Ô cửa nhỏ của Thục Vy
Lê Hữu
“Qua ô cửa nhỏ nhìn ra bầu trời,
tôi cảm thấy người dân mình
cần tự do biết là bao nhiêu.”
(Huỳnh Thục Vy)
“Em sẽ dành cả cuộc đời này để thương yêu anh, cũng như chúng ta sẽ dành cả cuộc đời này để thương yêu đất nước này.”
Tôi nhớ đọc được câu ấy trong lá thư của một cô gái trẻ ở trong nước gửi cho người yêu cô; nói đúng hơn, gửi cho vị hôn phu cô. Đấy là lá thư tình (nếu vẫn gọi là thư tình) không giống bất cứ lá thư tình nào từ xưa đến giờ. Cô gái khá xinh đẹp, và tên cô chắc cũng không lạ gì với nhiều người ở trong và ngoài nước. Cô tên là Thục Vy.
“Em xin lỗi anh. Hãy tha lỗi cho em!”
“Tôi đọc lá thư ấy mà ứa nước mắt,” người bạn tôi nói. Anh ta chuyển lá thư ấy cho một người bạn. Người bạn anh cũng nói “Đọc mà ứa nước mắt”. Tôi không rõ có bao nhiêu người đã đọc và đã ứa nước mắt vì lá thư ấy.
Lá thư được Thục Vy viết ra ít hôm sau ngày 1 tháng 7, ngày cô và các bạn cô, như cô viết, “bị đạp, bị nắm tóc lôi lên xe khi tập trung biểu tình ở công viên 30-4”. Trong số những người bị “lôi lên xe” ấy có anh, người chồng sắp cưới của cô. “Anh bị đánh rất nhiều,” cô viết. “Anh đã hét to ‘Các anh có phải người Việt Nam không?’ và ‘Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam!’ trong nước mắt.”
“Các anh có phải người Việt Nam không?”, lẽ ra anh không cần hỏi câu ấy. “Các anh” ấy cũng là người Việt Nam thôi. “Các anh” ấy được trả lương để làm tốt công việc của mình. Đơn giản là như vậy. Thục Vy hiểu rõ điều ấy nên cô không phản ứng như anh mà chỉ lặng lẽ để họ áp giải đi… Cô được thả về buổi tối cùng ngày. Thế nhưng mọi chuyện chưa kết thúc. Ít hôm sau, ngày 4 tháng 7, cô được mời lên “làm việc” ở đồn công an quận 7, Saigon, và sau đó cô bị áp giải lên xe một lần nữa, đưa về tận Quảng Nam.
Cô viết trong thư, “Trưa ngày 4 tháng 7, sau khi làm việc xong với công an phường Tân Quy, Saigon, em bị giằng ra khỏi tay anh, bị xô lên xe, chở đi mất tích… Hình ảnh cuối cùng mà em nhìn thấy khi rời khỏi đồn công an trong tức tưởi là anh khóc và nói ‘Các anh bắt vợ tôi đi đâu? Các anh định làm gì vợ tôi?’ Khuôn mặt anh thất sắc, xám ngắt và nước mắt anh chảy ròng. Em có thể cảm nhận rõ nỗi đau khổ mà anh phải chịu đựng. Cả con người anh lúc đó là một khối khổ đau. Em xin lỗi anh, anh ơi!”
