Hải Ngoại Thương Ca là một nhạc phẩm hay của Ns Nguyễn Văn Đông. Không bằng Mấy Dặm Sơn Khê nhưng HNTC cũng có nét riêng của nó. Nội dung bài có thể gây chút khó hiểu vì vào thời điểm nhạc phẩm chào đời thì tác giả lại có những tư tưởng như của một người xa xứ mơ về vùng quê hương xa vời vợi.
Trước tiên, xin mời nghe Lệ Thu hát với bè. Lệ Thu hát, có thể hay với Ngậm Ngùi ( PD) hay Rồi Mai Tôi Đưa Em ( Trường Sa) nhưng với giọng không hẳn kim và cũng không ra đậm chất thổ cùng làn hơi có vẻ hơi hụt, không lên được ở những nốt nhạc cao, Lệ Thu có vẻ hoàn toàn không đạt ở bài này. Hát là chia sẻ là mời mọc người nghe cũng lắng nghe tiếng lòng thì ngôn ngữ phải thông thoáng, phải lướt nhẹ vào tâm người nghe. Lệ Thu phát âm thật rõ từng chữ và nhiều nơi có cảm tưởng như LT “rặn đẻ” vậy. Cảm tưởng khó nhọc, khổ sở khi nghe tiếng hát Lệ Thu là những gì tôi cảm nhận.
https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/HaiNgoaiThuongCa/LeThuVaBe.mp3
Thái Thanh giọng trong trẻo cao vút nhưng vì hơi “điệu” , những chữ tôi in nghiêng là lúc TT điệu (tóc pha đôi mầu, sóng to mưa gào) và lúc lên cao, TT cố tình bay thật cao để khoe giọng, vì thế đã làm giảm đôi chút phần hay vì những lúc đó, giọng như xoáy vào hồn người nghe. Tuy vậy có những lúc nốt thấp TT vuốt nhẹ đưa đến một cảm giác bềnh bồng, dịu dàng. Giá như Thái Thanh lên cao nhẹ hơn, đừng “gào” ở (đàn chim bé) thì có lẽ nhạc phẩm “cân bằng” cho lỗ tai người nghe hơn.
https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/HaiNgoaiThuongCa/ThaiThanh.mp3
Elvis Phương có ưu điểm giọng ấm, mạnh, phát âm rõ nhưng không quá như Lệ Thu. Tuy vậy, có vẻ như Elvis Phương vẫn không phả được tâm tình. Hát mà giống như hát để mà hát chứ không chút tình cảm nào vào đấy.
https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/HaiNgoaiThuongCa/ElvisPhuong.mp3
Anh Khoa vốn nhẹ nhàng như phụ nữ. Không quá bẻ chữ cho thật rõ như Lệ Thu hay Elvis Phương, Anh Khoa phát âm thoải mái như đang thủ thỉ cho người tình nghe. Nghe Anh Khoa, tôi có cảm tưởng một người xa xứ đang đứng bên cầu biên giới, nhìn giòng đại dương, ngắm dẫy núi mờ xa xa và vỗ về cùng sóng, trải tâm tình của người mong ước trở về cho giòng nước đang cuộn trào sóng vỗ. Anh Khoa thủ thỉ dễ thương “Tôi đi giữa trời bồi hồi, cờ bày phất phới quên hận thù xưa”. Chỗ “quên hận thù xưa” nghe đúng là nhủ hãy quên. “Chen chân thế giới”, Anh Khoa đã luyến láy “giới” khá gợi cảm.
https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/HaiNgoaiThuongCa/AnhKhoa.mp3
Một giọng ca “đặc biệt”, đặc biệt vì Bạch Yến ít hát do BY ở nước ngoài.
