Trò Chuyện Với Nhà Văn Quyên Di Về Nền Văn Hoá của BPSOS
“Phục Vụ chứ Không Chỉ Huy – Cộng Tác chứ Không Chỉ Thị”
Hoàng Lan Chi: Thưa ông Quyên Di, cơ duyên nào đã đưa ông đến với chương trình Mái Ấm Gia Đình của BPSOS?
Quyên Di: Thưa cô, trong một dịp ông Phạm Hoạt, Giám Đốc Chương Trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình về công tác tại Orange County, California, tôi vừa tình cờ vừa may mắn được gặp ông ấy. Sau đó, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng sang Orange County và tôi cũng lại vừa tình cờ vừa may mắn gặp ông. Nơi hai con người này, tôi nhìn thấy một tâm hồn quả cảm, một tinh thần phục vụ trong sáng, một trái tim biết đồng cảm với những anh chị em đồng loại. Tôi cảm phục và cảm mến họ. Qua họ, tôi cảm phục và cảm mến gia đình PBSOS. Tháng 11 năm ngoái, khi có dịp huấn luyện cho các giáo chức dạy Việt Ngữ tại Camden, tiểu bang New Jersey, tôi lại được dịp gặp ông Hoạt. Ông giải thích thêm cho tôi về Chương Trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình rồi mời tôi hợp tác. Khi đã cộng tác với Chương Trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình rồi, tôi trở thành một thành viên trong “Mái Ấm BPSOS”. Đây là một hân hạnh mà cũng là một niềm vui cho tôi. Những diễn tiến này, tôi xem như là cơ duyên, chữ mà cô vừa dùng.
Hoàng Lan Chi: Từ khi cộng tác với gia đình BPSOS, Ông có những suy nghĩ gì?
Quyên Di: Người ta có những ước mơ muốn thực hiện, những tâm tình muốn chia sẻ, những lý tưởng muốn theo đuổi, những mong muốn được phục vụ… thì đối với tôi, gia đình BPSOS giúp tôi thực hiện được những điều ấy. Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng đã giải thích cho tôi nghe về “nền văn hoá của BPSOS”, trong đó tinh thần chính là phục vụ lẫn nhau, đáp ứng tối đa nhu cầu thuộc phạm vi trách nhiệm của nhau, để rồi cùng nhau phục vụ các tổ chức và các anh chị em khác, giúp cho họ có thể tự tồn và tự lập. Phục vụ chứ không phải là chỉ huy; cộng tác chứ không phải là ra chỉ thị. Tôi thấy “nền văn hoá” này hay quá và đẹp quá.
Hoàng Lan Chi: Là người phụ trách Mái Ấm Gia Đình, Ông có những cải tiến gì cho chương trình này? Ví dụ bài vở, các “event” tổ chức ở khắp nơi của BPSOS cho vấn đề gia đình?
Quyên Di: Trong chương trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình có nhiều anh chị em cộng tác viên, tôi cũng chỉ là một trong những anh chị em ấy. Anh Hoạt “đứng mũi chịu sào” còn chúng tôi thì tiếp tay tiếp sức. Chúng tôi vừa có cuộc hội thoại viễn liên, qua đó chúng tôi đồng ý chọn ra 12 chủ đề cho 12 tháng trong năm. Dựa trên những chủ đề đó, mỗi tháng chương trình xoáy mạnh vào một chủ đề, các phương tiện truyền thông của Chương Trình đều nhắm vào chủ đề ấy: bài đăng báo, bài nói trên chương trình phát thanh, những chương trình hội thoại trên truyền hình đều hướng về chủ đề chung. Chúng tôi cũng tiến hành thực hiện một đặc san, phát hành theo từng quý, đồng thời cùng nhau viết một cuốn cẩm nang cho Chương Trình Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình. Những cuộc hội thảo để giúp các cặp hôn nhân có kỹ năng và nghệ thuật Lắng Nghe cũng như Giải Quyết Những Mâu Thuẫn cũng đang trong tiến trình thực hiện. Riêng những buổi sinh hoạt lớn mà chủ đề là Tình Yêu và Hôn Nhân đã và đang được thực hiện tại từng vùng. Cuối tháng Hai, 2007, tôi có dịp đến Atlanta, GA tham dự một tối sinh hoạt có chủ đề “Thông Điệp Tình Yêu”. Tôi được phép chia sẻ suy nghĩ của mình trong buổi sinh hoạt ấy.