Thục Vy nói rằng cô cảm nhận rõ nỗi đau khổ mà người yêu cô phải chịu đựng, và cả con người anh là “một khối khổ đau”. Thế còn cô thì sao? Cô không khổ đau sao? Cô đã bị quăng lên xe, bị “dẫn độ” từ Saigon ra mãi tận Quảng Nam, trên một lộ trình dài đến gần 1.000 cây số. “Suốt dọc đường người ta không cho tôi ăn uống gì cả,” cô kể lại khi trả lời phỏng vấn của đài BBC tiếng Việt. “Tôi bị đói, bị khát và xe rất là xóc, bởi vậy cả đêm hôm qua tôi không chợp mắt được chút nào. Tôi rất là mệt mỏi. Sáng nay lúc 5 giờ thì xe tới Quảng Nam. Trong thời gian ở trong đồn, người ta liên tục thẩm vấn tôi và người ta bỏ đói, bỏ khát tôi…”
Sau cùng Thục Vy cũng được thả về; nói đúng hơn, thả xuống giữa đường, giữa đêm tối mịt mùng. Cô đã phải thất thểu lết bộ về tới nhà để viết những dòng chữ trong lá thư ấy, “Em đã mất tất cả chút tự do còn lại của mình, em đã bị thẩm vấn liên tục, bị đói khát, bị khủng bố tâm lý, nhưng người mà em lo lắng và nghĩ đến nhiều nhất vẫn là anh. Anh đã từng nói với em rằng ‘Em là tất cả hạnh phúc mà anh có được trong cuộc đời này. Không có em, anh không còn gì cả’. Em hiểu anh cần có em biết bao! Em cũng biết mấy hôm nay anh như người mất hồn khi bị nhiều đe dọa từ những ‘kẻ lạ mặt côn đồ’ rằng ‘Chuyến này Huỳnh Thục Vy sẽ hết đời!…’ Tất cả những đau đớn đó, em thấu hiểu cả, và… em xin lỗi anh.” Cô lại xin lỗi anh.
Vì sao cô cứ phải “xin lỗi anh” như thế? “Nếu có ai đó em phải xin lỗi trước tiên thì đó là anh,” cô viết. “Ba và các Cô lo cho em lắm nhưng mà mọi người đều đã có nhiều kinh nghiệm khổ đau từ hai mươi năm về trước rồi, khi mà ba em bị bắt, nên mọi người dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn anh, anh chưa từng đối mặt với cảnh huống như thế bao giờ. Em xin lỗi anh.”
Về phần Thục Vy, cô cũng đã quen rồi, cũng “đã có nhiều kinh nghiệm khổ đau” rồi, nên cô cũng “dễ chấp nhận”. Tất cả những gì người ta đối xử với cô (túm tóc, quăng lên xe, áp giải ra tận Quảng Nam, bỏ đói bỏ khát, hăm dọa, thẩm vấn liên tục…) chỉ để trấn áp, bẻ gãy, dập tắt mọi phản kháng của cô. Người ta có thể lấy làm hả hê tuy rằng việc hành hạ một cô gái yếu đuối như thế thì cũng chẳng có gì là vẻ vang.
Trong lúc gia đình, những người thân, bạn bè Thục Vy lo lắng cho cô thì suốt 34 tiếng đồng hồ bị giam giữ, cô lại tỏ ra lo lắng cho những người thân của mình, và cô vẫn không hề từ bỏ những gì cô đeo đuổi. “Dù bị khủng bố tinh thần và mệt mỏi về thể xác,” cô viết, “nhưng anh ơi, niềm tin của em, sự khao khát của em đối với tự do vẫn là cả một nỗi niềm to lớn không dứt. Anh hiểu em mà, phải không? Em là đứa không chịu nổi những sự lố bịch, những bất công và những ‘chướng tai gai mắt’…”
Thục Vy chắc cũng biết rằng trong lúc cô không chịu nổi những “chướng tai gai mắt” ấy thì cô cũng là một cái gai trong mắt họ, một cái gai rất là chướng mắt cần phải nhổ, phải quét đi.
Cô không chỉ xin lỗi thôi mà còn “động viên tinh thần” vị hôn phu mình, “Anh ơi, anh đừng lo lắng nữa, đừng đau khổ nữa. Anh phải mạnh mẽ lên! Chúng ta phải mạnh mẽ lên! Mọi khó khăn vẫn chưa kết thúc, vẫn còn ở phía trước, nhưng chúng ta cũng không đầu hàng. Em biết rằng chỉ mới có 5 ngày thôi mà ông chồng 64 kí của em bây giờ đã gầy nhom. Em sẽ bồi dưỡng cho anh.”
