Thứ Sáu Tào Lao

Hàng tuần, thứ sáu là ngày mà tôi gọi là “tào lao”. Nghĩa là “tào lao” đủ thứ.

Trước tiên là trả lời ai đó nếu trong tuần chưa có thì giờ.
Thứ hai là tạm nghe nhạc, ai đó giới thiệu!
Thứ ba là đọc văn hay mà ai đó giới thiệu.
Thứ tư là hỗ trợ “chiến hữu” nếu vấn đề không gấp trong tuần.

Ông chú băn súng cà nông không tới của tôi, Ls Trần Thanh Hiệp gửi mấy link nhạc ngoại để cô cháu nghe. Tôi giả nhời rằng thì là tôi vẫn biết tân nhạc VN mới có khoảng 1940 gì đó làm sao mà sánh được nhạc ngoại. Tôi cũng biết rằng thì là mà đa số nhạc sĩ VN là sáng tác chứ không phải biết đủ ba thứ di sản về đơn điệu (mélodie), về nhịp điệu (rythme) và về hòa âm (harmonie). Tôi cũng nói rằng thưởng thức nhạc không lời thì để đêm khuya chứ bình thường tôi thích nghe nhạc có lời. Tôi cũng nói rằng đa số thính giả là người thích nghe lời nhất là thính giả VN. Bằng chứng hùng hồn nhất là nhạc TCS rất giản dị về melody nhưng một số lời có vẻ “hay hay” hay “bí hiểm kiểu triết học nửa vời” đã mê hoặc giới thanh niên thập niên 70. Ấy xin các fans của TCS đừng có đùng đùng nổi giận với tôi nhé. Vì thế ở tuổi này, chả hiểu sao vẫn bộn bề nhiều thứ thì tôi vẫn không thể dành thì giờ nghe nhạc ngoại không lời. Giời ạ, tôi nghe nhạc Việt có lời vẫn sướng hơn chứ.

Tào lao thứ hai là cô em Bích Vân. Cổ nói rằng “Có vẻ chị chẳng ngán ai khi viết”. Tôi trợn mắt “Có vẻ gì nữa. Hiển nhiên như hai với hai là bốn. Bà chị của em chả ngán ai cả. Một cô kia còn nói vầy nè: Khi đọc chữ và tìm hiểu nghĩa, luôn luôn hiểu theo nghĩa tốt trước để con người được thánh thiện hòa bình với nhau, khỏi sinh chiến tranh.  Chị Lan Chi  là mẫu người này. Khi sự thật hiển nhiên không bỏ qua được, really contrary to her belief, lúc đó chị mới ‘phang’. Hoặc là chị thẳng ngay trong khoảng thời gian 5 phút đầu. Chị không ganh tị hay hiểm độc thiếu công bằng mà có lý tưởng. Khi chị áp dụng lý tưởng của chị, chị làm phật lòng người ta chị cũng không ngại”.

Bích Vân muốn ám chỉ những cái tôi viết trong bài phỏng vấn LS Trần Thanh Hiệp! Thú thật, tôi ngưỡng mộ tài năng của mấy vị Sáng Tạo lắm trừ Thanh Tâm Tuyền! Tôi “ghét” TTT từ thuở xa xưa, khi đang học trung học và tình cờ đọc thơ “bí hiểm” của ông. Tôi yêu tiếng nước tôi nhé, tôi yêu thi ca Việt  Nam nhé, tôi yêu những ngôn ngữ nhẹ nhàng trong sáng làm giàu cho vốn tự tình dân tộc. Vì thế, ngày ấy, tôi cho là TTT ảnh hưởng cái đám “ triết học Pháp” như Jean Paul Sartre, Beaudelaire gì đó rồi làm thơ bí hiểm phá hỏng ngôn ngữ “tiếng nước tôi’! Còn tôi rất kính trọng Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sỹ Tế. Ông chú bắn súng cà nông không tới Trần Thanh Hiệp, ngày ấy tôi không chú ý. Tuy vậy, cái ấn tượng mà bây giờ vài người lớn nhắc lại thì tôi nhớ: đó là bài thơ “Cửa sổ” của Trần Thanh Hiệp.

