Kỷ niệm: Những khoá học hữu ích mà tôi đã mở năm 1998 (ở Việt Nam)
LGT: Đây chỉ là kỷ niệm cũ. Vả lại, khi đang sống trong nước thì đương nhiên phải làm việc để sống. Không ai hớp không khí mà tồn tại cả. Các cựu quân nhân một thời ngang dọc khi bị tù vc thì cũng phải ép mình. Đương nhiên những người cũ như tôi cũng tìm đường vượt biên nhưng thoát hay không: còn là số. Năm 1987 nếu tôi nhớ không lầm, quốc tế đóng cửa và làn sóng vượt biên bằng thuyền không còn nữa. Thay vào đó là chương trình định cư chính thức. Song song với việc nộp hồ sơ đi chính thức, chúng tôi cũng phải làm việc. Một trong các việc làm ngày đó của tôi là ở một đại học tư. Tại đây tôi đã mở một vài khoá học ngắn hạn để kiếm thêm tiền nuôi con. Điều tôi muốn nói, cho dù thử bước vào con đường “thương mại” nhưng với bản tính trời sinh, tôi đã chọn con đường thương mại liên quan đến giáo dục: mở khoá học. Bài này ghi về kỷ niệm cũ và tôi rất tự hào khi mình đã có ích cho nhiều người trẻ như thế.
Họ hàng rồi gia đình đa số vào ngành giáo dục nhưng tôi không thích. Tôi yêu y khoa nhưng cái số nên dù không thích nghề giáo nhưng cuối cùng tôi lại cũng “chui” vào.
Năm 1997, khi phụ trách phòng máy vi tính cho một khoa của một trường đại học tư mà Việt Cộng VC gọi là “đại học dân lập”, tôi nảy ra ý định mở các lớp học buổi tối cho riêng mình.
Có vài lý do. Thứ nhất, việc làm quản lý phòng máy vi tính sau khi cho vào nề nếp rồi thì không có gì bận bịu nhiều. Thứ hai, tôi muốn có gì đó dự phòng cho việc kiếm tiền nuôi con. Thứ ba, tôi thích làm việc. Thứ tư, việc mở lớp học ngắn hạn tương đối có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho cá nhân tôi. Trong giai đoạn đầu, hòan toàn có thể xin miễn hay giảm tiền thuê phòng học vì đằng nào khoa cũng mở cửa buổi tối và các phòng trống còn nhiều.
Tôi phác họa sơ kế họach và … một mình tôi bắt tay ngay. Nhanh là một ưu điểm nhưng có lẽ đôi khi là nhược điểm của tôi.
Tôi trình bầy với khoa trưởng. Đương nhiên ông ta đồng ý vì chỉ có lợi cho khoa. Tôi- lấy danh nghĩa khoa để mở, coi như quảng cáo không công cho khoa. Sau nữa, khi khá, nộp cho khoa 5% và nộp cho trường 10%.
Chủ nhiệm khoa làm công văn gửi trường. Đương nhiên công văn do tôi sọan và chủ nhiệm khoa chỉ việc ký. Nhận được sự đồng ý, tôi gọi phone cho các giáo viên tôi chọn. Lớp đầu tiên tôi mở là “Đào tạo thư ký”. Bao gồm thư ký cho các công/tư sở và đặc biệt cho văn phòng đại diện của các công ty người ngòai. Năm 1998 là năm mà các công ty nước ngòai đang dọ dẫm bước vào thị trường Việt Nam.
Soạn đại cương chương trình giảng dạy cho tất cả các môn cũng là tôi. Tôi yêu cầu các giáo viên phải soạn theo đúng chương trình của tôi để phù hợp thời gian đào tạo là 6 tháng. Tất nhiên giáo viên nào cũng vui vẻ cả vì kiếm thêm được tiền, có thêm tiếng tăm. Họ chỉ việc đến lớp dạy và lãnh tiền thù lao. Còn mọi công việc khó nhọc khác thì người mẹ đẻ ra nó là tôi phải lãnh đủ. Lớp lời hay lỗ, họ không cần biết.
Chuẩn bị xong giáo viên, thời khóa biểu và “giáo trình”, tôi tự viết cái gọi là “Thông báo chiêu sinh”, đăng trên hai tờ báo có số lượng phát hành cao nhất Sài Gòn bấy giờ. Song song tôi mua một số “văn phòng phẩm” cho lớp học. Tôi có một tất xấu đến giờ chưa chừa. Đó là khi làm việc, tôi thích có tiện nghi ngay. Tất nhiên nếu công việc xuối chảy thì việc sắm tiện nghi là điều cần thiết. Còn mới mở, chưa biết đi về đâu thì nên du di. Tôi thì không, tôi mua ngay tủ sắt để hồ sơ, máy fax…
Vì cái thông báo chiêu sinh hấp dẫn nên người gọi đến khá nhiều. Tôi có phòng riêng cho việc quản lý phòng máy vi tính, điện thoại riêng nên việc tiếp xúc trả lời dễ dàng. Coi như giai đoạn đầu, giám đốc là mình, thư ký cũng mình và loong toong cũng mình. Không biết thực sự cầm tinh con gì mà khổ hơn trâu!
Tôi còn nhớ những lúc vừa trả lời độc giả vừa nghe sinh viên, giáo viên qua phòng tôi càm ràm, kỳ kèo chuyện gì đó, thực sự tôi muốn phát điên. Căng thẳng hết sức. Nhớ một lần, tôi rên lên một mình trong phòng làm việc “Bi, bé lớn mau mau đi làm, mẹ mệt quá rồi!” Năm đó, cu Bi của tôi mới mười chín và bé Ly mới chín tuổi!
