LTS: Nhạc sĩ Lê Vân Tú, giáo sư đại học Canbera, người phụ trách Lá thư Úc Châu của Sóng Thần. Xin giới thiệu bài phỏng vấn ông do Hoàng Lan Chi thực hiện.
HLC: Chương trình SángTác Mới của Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại, phát từ Hoa Thịnh Đốn kỳ 193 xin được giới thiệu nhạc sĩ LVT từ Úc châu. Xin kính chào nhạc sĩ LVT
NS: Xin chào quý thính giả của đài Việt Nam Hải Ngoại, chào chị Lan Chi.
HLC: Thưa nhạc sĩ, chương trình STM của đài VNHN do anh Nguyễn Đăng Tuấn phụ trách nhằm giới thiệu đến giới thưởng ngoạn bốn phương các sáng tác mới của các nhạc sĩ thành danh hoặc mới sáng tác. Quả tình với nhạc sĩ , LC cảm thấy bối rối. Thành danh thì nhạc sĩ không chuyên về sáng tác nhạc nhưng mới sáng tác thì cũng không đúng vì nhạc sĩ đã từng viết từ 1955. Và điều đặc biệt là thuở ấy, con chim họa mi của đất thần kinh, ca sĩ Hà Thanh đã từng lảnh lót những nốt nhạc của nhạc sĩ.
NS: Vâng, chị nhận xét đúng. Tôi thích viết nhạc nhưng không theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp nên sáng tác chỉ là tìm một nơi chốn để gởi gấm tình cảm của mình. Thôi thì tùy chị muốn xếp tôi thế nào cũng được.
HLC: Vâng, có những điều không nằm trong khuôn khổ. Nhạc sĩ là một. Truớc kia, chúng tôi đã thầm ngưỡng mộ nhà toán học Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với Đời Phi Công. Và bây giờ, nhà toán học Lê Vân Tú với những nhạc phẩm bán cổ điển nhẹ nhàng, ngôn từ trau chuốt. Thưa nhạc sĩ, phải nói âm nhạc là một quà tặng của thượng đế cho con người. Biết thưởng thức âm nhạc, ai cũng có nhưng để viết những rung động trong hồn thành nốt nhạc vào thuở xưa, không phải dễ. Xin được phép tò mò hỏi, xúc động đầu đời để rung thành tiếng tơ đồng có phải là dành cho một giai nhân đất thần kinh và ai đã truyền thụ cho nhạc sĩ cách ghi nốt nhạc?
NS: Thưa chị, thuở thiếu thời tôi có tánh đa sầu đa cảm nên rất mê thơ và nhạc. Nhờ được học nhạc lý với Giáo sư Âm nhạc Nguyễn Hữu Ba trong bốn năm nên tôi đã học được cách ghi lại những xúc cảm của mình bằng nốt nhạc. Xúc động đầu đời mà tôi đã ghi lại thành ca khúc không phải do một giai nhân nào, mà là do một bài thơ của Bạch Cư Dị, bài Bến Tầm Dương. Do đó bài nhạc đầu tiên của tôi có tựa đề là Trên Bến Tầm Dương.
HLC: Cũng là một câu hỏi tò mò, thưa nhạc sĩ. Thuở xưa nếu tôi nhớ không lầm, sáng tác dù là văn, thơ hay nhạc muốn được đăng báo hay hát trên Đài Phát Thanh thì thường phải có sự quen biết, giới thiệu. Vây lý do nào các nhạc phẩm đầu tay của một học sinh trung học lại được hát trên Đài Phát Thanh Huế?
NS: Thưa chị chỉ là một sự may mắn hiếm có. Thuở ấy Hà Thanh đã rất nổi tiếng ở Huế và cô là giọng ca chính của đài phát thanh Huế với biết bao người ngưỡng mộ, nhất là trong giới học sinh. Một hôm, một người bạn thân của tôi (mà nay là Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận hiện ở Houston) dự định lên nhà Hà Thanh chơi và rủ tôi cùng đi cho vui. Chính là lần ấy tôi đã đưa bài nhạc chưa ráo mực Trên Bến Tầm Dương cho Hà Thanh để cô ấy xem thử. Không ngờ một tuần sau thì tôi được nhắn là bài hát ấy sẽ được hát trên đài phát thanh.
