Nghe ca sĩ “thần tượng” của ai đó hát..

Hoàng Lan Chi

Một người bạn gửi link. Nghe youtube “Những giọng ca vàng  thần tượng” thì sau Thái Thanh, tôi nghe đến Hoàng Oanh rồi Phương Dung, Thanh Tuyền.

Ba “mợ” ca sĩ này nổi tiếng có thể coi như cùng thời gian, chỉ chênh nhau chút đỉnh.  Hoàng Oanh nổi tiếng trước và ca sĩ độc quyền của Sóng Nhạc. Năm Hoàng Oanh vừa nổi tiếng có lẽ tôi học đệ thất, Hoàng Oanh học đệ ngũ hay tứ Gia Long gì đó. Ấn tượng mạnh hồi ấy là nhạc phẩm “Đại Phá Quân Thanh” do nhạc sĩ Nguyễn Đức dàn dựng cho văn nghệ cuối năm của trường. Hoàng Oanh đứng giữa ngâm thơ và hát solo cho ban hợp ca hòa theo. Bao năm trôi qua, giờ này tôi còn nhớ lõm bõm vài câu:


 
Ngàn quân Tầu vượt cầu như thác ngàn thác ngàn
Ngàn quân Tầu vượt cầu tô sắc mầu Nhị Hà Nhị Hà…

Không lâu sau đó Phương Dung xuất hiện. Tôi không nhớ được ai là người “lancer” Phương Dung nhưng chỉ nhớ bài hát gắn với PD lúc mới đi hát là “Nỗi Buồn Gác Trọ”. Rồi cũng không lâu sau đó đến lượt Thanh Tuyền và bài hát tủ của TT là nhạc phẩm “Dấu Chân Kỷ Niệm”.

Vì cùng Gia Long nên đương nhiên lúc ấy tôi dành cảm tình nhất cho Hoàng Oanh. Một lần cuối năm, ở sân thể thao, lớp tôi ở bên cạnh lớp Hoàng Oanh. Tôi thấy lớp chị đề nghị chị hát và đó là lần đầu tiên tôi biết Hoàng Oanh bên ngoài thật gần như vậy. Hoàng Oanh bên ngoài rất giản dị mộc mạc. Tôi cũng tò mỏi hỏi bạn bè, Đoan Trang tức ca sĩ Quỳnh Giao là cô nào vì hai chị học cùng lớp. Tuy học chung lớp nhưng ngày ấy dưới bàn tay Nguyễn Đức, Hoàng Oanh rực rỡ nổi như cồn và Quỳnh Giao thì rất ít người biết đến. Hoàng Oanh ngâm thơ hay, diễn kịch cũng khá. Tuy vậy sau mấy năm, tôi thấy giọng hát Hoàng Oanh xuống hẳn. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng chị không luyện giọng, không trau chuốt giọng hát, không chăm sóc nó. Có lẽ Hoàng Oanh phải làm nhiều thứ. Vừa học vừa hát và bổn phận với gia đình. Điểm son nhất là Hoàng Oanh rất đứng đắn và là ca sĩ “có học” khá. “Có học” có nghĩa là chị có bằng Tú Tài ( thời ấy, đậu tú tài 2 không phải dễ) và là sinh viên Văn Khoa. Đa số các ca sĩ thời xưa ít học cao như vậy. Thanh Lan cũng là sinh viên Văn Khoa nhưng có lẽ đời sống tình cảm của cô ca sĩ này có vẻ xao động quá.

Phương Dung thì thuở ấy tôi nghe nhưng không say đắm lắm. Thanh Tuyền thì thuở ấy, tôi chịu không được giọng hát mà tôi bảo là nghe the thé. Cũng là cao nhưng năm đệ tứ, tôi rất say đắm giọng Thái Thanh và hoàn toàn không rung cảm trước giọng Thanh Tuyền. Ngoài ra, tôi thích người đẹp nên khi Thanh Tuyền mới “hạ san” từ Đà Lạt, một lần tôi đi coi xổ số ở Thống Nhất và thấy Thanh Tuyền vừa …quá mập vừa xấu. Buồn cười sau này khi phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông kể lại một kỷ niệm khá vui như sau:

