Vào hạ và trời khi nóng khi lạnh. Chợt nhớ Sài Gòn với khi mưa khi nắng. Tâm tình trộn lẫn vui buồn. Vui khi thực hiện chương trình Nhạc phim nói về hai phim “Chân trời tím” và “Loan Mắt nhung” thì anh bạn “dzàng” của tôi viết như sau: Về rồi mà đang lu bu đọc.. bù. Kể cả dọc và nghe bài của HLC.
1. Chương trinh âm nhạc lần này… đúng ý tôi. Phục LC quá. Làm sao mà có đủ điên thoại để liên lạc các nghệ sĩ thì… tài thật. Chương trình rất quý giá cho VHNT. Tác giả sẽ đi vào thiên thu và tiếng nói của họ còn thiên thu nhờ LC. Hai nữa giúp độc giả hiểu được sự tình, lịch sử các nhạc phẩm đặc biệt.
Tôi không dồng ý với Văn Quang. Tôi đã xem phim Chân Trời Tím và đã ứa nước mắt khi nghe Kim Vui (giọng hát Thái Thanh) hát (hoàn cảnh KV, vũ trường). Nửa Hồn Thương Đau hay hơn CTT dù tôi rất thích Nhật Trường. Riêng LC, ông VQ khen Minh Hiếu hát CTT hay mà sao lại cho phát tiêng hát Ngọc Lan?
2. Về Loan Mắt Nhung, ông Nguyễn Thụy Long bậy bạ quá. Bản nhạc Loan Mắt Nhung hay như vậy mà quên tác giả (không thể đổ thừa già yếu). Còn HLC không tìm ra giọng ca ấn tượng Hùng Cường sao mà phát cái giọng trung bình Sơn Tuyền?
Dù sao, chương trình này giúp tôi hiểu biết thêm.
Thanks…
Tôi nói anh là “bạn dzàng” vì anh thường xuyên xem và nghe mọi cái từ tôi và góp ý cho tôi. Lúc gửi bài tôi mail hỏi “bạn dzàng du lịch về chưa” và anh trả lời như trên.
Tôi tuy già nhưng thích nghịch ngợm. Vì thế tôi fw cho nhà văn Văn Quang và tôi chạy cái tựa như sau “Một thính giả của em phản đối Văn Quang đây”! Đương nhiên, “ông già” Văn Quang dù có túi bụi với “Lẩm Cẩm thiên hạ sự” cách mấy nhưng đọc mail từ cô em gái như thế thì VQ phải rét và run chứ. (Cái này là tôi suy như thế!). Sau đó thì Văn Quang trả lời:
Lan Chi ơi,
Dù sao cũng cảm ơn bạn đọc đã chịu khó nghe và góp ý với Lan Chi về Chân Trời Tím. Thật ra đây không phải là sự phản đối mà là sự bất đồng ý kiến trong phạm vi thưởng thức nghệ thuật nói chung. Chuyện đó là rất bình thường. Bà xã anh cũng có thể không đồng ý với anh về điều này. Điều cảm động hơn là bao nhiêu năm qua rồi bạn đọc này đã còn nhớ rất rõ ràng cảm xúc của mình khi xem Kim Vui đóng CTT. Xin cảm ơn một lần nữa.
Cần nói thêm là anh thấy bản nhạc của Nhật Trường làm từ cảm xúc chân thành sau khi đọc Chân Trời Tím cũng như anh Nguyễn Hiền đọc xong Tiếng Hát Học Trò là sáng tác bản nhạc này. Còn Phạm Đình Chương cũng là bạn thân của anh, nhưng chính anh đã chứng kiến anh Quốc Phong (Tổng giám đốc hãng phim Liên Ảnh làm phim CTT) đã “đặt hàng” PĐC làm nhạc chính cho phim. Ảnh hưởng bởi nhận xét đó anh thích CTT của Nhật Trường hơn chăng? Dù có phần chủ quan, song đó là ý nghĩ thật của anh.
Văn Quang
Tôi thú vị vì đem niềm vui nho nhỏ đến cho bạn dzàng và cả cho Văn Quang. Một nhạc sĩ khác cũng viết cho tôi sau khi đọc Nhạc phim như sau:
Chị LC,
Hy vọng chị vẫn còn giữ lại hết những bài. Nếu tương lai chị xào nấu lại cho ra chương ra hồi, viết lại thành sách thì đây là một tài liệu âm nhạc rất ư là quí.