HLC: Thưa nhạc sĩ nếu “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ đã ai quên” thì trong các nhạc phẩm đầu tay của mình, nhạc sĩ lưu luyến bản nào nhất và cảm tuởng của nhạc sĩ khi được nghe Hà Thanh hát thuở ấy ra sao?
NS: Thưa chị trong thời gian sau đó thì Hà Thanh có hát thêm vài ca khúc của tôi nữa, nhưng chính là ca khúc đầu tay “Trên Bến Tầm Dương” đã cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Lúc ấy tôi quá nghèo đến cái radio để nghe nhạc cũng không có, nên bạn tôi là anh Thuận đã rủ tôi ra quán cà phê gần nhà để nhờ ông chủ quán mở radio cho mình nghe ké. Về sau, tôi được Hà Thanh cho biết là nhạc sĩ Văn Giảng khen bài nhạc ấy có tiết điệu lạ và rất có air (tức là có hồn).
Mùa Hè Rực Rỡ (Từ Hiền Trang)
Quý vị đang nghe THT với MHRR. .
HLC: Vào Sài Gòn học năm 1957, âm nhạc thuở ấy nở rộ phong phú với rất nhiều nhạc sĩ tài danh. Ông chịu ảnh hưởng của ai nhiều nhất? Xin đừng nói với Lan Chi là nghe rất nhiều và mỗi người một vẻ nhé. Hiển nhiên là ông sẽ “chịu” một người nhất và khi sáng tác nhạc, ông đã có chút gì của người ấy?
NS: Đúng như chị Lan Chi đã nói, tôi nghe rất nhiều và thích nhiều loại nhạc khác nhau. Nhưng có lẽ tôi chịu ảnh hưởng phần nào những tác phẩm của Lâm Tuyền, là người đã dạy tôi về đàn guitar và chỉ dẫn thêm cho tôi về hòa âm trong tân nhạc. Điều tôi ngưỡng mộ nhất trong nhạc của Lâm Tuyền là lối chuyển âm rất phóng khoáng. Tuy nhiên, cũng chính nhạc sĩ Lâm Tuyền với cảnh sống quá nghèo khổ thiếu thốn đã cho tôi ý nghĩ là không thể đi theo con đường âm nhạc toàn thời được.
HLC: Thực ra, khi nghe các nhạc phẩm của ông, tuy khá đa dạng nhưng Lan Chi vẫn thấy có chút gì đó xưa, chút gì đó của loại nhạc bán cổ điển. Đặc biệt có bài lời nhạc rất xưa. Điển hình như nhạc phẩm MHRR mà Lan Chi vừa giới thiêu đến quý thính giả. “Mộng trùng dương hải hồ”, ông nhận ra chưa nào?
NS: Xin chịu nhận xét rất tinh tế của chị Lan Chi. Nhưng không phải bài nào cũng vậy, phải không chị?
HLC: “Một mùa để thương và một mùa để nhớ” sáng tác vào năm 1963 làm Lan Chi lại tò mò nữa rồi. Ông chịu ảnh hưởng của tác phẩm “Một thời để yêu và một thời để chết chăng?” Vậy thời để thương ai vậy và thời nhớ ai thế thưa ông?
NS: Thưa đúng, lúc ấy tôi cũng mới vừa chia tay với người tình, nên lòng rất buồn và đã đi xem cuốn phim chị nói đó đến ba lần. Đêm ấy tôi đã thức đến ba bốn giờ sáng để viết bài nhạc nầy, và chắc là rất phiền nhà hàng xóm chỉ cách có một vách ván thôi.
Quý vị đang nghe “Một mùa để thương và một mùa để nhớ” qua tiếng hát Lê Hiếu.
HLC: Từ Công Phụng với “Bây giờ tháng mấy” là một nhạc phẩm mà Lan Chi và nhiều người thích. Nguyên nhân nào đã kết hợp ông với nhạc sĩ TCP để “Thiên đường hiu quạnh” chào đời?