“Bồi dưỡng” là cái “từ” ở trong nước mà nhiều người ở ngoài nước có thể không mấy thích. Nhưng cũng không hề chi, cô đã quen dùng, và hơn thế nữa, ở đây cô dùng “từ” ấy thật hay. Cô sẽ “bồi dưỡng” cho người chồng tương lai của cô một niềm tin yêu mới, để vững tin, để lạc quan, để không còn lo sợ nữa, không còn đau khổ nữa. Cô cũng “bồi dưỡng” niềm tin yêu ấy cho những bạn bè cô, cho những ai cùng đi một đường với cô. “Anh phải mạnh mẽ lên! Chúng ta phải mạnh mẽ lên!” khi nói thế cô cũng “động viên” cả chính mình nữa. Với niềm tin mãnh liệt, cô nhất định không chịu lùi bước.
Và trên hết, có lẽ liều thuốc công hiệu nhất mà Thục Vy dùng để “bồi dưỡng” vị hôn phu của cô chính là lời bày tỏ tình yêu tha thiết của cô đối với anh, “Em sẽ dùng cả cuộc đời này để thương yêu anh, cũng như chúng ta sẽ dùng cả cuộc đời này để yêu thương đất nước này.”
Thục Vy ơi, em biết không? Tôi đã chảy nước mắt khi đọc câu ấy. Cái đất nước mà tôi và bao nhiêu người đã phải bỏ đi (và nhiều người nói rằng sẽ không quay về nữa); vậy mà em, vậy mà một cô gái trẻ sống trên một đất nước như thế, bị đối xử tàn tệ đến như thế, vẫn cứ nói rằng “sẽ dùng cả cuộc đời này để yêu thương đất nước này”.
“Hãy tha lỗi cho em, vì đã làm anh phải lo lắng quá nhiều!” cuối thư cô lại… xin lỗi anh lần nữa.
Thục Vy ơi, em không cần phải xin lỗi người em yêu đâu. Tôi tin chắc rằng không ai hiểu em hơn “người ấy”. Thường thì trong tình yêu người ta không phải nói với nhau những lời hối tiếc. “Love means never having to say you’re sorry”, em biết câu ấy chứ? Em đã xem phim ấy chứ? Đấy là câu ở trong một cuốn phim tình cảm quen thuộc từng chiếu ở Saigon trước năm 1975, là cái thời mà một nửa đất nước mình còn được hít thở không khí tự do, thứ tự do mà em và biết bao người vẫn đang khao khát.
Em cũng không cần phải xin lỗi ai cả. Hơn thế nữa, tôi biết chắc rằng nhiều người, rất nhiều người, trong đó có tôi nữa, phải gửi đến em và bao nhiêu Thục Vy khác nữa lời xin lỗi muộn màng. Chúng tôi thật có lỗi với em, có lỗi biết chừng nào. Chúng tôi từng có ở trong tay mọi thứ, là những thứ em vẫn hằng khát khao, mong mỏi, vậy mà chúng tôi đã không biết giữ hay đã không giữ được, để ngày hôm nay em, bạn bè em, và biết bao người phải điêu đứng, khốn khổ.
Tôi kể em nghe chuyện này nhé, Thục Vy. Sau cuộc đổi đời nghiệt ngã ấy, tôi cũng phải vào tù như bao người khác vậy. Chúng tôi trở nên trần trụi vì chẳng còn giữ được gì cả. Ở trong tù người ta nói với chúng tôi như thế này: “Các anh không có gì để mà phải nuối tiếc cả. Những gì các anh mất đi đều là những cái đáng mất cả.” Như vậy thì tự do cũng là những cái… đáng mất. Nghe mà… dở khóc dở cười, phải không Thục Vy?
Sau cuộc đổi đời ấy, tôi và những bạn bè tôi, những anh em tôi đều bị khám xét, bị tịch thu phẩm vật “tự do” ấy. Chúng tôi bị giam cầm, bị đọa đày vì tội đã tàng trữ bất hợp pháp món hàng quốc cấm ấy trong suốt bao nhiêu năm.