BY hát bài này khá. Giọng ấm vừa phải, chữ nhả vừa phải. Tuy vậy chữ “thế giới”, BY không lột tả được như Hà Thanh hay Anh Khoa. Tuy thế, có đôi lúc BY “lả lơi” khiến người nghe có cảm tưởng như một người xa xứ đang chuẩn bị hồi hương nên tâm trạng có đôi chút rộn rã tươi vui, nhí nhảnh.
https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/HaiNgoaiThuongCa/BachYen.mp3
Cuối cùng, tôi muốn giới thiệu đến người hát bài này hay nhất, Hà Thanh. Với giọng kim vừa phải, Hà Thanh có lợi điểm là lên cao mà không làm chói tai người nghe. HT hát như một đam mê từ tim nên HT đã không vướng vào cái lỗi của đa số ca sĩ “điệu”. Chính cái “điệu” không đúng chỗ, đúng bài sẽ là con dao giết bài hát và cả người hát. Lấy ví dụ nếu là một bản nhạc tình như “Nếu Vắng Anh” thì cái “nũng nịu” ướt mềm của Lệ Thanh rất cuốn hút người nghe. Còn với Hải Ngoại Thương Ca mà ẻo lả thì không thể nào nghe được. Hà Thanh không bao giờ điệu. Hát là hát. Cái tâm của Hà là để tâm hồn vào nhạc phẩm và tìm ra cách tốt nhất để diễn đạt. Hải Ngoại Thương Ca có cái may mắn đó. “Chen chân thế giới” đã được Hà luyến láy đẩy lên cao thật kiêu kỳ. Đúng là kiêu kỳ. Nghe là cảm nhận được một quê hương đang chen chân thế giới. Giọng ngọt, cái ngọt của Hà không quá nữ tính như Ngọc Lan, không quá mềm mại như Thanh Lan, không quá nũng nịu như Lệ Thanh, ngọt của Hà như vị ngọt của một trái dừa vùng Cửu Long, một trái hồng của Hà Thành, một ngọt thanh của kẹo gương miền Trung. Hà Thanh phát âm cũng rõ và không quá vuốt nhẹ, đượm chút nồng nàn như Anh Khoa mà vừa đủ cho người nghe. Hà Thanh, chỉ “khoe giọng” ở hai nơi “Thế giới” “đồi núi xa xa”, còn những nơi khác, luyến láy nhẹ. Chính sáng kiến luyến láy “thế giới” và “đồi núi” của Hà Thanh đã khiến không ai có thể hát hơn được Hà ở bài này. Với Hà, người nghe hình dung được một chàng trai xa xứ, chút u hoài trong mắt, nặng trĩu tình quê hương (mong sao nước Việt đời đời anh dũng oai hùng chen chân thế giới) nhưng ý chí khá mạnh với tư tưởng tranh đấu cho tổ quốc (mặc thời gian tóc pha đôi màu, mặc đại dương sóng xô mưa gào- người về đây giữa non sông này) và vẫn dành chút tình với tấm lòng yêu quê hương (tôi đi giữa trời bồi hồi– về cho thấy con thuyền nước Nam, đi vào mùa xuân mới sang) thấm đẫm đang xây mộng một ngày về xum vầy, một ngày mai với xuân nồng (đàn chim bé trong làn chớp xanh, yêu trời tự do Á đông, thương về đồi núi xa xa)
Nói về luyến láy này, Hà tâm sự với Hoàng Lan Chi rằng khi hát chị sợ anh Nguyễn Văn Đông “la” nhưng không ngờ, anh không la mà còn khen ngợi khiến chị rất thích.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ca tụng sự luyến láy của Hà Thanh: “Cô Hà Thanh hát hầu hết các tác phẩm của tôi. Bài nào tôi cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà tôi không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng cô. Tôi nhớ lại một chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa chiến tranh như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến,Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt vân vân, đều rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và cô hát rất thành công. Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật. Tôi cho rằng Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó. Tôi cám ơn tiếng hát của Hà Thanh đã mang lại cho các bài hát của tôi thêm màu sắc, thêm thi vị, bay bổng”.
https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/HaiNgoaiThuongCa/HaThanh.mp3
Tôi nghĩ Hà Thanh đã diễn tả được đúng tâm trạng của tác giả. Một người đàn ông, tấm lòng trung hậu, trái tim ăm ắp tình quê hương và cả những ước vọng rất đẹp cho đất nước.
Rừng gió California 2014
Hoàng Lan Chi