Năm xưa khi học xong chương trình Cử Nhân, định học lên Cao Học luôn và sẽ viết một luận án về nhạc VN. Ông thầy đỡ đầu bật đèn xanh nên tôi làm một lô phỏng vấn “live” một số nhạc sĩ ở Cali, tìm tài liệu về lịch sử âm nhạc VN v.v. Rất tiếc học chưa đâu vào đâu thì bỏ dở nên ý định không thành.
Bài học trong vụ này: tài liệu chân chính (có giá trị nghiên cứu hoặc biên khảo về nền âm nhạc VN thì quá hiếm hoi, bài viết lặt vặt về bài hát về nhạc sĩ thì lai rai thôi. Cho nên nếu người tây phương và ngay cả con cháu chúng ta muốn tìm hiều về nhạc VN rất khó.
Chị đang nắm trong tay một số tài liệu thì viết lại là một điều rất nên. Viết thành tài liệu biên khảo thì tôi không dám nói (vì mất thì giờ công sức gấp 3-4 lần, mà cũng cần nhiều điều kiện khác) nhưng viết sách lại làm tài liệu về sau thì rất có ý nghĩa.
Xúi dại xúi khôn như thế, chị suy nghĩ thử xem.
………
Ừ thì có ai bảo chị in truyện của chị đâu, hiệu đính và in lại tài liệu âm nhạc là điều tôi muốn nói.
Điều quan trọng hơn hết là chị có một vị trí trong “trường chữ nghĩa” VN mà tụi này không có: mắt thấy tai nghe về những đề tài chung quanh âm nhạc trước 75, mà chị ít nhiều cũng quen biết nhiều nhân vật trong thời gian này, và mãi về sau ở hải ngoại.
Chịu khó theo dõi, viết lách về tác giả tác phẩm “mớ” từ khi đặt chân sang Mỹ. Cái hay là chị không thiên vị ai hết.
Đó là tất cả những gì tôi muốn nói ở đây.
Thực hiện bất cứ cái gì cũng mong có người đón nhận và cho ý kiến. Nên nhận mail từ từ bạn hữu, tôi rất quý. Tuy vậy hôm nay chen trong vui là một bực mình.
Một anh bạn viết cho tôi:
Tôi thấy nhạc VN mới sao nghe mà lê thê buồn bã qúa. Yêu với đương tối ngày. Nhắc mất nước mà nước thì mất về tay VC rồi sắp mất về tụi Trung Cộng nữa.
Tôi đâu có nghe bao giờ đâu cô, nhạc VN nghe nghèo nàn thấy mồ. Cô tin tôi di, cô nghe nhạc cổ điển rồi cô mới thấy nhạc VN nhất là các tác giả gần đây âm hưởng chả có gì để làm mình thích thú cả.
Tôi tức mình quạt cho anh bạn một trận như sau:
Đài Phát Thanh có nhiều mục và nhân tâm tùy mạng mỡ. Nguời thích nhạc “shang” người thích nhạc “shến”, người thích nhạc giựt, người thích dzọng cổ… Cũng như ăn xòai có cái ngon riêng so với ăn nho ăn táo… Anh không thích không có nghĩa người khác cũng vậy. Lan Chi làm tiết mục Câu Chuyện Âm Nhạc cho Đài Phát Thanh chứ không làm mục Nhạc Cổ Điển!
Thứ hai, nguyên tắc sơ đẳng khi gia nhập mail là nếu anh nhận dưới hình thức trong một group thì cái gì không thích cứ việc “delete”. Còn muốn góp ý thì anh có thể viết “ à tôi thấy bài này không hay vì …” chứ anh không được viết là “Cô nên nghe nhạc cổ điển đi bla bla ..” ! Cái này giống như trả lời cho người ta “Sao anh cứ gửi mail quảng cáo thuốc nam hòai vậy? Nghe lời tôi đi, thúôc tây hay hơn thuốc nam”! Được rồi, tôi sẽ “remove” anh ra khỏi group của tôi!