Hoàng Lan Chi: Theo ông, những yếu tố nào mà người phụ trách cần có để chương trình Mái Ấm Gia Đình được thành công?
Quyên Di: Có tinh thần phục vụ, dám dấn thân và hy sinh, có tâm hồn biết đồng cảm, có khả năng diễn đạt, nhân dáng và tính nết dễ được người khác chấp nhận.
Hoàng Lan Chi: Vâng, rất cảm ơn về câu trả lời rất hay và chính xác của ông. Tôi đồng ý là ngoài việc phải có tâm hồn biết đồng cảm, còn thì yếu tố nhân dáng bề ngoài và cả khả năng diễn đạt đóng một vai trò không nhỏ. Thế ông nghĩ sao về cách cư xử với đồng nghiệp? Có khó như cách cư xử giữa vợ chồng trong mái gia đình?
Quyên Di: Cũng có lúc khó và cái khó, nhưng không khó bằng giữa vợ chồng với nhau dưới một mái gia đình. Tuy nhiên khả năng Lắng Nghe và khả năng Giải Quyết Những Mâu Thuẫn nếu giúp người ta thành công trong đời sống hôn nhân thì cũng giúp người ta thành công khi giao thiệp và làm việc chung với các đồng nghiệp. Vả lại, nếu các đồng nghiệp và ta cùng thấm nhuần thứ “tinh thần phục vụ chứ không chỉ huy” thì những khó khăn, mâu thuẫn cũng dễ được giải quyết thôi. Dù sao, tôi cũng thích nhìn vào khía cạnh chia sẻ, nâng đỡ, học hỏi lẫn nhau hơn là nhìn vào vấn đề khó hay không khó trong cách cư xử với đồng nghiệp.
Hoàng Lan Chi: Ông lại vừa đưa ra một lời khuyên hữu ích nhưng có lẽ sẽ rất khó thực hiện đối với nhiều người. Tinh thần phục vụ chung sẽ giúp mọi quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau, giữa cấp chỉ huy và nhân viên thuộc quyền trở nên dễ dàng, thoải mái. Trước 75, Ông từng viết sách. Có thể kể về đứa con tinh thần đầu tiên?
Quyên Di: Tôi đã xuất bản mười mấy cuốn sách, cuốn nào cũng là con mình, mà con nào thì cũng thương. Nhưng quả thật, đứa con tinh thần đầu lòng vẫn là đứa con ghi lại trong lòng mình một dấu ấn sâu xa nhất.
Năm ấy tôi 22 tuổi, vừa viết xong loạt bài “Tuổi Trăng Tròn” đăng từng kỳ trên bán nguyệt san Tuổi Hoa. Trong loạt bài này, tôi lấy tâm tình một người anh tuổi đôi mươi chia sẻ về các vấn đề của đời sống với những người em tuổi đôi tám. Tôi gom những bài đó lại thành một tập và dự định in thành sách. Tôi ngỏ ý ấy với một vị đàn anh khả kính trong lãnh vực văn chương, sách báo và đưa cho ông tập bản thảo. Ông nhìn tôi trìu mến nhưng không nói gì. Một tuần sau ông mời tôi vào văn phòng và nói với tôi những lời rất chân tình: “Anh rất quý chú và muốn in sách cho chú. Nhưng anh không muốn chú gặp thất bại khi xuất bản cuốn sách đầu tiên, sợ rằng chú sẽ nản lòng. Tập sách của chú không phải là truyện, không phải là biên khảo, cũng không phải là sách học làm người… Anh e rằng chú không có độc giả. Chú còn trẻ, đừng vội, cứ chờ đợi một hai năm nữa cũng không muộn. Nếu chú có văn tài, thế nào chú cũng sẽ thành công.” Tôi vâng lời anh, nhưng trong lòng cũng buồn buồn.
Ít tháng sau, tôi có một người bạn rời đại chủng viện ra ngoài đời. Anh theo con đường văn học nghệ thuật. Gặp tôi, anh cho biết đang thành lập một tủ sách, muốn có sách để xuất bản. Anh hỏi tôi có sách gì để in không. Tôi rụt rè đưa tập “Tuổi Trăng Tròn” ra. Anh nhận in ngay.
Không ngờ tập “Tuổi Trăng Tròn” được độc giả đón nhận, sách phát hành chỉ hơn một tháng thì bán sạch. Nhà xuất bản tái bản, cũng bán hết. Những lần sau, một nhà xuất bản khác xin in, cũng bán hết, cũng tái bản. Tổng cộng, tập “Tuổi Trăng Tròn” đã bán đến ngàn thứ 60.