Chúng tôi không thể nào đòi lại những thứ chúng tôi đã bị tước đoạt, chúng tôi cũng không dám kêu đòi. Nhưng Thục Vy, em đã mạnh mẽ cất tiếng đòi tự do, đòi quyền sống, đòi lẽ công bằng; hơn thế nữa, em còn đòi dân chủ, đòi độc lập, đòi vẹn toàn lãnh thổ cho đất nước mình.
Thục Vy ơi, chúng tôi không chỉ xin lỗi em, chúng tôi thật hổ thẹn.
Không thể nào bỏ đói được những giấc mơ
“Anh biết không, ngày hôm nay tôi bị giữ ở trong đồn suốt cả ngày, tôi chỉ được nhìn qua ô cửa nho nhỏ để nhìn ra bầu trời. Tôi cảm thấy người dân mình ở trên đất nước Việt Nam này cần tự do biết là bao nhiêu. Thực sự tự do là tất cả những gì chúng tôi muốn. Chỉ có tự do mới làm cho chúng tôi được sống thực sự như là một con người.”
Những lời ấy là lời chia sẻ của Thục Vy khi trả lời phỏng vấn của đài BBC, ngay sau lúc cô được thả về vào tối 5 tháng 7. Cô bày tỏ những trăn trở của mình, “Suốt từ 12 giờ ngày hôm qua đến 9 giờ ngày hôm nay tôi đã mất hẳn quyền tự do của mình… Tôi cảm thấy yêu tự do, khao khát tự do hơn bao giờ hết, và tôi muốn chia sẻ tâm tư này đối với tất cả các bạn trẻ, những bạn trẻ yêu nước, những bạn trẻ am hiểu thời cuộc, những bạn trẻ quan tâm đến tình hình đất nước rằng, chúng ta phải nỗ lực, chúng ta phải cố gắng hơn nữa.”
“Phải cố gắng hơn nữa”. Thục Vy, cô thực sự muốn gì? Cô bộc lộ rất rõ ràng, “Chúng tôi–những người trẻ Việt Nam–mong muốn có một xã hội tự do dân chủ ở Việt Nam. Một xã hội…,” cô nhấn mạnh, “tự do dân chủ thực sự ở Việt Nam.”
“Tôi yêu tự do,” Thục Vy từng bộc lộ, từng lặp đi lặp lại. Vì lòng yêu tự do ấy, cô phải lên tiếng, cô không thể nào im lặng được. “Và nếu vì tình yêu ấy mà tôi bị buộc phải im lặng,” cô nói, “thì điều đó không phù hợp với nhân tính và càng không phù hợp với tính cách của một cô gái trẻ như tôi.”
Ngày hôm ấy, ngày 5 tháng 7, qua ô cửa nhỏ trong căn phòng đóng kín, nơi cô bị giam giữ, Thục Vy nhìn ra một mảng trời trong xanh và cô khao khát tự do hơn bao giờ hết. Cô khao khát tự do cho cô, cho những bạn bè cô và cho người dân đất nước cô.
Bên ngoài ô cửa ấy là bầu trời rộng, là nắng ấm, là gió mát, là ánh sáng, là ước mơ của cô, của những bạn bè cô và của người dân đất nước cô.
Thục Vy, không ai cấm đoán được những ước mơ của em. Người ta có thể giam giữ em, bỏ đói em, nhưng không thể nào giam giữ, bỏ đói, hay giết chết được những ước mơ của em. Trong lúc thân xác em bị giam hãm thì những ước mơ em vẫn cứ tự do, vẫn cứ bay lượn như những cánh chim ở bên ngoài ô cửa nhỏ kia.
Bên trong ô cửa nhỏ ấy, bên trong chốn giam hãm tù túng, chật hẹp ấy, trái tim em rộng mở, tấm lòng em rộng mở, thênh thang.
Người ta bỏ đói, bỏ khát em, nhưng những đói khát ấy chẳng có ý nghĩa gì so với nỗi đói khát tự do của em.
Tội nghiệp em, Thục Vy, em thèm khát tự do đến thế sao! Em yêu đất nước mình, yêu người dân mình đến thế sao!