NS: Thưa chị, hồi đó Từ Công Phụng đã nổi tiếng với những ca khúc “Bây Giờ Tháng Mấy”, “Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên”, v.v. nên khi tôi dạy trong lớp của Trường Đại Học Nông Lâm thì ngạc nhiên thấy có một sinh viên tên là Từ Công Phụng. Từ đó chúng tôi thành bạn thân và thỉnh thoảng Phụng đến chơi với tôi. Do đó khi tôi soạn lời cho bản nhạc “Thiên Đường Hiu Quạnh” đến đoạn điệp khúc, tôi đã viết “Ta từ nay giã từ” rồi lúng túng chưa biết nói sao để diễn tả sự hoang mang trong lòng, thì Phụng đã sốt sắng đem bản nhạc ấy về nhà để bổ khuyết, và kết quả anh đã thêm lời rất hay cho đoạn giữa của ca khúc ấy. Đó là “Ta từ nay giã từ những giòng sông đam mê trôi lạc trong sương mù, …” Bài nhạc nầy sau đó đã được Nhật Trường trình bày trên Đài phát thanh Quân Đội.
HLC:Thật thú vị khi được biết Từ Công Phụng học Nông Lâm Súc và là học trò của ông. Xin chia sẻ điều này với ông, Ngô Thụy Miên nổi tiếng với “Mùa Thu Cho Em” thì học Đại Học Khoa Học nhưng lại là bạn cùng ban … Vật Lý Địa Cầu với Lan Chi!
Thưa quý vị, một “Thiên đường hiu quạnh” sẽ là kỷ niệm khó quên thời dĩ vãng.
Lan Chi mời quý vị nghe Mầu Dĩ Vãng với giọng ca Bích Ngọc. Giọng hát BN trong vắt và nốt nhạc thật nhẹ, thật mỏng, lung linh như sương khói, như khói thuốc chiều xưa, như nỗi nhớ đã xa mờ, là chiếc lá vàng phai chìm vào mơ…
HLC: Nhạc sĩ nào cũng phải viết về mùa thu. Có lẽ nhạc sĩ cũng không ra ngoài lệ ấy. Vậy thưa nhạc sĩ, mùa thu đã gợi hứng cho ông bao lần? Chắc hẳn mùa thu Sydney cho ông nhiều nhã hứng nhất?
NS: Ôi mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa Thu của đất trời và mùa Thu trong mắt em. Có ai đi giữa mùa Thu mà không thấy lòng rung động? Vì vậy tôi đã viết khá nhiều ca khúc về Thu như Mỗi Độ Thu Về, Thì Thầm Mùa Thu, Như Mây Mùa Thu, Nhịp Đời Lặng Lẽ.
HLC: Vâng, ai mà không xao xuyến trước cảnh thu.
Quý thính giả đang nghe Thì Thầm Mùa Thu qua tiếng hát Mai Khôi
HLC: Xa quê hương du học rồi định cư, chắc chắn ông phải có những giây phút nhớ về quê cũ. Nhạc phẩm nào về niềm hoài hương được coi là tiêu biểu nhất, thưa ông?
NS: Thưa chị, những ca khúc Nhớ Em, Chim Bay Về Huế, Tiếng Buồn Của Giòng Sông là những giòng nhạc ghi lại những phút giây nhớ về bên kia bờ đại dương đó thưa chị.
“Tiếng buồn của giòng sông” xin gửi đến quý vị bây giờ qua tiếng hát Nghi Văn
HLC: Lan Chi hay tò mò. Đây là tò mò cuối cùng, xin hứa với ông như thế…
NS: Xin chị cứ tự nhiên, vì tò mò chính là động lực của sự khám phá đó chị.
HLC: Vâng, cảm ơn ông cho phép Lan Chi… tiếp tục tò mò! Năm 1978, Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Toán. Có thể nói đây là thành công tột đỉnh về danh vọng. Trong niềm cảm xúc dạt dào của sự thành công ấy, ông nghĩ đến ai và vì sao không ghi lại cảm xúc ấy? ý Lan Chi muốn nói, khi ở tù một số nhạc sĩ đã sáng tác nhạc phẩm cho vợ rất hay, đầy cảm xúc vì chỉ khi ấy, họ mới cảm được tất cả những ân sâu nghĩa nặng của người bạn đời. Còn ông, khi sự nghiệp viên mãn nhất, ông thế nào?
