Hành trình “Viễn Khúc Việt Nam”: từ sáng tác đến đạo nhạc, châu về hiệp phố

Câu Chuyện Âm Nhạc là một chương trình trực thuộc đài TNT, Texas nhằm giới thiệu những vấn đề liên quan đến âm nhạc như tác giả với tác phẩm, thính giả với một dòng nhạc ưa thích và giới thiệu giọng ca mới. chương trình này do Hoàng Lan Chi thực hiện. Mọi ý kiến xin liên lạc amnhaclanchi@gmail.com  

Mời nghe:

Viễn Khúc VN, từ đạo nhạc đến châu về hiệp phố
VKVN là một nhạc phẩm của Hàn Lệ Nhân do ca sĩ Dương Triệu Vũ hát trong Paris by night số 77 phát hành năm 2005. Thính giả rất thích DTV qua nhạc phẩm này.
Xin giới thiệu đến quý thính giả buổi phỏng vấn của chúng tôi với nhạc sĩ Hàn Lệ Nhân về nhạc phẩm này. Được sáng tác trong hoàn cảnh nào, bị cướp đi ra sao và cuối cùng thì châu về hiệp phố ra sao..

LC:  Kính thưa quý vị, nhạc phẩm VKVN được ca sĩ Dương Triệu Vũ hát trong Paris by night 77 năm 2005.và trong CD Ngày Đó Có Em năm 2006. Chúng tôi xin gửi đến quý vị tâm tình của tác giả nhạc phẩm này, nhạc sĩ Hàn Lệ Nhân hiện đang cư trú ở Paris. Xin chào nhạc sĩ HLN.

HLN : Xin chào chị Lan Chi, chào quý thính giả đài Việt Nam Hải Ngoại.

HLC : Thưa nhạc sĩ, nhạc phẩm Viễn Khúc Việt Nam nghe nói có môt đời sống khá ly kỳ! Hôm nay xin phép trò chuyện với nhạc sĩ để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Trước hết xin nhạc sĩ vui lòng cho biết nhạc sĩ đã thai nghén VKVN từ bao giờ ?

HLN : Tôi được sinh ra và lớn lên tại xứ Lào, hoàn toàn chưa hề sống ở VN.  Từ trước đến nay, tôi chỉ về VN 2 lần: 1973 được vài ngày và năm 2004 cũng vậy.

HLC : Xin nhạc sĩ cho biết VKVN viết năm nào và đến với giới thưởng ngọan lần đầu ở những đâu?

HLN: Ý định viết Viễn Khúc Việt Nam được manh nha từ năm 1982. Năm 1984 tôi đã viết xong nhưng lời chưa được vừa ý. Năm 1985 chúng tôi có thêm cháu thứ ba, tôi bèn ghép tên của hai người bạn thân là Hải và Nhi lại, đặt tên cho con là Hải Nhi. Tên của bé Hải Nhi vừa là để lưu niệm tình bằng hữu, vừa hàm nghĩa là đứa trẻ này được sinh ra tại hải ngoại. Rồi để làm quà ngày đầy tháng cho bé Hải Nhi, tôi lại đưa Viễn Khúc Việt Nam ra xem kỹ lại. Và lần này tôi rất vừa ý. Coi như VKVN hoàn chỉnh năm 1985 và đã  được trình bày nhiều lần trong các sinh hoạt cộng đồng tại Pháp và các đêm văn nghệ bỏ túi như Sống Với Sáng Tác Mới, Hát Cho Nhau nghe, Đêm Thơ-Nhạc Hàn Lệ Nhân…do Văn Bút VN Hải Ngoại-Trung tâm Âu Châu tổ chức.
 
HLC: Sau đó có ca sĩ nào phát hành CD không ?

HLN: Năm 1986 ca sĩ Tấn Phát đã hát VKVN trong băng Phút Đầu Tiên phát hành tại Paris nhưng không đề tên nhạc sĩ.
 
