Về Dương Như Nguyện, Thôi Thúc Viết đến từ Thôi Thúc Của Trí Thức
Như đã viết một lần, bài thơ đầu của tôi là một bài thơ cho quê hương. Năm đó đệ tứ và tình hình lúc ấy sôi sục vì vụ đàn áp Phật Giáo. Cô bé Gia Long là tôi ngày ấy thường hay tưởng tượng mình là nam. “Đất Mẹ” trong đó có những câu như [1]
..Nghe đất lành cuộn phù sa mầu mỡ
Nghe tin yêu dâng rộn rịp lòng dân..
Mấy chục năm sau khi hít thở không khí tự do của đất Hiệp Chủng Quốc nhân chuyến du lịch năm 2000, tôi viết:
Quê hương ơi tiếng sáo diều ai thổi
Buổi chiều vàng ngọn trúc khẽ đong đưa..
Và như thế tôi kết luận rằng, yêu quê hương thì ai cũng có nhưng sẽ là nhiều hay ít mà thôi. Cái nhiều hay ít ấy lại là do “trời sinh”. Tôi không muốn tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân mà chỉ thích giản dị gán lên đó hai chữ “trời sinh”.
Thế thì “trời sinh” Ls Dương Như Nguyện và cả tôi đều chất chứa “tự tình dân tộc” đầy ắp trong tim. Trong những lúc trò chuyện, bao giờ những đề tài “kiểu đó” đều cuốn hút Dương Như Nguyện và tôi. Hai chị em say sưa sôi nổi bàn thảo về những đề tài ấy.
Tuần qua, tôi gửi bài viết của Đồng Phụng Việt với tựa đề “Trương Tấn Sang, hãy nhớ anh là con nhà luật”. Nội dung là một người bạn cũ nhắc nhở chủ tịch Việt Nam cộng sản là “Anh là con nhà luật, hấp thụ chương trình luật của VNCH được giảng dạy bởi các giáo sư cũa của trường Luật ngày xưa thì anh hãy thực hành anh là nhà luật”.
Dương Như Nguyện nói gì đó và tôi trả lời cho nhóm “VC đâu phải đứa nào cũng rất ư tồi tệ. Ví dụ trong bài của Đồng Phụng Việt có nhắc đến Hiệu Trưởng ĐH Tổng Hợp Nguyễn Ngọc Giao. Cũng theo Đồng Phụng Việt, chính Giao, ở cương vị đó đã can thiệp xin Bộ Giáo Dục cho dạy thử nghiệm chương trình Luật trở lại. Chương trình này do người cũ dạy nên rập khuôn luật tư bản và quốc tế. Như thế coi như tên Giao cũng có điểm tốt. Ngày xưa, đa số chúng tôi ở Khoa Lý ĐH Tổng Hợp đối với Nguyễn Ngọc Giao thì có cảm tình vì Giao là một trong vài cán bộ tương đối có tư cách, trình độ.”
Dương Như Nguyện bày tỏ “Chị Lan Chi có cái nhìn rất cởi mở. Cả nước 80 triêu dân dưới chung một nhãn hiệu. Điều đó không phải 80 triệu ai cũng xấu. Dưới nhãn hiệu gì chăng nữa cũng sẽ có người tốt, nhân bản, yêu nước”.
Tôi kể cho Nguyện nghe có những người không thoát được năm 1954 mà phải sống ở miền Bắc và họ hoàn toàn căm ghét chế độ cộng sản. Có vẻ những con người “khoa học” ít sắt máu hơn bọn quân đội thì phải.
Sau đó Dương Như Nguyện bày tỏ quan điểm về các nhà văn Nga với trí thức không cộng sản. Đọc mail của Nguyện, tôi thích quá nên tôi chuyển cho anh bạn để nhờ anh bỏ dấu dùm. Sau đó tôi xin phép Dương Như Nguyện cho tôi công bố những suy nghĩ này của Nguyện.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyện là các nhà văn Nga xuất thân ở giai cấp thượng lưu nhưng họ lại chính là những người quan tâm đến giới bần cùng của xã hội. Tôi liên tưởng đến Việt Nam. Nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” cũng được coi là một ví dụ. Họ là nhóm trí thức tư sản, giòng dõi quan lại. Thế nhưng những gì họ làm cho quê hương, cho tổ quốc, cho đồng bào, phải chăng là do tình yêu đối với giới nông dân cùng khổ, giới phụ nữ bị áp bức?