NS: Thưa chị, thật ra hoàn tất PhD không phải là tột đỉnh mà chỉ là bắt đầu của sự nghiệp khảo cứu thôi. Tuy nhiên, nó cũng đánh dấu một giai đoạn trong đời. Lúc ấy tôi đã rất buồn vì không có sự hiện diện của nhà tôi, là người đã hy sinh cho tôi rất nhiều và đã hết lòng khuyến khích tôi trên đường học vấn. Cũng chính nhà tôi sau nầy đã khuyến khích tôi đem những bản nhạc của tôi trong tủ ra để thực hiện thành ba albums như chị đã biết.
HLC: Vâng, thưa quý thính giả, trước khi sang Úc du học, nhạc sĩ Lê Vân Tú từng giảng dậy ở Đại học Khoa học Sài Gòn, Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn, Đại học Sư phạm Đà Lạt, Đại học Sư phạm Vạn Hạnh, và Đại học Tây Ninh; Anh Phạm Ngọc Hiền là bạn cùng khoa Lý với Lan Chi tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn và thuở xưa anh là học trò “Thầy Tú”. Khi Lan Chi hỏi anh về GS Tú, anh đã bầy tỏ lòng cảm phục trước vị giáo sư trách nhiệm và điều làm anh không ngờ là vị Gs Toán, môn khoa học khô khan lại có thể sáng tác những nhạc phẩm nhẹ nhàng như vậy!
NS: Thưa chị, có lẽ nhiều người cũng như anh Hiền nghĩ rằng môn Toán khô khan. Theo tôi thì không phải vậy, vì Toán là môn học trừu tượng nên đòi hỏi người học phải giàu trí tưởng tượng, nhiều trực giác và mơ mộng để có thể tưởng tượng ra những khung cảnh không hề có trong đời sống thực tế.
HLC: Mỹ Tâm là một ca sĩ mới của Việt Nam. Tuy MT rất nổi tiếng nhưng Lan Chi không nghĩ MT có thể hát được những nhạc phẩm bán cổ điển với lời nhạc chắt lọc của nhạc sĩ LVT. Nhưng “Chiều Tĩnh Lặng” đã làm Lan Chi khá ngạc nhiên. Nội dung không phải chuyện tình đôi lứa, không phải suy tư cuộc chiến nhưng một chút tình tuổi thơ, chút nhớ hoài dĩ vãng xưa đã được MT phả hồn khá truyền cảm, khá độc đáo. Lan Chi trân trong giới thiệu “CTL” nhạc phẩm được đặt làm tựa cho một CD cùng tên của nhạc sĩ LVT với giọng hát Mỹ Tâm.
Mỹ Tâm và Chiều Tĩnh Lặng
HLC: Nhạc LVT không chỉ nhẹ nhàng mênh mang hay lãng đãng mà có bài rất rộn rã vui tươi. “Nhịp Xuân Ca” là một tiêu biểu. Thưa nhạc sĩ LVT, Nhịp Xuân Ca ra đời vào dịp nào và có gói ghém kỷ niệm gì không?
NS: Thưa chị, giống như phần lớn các ca khúc của tôi mà giai điệu được bắt gặp vang lên trong đầu khi hồn đầy xúc động, Nhịp Xuân Ca cũng là một giai điệu vui tươi đã vang lên trong đầu tôi khi tôi chạy bộ trong công viên một sáng mùa Xuân. Những dãy anh đào nở rộ cùng với những khóm mimosa rực rỡ trong nắng mai đã gợi nhớ đến những cành đào và mai trong mùa Xuân ở Việt Nam đó thưa chị.
Xin mời quý vị nghe Tóc Tiên với Nhịp Xuân Ca
HLC: Sẽ là thiếu sót nếu Lan Chi không giới thiệu đến quý vị một nhạc phẩm về Huế của nhạc sĩ LVT . Bởi vì ông sinh trưởng tại đây và những tình cảm cho Huế sẽ rất Huế. Thưa nhạc sĩ “Chim bay về Huế” ra đời trong bối cảnh nào và thời gian để chim bay về Huế mất bao lâu?
NS: Thưa chị, tôi đã viết bài Chim Bay Về Huế trên bãi biển Freemantle của thành phố Perth khi hoàng hôn buông xuống, từng bầy hải âu lưu luyến bay đi, và xa xa là những con tàu mờ dần phía chân trời mênh mông. Cảnh tượng ấy đã gợi cho tôi nỗi nhớ quê hương da diết, và bài nhạc đã được viết ra rất nhanh. Tuy nhiên, lời ca thì vì bận nhiều công việc nên phải nhiều tháng sau đó tôi mới hoàn tất thưa chị.
