Phạm Khắc Trung- viết về Lan Chi

Lan Chi: tôi mới quen Trung. Em ở Canada. Có những người quen lâu nhưng cứ “bình bình” và có những người mới quen mà mau chóng thân thiết. Năm vừa qua tôi hên là “lụm” được 2 cậu em. Cậu nào cũng là “big fan” của tôi  và mau chóng trở nên “họ hàng”.

Trước đây tôi đã giới thiệu Trung với “Giá đừng có giậu mồng tơi”. Hôm qua nhận được bài này của Trung, tôi bật cười. Xin mời đọc bài của Trung và cho biết các bạn đồng ý bao nhiêu phần trăm với Trung nhé.

Hoàng Lan Chi
Trong bài Trung nhắc đến vài truyện ngắn của tôi mà Trung đọc. Đây là link đến các truyện đó:

Bảy Ngày Ngà NgọcPortland, Tưởng Như Là Ngày CũMột Thuở Gõ Đầu Trẻ


AI BẢO CHỊ “TỒ”?
(Về chị Hoàng Lan Chi)
 
Phạm Khắc Trung

 
Âu cũng là cái duyên để tôi quen biết chị.

Số là như vầy: Tôi và chị Tuyết Nga, bạn chị, quen nhau trên một diễn đàn. Vì hợp khẩu nên chị Tuyết Nga cho tên tôi vào cái list friends của chị để trao đổi thông tin. Một hôm, chị Tuyết Nga forward một câu chuyện tiếu lâm vô list, chị Lan Chi gửi email riêng hỏi chị Tuyết Nga rằng, “Lan Chi cũng không hiểu đấy. Nga giải thích được không? Nghĩa là sao?” Chị Tuyết Nga thấy vui mới reply email cho chị Lan Chi, cộng thêm tên tôi vào rằng, “Hahaha… cu Trung ui, chị HLC, bạn chị, không hiểu câu chiện này! Mà chị thì bận quá! Giao cu Trung giải nghĩa dùm nghen! Hehehe…”

Tôi đã biết tiếng chị Lan Chi từ trước, nhất là luôn quý trọng vẻ đẹp của đất trời, nên tôi vội lên tiếng ngay, “Nghe chị Ngỗng gọi, cu Trung không biết trốn đằng nào, đành cúi đầu chào ra mắt chị Lan Chi ạ!” Chị Lan Chi reply lại, “Chào Trung… Lan Chi thì hơi tồ (từ nhỏ đã mang tiếng tồ rồi) nên hỏi riêng bả, ai dè bả chơi bả la làng lên. Ky…y..y..y.y.y… kỳ hông!”

Tôi reply bênh chị Tuyết Nga, “Chị Lan Chi ơi! Xin chị đừng trách chị Ngỗng tội nghiệp, chị Ngỗng (chờ) lợi dụng cơ hội la làng lên… với mục đích giới thiệu và tạo cơ hội cho chị em mình biết nhau thôi….” Bấy giờ chị Lan Chi mới nguôi ngoai, “Chị thì đanh đá cái gì chứ mấy vụ này dở lắm, không giỏi như chị Tuyết Nga đâu. Nói chuyện với chị về mấy cái này sẽ chán phèo đó. Vui được biết em”.

Gớm! Chị làm như tôi chuyên nói tục nói tằn không bằng? Nhưng mà thôi, dẫu gì tôi cũng đã “cua” dính chị. “Cua hang” thì tôi dở, chứ “cua Vườn Đào” thì tôi chả thua ai. Tôi hứa không nói nhây với chị, và chị cho tôi cái webside của chị để tôi đọc bài chị viết mà tìm hiểu thêm.

Tôi rất thích lối viết của chị. Chị trải thẳng tâm tình, gẫy gọn và ngọt như vết cắt của con dao bổ cau: “Bây giờ là tháng mấy? Không nhớ nữa. Thời gian bây giờ với tôi thật lãng đãng vô cùng. Lãng đãng đến độ có hôm chủ nhật tôi xách xe đi học. Đến trường thì ngẩn ngơ vì chỉ có hàng phượng tím cuối hè đang rũ mình sầu muộn. Lãng đãng đến độ nửa khuya thức giấc, nhìn ánh trăng vàng úa nhợt nhạt của khung kính lại vùng dậy tưởng là ban mai đang le lói”. Vậy chứ khi đánh Việt gian, con dao bổ cau đó đã lẹ làng biến thành thanh Đồ Long Đao ngay đấy!