Dương Như Nguyện viết và tôi đặt tựa theo người bạn là “Thôi thúc viết đến từ thôi thúc trí thức” :
Trong thời gian này của cuộc đời, N nhìn lại tiểu sử và tư tưởng các văn hào mình ngưỡng mộ, thấy rõ ràng mình kính trọng các văn hào Nga trước cuộc Cách Mạng 1917. Họ không những là người viết văn mà còn là những hiền triết đầy nhân bản, thuộc dòng dõi quý phái, trí thức mà tâm tư luôn luôn chua xót cho nông dân và người bình dân. Trong cuộc đời họ luôn đứng về phía những người đau khổ, làm việc cho những người đau khổ, chứ không phải chỉ ngồi viết hoang tưởng. Từ Anton Chekhov thông cảm nỗi khổ của cảnh tù đày, cho đến Tolstoy thương yêu những giai cấp lao động của xã hội Nga thời ấy, gây ảnh hưởng đến cả Martin Luther King và Ghandi của Ấn Độ.
Theo tiểu sử, thì Tolstoy đã từng nghiên cứu về đạo Phật và tư tưởng của Khổng Tử. Ở cuối cuộc đời, ông đi vào tư tưởng của Thiên Chúa Giáo. Ông cũng đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ trong đời sống gia đình và hôn nhân.
Tolstoy là giai cấp quý phái, vì thế ông viết nhiều về sự “cảnh tỉnh” của giai cấp quý phái khi nhìn thấy sự cực khổ của nông dân Nga. Trong tác phẩm của Tolstoy luôn luôn có một nhân vật tượng trưng cho trí thức Nga. Còn Anton Chekhov là con nhà buôn bán, hồi còn nhỏ sống rất khổ sở trong cảnh nghèo túng của gia đình đông con, hồi còn nhỏ ông đã phải làm việc ở quán để giúp đỡ cha mẹ. Tuy nhiên, cha của ông, (dù là) một người cha không toàn thiện, vẫn cố gắng cho con trai đi học trường tốt. Khi lớn lên Chekhov phải tự lực cánh sinh, và quyết chí học để trở thành bác sĩ. Từ đó ông vừa viết văn vừa làm bác sĩ, và sau khi đã nhìn thấy sự cực khổ của kiếp tù đầy, ông chọn con đường tranh đấu cho tù nhân. Ông làm hai nghề, cũng như Nabokov đã phải làm hai nghề, rồi nổi tiếng về văn chương và kịch nghệ.
Dĩ nhiên N luôn luôn mãi mãi giữ hình ảnh của Vladimir Nabokov, là người di dân đến từ Nga, theo đuổi 2 nghề khác hẳn nhau cũng như N. Trước khi viết tiếng Anh ông viết bằng tiếng Nga, chịu bao nhiêu đau khổ ê chề vì những sự chia rẽ nghi ngờ và thù nghịch đến từ cộng đồng người Nga tị nạn ở Âu Châu.
Nabokov là một trong những cây bút rất hiếm hoi của trí thức Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến ở VN, cùng với John Updike (lý do giản dị: chính ông cũng là nạn nhân của cộng sản). Chắc chị Lan Chi nên cho độc giả Việt biết chi tiết này.
Suy ngẫm lại cuộc đời của Nabokov, chắc N sẽ để thời giờ dịch cuốn Mùi Hương Quế và Chín Chữ của Nàng qua tiếng Anh rồi tìm cách xuất bản. Vì đó là 2 tập truyện viết thẳng bằng tiếng Việt. Trước khi thành danh trong văn chương Mỹ, Nabokov viết khoảng 9 tác phẩm bằng tiếng Nga.
Thời buổi này không còn những cây bút như mình ngưỡng mộ nữa, nhưng chỗ đứng của họ vẫn còn, và tấm gương họ dựng cho mình vẫn sáng rực ở đó. N không hề thấy những văn hào thế giới có đời sống ngược lại những gì họ viết về khía cạnh đạo đức con người. Họ không nói một đàng làm một nẻo.