Tội nghiệp em, Thục Vy, ở đây tôi có cả một không gian bát ngát, một bầu trời mênh mông tự do, trong lúc em chỉ có một ô cửa thật nhỏ để nhìn ra ngoài trời.
Ở đây tôi có tự do như là khí trời, như là gió thổi lao xao trên đồng rộng. Ở đây những người trẻ giàu ước mơ, những người trẻ ôm những hoài bão lớn như em đều có được cơ hội thực hiện giấc mơ của mình.
Ở đây những cuộc xuống đường, tuần hành, biểu tình để bày tỏ một thái độ, một nguyện vọng, một yêu sách với nhà nước là chuyện bình thường, là hợp pháp và là một trong những quyền tự do phổ biến trong một đất nước tự do. Hơn thế nữa, những nhân viên công lực, những người cảnh sát còn sốt sắng hợp tác với người biểu tình để bảo đảm rằng mọi việc được diễn tiến thuận lợi và theo đúng các quy định của trò chơi dân chủ (mà em gọi là “luật biểu tình”). Ở đất nước này, tấm ảnh một cô gái bị nhóm người mặc thường phục vây chặt, túm tóc, lôi cổ, quăng lên xe như là con vật sẽ gây một chấn động lớn chứ không phải đùa đâu.
Trên một trang web tôi xem được những tấm ảnh của Thục Vy. Có tấm ảnh chụp cô đứng trước biển mênh mông với những đợt sóng tràn bờ. Có tấm ảnh chụp cô tươi cười đứng bên bìa rừng phủ đầy những bông hoa dã quỳ màu vàng rực. Có tấm ảnh chụp cô ngồi tựa một thân cây cao và thẳng, cúi xuống những trang sách mở rộng… Ảnh nào cũng là khuôn mặt xinh đẹp tự nhiên, cũng mớ tóc dài buông xõa, cũng bờ vai thon tròn, cũng làn da trắng hồng, cũng mắt sáng môi tươi. Ánh mắt cô trong sáng, nhìn thẳng vào cuộc đời, tự tin và đầy sức sống. Đôi môi cô tươi thắm, có lúc hé mở, có lúc mím chặt, khóe miệng hơi nhếch lên như một vẻ thách thức với cuộc sống, thách thức với những gì cô biết rõ mình phải đương đầu. Khuôn mặt cô, vóc dáng cô, tiếng nói cô đã trở nên gần gũi, quen thuộc với biết bao người.
Thục Vy, cô yêu biển, yêu sông nước, yêu thiên nhiên, yêu những bông dã quỳ hoang dại, như yêu biết mấy đất nước mình. Cô yêu sách vở, yêu lịch sử nước Việt, dân Việt. Một trong những “thần tượng” lịch sử mà cô rất ngưỡng mộ là Phó Đức Chính, chàng thanh niên đầy khí phách, đã chiến đấu thật dũng cảm và đã hy sinh cả mạng sống mình cho lý tưởng độc lập, tự do của đất nước mình, và là người trẻ nhất (23 tuổi) trong số 13 lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng bình thản bước lên đoạn đầu đài để đền nợ nước. “Nhắc đến ông,” cô nói, “chúng ta tự nhiên sẽ thấy bình an hơn, vì những đau khổ chúng ta đang chịu đựng làm sao mà có thể sánh được với sự hy sinh tính mạng của một người đang tuổi xuân xanh.”
Thục Vy, trong một đất nước như thế, em chỉ là một cọng rơm thật yếu ớt, thật nhỏ nhoi mà cơn lốc nào cũng có thể cuốn xô đi, vùi dập. Chỉ là một cọng rơm, em đã dám đương đầu với một cỗ máy khổng lồ. Cỗ máy ấy sẵn sàng nghiền nát em bất kỳ lúc nào. Cuộc chiến đấu của em là liều lĩnh, là mạo hiểm, là đầy bất trắc, nhưng em đã chiến đấu chỉ vì, nói như em, “không chịu được những ‘chướng tai gai mắt’ ấy”.
Thục Vy, em yếu đuối biết chừng nào, nhưng em cũng mạnh mẽ biết chừng nào!