Trở lại bài phỏng vấn, tại vì thì là mà ông chú ca tụng Thanh Tâm Tuyền nên cô cháu hơi “nổi sùng” bèn nói “Ơ, ông bồng Mai Thảo, ông bế TTT lên chiếc chiếu hoa cạp điều!”. Mà ông chú cà nông bồng bế nhóm ông thật đấy chứ. Tuy thế, ông chú là “đại bàng” là “tài năng”, ổng đâu thèm chấp một “con ranh” như Hoàng Lan Chi nên ông đâu thèm giận. Bích Vân khéo lo xa. Vả lại, Bích Vân phải hiểu một điều như thế này: cũng là ngông nhưng một ông già bẩy mươi không tài cán sẽ dễ làm người khác bực mình, còn nếu một phụ nữ ngông hay ngang thì …sẽ dễ thương khi người ấy diêm dúa điệu đàng! (Ai hiểu thế nào thì hiểu nhé. Cái nhúm chữ diêm dúa điệu đàng ấy mà)

Coi vậy chứ HLC rất “feminin” khi trêu chọc nên chả ông nào giận được hết. Cứ xem như lão kia, HLC chê giỏ chocolat lão gửi là đồ dỏm mà lão có dám giận đâu, lão còn hề hề “ Còn gói Kẹo, là tôi gởi cái lòng của tôi trong đó, đắng cay ngọt bùi ráng mà chịu. Lần sau sẽ gởi cho mợ chai rượu đỏ Napoleon, keọ chocolat ngon  để mợ nhâm nhi khoái tỉ”. Thì ông chú bắn súng cà nông không tới cũng vậy thôi. Ông thừa biết “con ranh” không đủ data nên ông không tranh luận với con ranh. À, đàn ông biết “nhường” đàn bà kiểu đó, tôi cho là “bản lãnh đàn ông” đấy. Tôi chúa ghét đàn ông cãi tay đôi với tôi! (ghét khôn nhỉ?)

Tào lao nữa là  tôi gửi bài tôi viết về vị giáo sư dậy tôi cho chủ bút tờ News của college thì ông, cũng là một vị giáo sư Anh văn, viết cho tôi như sau:

“ Hi Cindy,
 
Thank you so much for your very nice message. 
 
It’s great that you are so enthusiastic about your instructor!  Coastline has so many wonderful instructors, and I love reading student feedback about my amazing colleagues.  When you get to English 099, please take my class!  I can tell that you are a dedicated and hard-working student.
 
The last Academic Senate News and Views for the year came out a few days ago, so I’m sorry to say that I can’t feature this is that particular newsletter.
 
However, I’m sharing your message with the ESL Program Coordinator (Prof. Kuntzman) and the Director of Marketing and Public Relations (Michelle Ma) for their consideration.
 
Anyway, thanks again, and have a great day and a great weekend ahead!”

Trước đó, cô giáo của tôi cũng viết “We’re lucky to have you in our class”. Hôm qua, cô còn viết cho tôi “Cindy – Thanks again for all of your feedback during the semester. It really helps the class to have dedicated students who are always thinking and asking questions. Your ability to write in English is very good – I hope you keep it up next semester. And thank you again for making the lovely flower arrangement for Teachers Day”.

Tào lao cuối cùng là cô chủ nhiệm trẻ đẹp của Bút Tre đề nghị cô Lan Chi viết mục tương tự “What I Know For Sure” nhưng tôi cũng chưa bắt đầu nổi dù rằng “hỏng phải viết chùa”! Tôi thích cái gì đó của mình cơ, chứ không theo bà Oprah hoàn toàn. Đành hẹn đến hè, sẽ suy nghĩ nên mở mục gì.

Hướng thượng, luôn là chủ  đích của tôi cho những mục trên báo. Viết, để thỏa mãn mình và giúp ích cho đời phải thế không?
Hoàng Lan Chi 2013

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.