Nguyệt san Bút Tre số tháng 9/2014
LGT: Lê Anh Kiệt là GS Hóa vài trường tư thục trước 1975, đồng thời cũng là một nhân viên trong Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo, cũng có thể coi là một “sư huynh” của Hoàng Lan Chi. Ông là một trong những người có thể xếp vào nhóm “Những người tù cuối cùng của nhóm đi tù vc sau 1975”. Với 17 năm tù vc, ông đến Mỹ trong danh sách đặc biệt của Hoa Kỳ. Xin mời nghe ông kể về một hoạt động trong phòng A 17 của ông, liên quan đến việc VNCH giành lại Ban Đại Diện Khoa Học vào năm 1972.
HLC: Xin chào “sư huynh” Lê Anh Kiệt. Chúng ta cùng trường và lại cùng môn Hóa. Tuy vậy, khi anh trở lại trường và hoạt động trong việc chống cộng sản xâm nhập Khoa Học thì HLC đã rời khỏi nơi đó và khi HLC quay trở về thì có lẽ mọi việc đã tương đối ổn định. Câu hỏi đầu tiên là chút tò mò về nhân thân. Anh sinh quán ở đâu, cha mẹ làm gì, đậu tú tài năm nào, lý do nào vào Khoa Học?
LAK: Để trả lại 2 chữ “sư huynh” , cho phép tôi dùng 2 chữ “sư muội” cho có vẻ “Kim Dung” một chút! Tôi là người Sài Gòn trăm phần trăm, như trong quyển hồi ký mà tôi lấy tên là “Một Cuộc Đổi Đời” tức “17 năm trong các trại CT của CSVN” của KALE tôi có kể, ba tôi trước đó là công chức của Sài Gòn, theo Việt Minh và đã chết trong cuộc chiến chống Pháp trước khi hiệp định Geneve ra đời, và mẹ tôi là một người thợ may. Sau khi đậu Tú Tài 2 năm 1964, tôi vào Khoa Học vì tôi vẫn thích làm Kỹ Sư Hoá, nhưng thời đó chưa có trường nào dạy ngành này nên đành học Khoa Học vậy! Tập Hồi Ký này tôi có phổ biến trên web riêng: sites.google.com/site/lakiet
HLC: Sau khi tốt nghiệp Khoa Học, anh có phải vào quân đội không? Nguyên cớ nào đưa anh gia nhập Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo?
LAK: Tất nhiên lúc bấy giờ ngoài những người được hoãn dịch vì lý do gì đó thì thanh niên nào ở miền Nam cũng vào quân đội, nhưng tôi được biệt phái về Phủ sau 9 tuần quân sự. Tôi vào làm cho Tình Báo là do nơi đó tuyển mộ, bên này gọi là recruit (chứ không phải là hire!)
HLC: Xin cho vài nét khái quát về Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo? Thành lập từ bao giờ, quy chế tuyển dụng, lương bổng?
LAK: Thật ra tôi không rành về cơ cấu tổ chức của Phủ ĐUTUTB lắm vì nguyên tắc ngăn cách của nó và cũng vì tôi là một nhân viên hoạt động ngoại vi (field operation). Lương bổng thì tính theo ngạch công chức, tức là tuỳ theo bằng cấp của nhân viên mà chia ra các ngạch A, B, hay C, cộng với công tác phí.
HLC: Anh được huấn luyện trong bao lâu, tại VN hay có tu nghiệp ở Mỹ?
LAK: Lúc bấy giờ, vì lý do cần thiết cho công tác nên chúng tôi chỉ học rất ngắn hạn những nguyên tắc tình báo tại cơ quan rồi tung ngay ra để thực hiện các công tác cần thiết.
HLC: công tác đầu tiên là gì?
LAK: Đầu tiên tôi chỉ có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo lại các tin tức của các tổ chức sinh viên thân Cộng (do Thành Đoàn TN Lao đông HCM, tức Thành Đoàn Thanh Nhiên CSHCM bây giờ) trực tiếp điều khiển. Lúc bấy giờ các phong trào SV do Huỳnh Tấn Mẫm cầm đầu ở mặt nổi, liên kết với các tổ chức được gọi là thành phần thứ 3, do bà Ngô Bá Thành cầm đầu và các tổ chức tôn giáo thân Cộng như Phật Giáo Ấn Quang, nhóm linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín thuộc giòng Chúa Cứu Thế. Công tác này thật ra chỉ là công tác mở đầu vì lúc ấy tôi vẫn chưa có kinh nghiệm về các công tác tổ chức và điều khiển.
