Người Bắc hay ví thế này “Họ hàng bắn súng cà nông không tới” để ám chỉ họ hàng xa, rất xa.
Trước kia, tôi có một ông chú bắn súng cà nông không tới. Chả là thế này: ông anh của ông lấy cô ruột của tôi, tôi gọi ông đó là Chú thì “phải đạo” lắm rồi. Còn ông, không ai bắt tôi phải thưa là Chú cả nhưng vốn dĩ “con gái Gia Long ngoan nhất nước” (!) nên tôi vẫn gọi ông là chú. Ông là dân Chu Văn An, tôi là dân Gia Long. Khi ông giới thiệu, mọi người cứ thắc mắc Chú cháu thế nào, tôi bảo “Họ hàng bắn súng cà nông không tới!”.
Tuần vừa qua, lại thêm một ông chú “bắn súng cà nông không tới”. Ông này thật là nhiều chuyện! Khi tôi “meo” và đề nghị “Chú ơi chú à, hôm nào kể chuyện ngày xưa của Sài Gòn cho Lan Chi nhe” thì ông meo giả nhời như thế này “Nếu Lan Chi đúng là cháu của Gs Đinh Tiến Lãng có dạy về Lý Hóa ở Trường Sơn thì tôi mới dám nhận chú cháu. Còn vụ kể chuyện thì xin hãy khoan đã vì tôi già rồi nên chẳng dám đua đòi với những cao thủ (hàng bà bà) như Lan Chi. Tôi vừa chân ướt chân ráo từ Nam Cali sang Dallas. Mở máy đọc thư tình cờ được đọc Lan Chi. Hên quá.”
Tôi phải gân cổ lên thì là mà “HLC cháu Đinh Tiến Lãng” chớ ai! “Ông chú bắn súng cà nông không tới” dám chọc quê cô cháu như sau:
“Vậy là vụ chú cháu coi như ổn. Tôi quen chú của Lan Chi ở Trường Sơn vì thường lui tới nơi đó trò chuyện với các ông Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền v.v..(tạm kể như thuộc nhóm Sáng Tạo). Chứ không có liên hệ nào với ông Lãng về hoạt động chính trị cả. Ra hải ngoại từ nhiều năm rồi không gặp chú lại gặp cháu và lại là một độc giả của cháu. Về vụ kể chuyện thì chả dại gì mang lấy nợ vào thân. Nghe kể thú vị hơn, loạng quạng thiên hạ họ cười cho. Vả lại nghe CDA thưa thốt và Lan Chi bàn ngang tán dọc phê quá nên ‘khớp’”.
Cô cháu là tôi lại trổ tài thuyết phục vì tôi đang “đắm đuối” với đề tài “Sài Gòn muôn năm cũ” thì ông chú bắn súng cà nông vẫn õng ẹo “Còn cô cháu HLC của tôi thì theo tôi là tổng hợp của Kim Thánh Thán và Mao Tôn Cương, chữ nghĩa lại dồi dào. Lắm khi tôi cứ tự hỏi người này muốn điều gì đây. Không kiếm được giải đáp, đành “kính” mà “viễn chi””
Tuy vậy cuối cùng thì tôi cũng thành công. Ông hứa sẽ kể. Cách đây nhiều năm, tôi tìm đến ông không phải vì cái luật sư của ông, cũng chẳng phải vì cái Cố Vấn hay vì cựu Bộ Trưởng VNCH mà chỉ vì cái “Sáng Tạo” mà thôi. Tôi thích, thích chứ không đắm đuối văn chương cơ mà và nhóm “Sáng Tạo” là một thú vị cho tôi tìm hiểu. Thuở xưa cón bé tôi mê Nhất Linh với “Đôi Bạn” chỉ vì cái anh chàng Dũng trong đó đi làm cách mạng! Nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã làm nên lịch sử với một số thành tựu cho xã hội. Còn Sáng Tạo? Sáng Tạo, nếu có, thì tôi chỉ chú ý đến Mai Thảo. Tôi không thích Thanh Tâm Tuyền, tôi ghét thơ “bí hiểm” của ông ấy.
Ông chú “bắn súng cà nông không tới” của tôi kỳ này là cụ ông gần 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, vẫn hiên ngang đi từ Pháp sang Mỹ để nói chuyện thời sự: đó là LS Trần Thanh Hiệp. Tôi nghĩ độc giả của mục Trò Chuyện với Lan Chi có quyền hy vọng nghe những điều rất ly kỳ hay ho của Sài Gòn muôn năm cũ từ “Ông Chú xa lắc xa lơ này”.
Trước LS Trần Thanh Hiệp, HLC cũng “dụ dỗ” được nhà văn Văn Quang kể về Sài Gòn, bối cảnh ông sống, xã hội ông tham gia. Tuy vậy, vì bận với cuốn “Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự” sẽ xuất bản nay mai, cần hiệu đính nên Văn Quang cũng chỉ kể theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy thế, trong bài Văn Quang, ông có một nhận định tuyệt vời và HLC rất thích! ( Xin xem…hồi sau sẽ rõ!)