Nỗi Khổ Khi Phỏng Vấn Những Người Không Thích Gõ …

Mùa này CA đang nắng ấm rất đẹp. Little Sài Gòn đúng là vùng đất “thiêng”của người Việt tha hương. Khí hậu ấm, nắng chan hòa và bây giờ thì đường phố, hàng quán khác chi Sài Gòn.  Tháng trước tôi ở một vùng biển thuộc Los Angeles. Tôi khó chịu với cái nắng gay gắt và cả những con đường “làng” gập ghềnh. Về đây, ố là la, nắng không  chói nhiều như thế, nhiều con đường thật đẹp và nhà cửa thì cứ là tưng bừng hoa lá.Có hôm lang thang, tôi lạc vào một con đường đúng là hai hàng cây xòe và chụm đầu vào nhau. Một con đường khác, nguyên hàng cây bên phải nghiêng mình ra đến hơn giữa đường y như môt cái tàng lọng vậy.

Ngắm nhà cửa vùng Garden Grove ( tôi chưa đi được nhiều), tôi nói với người bạn “ Nếu Virginia ví như một mệnh phụ phu nhân trang nghiêm đứng đắn thì California như một cô gái trẻ duyên dáng điệu đàng, từ những ngôi nhà có vòm đến kiểu vườn thôi thì hoa lá cành tưng bừng khoe sắc.”

Tháng vừa qua tôi thú vị khi phỏng vấn hai người Việt trẻ, một người quá trẻ là khác. Khang Nguyễn mới 11 tuổi đã rất chững chạc khi trả lời phỏng vấn của chương trình Phỏng vấn và Tìm Hiểu của anh chị Bùi Dương Liêm thuộc Truyền Hình Hoa Thịnh Đốn. Vũ Tích Văn thì được Đại Học Havard, John Hopkins …, mời dạy. Điều làm tôi thú vị là nếp giáo dục của cả hai gia đình đều khá nghiêm khắc và thiên về Á Đông.

Tôi thích tìm hiểu nên thích phỏng vấn. Nhưng đối tượng phỏng vấn thì  thường là  tôi thích những cái gọi là “Người Việt trẻ thành công”. Nhiều người vẫn than van là khó dạy con em theo kiểu Việt Nam khi họ đang ở Mỹ. Nhưng qua hai trường hợp trên, tôi nghĩ rằng, nếu gia đình đó qua sớm, nghĩa là khoảng 75-78, họ còn trẻ để có thể lập lại cuộc đời tương đối dễ, nếu gia đình không  trục trặc thì việc kết hợp của cha mẹ để giáo dục con cái theo đường lối cũ, có thể vẫn áp dụng được phần nào. Sau bài phỏng vấn bé Khang, bố bé mail cảm ơn, nói là cô Lan Chi đã giúp bé vui thích, tự tin hơn và sẽ cố gắng hơn.. Thì được đăng báo, được phỏng vấn ở truyền hình, đa số trẻ con thấy vinh dự và thích. Chính vì thế, chưa ai như bé Khang cả: tôi gọi phone cho các chủ báo chỉ để nhăc nhở “Anh gửi báo cho bé Khang chưa?”  Hy vọng mấy chục năm sau, bé Khang sẽ thành công lớn ở con đường chính trị! Hy vọng nhiều năm sau Vũ Tích Văn sẽ thành công cả ở phim ảnh lẫn thương mại nhất là vẫn được Havard mời dạy đều đều!

“Nhìn” con người ta “ngon lành”, thấy con mình mà …buồn xo! Ngày trước còn mơ uớc con mình được học …Havard nữa cơ đấy nhưng hỡi ôi!

Bên cạnh những “vẻ vang dân Việt” cho người trẻ, tôi cũng thích tìm về “những thoáng ngày qua” của một xã hội xưa mà tôi từng sống. Nhắc lại, viết lại để cùng chia sẻ với người đồng thế hệ và giới thiệu lại với thế hệ trẻ hơn. Trong chiều hướng đó, tôi tìm đến Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Kỳ. Ông là một nhà nhiếp ảnh đã “phát minh” ra kiểu chụp hình “mờ ảo” từ những năm 1960. Kiểu chụp này có lợi điểm là che được nhiều khuyết điểm nhất là khuyết điểm “mái tóc” của đa số nữ sinh Sài Gòn thuở đó. Một mái tóc đẹp và “mode” làm tôn khuôn mặt rất nhiều.

