Bạn có tin “gou^t” là tùy vào nền giáo dục không? Tôi tin. Tự nhiên là một phần nhưng môi trường sống chung quanh và nền giáo dục ảnh hưởng khá nhiều.
Ví dụ thuở trung học, tôi rất thích bài của Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm vì có nét cổ kính, thanh cao; thích Nguyễn Công Trứ vì cái hào hùng. Nhưng tôi lại không thích cái khẩu khí ngạo mạn của Cao Bá Quát. Tôi cũng không thích cái kiểu thơ bà Hồ Xuân Hương dù tôi phục tài bà. So sánh thì tôi lại thiên về Cung Oán Ngâm Khúc hơn Đoạn Trường Tân Thanh. Có lẽ vì tôi hơi “hãi” khi thấy tự trăm năm trước mà Thúy Kiều dám leo tường qua với Kim Trọng. Cái này thì Kiều ăn đứt “mợ Phàn” là cái chắc. “Mợ Phàn” ngày xưa đi học là đi học, chớ dám tơ tưởng chuyện gì. Có mà ăn đòn của ông via bà via khỏi bàn cãi. Sau 1975, đường đường một mợ hai con, tuổi đã ngoài bốn mươi mà “rón rén” ngồi phía sau Honda của tên hàng xóm cách xa cả thước, không dám ngồi gần thì đủ biết “mợ Phàn” không “ngon” như Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du rồi.
Bao năm trôi qua, nếu nhớ về Cổ Văn thì lạ một điều là tôi nhớ câu này nhất của “Tầu”:
Quân bất kiến
Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Lưu đáo bất phục hồi
Của “Ta” thì nhớ:
Đã làm trai đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
Thơ coi như “tiền chiến” thì nhớ vầy nè:
Họ là những anh hùng không tên tuổi .
Trong loạn ly như những lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cãm chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch
(ĐP)
Ông “Thơ Say” thì tôi chỉ nhớ bốn câu này của ông:
Trả ta sông núi ! Từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha,
Ngược vết thời gian cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta !
(Vũ Hoàng Chương)
Đến sau này thì lại “đắm đuối” những câu thơ này nè:
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
……..( bỏ vài đoạn)
Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi
……..( bỏi đoạn)
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
(Ta về-Tô Thùy Yên)
Tôi có thể đọc và thấm đẫm những câu “Mười năm cổ lục đã ai ghi” hay “Nghe đau mềm phế phủ” thế nhưng khi tôi nói chuyện với một người bạn thì …chớt quớt dù anh cũng là người thích thơ.
Tại sao ư? Tại vì mấy “cậu” dân Tabert hay mấy “mợ “ dân “Couvent” thì có học Cổ Văn với Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, có học Kim Văn với Tự Lực Văn Đoàn như chúng tôi đâu? Vì thế họ nghe những cái “phế phủ” hay “cổ lục” cứ như người ngoại quốc nói. “Gou^t” của người bạn tôi là những vần thơ giản dị, giản dị như một câu nói bình thường. Với tôi, thỉnh thoảng sẽ có vài câu nói bình thường mà hay chứ không phải “bình thường giản dị” là hay. Ví dụ một câu hết sức “đời thường” của cụ Nguyễn Du và đã coi như rất “ăn tiền” trong Kiều là “Kim Lang ơi hỡi Kim Lang, Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Đấy, y chang câu nói bên ngoài phải không. Nhưng không phải câu nói bình thường theo kiểu “Rồi một ngày em đến tôi” thì tôi không thể nào “đắm đuối” được.
“Đắm đuối”, đây là chữ của ông Phan Văn Song ở Pháp. Ông viết cho tôi khi đọc bài của tôi giới thiệu một số nhạc Pháp nổi tiếng ngày xưa. “ Lan Chi thân, Có dịp sang Virginiasẽ mời Lan Chi đi nghe Nhạc Pháp để LC “đắm đuối”. Mình có một lô anh em bạn già “dân trường tây” đã một thời trồng cây si trước cổng trường Gia Long nhưng vẫn thật thà không biết dân Gia Long “đắm đuối” nhạc Pháp.” Thế là từ đó, tôi “chôm”luôn cái chữ “đắm đuối” mỗi khi nói về cái gì đó mà mình thích và phải là thích ghê lắm chứ không phải thích vừa vừa đâu.
Tóm lại, gou^t của tôi là thơ hùng, chả phải thơ tình, thơ phải có vần điệu chứ đừng bí hiểm hũ nút và cũng chả “bình dân học vụ”. Tôi có gou^t ấy vì tôi là “con gái Gia Long” mà.
Hoàng Lan Chi 2012