Những chương sách cũ đã khép lại
Thục Vy, cô gái sanh sau đẻ muộn đến mười năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Cô đã phải xa lìa bố mẹ khi tuổi còn thơ. Mẹ cô mất sớm năm cô 6 tuổi. Một năm sau, bố cô, một nhà văn tên tuổi đã phải vào tù đến mười năm để trả giá cho việc tranh đấu cho những lý tưởng công bằng, tự do, dân chủ. Như bao nhiêu người trẻ sinh ra sau chiến tranh, cô đâu có hiểu được gì nhiều về cuộc chiến ấy. Những hiểu biết của cô nhiều phần từ trường lớp và sách vở, tài liệu phổ biến ở trong nước. Thế nhưng cô còn muốn học hỏi, muốn tìm hiểu thêm nữa để có được cái nhìn đúng đắn về lịch sử đất nước, về các quyền sống của con người. Và một khi cô đã muốn thì không gì ngăn cản được. Với các phương tiện truyền thông hiện đại, thế giới bây giờ đã như một ngôi làng nhỏ và cô nhận được mọi thông tin mà cô muốn biết. Từ đó, cô tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu rộng, và hơn thế nữa, các nhận thức bén nhạy về cuộc sống diễn ra quanh mình.
Cô cũng học được nhiều ở người bố yêu quý, người mà cô hết sức biết ơn, người mà theo cô, “là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cuộc đời tôi, là người đã biến ước mơ của chính mình thành hoài bão của một đứa con gái được may mắn thừa hưởng văn tài và tư duy logic của ba.”
“Change we can believe in!” Thục Vy yêu thích khẩu hiệu ấy của ông Tổng Thống Mỹ Obama. Cô tin rằng đất nước mà cô đang sống rất cần đến những đổi thay, và cô cũng tin rằng người dân đất nước cô–một đất nước mà lớp tuổi dưới ba mươi chiếm đến hai phần ba dân số–có thể làm được điều này để mang về một vận hội mới cho đất nước, cho quê hương. Chiến tranh đã đi qua, những chương sách cũ đã khép lại. Những người trẻ tuổi sinh ra hoặc lớn lên sau chiến tranh muốn viết tiếp những chương sách mới, những trang sử mới tươi sáng hơn cho đất nước mình, dân tộc mình.
“Yes, we can!” tôi cũng muốn bắt chước ông Obama giơ ngón tay cái lên với dáng điệu quả quyết để nói với Thục Vy rằng, tôi tin vào những điều em và các bạn bè em thực sự tin tưởng. Đất nước này là của em, là của những người trẻ như em. Chính các em chứ không phải ai khác, là những người làm chủ vận mệnh đất nước mình.
Thục Vy, tâm hồn em thật trong sáng. Em yêu cái đẹp, yêu sự thật, yêu lẽ công bằng. Em ghét cái xấu, ghét sự dối trá, ghét cái bất công. Tội của em là tội “nói thẳng nói thật”, là tội nói lớn, nói rõ, nói mạnh mẽ những gì ai cũng thấy nhưng ít ai dám nói ra. Người ta chỉ muốn được yên thân, yên phận. Những lời nói thẳng nói thật của em là những lời thật khó nghe đối với những kẻ không muốn nghe, vì vậy những gì em nhận được là những lời thóa mạ, nguyền rủa thô tục, là những trấn áp thô bạo, là cuộc sống bị sách nhiễu, đe dọa, là tất cả những gì người ta đã làm và đang làm để hành hạ một cô gái “cứng đầu cứng cổ” như em.
* * *
Thục Vy ơi, em biết không, hôm nay tình cờ tôi gặp được bức tranh vẽ ô cửa nhỏ của em. Tôi chắc đấy là ô cửa nhỏ mà em đã kể cho nhiều người nghe. Trong bức tranh ấy còn có con chim sẻ nhỏ nữa Thục Vy à. Tôi không rõ chim sẻ ấy chính là em, hay là chim từ đâu bay về đậu trên những song sắt của ô cửa ấy. Chim đến thăm em, đến bầu bạn với em, trò chuyện cùng em. Em không cô đơn đâu Thục Vy à. Chim mang theo tín hiệu, mang theo “thông điệp” của tự do, tôi tin là như vậy. Một ngày nào đó, em và bao người như em, cũng sẽ được tự do như chim thôi. Em sẽ không còn phải đứng trong gian phòng tù túng, tối tăm, chật chội ấy, nhìn ra ô cửa nhỏ ấy, để dõi mắt trông theo những đàn chim xoải cánh bay lượn trên bầu trời.