Xin mời quý vị nghe Mỹ Lệ với Chim Bay Về Huế.
HLC: Thưa nhạc sĩ, giòng nhạc của ông khá phong phú cả về nội dung và âm điệu. Vậy ông đã trình làng được bao nhiêu CD và ở đâu, kết quả thế nào?
NS: Thưa chị, những nhạc phẩm của tôi chỉ mới được sưu tập để thực hiện thành 3 albums: Chiều Tĩnh Lặng, Có Em Bên Đời, và Tiếng Buồn Của Giòng Sông. CD Chiều Tĩnh Lặng đã được ra mắt trong một đêm nhạc thính phòng tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc (Australian National University) và CD Có Em Bên Đời đã được trình làng tại National Gallery of Australia. Các bạn bè thân hữu đang chuẩn bị để ra mắt CD Tiếng Buồn Của Giòng Sông. Riêng CD Chiều Tĩnh Lặng cũng đã được phát hành tại Việt Nam. Nói chung, sự đón nhận của thính giả đối với nhạc của tôi khá khích lệ mặc dầu nhạc tôi không có tính cách thương mãi. Chẳng hạn ở Việt Nam, CD Chiều Tĩnh Lặng đã hết từ lâu, và tôi cũng nhận được khá nhiều e-mails cho biết người nghe đã rất xúc động khi nghe những ca khúc nầy.
HLC: Xin cảm ơn ông. Để mua các CD trên thì liên lạc ra sao?
NS: Thưa chị, để mua các CD nầy xin liên lạc với những địa chỉ sau đây:
Ở Mỹ xin vào website: http://cdbaby.com (search for artist Le Van Tu)
Ở Úc Châu, xin e-mail cho mai.le@nhacviet-ucchau.com
HLC: Thưa quý thính giả, Lan Chi vừa giới thiệu Tiến sĩ Toán Học LVT từ Úc Châu với những nhạc phẩm trữ tình nhẹ nhàng, mang âm điệu bán cổ điển và lời nhạc khá trau chuốt. Trước khi mời quý vị nghe nhạc phẩm “Có em bên đời” mà … Lan Chi không muốn phỏng vấn nhạc sĩ vì Lan Chi … xác quyết đó là nhạc phẩm mà nhạc sĩ LVT viết cho người bạn đời của ông, Bà Lê Phương Mai, Lan Chi xin gửi đến quý thính giả những uớc mơ về âm nhạc của nhạc sĩ LVT.
NS: Thưa chị, ước mơ thì nhiều nhưng đời người quá ngắn, khó có thể thực hiện trọn vẹn những mơ ước của mình. Về phương diện âm nhạc, tôi vẫn còn nghe trong tôi những rung động rất sâu thẳm và những ước vọng mênh mông. Tôi ước ao sẽ viết ra những khúc nhạc cao vút như ngàn mây hay sâu thẳm như lòng đại dương để diễn tả những khát vọng của tôi và mọi người quanh tôi. Hai ca khúc sau nầy tựa đề “Bay Lên Nỗi Buồn” và “Vỗ Về Đêm Mưa” của tôi có chứa phần nào niềm mơ ước ấy, thưa chị.
HLC: Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Vân Tú về buổi trò chuyện này. Các tác phẩm của ông sẽ lần lượt được gíới thiệu trong chương trình Sáng Tác Mới của Đài Việt Nam Hải Ngoại, phát thanh từ Hoa Thịnh Đốn và phủ sóng trên các thành phố toàn Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, Canada và cả Châu Âu. Để nghe Việt Nam Hải Ngoại qua internet xin mời quý vị vào www.radiohaingoai.com
Có em bên đời, với tiếng hát Hồ Quỳnh Hương, quý vị sẽ nghe bây giờ
HLC: Kính thưa quý vị, chương trình STM vừa gửi đến quý vị những tác phẩm của nhạc sĩ LVT và cũng là Tiến sĩ Toán Học, đại học Canbera, thủ đô Úc Đại Lợi cùng tâm tình của ông. Chương trình đến đây xin tạm ngưng.
Hoàng Lan Chi xin thân ái chào tạm biệt và hẹn tái ngộ.