Phỏng vấn những người tương đối lớn tuổi, không  quen sử dụng “computer” hay không  biết gõ “computer” là một “khốn khổ” cho tôi. Nhiều năm trước đây, Nhạc Sĩ VĐN là một “khốn khổ” cho tôi vì anh không biết gõ chữ có dấu và anh cũng không đủ kiên nhẫn hay sức khỏe để gõ. Vì thế, khi phỏng vấn, anh nói lan man và không điều chỉnh tính tóan được nội dung, sao cho vừa đủ. Nghĩa là thường đưa đến tình trạng, nói lan man một vấn đề quá nhiều và không  còn giờ để nói cái khác. Một vị được coi là “người hùng” cuộc chiến Mậu Thân, cựu TT, TNH cũng vậy. Khi lên đài truyền hình, anh nói quá dài hai vấn đề kia và cuối cùng, cái chính là diễn tiến giải cứu thành nội đã không  được mô tả đầy đủ!

Bây giờ nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ cũng là một tương tự. Ông không  gõ được nhiều và ông cũng không  hiểu mục đích phỏng vấn của tôi là chỉ xóay vào sự nghiệp của người đó. Tôi không đi lan man cả cuộc đời của ai bao giờ. Nếu có chỉ là dăm ba giòng. Tôi mất tổng cộng 2 lần đến tiệm, 2 tối nghe Nguyễn Kỳ kể qua phone khoảng một giờ mỗi lần, viết rồi Nguyễn Kỳ sửa mấy lần, lần cuối đến tiệm từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối vẫn chưa xong. Tôi mệt nhòai người với cái phỏng vấn này. Còn bao việc phải làm mà cứ vướng bận một chủ đề hay phải nhớ chi tiết, “rất khổ”!

Khi gửi ra, tẩu hỏa nhập ma nên hình nhà văn Bích Huyền, một trong các nữ sinh đầu tiên của Nguyễn Kỳ chụp năm 1962 đã bị tôi ghi lầm thành 1972. Chưa hết, ý tôi viết là Nguyễn Kỳ nổi tiêng ở thập niên 60 (tức kéo dài qua 70…) nhưng Nguyễn Kỳ nhà ta không  chịu, cho rằng làm đến 75 cơ mà (!!!) nên đòi sửa thành 60-75. Rồi cũng tẩu hỏa nhập ma, tôi không delete chữ thập niên để một ông bạn kia mail “ Lan Chi ơi, thập niên là 10 năm..” Trời đất ơi, nhè bà Lan Chi đậu tú tài Việt  từ 1967, chương trình  trung học  với đầy đủ Kim Văn/ Cổ văn, làm gì Lan Chi lại không  biết thập niên là 10 năm?! Cái này phải nói là lỗi …ông Nguyễn Kỳ! Ông làm Lan Chi đi tới lui, làm tới lui cái mục của ông nên lọan xạ. Thì vừa đi học, lo hồ sơ học, lo …úynh vịt gian ở Dallas nữa (!!!), nên bị tẩu hỏa nhập ma là “phải đạo”!

Với những vị khác, tôi không  “khổ” nhiều như thế. Tôi chỉ nói chuyện trước chừng 15 hay quá lăm 30 phút. Sau đó, tôi gửi câu hỏi. Họ gửi câu trả lời. Dựa vào những gì họ trả lời, tôi sửa hay thêm câu hỏi. Họ sửa hay trả lời thêm. Thế là xong. Mail qua lại chừng 3 lần là hòan tất và bài gửi cho báo được rồi.

Một điều mà tôi và bạn hữu tôi , (Anh chị Bùi Dương Liêm ( CT Phỏng Vân và Tìm Hiểu- Đài Truyền hình Hoa Thịnh Đốn), là Huỳnh Quốc Bình  (CT Chúng ta và Thời Cuộc) ),  xin được nhắn gửi là: Chúng tôi làm việc phỏng vấn vì “đam mê”. Đam mê và tinh thần muốn cống hiến những lợi ích về nhiều phương diện cho cộng đồng. Chưa bao giờ chúng tôi làm việc vì tiền. Không ai có thể bỏ tiền ra mua chuộc  chúng tôi phỏng vấn và viết những điều hay cho họ!

Hoàng Lan Chi

 

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.