Có những người nghe nhạc và không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chung quanh như nhạc sĩ, ca sĩ, nội dung và có những người ngược lại. Tôi là một người của vế sau.
Từ khi mất nước thì mức độ chú ý vào nội dung nhạc phẩm cùng thân thế nhạc sĩ đã có phần trội hơn. Đó là lý do tôi không nghe và không bao giờ giới thiệu nhạc TCS cả dù rằng trước 75 tôi cũng thích một số bài của ông ta như Hạ Trắng, Gọi tên bốn mùa, Như cánh vạc bay… Không chỉ mình tôi mà một chị đi từ 1975 đã viết cho tôi như sau, khi tôi mời chị nghe thử nhạc của một nhạc sĩ do HL và KL hát:
“ Hương Lan hát còn thưởng thức được, mặc dù cô ấy về VN hát và tuyên bố cà chớn. Nhưng không chấp, vì các cụ có nói ” xướng ca vô loài” cô ấy đói thì phải đi kiếm cơm, thế thôi. Nhưng khi nghe Khánh Ly thì không chịu nổi, vì ” tâm viên ý mã “! Tâm trí liên tưởng đến TCS và bài Nối Vòng Tay Lớn hát trên đài phát thanh Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 để “chào mừng cách mạng thành công”. Trong lúc ấy thì các thương bệnh binh VNCH bị đuổi ra khỏi TYV/ Cộng Hòa! Trời ơi ! Hình ảnh ấy và tiếng hát TCS nối vòng tay lớn vào lúc ấy nghe nó đau đớn và thê thảm quá! Nhất định không thể nghe Khánh Ly mà không liên tưởng tới hình ảnh ấy! Nghe tiếng hát khàn khàn giọng á phiện của ả là cảm thấy ghê rợn rồi !!!! Sorry, không thưởng thức nổi ! Nhất là vào tháng 4! Mong Hoàng Cô Nương thứ lỗi cho cái bà già ở ruộng này (Long An, không gần Cần Giuộc lắm, nhưng cũng là dân ruộng).”
Tôi bật cười khi đọc mail. Xem ra bà này còn cho lỗ tai nghe chọn lọc hơn cả tôi. Chị là quân nhân VNCH. Tất nhiên không phải ai cũng giống chị. Thiếu gì cựu quân nhân đã “hồn nhiên” lên sân khấu hát nhạc TCS. Thiếu gì cựu quân nhân khi tổ chức show ca nhạc, đã để các ca sĩ từ trong nước (ra hải ngọai định cư hay du lịch) lên hát nhạc TCS và cả nhạc ca tụng mùa thu kháng chiến của VC! Những người ấy họ vô tình hay cố ý thì tôi không biết. Lập trường vững chắc như chị bạn trên đây của tôi không phải ai cũng giữ, cũng có.
Tôi có thể nghe ca sĩ trong nước hát khi ai đó giới thiệu hay mời nghe thử nhưng nếu để giới thiệu thì tôi coi lại. Nếu ca sĩ đó không gây tai tiếng gì thì không sao. Nhưng tôi sẽ không giới thiệu công khai nếu đó là ca sĩ từng có các hành vi sau: đả kích cộng đồng người Việt hải ngọai, tuyên bố vung vít, hỗn hào xấc láo; xin tị nạn ở hải ngọai nhưng sau đó về nước lại có những hành vi này nọ chứng tỏ việc tị nạn chỉ là thi hành nghị quyết 36 của VC.
Tất nhiên nếu chúng tôi trò chuyện với con cái, chúng sẽ rú lên cười vì kiểu nghe nhạc này. Nhưng hề chi? Muôn đời giữa hai thế hệ đã có vô vàn khác biệt. Bọn con trẻ ấy sẽ ngấm cái câu “ Đọan trường ai có qua cầu mới hay” vào lúc nó… bốn mươi. Ba mươi với giới trẻ bây giờ chưa “nhi lập” về một phương diện nào đó nên chưa “ngộ” được. Do đó, không tìm cách thuyết phục chúng. Mất thì giờ!