“Riêng đối với tôi vẫn còn xanh mãi một kỷ niệm về ngày khởi đầu đi hát của Thanh Tuyền tại Sài Gòn. Theo chương trình, Thanh Tuyền hát ra mắt lần đầu tiên ở phòng trà Bồng Laivà Vũ trường Quốc Tế đường Lê Lợi Saigon. Tôi đích thân đi mua son phấn để  cho Thanh Tuyền trang điểm khi đi hát. Tôi thật bất ngờ khi biết Thanh Tuyền chưa từng sử dụng hộp phấn cây son trước đó. Khi đến giờ trình diễn, tôi đưa Thanh Tuyền đến Viện Thẩm Mỹ, Salon Make Up, nhưng các cửa tiệm đều đóng cửa vì trời đã khuya. Quá lo lắng, tôi kéo Thanh Tuyền chạy men theo đường Lê Lợi mong tìm người quen giúp đở. Nhưng không gập được ai mà thời gian lại gấp rút nên thầy và trò đành ngồi bệt ngay trên vỉa hè Lê Lợi. Nhờ ánh sáng đèn đường, tôi đánh phấn tô son cho Thanh Tuyền mà trước đó, tôi cũng chưa từng biết gì về cây son hộp phấn Chanel. Rồi Thanh Tuyền chạy bay lên lầu phòng trà Bồng Lai để kịp giờ trình diễn, còn tôi nện gót trên lề đường Lê Lợi, lòng ngập tràn cảm xúc khi tiếng hát Thanh Tuyền cất lên, đánh dấu ngày khởi nghiệp của ca sĩ Thanh Tuyền giữa thủ đô Sàigòn hoa lệ. Đến bây giờ, sau 40 năm ngồi nhớ lại, tôi dám đoan chắc rằng, đây là người thiếu nữ duy nhứt trong đời mà tôi đã kẻ lông mày, “tô son trét phấn” rồi tung con chim Sơn Ca vào bầu trời bao la, bởi vì cô là… của muôn người.”

Bây giờ giọng Thanh Tuyền bớt cao thì nghe hay hơn. Ít ra với tôi là như thế.

Thanh Tuyền trình diễn “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Đông
( Không biết nhạc cảnh này ở DVD nào nhưng nhạc sĩ được trưng hình ảnh rất lớn trên sân khấu. Hoàng Lan Chi chụp lại, đặc biệt mến tặng anh Nguyễn Văn Đông)

Năm đệ nhất Gia Long, tôi học chung với Phương, em gái ông Mai Châu, “bồ” của Hoàng Oanh. Mai Châu, dường như tên thật là Minh, đang học Dược, Hoàng Oanh thì học Văn Khoa. Một lần đến nhà chị Phương chơi, tôi thấy xấp nhạc của Mai Châu-Hoàng Oanh trông ngộ nghĩnh vì có mấy con gà con nên cầm lên xem. Mấy hôm sau, Phương đem tặng tôi nhạc phẩm “Một người đi”. Hồi ấy nhạc để tác giả tặng thân hữu coi như “double” nghĩa là có hai lớp. Lớp ngoài là bìa nhạc phẩm, lớp trong thì có vỏ trơn để chỗ cho nhạc sĩ đề tặng. Chắc chị Phương yêu cầu nên thấy hai ông bà Mai Châu-Hoàng Oanh để tặng QG! ( Phương ơi, nếu có đọc bài này thì liên lạc với em, Qg nhe)

Mấy chục năm sau, trong ba cô ca sĩ nổi cùng thời thì người ca sĩ tôi ít chú ý nhất lại là người tôi phỏng vấn: Phương Dung. Thật tình bây giờ cũng không nhớ nổi vì sao có buổi phỏng vấn đó. Chỉ biết lúc ấy tôi đang làm cho Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển năm 2007 gì đó. Tôi mời Phương Dung đến văn phòng tôi ở Fall Church, Virginia. Đài truyền hình hôm ấy là của nhóm Võ Thành Nhân. Hồi đó VTN có truyền hình ở Maryland thì phải và chưa cộng tác với Trúc Hồ để thành lập SBTN ở Dc như sau này. Người thâu hình của Võ Thành Nhân hôm ấy chỉ có một mình, nghĩa là một camera nên ông chơi như sau: thu Phương Dung trước và tôi sau. Nghĩa là tôi phỏng vấn, Phương Dung nói và thu PD. Sau đó, cho Phương Dung về, anh thu một mình tôi. Trời đất ơi, nói một mình không đối tượng và …có trời mới nhớ hồi nãy mình nói cái gì! Đành là có một số câu hỏi thật nhưng trong khi phỏng vấn, đôi lúc tôi linh động thêm thắt cái gì đó trong khi lắng tai nghe ca sĩ trả lời nên khi thu lại, tôi hoàn toàn không nhớ. Vì không nhớ và vì nói một mình nên rất gượng ép. Khi đài truyền hình này đưa lên net, xem youtube, thấy kỳ cục quá, tôi kêu trời “Thôi nghe, lần tới không có vụ này đâu đó. Nếu không có 2 máy thì thôi không thu đâu”.

Sau này youtube này bị mất. Chủ nhân nói là họ bị “hack” gì đó.

Dù sao cũng cảm tạ Thượng Đế về nhạc phẩm, về ca sĩ đã đem đến cho tôi những giây phút thầm lắng. Link của chương trình này ở đây và tôi vẫn đang còn nghe:

https://www.youtube.com/watch?v=g4DSbgKOFm4&feature=related

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.