Hoàng Lan Chi: Xin được chia vui cùng ông, Tuổi Trăng Tròn đã tròn đến thứ sáu mươi ngàn. Qua những gì ông kể, tôi thấy rằng ông có nhiều may mắn trên con đường văn chương. Một thời gian dài, ông là Chủ Bút của Tuổi Hoa, một báo thiếu nhi rất nổi tiếng và được giới thiếu nhi Sài Gòn ưa chuộng. Thưa ông, lãnh vực “tuổi thơ” đã hấp dẫn ông vì lý do nào và điều gì đã khiến ông, có thể nói, đặt hết lòng nhiệt thành cho sách thiếu nhi?
Quyên Di: Lý do thứ nhất là thời đó tôi không viết được truyện cho người lớn. Tôi không có khả năng viết về một đề tài có nhiều khía cạnh gai góc. Tôi cũng không có khả năng biến một vấn đề đơn giản trở thành phức tạp. Tôi thất bại trong việc dựng nên một nhân vật ác và xấu, cũng không dám để cho nhân vật của mình đau khổ khốn cực. Nhiều tác giả khác rất có tài trong những lãnh vực này.
Lý do thứ hai là tôi luôn luôn được gần gũi tuổi thơ nên hiểu các em và yêu thương các em. Mười chín tuổi, vì hoàn cảnh gia đình, tôi đã đi dạy học và rồi gắn bó với nghiệp nhà giáo đến ngày hôm nay. Gần các học sinh, tôi thấy các em có nhu cầu được thông cảm, được học hỏi, được hướng dẫn. May mắn, trong cương vị nhà giáo cũng như nhà văn, tôi được các em chấp nhận. Từ đó, tôi theo hẳn khuynh hướng viết cho tuổi thơ và được mệnh danh là “nhà văn của tuổi thơ”.
Hoàng Lan Chi: Ông luôn trả lời rất khôn khéo, thưa Ông Quyên Di. Có lẽ Khôn Khéo là một đức tính “Chúa ban” cho ông. Ông cho rằng không có khả năng viết các vấn đề “gai góc” nên thích viết cho tuổi thơ. Với sự quá ư khôn khéo này, tôi không ngạc nhiên khi biết ông rất được lòng độc giả cũng như học trò.
Qua Hoa Kỳ năm 78, thời gian đầu ông có còn hoạt động trong các lãnh vực dành cho thiếu nhi?
Quyên Di: Có, cô Lan Chi ạ. Đã ba lần tôi cho tái bản tập san Tuổi Hoa, nhưng lần nào cũng chỉ xuất bản được mười mấy số rồi phải đình bản, vì thiếu thốn về đủ mọi mặt: thì giờ, tài chánh, người viết, và cả… người đọc. Tôi cũng đã thành lập một nhóm thiếu nhi, gọi là “Gia Đình Tuổi Hoa”, sinh hoạt hằng tuần và có chương trình phát thanh hằng tuần. “Gia Đình Tuổi Hoa” sinh hoạt được bốn năm rồi cũng phải ngưng hoạt động.
Hoàng Lan Chi: Bây giờ thì lại phải nói lời chia buồn với ông. Vâng, tôi nghĩ là ông ao ước tái lập Tuổi Hoa Trên Xứ Người nhưng vì số đồng bào tản mát nên mong ước đó đã không thành. Theo ông, Who’s Who đã chọn ông vì những hoạt động nào? Văn chương hay truyền thanh hay cả hai?
Quyên Di: Thưa, về lãnh vực chuyên môn, có liên quan đến cả văn chương, truyền thanh lẫn giáo dục. Người ta gọi tôi là một “educator”.
Hoàng Lan Chi: Giữa văn chương và truyền thanh, ông thích lãnh vực nào hơn và vì sao?
Quyên Di: Cả hai, cô ạ. Tôi dùng truyền thanh để chuyển đạt văn chương. Truyền thanh có cái lợi là đem văn chương (đương nhiên cũng đem tin tức, bình luận, văn học nghệ thuật v.v.) đến quảng đại quần chúng.
Hoàng Lan Chi: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này. Chúc mừng ông đến với gia đình BPSOS. Kính chào tạm biệt.
Mạch Sống Số 57, tháng 4, 2007