Khi một lỗ tai “trẻ” ra!
Tôi là người thích nhạc tình tự quê hương nên những bài âm hưởng dân ca luôn chinh phục tôi. Tuy vậy năm 2005 khi nghe những nhạc phẩm “tạm” gọi là “Vietnamese jazz”, tôi thấy hay mới buồn cười. Nhưng lạ nhất là năm nay, không dưng tôi cũng thích những nhạc phẩm “trẻ”. “Trẻ” ở đây là giai điệu trẻ, lời cũng trẻ (nghĩa là không văn hoa cầu kỳ bóng bẩy) và cách hát cũng trẻ. Đó là lý do vì sao tôi chấm chín điểm cho nhạc phẩm “Khi cuộc tình chia tay” của Châu Đình An do Thu Minh hát. Điểm chấm của tôi làm một thân hữu không đồng ý nhưng một cô em họ thì giơ hai tay. Cô này cùng thế hệ với tôi dù thua tuổi đôi chút và thích hát, hát hay nghĩa là người của ca hát dù không theo nghiệp ca sĩ.
Tôi không giải thích và cũng không muốn tìm hiểu vì sao trong con người tôi đang song hành gần như hai lỗ tai! Một tai cho tuổi già và một cho tuổi trẻ. Nghe nhạc xưa, lời trau chuốt thấy vẫn hay. Đồng thời nghe nhạc bây giờ mà anh bạn bảo (rú, gào, hét) cũng thấy hay. Nhưng nếu một lỗ tai của tôi trẻ ra thì người mừng sẽ là vài nhạc sĩ! Lý do tôi sẽ không ngỏanh mặt với những nhạc có “chất trẻ” của họ! Không ngỏanh mặt và để tai nghe thì mới viết bài giới thiệu. Ít ra, sản phẩm được “tiếp thị” vẫn tốt hơn là không.
Một nhạc sĩ nói với tôi là khi sáng tác là cho chính mình chứ không vì tha nhân. Điều đó đúng một phần thôi. Có những đề tài muôn thuở không nhàm chán như tình yêu và có những đề tài tuy chính trị những gợi nhớ một thời thì vẫn được tiếp đón. Nhưng sáng tác xong và cất ngăn kéo thì “cái thú” giảm đi nhiều lắm. Còn nếu có điều kiện để “gửi gió cho mây ngàn bay” thì thú hơn nhiều khi ở một nơi xa xôi lắm, có người cảm được nhạc ta và nếu đó là một người khác phái nữa thì “sướng rên mé đìu hiu” là cái chắc! Sáng tác cho ta mà viết không hạp lỗ tai của đa số người khác thì khả năng nằm trong một góc kẹt rất cao và chỉ mình ta nghe hay đọc sáng tác của mình thì cái sướng đâu nhiều!
Cảm ơn Net
Năm 2009, khi thực hiện chương trình âm nhạc không chú ý nhạc Khê Kinh Kha chỉ vì đa số nhạc của anh do ca sĩ QL hát. Tôi không quen biết gì cô này nhưng khỏang vài năm nay tôi chịu không nổi khi nghe cô “rên” và quá điệu. Bạn bè mời nghe thử mà nhìn thấy tên ca sĩ QL là tôi “ignore”. Duyên đến khi vô tình tôi nghe “Tình Sầu Hoàng Ngọc”. Tôi vẫn yêu Sài Gòn và như đã nói, những âm điệu nỉ non, tình tự quê hương luôn làm tôi xúc động. Sau “Tình sầu Hoàng Ngọc”, tôi mới nghe những nhạc phẩm khác của KKK.
Tháng Tư, tôi nghe “Đêm chôn dầu vượt biển” của Châu Đình An do Tố Lan hát. Nghe lại thôi chứ trước đó nhìêu năm đã nghe rồi. Nhưng có lẽ ĐCDVB là một trong các nhạc phẩm luôn làm tôi khóc khi nghe. Năm nay vì đang phụ trách Câu Chuyện Âm Nhạc nên tôi lướt net nghe thêm CDA.