HLC: Nhưng ca sĩ Xuân Lan sau đó đã hát VKVN và có đề tên HLN?

HLN: Đúng vậy. Ca sĩ Xuân Lan phát hành băng có tên “Ngăn cách” và có để tên tôi. Băng này phát hành tại Paris nhằm ủng hộ Hội Y Sĩ Thế Giới tức Médecins du Monde trong việc cứu giúp thuyền nhân Việt Nam.

HLC: Cơ hội nào đã khiến nhạc phẩm VKVN có mặt tại Hoa Kỳ?

HLN: Sau khi ca sĩ XL phát hành băng Ngăn cách vài tháng tại Pháp thì TT Làng Văn bên Hoa Kỳ mua bià cuốn băng trên.

HLC: Mua bìa nghĩa là sao?

HLN: Mua bìa nghĩa là chỉ thay bìa chứ không được thay đổi nội dung và chỉ để phát hành ở Mỹ.

HLC: Trên thực tế, TT làng Văn có làm đúng không?

HLN: Thưa không. Họ thay bìa nhưng nội dung bên trong thì …lại không ghi tên nhạc sĩ! 

HLC: Nhạc sĩ có nói chuyện với TT Làng Văn?

HLN: Tôi và ca sĩ Xuân Lan có gọi nhưng không ăn thua gì cả. Xin được nói thêm, vào năm 1986 thì hiện tượng trên cũng bình thường chứ TT Làng văn không phải là cá biệt.

HLC: 10 năm sau, TT Thúy Nga lại sử dụng nhạc phẩm này nhưng tên tác giả là ca sĩ Tấn Phát phải không?

HLN: Đúng vậy. Khi TT Thúy Nga trình diễn đại hội PBN 77 vào 2005 thì bạn bè đã biết và mail báo tin. Tôi rất vui mừng khi thấy VKVN được xuất hiện trên một sân khấu lớn như vậy.
 
HLC: Và sau đó thì sao?

HLN: Sau khi Thúy Nga phát hành DVD PBN 77 – 30 Năm Viễn Xứ, thì đêm  30/4/2005, tôi bắt tay vào viết bài “Viễn Khúc Việt Nam: Ai Là Tác Giả?”, đăng lên trang Web Thúy Nga Online.com, Trinh Nữ.net và và vài Web khác, kể lại ngọn ngành nỗi long đong của đứa con tinh thần của mình, kèm theo đầy đủ vật chứng.

HLC: Vật chứng gì thưa nhạc sĩ?

HLN:  Vật chứng gồm (1) Băng số 1 là nội dung nữ ký giả Hồng Trung của đài RFI tại Pháp phỏng vấn ca sĩ Tấn Phát; (2) Băng số 2 nội dung Hồng Trung  phỏng vấn tôi về Viễn Khúc Việt Nam liên tiếp hai kỳ; (3) Mấy hình bià ngoài và trong của ba cuốn băng đã được phát hành (4) Bức thư viết bằng tay của ca sĩ TP gửi cho tôi với lời lẽ kiêu mạn, xấc xược và ngụy biện chối quanh; thay vì xin lỗi. Thật là đáng tiếc.

HLC: Phản ứng của TT Thúy Nga?

HLN: Năm 2005, Net đã rất mạnh nên chỉ trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ sau, người điều hành Thúy Nga Online tên Tom đã trả lời.  Rồi vài ngày sau, từ Hoa Kỳ, giám đốc TT Thúy Nga là cô Tô Ngọc Thủy gọi về cho tôi…

HLC: Còn công khai thì TT Thúy Nga đã có hành động gì?

HLN: Trong cuốn băng kế tiếp tức PBN 78, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã đính chính.

HLC: Nhạc sĩ có cảm tuởng gì khi châu về hiệp phố?