Khóa một khai giảng đúng ngày dự định với số học viên cũng khá, gần 40 gì đó. Đương nhiên tôi rất vui vì ra quân lần đầu mà được như vậy là khá rồi. Những tối có lớp học này, tôi phải ở đến hơn chín giờ đêm mới về nhà. Sau một ngày “lao động là vinh quang” (khẩu hiệu bấy giờ của Việt Cộng VC ) về nhà mệt nhòai. Con gái có nỉ non kể chuyện gì ở lớp học của nó, coi như bị mẹ nạt ngang là cái chắc.
Tôi theo dõi xem các giáo viên dậy có đúng chương trình do tôi đề ra không. Mặt khác, tôi cũng gọi điện thoại hỏi học viên về giáo viên. Tất cả chỉ vì tôi muốn lớp học do tôi mở phải đàng hoàng. Tôi ghét tình trạng dậy cho có, không lương tâm chức nghiệp. Quyền mời giáo viên ở tôi, tôi không hề bị áp lực từ ai thì tại sao tôi không thể hình thành một ê kíp giáo viên “ngon lành” cho tôi phải không? Cũng may là những giáo viên tôi mời đều khá hay giỏi. Họ mến tôi nên dậy đàng hoàng. Phần khác, họ thừa hiểu nếu không dậy đàng hoàng, tôi sẽ thay thế giáo viên khác.
Từ lớp “Thư ký cho văn phòng đai diện” này, một phần nhỏ của khóa học được mở thành một khóa học khác. Đó là khóa học rất ngắn, chỉ 4-5 ngày có tên gọi “Nghệ thuật phỏng vấn xin việc” (NTPVXV).
Lúc bấy giờ chữ “nghệ thuật” được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam dù rằng có thể không đúng. Xin miễn bàn về tên gọi khóa học ở phạm vi tùy bút này vì đã là dĩ vãng. Tôi chỉ muốn kể lại chuyện đã qua. Chính ra NTPVXV là một chương trình học nhằm trợ giúp học viên lớp thư ký để họ qua được kỳ sát hạch khi xin việc. Nhưng sau thành công của NTPVXV thì tôi mở một khóa riêng.
Vì sao thành công? Hãy đặt vào bối cảnh Việt Nam những năm 1995.. Sau một lọat những cái ngu xuẩn, VC cảm thấy phải “mở cửa”. Khi mở cửa, phải sử dụng lại người cũ rất nhiều vì một số người ở miền Nam cũ tương đối thông thạo con đường tư bản chủ nghĩa và biết cách “nói chuyện với Tây Phương”. Từ ngôn ngữ đến thái độ và các hợp đồng. Phỏng vấn từ các nhà tuyển dụng theo tiêu chuẩn tây phương thường khó. Vì thế lớp “Nghệ Thuật Phỏng Vấn Xin Việc” thành công.
Bốn buổi học được phân bố như sau: ba buổi cho các kiến thức để trả lời về nghề nghiệp, tâm lý và buổi cuối cùng là thực tập. Trong buổi thực tập này, học viên tùy chọn nghề. Sau đó chúng tôi gồm hai giáo viên từng giảng dạy lý thuyết là Ô Lê Đình Huấn và cô Thu Hiên, thêm tôi là ba. Chúng tôi đóng vai trò “Ban tuyển người” của công ty. Tùy ngành nghề do học viên chọn mà Ô Huấn đặt câu hỏi về nghề nghiệp, cô Thu Hiên về tâm lý và tôi về tình huống khó xử. Sau khi sát hạch, chúng tôi hội ý và cho ứng viên biết kết quả ngay tại chỗ. Tất nhiên đa số …rớt và chúng tôi phân tích từng ưu/khuyết điểm của ứng viên.
Cuối giờ, nhiều học viên với giọng nói rất xúc động, bày tỏ lòng biết ơn của các em đối với khóa học hữu ích này vì giúp các em chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm để sẵn sàng tham dự khi phỏng vấn xin việc. Những khuyết điểm mà chúng tôi nêu ra trong buổi “xin việc thử” sẽ giúp các em nhiều khi chính thức bị phỏng vấn!
Sau đó Nhà Văn Hóa Thanh Niên mời Ô Lê Đình Huấn đến nói chuyện. Con số 800 người tham dự chật ních hội trường cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ đối với nội dung. Tiếp theo là Nhà Văn Hóa Thanh Niên cũng mời “ê kíp” chúng tôi qua đó giảng dạy. Đến lượt tôi được trả tiền thay vì mình chi!
Tôi cũng nhớ sau đó, báo NLD có mời tôi cộng tác trong chuyên mục “Xử lý các tình huống khó xử” và “Hướng dẫn trả lời các câu hỏi phỏng vấn”.
Bất đắc dĩ vào nghề giáo nhưng giờ phút này, nhớ lại thời đã qua thì chính lớp học ngắn hạn “Phỏng vấn xin việc ” để lại trong tôi nhiều êm đềm.Tôi đã giúp ích được nhiều thanh niên mới tốt nghiệp hoặc thậm chí ra trường đã lâu, vững chắc hơn khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn và vượt qua kỳ sát hạch để có việc làm.
Hoàng Lan Chi
Phụ chú: hình trích từ báo NLD chụp buổi kết thúc khóa học “Nghệ Thuật phỏng vấn xin việc” với ba giáo viên phụ trách. Lan Chi ngòai cùng bên trái (1998).Báo này không biết từ đâu mà biết và đã cử phóng viên đến tham dự lớp của tôi và về viết báo khen ngợi là một lớp học hữu ích.
Vài câu hỏi do Hoàng Lan Chi biên soạn khi phụ trách một mục trên báo: