Ra trường năm 71, tôi làm cho Tổng Nha Kế Hoạch ba tháng. Lúc đó ông Nguyễn Văn Hạnh là Tổng Giám Đốc. Sau này ông là Giám Đốc Văn Phòng Tị Nạn của chính phủ Hoa Kỳ. Cơ duyên bão Katrina xui khiến tôi gặp lại ông sau bao năm. Cũng từ Katrina mà văn phòng của ông cấp ngân khoản cho UBCNVB và đẩy đưa tôi có cơ hội phỏng vấn Ts Nguyễn Đình Thắng để rồi sau đó về Uỷ Ban làm việc.
Sau ba tháng làm chuyên viên Nha Phối Hợp Viện Trợ cho Tổng Nha Kế Hoạch, tôi trở về Khoa Học, tiếp tục cao học và sau đó làm cho Ban Vật Lý Địa Cầu (VLDC). Lúc bấy giờ, quy chế của chúng tôi chỉ là 12giờ/1 tuần nên thì giờ còn lại, chúng tôi thường dạy thêm ở các trường tư. Tất nhiên phải chừa giờ để học cao học. Hồi đó, tôi dạy Hoá lớp 10 cho các trường Đồng Tiến (gần chợ Trần Quốc Toản), Truờng Thống Nhất (nằm trong khuôn viên của Binh chủng Dù- khu Bảy Hiền), đôi khi dạy thế cho vị giáo sư nào đó- ở Nguyễn Bá Tòng hay vài trường khác…về môn Việt văn.
Tôi còn nhớ năm 1975, tình hình sôi động nhiều ngay từ đầu năm. Khi Ông Nguyễn Văn Hương lên làm tổng thống, chính phủ cho phép phụ nữ và trẻ con được xuất ngoại với điều kiện phải đóng tiền. Thuở ấy, một phần ngây thơ, một phần rất yêu quê hương nên đọc tin ấy, tôi thấy buồn lắm. Tôi không có ý tìm đường ra đi chút nào. Tôi còn nắm tay cậu em họ cùng tuổi, hiên ngang phán ” Dù có ăn rau muống, quê hương vẫn là hơn“!
Tuy vậy, những ngày tháng tư, Vc pháo kích nhiều. Mẹ tôi lo lắng. Anh chị em thì chỉ mới có bà chị cả có gia đình. Chồng chị là truởng phòng của Đài Truyền Hình Sài Gòn cũng tìm cách ra đi. Cậu em kế tôi cũng vậy. Tôi thì ngây thơ, cứ nghĩ rằng ” Làm sao Mỹ bỏ rơi được miền Nam, tiền đồn chống cộng sản! “.
Ngày 20, chàng Hải Quân qua nhà và mẹ tôi bảo “Hay cô đi với nó đi”. Tôi bĩu môi. Tôi không yêu anh ta, chả có lý do gì tôi phải đánh đổi cuộc đời mình để đi theo anh ta ra nước ngoài. Nhưng nghe anh ta dặn dò “Pháo kích nhiều quá, tối ngủ Quỳnh cẩn thận nhé’, tôi có chút xao xuyến.
Ngày 22, ở tư thục Đồng Tiến tôi mở đầu giờ dạy bằng:
-Các em đi được thì đi nhé. VC tàn bạo, không sống được đâu.
Ngày 25, tôi ở nhà. Ngơ ngác. Nghe radio, đọc báo và chẳng biết gì hết. Mình khờ, gia đình cũng khờ. Chị tôi vẫn chưa tìm được”tuyeau”. Em trai tôi cứ lang thang bến tầu rồi về.
Ngày 29, pháo kích nhiều hơn. Tâm trạng ở nhà khác, có vẻ yên tâm hơn ở nhà mình làm tôi chạy lên nhà chị ở đường Tự Đức. Thật khờ, đó là vùng cửa ngõ tiến vào Sài Gòn và ngay sát Đài Phát Thanh.
Trưa 30, nghe tin Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng, tôi tuởng như mình nằm mơ. Bầu trời Sài Gòn lúc ấy đang nắng bỗng sầm tối trong chốc lát. Một giờ sau, tôi phụ chị đem tất cả quần áo quân đội, sách Anh Văn, hình ảnh, tất tật những gì dính líu đến Mỹ đem ra bỏ ngoài đường. Chung quanh mọi người cũng vậy. Tôi bôi sơn móng tay, cắt ngắn móng và trở về nhà ở Gia Định.
Trưa mùng 1, một cậu trong ban Vật Lý Địa Cầu đến nhà. Tôi ào ra mừng rỡ. Tưởng như trải qua một cuộc bể dâu rất lâu. Cậu nhắn tin thầy Nguyễn Hải bảo tôi vào trường trình diện ngày mai. Lúc đó tôi ngây thơ không biết. Sau này mới tỏ cậu ta gốc Bến Tre và bây giờ, cậu ta đang là …Khoa Trưởng Khoa Lý của Đại Học Khoa Học Sài Gòn!
Mùng 2 tháng Năm, chúng tôi tụ tập trong sân trường. Bọn VC nằm vùng như La Thị Cang, giảng nghiệm viên cùng Ban VLDC với tôi, đang ở trong phòng của Uỷ Ban Quân Quản để ra các chỉ thị. Một số VC nằm vùng khác lộ mặt, đa số xuất thân từ Ban Địa Chất của Ô Trần Kim Thạch. Số VC nằm vùng này được hỗ trợ bởi bọn ‘ăn theo’ mà chúng tôi gọi là “Cách mạng Ba Lẻ Bốn”. Các phòng đều bị niêm phong. Có lẽ Vc sợ mọi máy móc, tài sản bị phá huỷ chăng. Nhưng phải thừa nhận, y hệt cuộc cuớp chính quyền của Việt Minh năm 1945, tại Đại Học Khoa Học, VC nằm vùng chuẩn bị sẵn nên họ đã vãn hồi trật tự ngay từ những ngày đầu tháng Năm.