Càng đọc tôi càng thấy quý và cảm thấy gần chị vô ngần. Bài “Con mắt có đuôi” cứ ngỡ như chị víết về tôi vậy, gần đến thế đấy! Tôi thích bài “Một thuở gõ đầu trẻ” thật nhiều, nó gợi cho tôi những xao xuyến bồi hồi, làm tôi nhớ từng cử chỉ, từng nụ cười của quý thày cô đã từng dìu dắt tôi: Tôi nhớ từ dáng đi nặng nhọc lọc cọc đôi guốc mộc của cụ Cửu dạy tôi lớp vỡ lòng, câu chuyên “Hamlet, thù cha phải trả” và người thanh niên yêu nước hết sức cực đoan của thày Chiểu dạy lớp Năm và lớp Ba, cây chổi lông gà nghiệt ngã trong tay thày Thanh lớp Tư, tướng đi lù khù sợ gió thổi bay nên đi đâu cũng dắt theo chiếc xe đạp của thày Dĩnh lớp Nhì, nụ cười hiền hòa của thày Lưu Kiểm Nám dạy chúng tôi bè bản “Hòn Vọng Phu 1”, trình diễn ngày bế giảng lớp Nhất…

Hai lần nói chuyện trên phone, giọng chị thật trẻ trung, hồn nhiên hết sức. Không hiểu sao qua chị tôi lại liên tưởng, nhớ đến người em họ tên Nguyệt, con dì Thiệu ở trên Cây Quéo hồi nào. Ông ngoại tôi có 4 vợ, bác Đán là con bà cả, mẹ tôi con bà hai, bà Bảng thứ ba không con, bà Núi thứ tư sinh ra dì Thiệu. Ở vai em (kiểu phong kiến) nhưng Nguyệt lớn hơn tôi nhiều lắm, những năm trước 60, khi bà ngoại tôi còn sống, lúc đó tôi mới 3, 4 tuổi đầu, còn Nguyệt đang học trung học rồi. Những ngày Tết nhất, giỗ chạp hay nghỉ hè, Nguyệt thường xuống ở lại nhà tôi chơi với ông anh. Một điều Nguyệt cũng gọi tôi bằng anh xưng Nguyệt, hai điều Nguyệt cũng xưng Nguyệt kêu anh. Nguyệt thương và lo lắng cho tôi nhiều lắm, tôi nhớ như in trong đầu, trên cái gác lửng ở nhà tôi, Nguyệt âu yếm vỗ về chăm sóc tôi, nàng làm mặt hề, nhái giọng Tàu ca chọc tôi cười, “Ngộ ở bên Tàu / Ngộ mới qua chơi / Ngộ đạp cứt gà / Ngộ tưởng đường đen / Ngộ nhặt ngộ ăn / Ngộ kêu thúi hoắc”, ai bảo “mấy đời bánh đúc có xương?” Sau khi bà ngoại tôi mất, tình nghĩa họ hàng có vẻ phai lạt mấy màu, nhất là Nguyệt đã trưởng thành, tạo thành một khoảng cách giữa tôi và Nguyệt. Khi tôi lên lớp Nhì thì Nguyệt đi lấy chồng, thấm thoát đã 50 năm rồi tôi không gặp Nguyệt…

Tôi thích viết lăng nhăng, ghi lại những cảm nghĩ bâng khuâng bất chợt. Hồi còn học đại học, tôi có cô bạn học thích đọc những lời ghi vội của tôi. Lâu lâu không thấy tôi khoe thì cô lục tập tôi tìm đọc, đọc xong còn dè bỉu chọc quê… Có lần cô đấm vai tôi cười khúc khích khi đọc thế này, “Tôi yêu giọng miền Nam ngọt ngào như ghim mía hấp: “Bữa nào mời anh lên giường (vườn) em chơi!” Có cô gái Bắc nào mời mọc tôi như thế đâu?”

Đọc “Portland, tưởng như là ngày cũ”, tôi email gửi chị thế này:

“Hôm qua em đọc bài “Portland tưởng như là ngày cũ”. Thấy chị đẹp, lanh, thông minh và lãng mạn ghê đi, chẳng thấy “tồ” chút nào hết. “Tồ” mà biết “ba trợn” rằng “có chè thì xôi sẽ đậm đà hơn”?
 
Nghe chị nhắc “Anh Chi yêu dấu” em chợt nhớ đến tên tác giả. Chị và Đinh Tiến Luyện liên quan thế nào? Hồi nhỏ em mê đọc Duyên Anh, Đinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường”.
 
 
Và đây là cảm nghĩ mà tôi ghi vào note của mình: Ai bảo chị tồ? Câu hỏi này vỏn vẹn có 4 chữ thôi, nhưng tự bản thân nó đã mang 2 ý nghĩa: (1) Rán mà chịu nha chị, ai biểu chị tồ làm chi! (2) Chị tôi không có tồ đâu, đừng tưởng bở!
 
Tôi vẫn thích những câu hóm hỉnh và chứa đựng nhiều ý nghĩa như thế. Trước 30/04/1975, Giáo Sư Phó Khoa Trưởng trường Truyền Thông Đại Chúng đã đặt cho tôi cái biệt danh là “chuyên viên châm biếm” là vậy.
 
Tôi có thể hoán chuyển vị trí 4 chữ này để làm thay đổi ý nghĩa câu nói: Ai bảo chị tồ? Ai tồ chị bảo? Ai tồ bảo chị? Ai bảo tồ chị? Chị bảo ai tồ? Chị bảo tồ ai? Chị tồ ai bảo? Chị tồ bảo ai? Bảo ai tồ chị? Bảo ai chị tồ? Bảo chị tồ ai? Bảo chị ai tồ? Tồ ai bảo chị? Tồ ai chị bảo? Tồ chị bảo ai? Tồ chị ai bảo?
 
Đừng mất công tìm kiếm nghĩa chữ “tồ” trong tự điển. Chữ “tồ” ở đây được dùng tương tự như định nghĩa chữ “xì trum” trong truyện “xì trum”, ai muốn “xì trum” thế nào thì “xì trum”. Tôi vẫn thích lối bỏ lửng không kết luận như vậy!

Chị đã email trả lời tôi:

“Hồi bé cũng thích ĐTL, Duyên Anh em à.
Chị không quen biết gì ĐTL cả.
Portland không… hay bằng 7 ngày ngà ngọc mà”. 

Hehe! Tôi đâu có dám gửi chị đọc phần mình tưởng tượng viết thế này đâu: “ Nghe  “Bảy ngày ngà ngọc” coi bộ tục chết đi được”. Chị hỏi và tôi nói cái đoạn hai người ngồi chung xích lô ấy! Là tôi tưởng tượng vậy chứ tôi đoán chị chẳng viết tục bao giờ.

Một lần tôi trêu chị:

− Đọc “Những người tình Chu Văn An” em cười nổ ruột!

Chị ngớ ra:

− Có gì đâu mà cười?

− Chị viết thế này có nín cười được không, “… có những “người tình CVA” mà Lan Chi thấy rất đáng yêu bởi dân CVA lúc nào cũng đáng yêu cả vì thông minh, lém lỉnh, dí dỏm nhưng không yêu được vì quý cụ đang là “chim hót trong lồng”!!!

Chị nhăn mặt:

− Có gì đáng cười đâu?

Tôi phân bua:

− Em nghĩ mấy cụ CVA sẽ thẹn đỏ mặt nghĩ thầm rằng, “chim chết trong lồng” rồi, hót hò gì được?

Chị chợt hiểu và phì cười:

− Chị vẫn “tồ” và “ngố” đấy thôi, nhưng những ngôn ngữ “ngớ ngẩn” của chị lại bị em giai thấy cái gì đó… không ngớ ngẩn tí nào…! Thiệt cái tình!

Tôi ngắt ngang lời chị:

− Chị đâu có “tồ” và “ngố”. Chị hồn nhiên thôi!

− Hồn nhiên?

− Dạ! Nhờ “hồn nhiên” nên chị “trẻ mãi không già!”

− Em giai cũng biết nịnh chị đấy à?

− Không phải đâu! Em nghĩ chị là cô tiên trong truyện cổ tích!

− Tiên nào?

− “Cô tiên ướt quần”!

− Vớ vẩn gì nữa đây?

− Này nhé, hồi bé em và đứa em gái kế sắp đặt dọa ma bà chị. Tối hôm đó tụi em lấy chiếc áo dài trắng luồn vào chiếc móc áo, rồi lấy dây treo lên cái móc trên trần. Tụi em xếp cái áo trên kệ cao, giữ lơi đầu dây kia rồi núp vào nơi kín đáo. Lúc nhà tắt đèn đi ngủ, chờ cho bà chị mở cửa bước vào buồng, em giật sợi dây làm chiếc áo dài bung xuống chập chờn đong đưa trước mặt chị. Ối Giời ơi! Chị ấy dậm chân thét rung rinh nhà cửa, tiếng hét hãi hùng chắc cả tổng cùng nghe. Bố mẹ em bật đèn chạy vô, bố em lo giữ yên chị lại, còn mẹ em nắm đầu hai đứa bắt ra ngoài quỳ gối. Mẹ em la, “các con chơi nhả thế, rủi chị sợ quá đứng tim chết bất tử thì sao?” Em hối hận cúi mặt quỳ yên, định bụng sẽ không ghẹo ma chị nữa. Nhưng đứa em gái lại vô tư lự, nó vừa quỳ vừa lê đầu gối đến gần em, rồi hất nhẹ cùi chỏ vào hông em, nó hỏi, “không biết lúc nãy chị đã vãi đái ra quần chưa?” Nếu em dọa ma chị như vậy, liệu chị có đái ướt quần không nào? Dĩ nhiên là ướt chứ gì? Thế nên em gọi chị là cô tiên ướt quần! À há? À há? À há?

Đến đó thì chị hiểu tôi trêu cái tính sợ ma của chị.

Đấy chị “tồ” của tôi, người có cái bút hiệu dễ thương Hoàng Lan Chi nhưng khi Hoàng Lan Chi biến thành Hoàng Ngọc An hay Trương Duy Linh thì nhiều người xách dép chạy toé khói!
 

This entry was posted in Phạm Khắc Trung. Bookmark the permalink.