Ở VN trong hoàn cảnh lịch sử tranh tối tranh sáng của những ngày vai trò của thực dân ở Á Châu sắp chấm dứt, có những nhà văn góp phần vào việc phát triển chữ quốc ngữ, viết vì lý tưởng, như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, vân vân. Bị cho là sản phẩm của “tiểu tư sản,” tác phẩm của họ hướng về nông thôn và tình tự dân tộc, pha trộn với tư tưởng tự do cá nhân và sự bình đẳng trong cách suy luận đến từ ngọn gió Tây Phương.
Theo gương họ, N không viết để tìm công danh, huống chi là “danh” ở cộng đồng mình. Thôi thúc viết đến từ thôi thúc của trí thức, nhu cầu thích đi học, nhu cầu muốn nhìn thấy con người được quyền theo đuổi tự do cá nhân, và nhu cầu nhân bản muốn nhìn thấy lòng bác ái với đồng loại trong cảnh khổ, trong đó có cả nhu cầu muốn đặt lại vấn đề tự do cho phụ nữ. Tự do trong tư tưởng không có nghĩa là chấp nhận phi đạo đức hay vô đạo đức, hay sự phóng túng bản thân.
Những nhu cầu ấy chính là nhu cầu thúc đẩy làm cho mình viết mà thôi (intellectual needs). ( DƯƠNG NHƯ NGUYỆN )
Ông chú bắn súng cà nông không tới của tôi, Trần Thanh Hiệp đã về lại Pháp. Nhóm Sáng Tạo của ông “có vẻ” không ưa nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chả sao. Giới thanh niên chúng tôi thời ấy, bây giờ đang ở độ tuổi “nhi nhĩ thuận” hay “nhi tùng tâm sở dục bất du củ” khi nhìn lại quá khứ để so sánh hai nhóm thì chúng tôiđều biết rằng Tự Lực Văn Đoàn đã làm những gì.
Họ, nhóm Tự Lực Văn Đoàn là những trí thức văn sĩ tử tế, tôi nghĩ thế! Dù sao tôi cũng thích nếu nhận được ý kiến đóng góp thêm của ông chú bắn súng cà nông về suy nghĩ của “cô cháu Dương Như Nguyện”. Còn tôi, đương nhiên tôi đồng ý với Nguyện.
Hoàng Lan Chi 5/2013
Bài liên quan:
Dương Như Nguyện với giải nhất International Book Awards 2012
Từ “Tiếng Chim Hót trong bụi Mận Gai” đến “ Con gái sông Hương” Dương Như Nguyện
[1][1]
Đất Mẹ
Vượt trùng dương con đã trở về đây
Tìm đất mẹ mà con hằng yêu dấu
Quê hương ơi xứ dân nghèo có thấu
Nơi phương trời em gái vẫn chờ mong
Vẫn còn đây mầu áo trắng Gia Long
Mầu nhung nhớ trong nỗi buồn trẻ dại …
Đất mẹ ơi con về không ái ngại
Lối đường xưa lại in bước chân con
Con sẽ đi trên khắp nẻo đường mòn
Nghe hơi mẹ vang lên từng nhịp thở
Nghe đất lành cuộn phù sa mầu mỡ
Nghe tin yêu dâng rộn rịp lòng dân..
Mẹ yêu ơi con thương mẹ vô ngần
Khi thấy mẹ vẫn còn sầu ly biệt
Tiếng kêu than như oán hờn tha thiết
Ách bạo tàn đang xiết chặt nơi nơi
Nước dâng lên như ngập bốn phương trời
Con chua xót không bút nào tả xiết
Chỉ nhủ lòng sẽ về thăm đất Việt
Dù xa xôi dù cách trở gian nan
Mẹ thấy không con vượt suối băng ngàn
Về với mẹ cánh đồng thơm lúa chín
Mẹ đây rồi miền phù sa cát mịn
Việt Nam ơi, con ôm trọn vòng tay!
Hoàng Lan Chi
(1963)