Anh bạn la làng “Cám ơn cô đã cho tôi ra khỏi nhóm nhạc tào lao đó nhưng cô vẫn giữ liên lạc với tôi chứ. Cô đừng remove tôi ra khỏi whatever (con tim, your mind…). Nhưng sao cô giống VC quá. Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa! Tôi không đồng ý với cô đâu có nghĩa là tôi không nhớ cô đâu!”
Trời đất, đúng là dân bắc kỳ bẻm mép! Tôi trả lời:
Này, nếu anh không đồng ý cái gì thì anh nói. Ví dụ “Cô nói nhạc ông A hay còn tôi không thấy hay vì …” Thì tôi sẽ tranh luận với anh. Còn đằng này khi không anh bảo tôi “Cô đừng nghe nhạc mấy ông nhạc sĩ Việt Nam nữa. Nghe lời đi, nghe nhạc cổ điển sẽ thấy hay hơn.” Vậy ở đây ai là người độc tài trước vậy? Tôi thích nhạc Việt Nam kệ tía tôi, tại sao bắt tôi nghe nhạc tây?
Một điều khác làm tôi bâng khuâng. Vài nhạc sĩ Việt Cộng VC nổi tiếng trong nước cùng hè nhau “đánh” Phạm Duy. Nguyễn Đắc Xuân viết một bức thư khá dài và rất công phu mang tiếng trả lời mấy vị nhạc sĩ trên nhưng thực chất là một cái tát tai đau cho mấy vị nhạc sĩ Việt Cộng VC này. Phạm Duy về Việt Nam theo nghị quyết 36 và đây là cái giá mà PD phải nhận. Tôi không hiểu sau vụ này còn những ai muốn như sau:
Tôi về hát cho đồng bào tôi nghe!
Tôi in sách trong nước cho đồng bào tôi đọc!
Tôi xuất bản thơ trong nước cho đồng bào tôi xem!
Tôi ra mắt nhạc trong nước cho đồng bào tôi nghe!
Họ vì cái danh hão đã lụy Việt Cộng VC duới hình thức nào đó để xuất bản sách, thơ, nhạc và trơ tráo nói như trên! Tôi thầm nghĩ “Đồng bào trong nước đang cần cơm no áo ấm. Cóc cần thơ mấy vị và cũng cóc cần nhạc mấy vị.” Nhớ một lần không lâu tôi đã phân tích như sau với một nhạc sĩ khi biết tin anh trình diễn nhạc ở Việt Nam:
Phân tích hậu quả:
1) Giả dụ nhạc anh tuyệt vời và nổi đình đám ở Việt Nam. Anh có cái danh mà anh đang ao uớc. Nguợc lại, anh mất một vài bạn hữu “chống VC mạnh mẽ” ở cả trong và ngòai nước. Anh tự phản bội lại những gì anh từng làm trong quá khứ (như anh nói với Lan Chi). Xa hơn nữa, nếu ai đó ghét anh, họ sẽ viết bài tung net và sự việc của anh sẽ lan khắp.
2) Nếu nhạc anh không nổi ở VN, xác suất này khá lớn vì các lý do sau : (1)Nhạc anh chỉ nghe được chứ tuyệt vời thì e rằng không (2) Các nhạc sĩ VC gạo cội trong nước không bao giờ cho anh nổi. Họ bảo vệ nồi cơm của họ. Họ sẽ trù dập anh tối đa. Họ nhịn Phạm Duy vì đường lối của lũ chóp bu. Anh chả là cái gì để họ phải nhịn cả.
3) Cuối cùng thì tiền mất, danh không có, bạn “vàng” mất, chỉ còn đám bạn “nửa vàng nửa đỏ”. Đồng thời nhạc anh cũng sẽ không được vài người ở hải ngọai tiếp tục giới thiệu (trong đó có Nguyễn Đăng Tuấn và Hoàng Lan Chi).
Vừa viết cho anh đầu tháng Năm thì bây giờ một việc đã xảy ra: các nhạc sĩ gạo cội trong nước đánh Phạm Duy!
Cũng mong qua bài học này số văn nghệ sĩ đầu hàng Việt Cộng VC sẽ không còn nhiều!