Chúng tôi ngồi nói chuyện ở sân trường chờ đợi đến phiên vào ghi danh.
Sau đó khoảng ít tháng, cái gọi là Uỷ Ban Quân Quản UBQQ của Khoa Học phổ biến việc học chính trị. Tôi còn nhớ, các giáo sư trung học (Vc gọi là giáo viên) chỉ học vài tháng, còn chúng tôi phải học một năm. Tất cả các trường đại học của Sài Gòn tập trung học lý thuyết ở Đại Học Luật Khoa vì trường này mới xây, giảng đường khá lớn. (Sau này VC đổi là Đại Học Kinh Tế). Khi thảo luận tổ thì trường nào về trường đó.
Khi đi học, chúng tôi trở lại nghịch ngợm như thuở học trò. Đám chúng tôi lên lầu 2 và giỡn nhiều hơn học. Tuy vậy, tôi còn nhớ một lần cán bộ giảng như sau:
-Chúng ta phấn đấu để làm sao mỗi nhà có một loa!
Cả đám trên lầu chúng tôi phá ra cười. Nếu mỗi nhà có một loa chắc ..mọi người phát điên hết? Lập tức ngày hôm sau, Thành Uỷ phải cử một cán bộ khác đến giảng.
Tôi cũng nhớ, khi thảo luận tổ, tôi là người thắc mắc “Tại sao yêu nước lại là yêu xã hội chủ nghĩa?”. Vô lý quá, nước là thực thể ám chỉ quốc gia Việt Nam và tôi yêu quê hương tôi. Không dính líu gì đến cái gọi là chủ nghĩa cả. Chủ nghĩa chỉ là một chính thể áp dụng cho một quốc gia như chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản. Tất nhiên Vc còn nhiều cái ngu xuẩn và ngang nguợc khác mà tôi không muốn nhắc lại vì đã có quá nhiều người viết rồi.
Một lần trong giờ thảo luận tổ, tôi đã nghịch ngợm sửa dấu phẩy trong câu ” Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ tâp thể” thành “Đảng lãnh đạo nhà nước, quản lý nhân dân, làm chủ tập thể”! Tuyệt vời, chỉ đổi cái dấu phẩy, khẩu hiệu của VC bị biến nghĩa nhưng là nghĩa đúng chứ không nguỵ nghĩa như VC rêu rao. Đó là đảng thâu tóm tất cả mọi thứ trong tay mình từ lãnh đạo nhà nước rồi quản lý nhân dân và kiêm luôn cả cái làm chủ tập thể! Cũng như lúc đó chúng tôi rất thú vị với câu đối:
Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do!
Sau một năm học chính trị, chúng tôi cũng được cấp cái gọi là “Chính Trị Mác Lê”. Ban Giám Hiệu, tên mới của bộ phận điều hành trường- trường cũng đổi tên là Đại Học Tổng Hợp (Văn Khoa bị sát nhập vào với chúng tôi và chỉ coi như cơ sở 2. VC không đánh giá cao những bộ môn như Văn Sử Địa và nhất là Triết.) – xét vào biên chế. Công nhân viên-cũng tên gọi mới, ở trong tình trạng hồi hộp…
Đích thân Hiệu Trưởng Lý Hoà mời tôi lên văn phòng vì tôi ở vào trường hợp khá đặc biệt; tôi tốt nghiệp Cử Nhân Hoá Hữu Cơ nhưng làm bên Ban VLĐC tức tréo cẳng ngỗng. Lý Hoà đề nghị tôi coi thư viện khoa lý. Tôi nhận lời gấp vì sau 75, tự nghĩ còn học hành gì nữa, thôi thì về một mình một cõi cho yên thân.
Mà một cõi thật vì sách giáo khoa mới rất ít nên các “cán bộ giảng dạy” phải vào mượn sách nơi tôi. Cán bộ giảng dạy là tên mới gọi chung tất cả chúng tôi. Truớc 75, Giáo sư đại học phải có bằng tiến sĩ quốc gia hay tiến sĩ đệ tam cấp. Còn dạy thực tập thì gọi là giảng nghiệm viên hoặc chưa vào ngạch giảng nghiệm viên thì gọi là nghiệm chế viên. Tôi ghét tên cán nào thì khi hắn mượn sách tôi bảo” Người khác mượn hết rồi!”. Hành xác hắn chừng hai, ba lần mới cho mượn! Còn với “phe ta” thì khỏi nói. Vào tận kho tha hồ lựa và tha hồ mượn, không giới hạn số lượng!
Tôi làm ở đây đến 1983 thì xin nghỉ với lý do gia đình, thực tế là nộp đơn xuất cảnh Úc do cô em chồng bảo lãnh.
32 năm trôi qua, giờ đây nhớ lại ngày ấy năm xưa mà lòng ngậm ngùi vô hạn. Bao tang thương dâu bể cho chúng tôi. Từ Giáo Sư Nguyễn Hải, Trưởng Ban Vật Lý Địa Cầu, Giám Đốc Hải Học Viện Nha Trang, “patron” của tôi, chết trên đường tìm tự do cùng hai con; đến anh bạn Huỳnh Kiêm Diên ban Hạt Nhân sau bao gian nan, đến được vùng đất hứa thì than ôi, năm 2006, anh bị du đãng Mỹ giết chết.
Nhóm Khoa Học, ban Lý chúng tôi giờ đây nơi đất khách quê người còn dăm mống, vẫn liên lạc với nhau qua e-mail, chia sẻ chút vui buồn đời tị nạn.
Hoàng Lan Chi