẽ trở lại với anh khi hòa bình về với quê hương!”

Tôi mỉm cười áp tờ giấy vào má hôn nhẹ. Tôi nghĩ tối nay, tôi sẽ viết thư cho Quỳnh. Cuối bức thư là hàng cước chú, cước bác: “ Quỳnh ơi! Sáng nay tôi đã gặp Hòa Bình, yêu Hòa Bình, ôm Hòa Bình trong tay! Thật là một sáng tuyệt diệu ! Nhưng tôi đã ru Hòa Bình ngủ và Hòa Bình đi rồi Quỳnh ạ!”

Chắc hẳn cô bạn đanh đá đọc xong sẽ viết thư mắng mỏ “Sao mà anh ích kỷ, cynique thế! Biết bao người chờ đợi hòa bình mà anh nỡ ru hòa bình ngủ hả?!!

Hoàng Lan Chi

 

 

 

This entry was posted in Văn. Bookmark the permalink.