Cali đang mùa xuân. Thật là đẹp. Khí hậu hơi lạnh. Cây trổ chồi non và hoa tưng bừng khoe sắc. Khi mới về, nhớ nhung mùa thu diễm lệ với rừng phong lá vàng nên tôi chưa “chiêm ngưỡng” Cali nhiều. Thật ra nếu không động đất thì khí hậu Cali quả là lý tưởng dù mùa đông không có tuyết rơi (muốn xem phải lên mạn Bắc Cali) và mùa thu thì không đẹp bằng nơi khác.
Cuối tuần của tôi, là Thứ Năm, một niềm vui nhỏ. Đi học về thấy năm cái miss call nhưng “unkown” nên tôi không gọi lại.
Trưa, nghe gọi. Nhấc máy thì:
–Chị ơi, bây giờ đã là mùa xuân rồi, đâu còn mùa đông nữa đâu mà chị còn ngủ vùi thế kia.
Bất ngờ quá phải không. Tôi bối rối vì không biết là ai và tôi ngập ngừng. Đầu giây kia:
–Sao chị cứ như con sâu làm tổ trong mùa đông thế.
Tôi bối rối:
-Xin lỗi nhưng ai đang nói thế ạ.
Bên kia:
-Còn ai có thể nói với chị những câu như thế nữa?
Đến đó thì tôi nhận ra. Reo:
–Ố, “cưng” Lê Xuân Trường của chị đó hả?!
-Em đây. Sao chị không nhận ra em?
-Em đã quên chị khá lâu và vì thế chị cũng quên em!
Tôi, như đã viết, hay gọi người nhỏ tuổi hơn mà mình yêu mến là “cưng”.
Cách đây vài năm, Trường đang đứng ngoài đường Cali và gọi cho tôi, lúc đó đang “trấn thủ lưu đồn” Virginia:
–Cali đang gió lộng quá. Bên chị mùa thu đã về chưa?
Câu đối thoại như thơ. Kèm âm điệu ngọt như mật ong rừng.
“Bà chị” là tôi, thích. Gợi cho tôi viết một tạp ghi với câu “Bên chị mùa thu đã về chưa”.
Và bây giờ, “cậu em” tinh tế, biết tôi thích những cái lãng mạn, thơ mộng nho nhỏ ấy nên đã, lần thứ hai “Chị ơi, bây giờ đã là mùa xuân rồi, đâu còn mùa đông nữa đâu mà chị còn ngủ vùi thế kia.”
Duy nhất chỉ Lê Xuân Trường đối thoại với tôi kiểu đó.
Vài năm trước vô tình lang thang và gặp “Mưa trên vùng tóc rối” của Trường, tôi “đắm đuối”. Cứ mỗi khi tôi “đắm đuối” một nhạc phẩm mới nào đó thì là tôi có thêm Người. Người anh, người em, người bạn. Ơ, thế sao không bao giờ tìm được người tình nhỉ. Một cô em, fan từ net, khẳng định “Chị chỉ lấy Mỹ được thôi”.
Có lẽ thế!
Trường kể: “Em chả thích phỏng vấn ca sĩ. Nhiều người bạc bẽo. Khi nổi tiếng, họ phớt lờ. Nhưng có cá biệt. Đó là Tóc Tiên. Cô ấy rất ngoan. Bây giờ gặp em vẫn lễ phép và hỏi han. Em thích phỏng vấn nhạc sĩ hơn.”
Tôi cũng vậy. Thích phỏng vấn nhạc sĩ hơn.
Trường bây giờ ngoài nghề chính trong chính quyền thì Trường say mê về nhiếp ảnh. Năm ngoái tôi đã viết “Từ Ống Kính LXT”. Bs Thái Minh Trung, dường như chủ tịch của một Câu Lạc Bộ hay Hội Nhiếp Ảnh nào đó ở OrangeCounty viết “Cô có bài này rất hay, cháu rất thích. Cô cũng có con mắt nghệ thuật lắm.” BS Trung khen những tấm tôi chọn, lời tôi bình phẩm, là đúng. Ảnh, quan trọng ghê chứ nhỉ. Như tôi, ít xem Thúy Nga hay Asia nhưng từ ảnh LXT, đọng lại trong tôi là Tóc Tiên. Rất đẹp với đôi mắt như có hồn. [1]
Tóc Tiên (ảnh Lê Xuân Trường)
Tôi nói bao giờ em chụp ca sĩ Hoàng Anh Thư thì cho chị đi với nhé. “Một ngày với ống kính LXT”. Tôi đã nghĩ như thế trong đầu. Về đề tài LXT thực hiện album cho Hoàng Anh Thư. Và tôi đi theo.
Cho chị đi theo khi nắng xuân chưa tắt
Khi hoa xuân mới đơm nụ đầy cành
Khi cô gái đong tình trong ánh mắt
Vũ trũ đầy chỉ khóe mắt Hoàng Anh.
(Hoàng Lan Chi)
Hoàng Anh Thư (ảnh PK)
(Ca sĩ đoạt giải nhất của Asia)
Tôi cũng tham lam mơ về “Dư Âm Ngày Tháng Cũ”. Đó là đề tài sẽ viết khi đến xem phòng thu âm của LXT với những dụng cụ rất xưa. Trường nói Trường đã tìm mua được micro, loa rất cũ và nhiều ca sĩ thích như vậy. Trường bảo hát với micro cũ, giọng rất có hồn chứ không phải kiểu “hight tech” bây giờ.
Mùa xuân này dễ thương. Bắt nguồn từ “xuân mình” của tháng Hai với cây mai Mỹ (là tôi gọi thế) hoa chi chít cứ ngỡ như hoa giả, đến hoa “mai mình” gợi nhớ huy hiệu Gia Long ngày nào nở muộn vào tháng Ba và cuối cùng là mai trắng cũng nở muộn. Rồi giàn mai leo vàng rực rỡ ánh xuân.
Và câu “message” dễ thương mà sau đó tôi “nhặt” từ cell phone từ năm cái miss call “Chị ơi, bây giờ đã là mùa xuân rồi, đâu còn mùa đông nữa đâu mà chị còn ngủ vùi thế kia.”
Cali mùa xuân 2013
Hoàng Lan Chi
Giàn mai leo
Mai Mỹ giống mai giả
Mai mình
Mai trắng