HLN: Rất vui thưa chị. Xin chia sẻ tiếp, trong kỷ nguyên thông tin này chuyện viết sách để tự ca tụng mình, chuyện chôm chỉa một câu nói, vài câu bài thơ, chuyện nhận vơ một  bản nhạc của người làm của mình rất dễ bị phanh phui. Tôi mong rằng những sự việc đó sẽ đừng bao giờ tái diễn nữa ở trong nước lẫn hải ngoại.

HLC: Xin cảm ơn nhạc sĩ. Nhạc phẩm VKVN do nhạc sĩ là người sinh ra, lớn lên ở Lào và không hề ở Việt Nam nên mới có những câu:

Chưa bao giờ về Hà Nội
Chưa bao giờ ghé Sài Gòn
Chưa bao giờ thăm xứ huế
Chưa bao giờ giờ thấy Việt Nam

Nhưng tôi là người Việt Nam.

Khiến người nghe cảm động. Và nếu chỉ nghe bản nhạc, có thể nhiều thính giả sẽ không hiểu vì sao có câu sau trong bản nhạc:

Quê mẹ trong tôi chỉ là văn chương

Nhưng nay thì  thính giả đã rõ nhạc sĩ viết văn, soạn nhạc hoàn toàn do nhạc sĩ tự học ngôn ngữ mẹ đẻ qua sách vở.

Xin cho hỏi ai đã khuyến khích nhạc sĩ học tiếng Việt?

HLN:
Trước 1975, hầu hết những người Việt được sinh ra và lớn lên tại Lào đều được cha mẹ cho học tiếng Việt, cao nhất là lớp ba. Trường hợp của tôi, tôi học tiếng Việt hết lớp ba ở trường tiểu học Lạc Hồng tại Savannakhet, Lào. Có lẽ  do thân sinh tôi là một nhà nho nên ông có những câu nói làm tôi đến nay không sao quên được, chẳng hạn ông bảo ” Đã lỡ bị sinh ra là người Việt thì không cách chi thay đổi được định mệnh. Dẫu có nhập tịch xứ người thì cũng chỉ là công dân giấy. Cách đơn giản và hay nhất là chấp nhận thân phận Việt. Mà đã là người Việt thì phải biết tiếng Việt. Còn nói và viết đúng tiếng mẹ đẻ là cách tỏ lòng thành cụ thể nhất đối với cội nguồn”. Từ những lời gia huấn đó, và dù tôi học và nói được nhiều ngôn ngữ khác, nhưng trước sau sách Việt vẫn là sách gối đầu của tôi. Cần nói thêm rằng, trường hợp của tôi chỉ là một trường hợp điển hình, chứ còn nhiều người Việt sinh trưởng tại Lào mà giỏi tiếng mẹ đẻ hơn tôi nhiều, đơn cử nhà văn Phan Tình tại Pháp, nhà thơ Tâm Thơ tại Hoa Kỳ…
 
HLC: Xin cảm ơn nhạc sĩ HLN. Vâng, thưa quý thính giả, Viễn Khúc Việt Nam là một nhạc phẩm nói lên nỗi lòng của một con dân Việt nhưng lại bị xa bầy từ thuở chưa sinh. Xa bầy và luôn bị lạc lõng. Nhạc sĩ đã tâm sự, ở Lào thì người Lào coi là người Việt, khi về Việt thì người Việt bảo là người Lèo và khi định cư ở Pháp thì người Pháp coi là người …Tầu. Mặc cảm đó đã xui khiến anh viết nhạc phẩm VKVN.

Xin cảm ơn nhạc sĩ HLN. Chúc anh có thêm nhiều sáng tác trong năm 2009 đặc biệt nói lên tâm sự của những con chim lạc bầy như anh.

HLN: cảm ơn chị Lan Chi và xin kính chào quý thinh giả đài Việt Nam Hải Ngoại

This entry was posted in Câu Chuyện Âm Nhạc. Bookmark the permalink.