Nói ra thì có thể nhiều người cười nhưng tôi vốn dĩ “hụych tẹt” như cô em nhận xét và “không ngán gì cả” như một cậu em khác nên tôi nói. Đó là bản nhạc làm tôi thú vị lại có một cái tựa chẳng thơ mộng tí nào. Vâng, nhạc phẩm “Chăn vịt ở phương nam” ! Khi đọc tựa tôi thầm nghĩ, cái gì mà đi chăn vịt cũng viết thành nhạc là sao? Tôi nghe vì tò mò! Nghe xong thì thích.
Thích vì đây là thơ Mường Mán. Ẩn chứa trong đó là nỗi sầu và chút triết lý. Từ thuở sinh viên tôi đọc đâu đó một bài thơ của MM và thích, chép lại và còn nhớ đến bây giờ.
Tháng chạp về rồi bé biết không
Anh nằm trên cỏ nghe mùa xuân
Nghe sông đổ nước xuôi ra biển
Nghe biển phụ tình quên nước sông
Tháng chạp về rồi bé biết không
Một chút mầu xanh một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa đã tết trong anh
Tôi không biết hoàn cảnh hiện nay của MM ra sao. Nhưng nghe tình tự của Chăn vịt với
Tôi cười thời buổi khó
Đi đâu trốn nỗi buồn
Thôi đành đi chăn vịt
Em bảo thế mà hơn.
Vịt tôi chăn trăm con
Ngày lùa đi trăm ngả
Bạn tôi trong tim nhỏ
Bạn tôi trong linh hồn
Theo tôi qua thời khó
Thương mình em cô đơn
Ngay đưa võng ru con
Mong chồng nơi biên giới
Tuởng chinh chiến đã tàn lụi
Ai ngờ vẫn còn dài
Em buồn sợi tóc mai
Dài bằng cơn nắng sớm
Em buồn cây nhang ngút
Cháy khuya sầu mênh mang
Mỗi ngày đi lùa vịt
Qua cánh đồng thênh thang
Buồn tôi khua gậy múa
Hát cùng bèo trôi sông
Thương dùm em phương đó
Coi chồng về hay không
Xem chàng về hay chưa
Tôi thấy lòng chùng xuống. Giai điệu nhạc không ảo não thê lương mà có chút gì cợt đùa trên thân phận, nghe như “tiếng khóc khô không lệ”! Tôi từng phải ở lại với VC, chịu bao thăng trầm nên hiểu bài thơ nói gì. Có lẽ bài thơ viết vào năm 1979 khi chiến tranh tiếp diễn? Phổ thơ những câu như “Mỗi ngày đi lùa vịt” (!) mà nhạc CDA cứ tự nhiên như chơi.
Đó, chính nhạc phẩm “Đi chăn vịt” lại làm tôi xúc động. Với tôi, đi vào lòng người không chỉ ngôn từ văn hoa, bóng bẩy, bí hiểm mà đôi khi rất giản dị. Tôi nghĩ số thính giả thích bài “Chăn vịt” như tôi chắc đếm đầu ngón tay vì họ đang mê (những lời nhạc bí hiểm như dài tay em mấy ngón xanh xao; văn hoa như nhắm mắt chỉ thấy chân trời tím ngắt). Mấy ai thích “mỗi ngày đi lùa vịt, hát cùng bèo trôi sông” như tôi !
Từ nhạc phẩm “Chăn vịt ở phương Nam” mà tôi mới tìm nghe những sáng tác mới khác của nhạc sĩ và giới thiệu. Tôi chợt nhớ đến Đỗ Văn Phúc. Cũng vì bài “Văn hóa nội gián” mà tôi tìm đến những bài viết xã luận khác của anh.
Kết cuộc lại, vẫn là lời cảm ơn net. Net là nhịp cầu cho người biết nhau. Về một phương diện nào đó.