Tôi đọc lại lần nữa những dòng cuối trong lá thư của Thục Vy.
“Anh ơi, anh cố gắng lên anh nhé! Chúng ta còn một lễ cưới phải lo thu xếp. Cả anh và em hãy cùng cầu nguyện nhé! Em tin chúng ta sẽ được bình an, hạnh phúc.”
“Chúng ta còn một lễ cưới phải lo thu xếp”. Lẽ ra, như bao cô gái mơ mộng sắp sửa bước vào cánh cửa hôn nhân, trong những ngày này Thục Vy phải tất bật, phải bận bịu ghê lắm, khi mà ngày cưới đã gần kề, khi mà hạnh phúc một đời người đang ở trong tầm tay. Vậy mà…!
“Cả anh và em hãy cùng cầu nguyện nhé!” sau cùng cô nói thế với người mình yêu.
Thục Vy ơi, không phải chỉ có “anh và em” thôi đâu, tôi biết chắc rằng bao nhiêu người ở trong nước, ở ngoài nước cũng đang cầu nguyện cho em. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, Thục Vy nhé! Cầu nguyện cho em, cho đôi tân hôn, cho hai kẻ yêu nhau mãi mãi được gần bên nhau, mãi mãi không bị tách rời, không bị giằng ra khỏi tay người mình yêu.
Thục Vy, em phải được đền bù. Em và người em yêu xứng đáng được đền bù, xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc đơn sơ, hạnh phúc bình thường như mọi lứa đôi yêu nhau trên cõi đời này.
Thục Vy ơi, em hãy bảo trọng (em đừng cười tôi nói “bảo trọng” nhé)! Hãy bảo trọng tấm thân em, bảo trọng tình yêu của em, bảo trọng hạnh phúc của em. Vì sao em biết không? Vì rất nhiều người muốn trông thấy em được hạnh phúc, muốn trông thấy em được bình an.
“Em tin rằng chúng ta sẽ được bình an và hạnh phúc”, em đã chẳng nói như vậy sao!
Sau cùng…, thử nghĩ xem chúng ta có thể làm được gì cho em, cho con chim nhỏ tội tình!?
Quên, còn cái này nữa chứ… Tôi còn muốn gửi đến em một đoạn trong bài thơ của một nhà thơ quen tên ở trong nước. Ông nhà thơ ấy cũng đã xuống đường trong ngày đầu tháng Bảy ấy để cùng “đồng hành” với em đấy, Thục Vy à.
[. . .]
Hôm nay
tôi đã quì trong góc riêng mình
cô độc và tuyệt vọng,
khẩn cầu Chúa cứu giúp một người con gái trẻ tôi vừa gặp
rất dịu dàng, nhỏ nhẹ, khiêm ái và sắp lấy chồng
Họ bắt,
cô ấy đã quen
Họ đàn áp,
cô ấy đã quen
Nhưng khi những lời không phải của con người dành cho con người,
“Mày sẽ không còn cơ hội làm lại cuộc đời
Mày sẽ không còn thiên chức làm mẹ nữa đâu”
gửi đến người chồng trẻ tuổi
thì đấy là lời quỷ dữ
không phải tiếng nói của loài người
Tôi sụp xuống trong nỗi đau đớn
“Chúa ơi! Tôi là con chiên ghẻ của Người
Xin cứ đày tôi vào luyện ngục
nhưng xin che chở cho cô gái ấy
Xin Người…”
(“Trong mùi hoa huệ thoảng qua – tôi biết cô ấy đã về nhà”, Đỗ Trung Quân)
Lê Hữu