HLC: Vì sao có A 17 ra đời?
LAK: Khi SV Lê Khắc Sinh Nhật, chủ tịch SV Luật Khoa bị đặc công CS giết chết ở ngay sân trường Luật, sau một cuộc bầu cử Tổng Hội SV của Viện Đại Học Sài Gòn đã bầu anh Lý Bữu Lâm, một sinh viên có khuynh hướng Quốc Gia lên làm chủ tịch và anh Nhật là phó chủ tịch Nội Vụ. Ở các phân khoa nhất là 3 phân khoa lớn là Khoa Học, Luật và Văn Khoa, bọn SV thân Cộng vẫn hoành hành không theo chỉ đạo của Tổng Hội SVSG. Tổng Hội SVSG chỉ có danh chứ không có thực lực vì lực lượng sinh viên đều nằm tại các phân khoa. Trong tình hình đó cơ quan an ninh tình báo VNCH quyết định thành lập ban A17 để trực tiếp đối đầu với Thành Đoàn Thanh Niên Lao Động HCM, lúc ấy do Trần Bạch Đằng trực tiếp chỉ huy. Các SV thân Cộng có tổ chức “thành đoàn” hổ trợ thì các SV Quốc Gia cũng phải có một tổ chức yểm trợ, đó là ban A17, đó là điều dĩ nhiên.
HLC: Xin vài nét khái quát về tình hình lúc đó?
LAK: Các câu trả lời trên của tôi chắc cũng phần nào nói lên tình hình lúc ấy, tức vào năm 1971-1972. Ngoài chiến trường thì Quân Đội ta đang phải đối đầu với những trận đánh ác liệt của CSBV, ở hậu phương thì các tổ chức thân Cộng cứ phá rối trị an. Có bao giờ người dân bình thường đặt câu hỏi, “tại sao các phong trào được gọi là đòi hoà bình chỉ chống đối phe tự vệ, tức chính phủ VNCH mà lại không chống đối phe tấn công, tức CSBV hay không?” Hỏi tức là đã trả lời, vậy thì các tổ chức hoà bình ấy là của ai hoặc do ai chỉ đạo!
HLC: Anh nhận định thế nào vai trò của sinh viên thân cộng trong giai đoạn này?
LAK: Sinh viên là nguồn nhân lực nòng cốt trong mọi cuộc xuống đường. Thật ra SV thường có lòng yêu nước của tuổi trẻ nhưng lại không đủ khả năng để phân biệt sự khác nhau giữa “chủ nghĩa yêu nước” với “chủ nghĩa Cộng Sản”. Chính vì vậy mà lòng yêu nước đã biến rất nhiều SV trở thành những người thân Cộng và ngay cả việc biến họ thành những người CS.
HLC: Xin cho vài ví dụ cụ thể về tuổi trẻ yêu nước và đã lầm đường vì sự tuyên truyền của CS? Khi tỉnh ngộ, họ đã làm gì? Nếu được, cho danh tính vài người đã ‘tỉnh ngộ” khi VNCH còn tồn tại và chỉ tỉnh ngộ khi CS chiếm Sài Gòn khoảng vài năm?
LAK: Thí dụ cụ thể nhất là anh phó chủ tịch ngoại vụ của BĐDSVKH thời của Phạm Hào Quang, tức là anh Nguyễn Công Hoan. Anh ta là dân biểu thời VNCH (nếu tôi nhớ không lầm là đơn vị ở Huế) và sau 75 cũng là dân biểu của VC, hiện anh đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.
HLC: Xin kể lại giai đoạn anh giúp phe ta chiếm lại được ĐH Khoa học? Đó là thời điểm nào, nhóm vc nằm vùng nào đang thao túng Ban Đại Diện sinh viên?
LAK: Tại ĐHKH, nhóm SV thân Cộng có tên là Nhóm Bừng Sống, được trực tiếp chỉ đạo bởi thành đoàn TNLĐHCM. Ban Đại Diện SVKH lúc ấy do anh Phạm Hào Quang làm chủ tịch, Đoàn Kỉnh là phó chủ tịch nội vụ, cả hai đều có khuynh hướng quốc gia, nhưng trong đó có anh phó chủ tịch ngoại vụ Nguyễn Công Hoan lại là một SV thân Cộng. Sau khi Phạm Hào Quang rời trường, anh Kỉnh nhập ngũ và anh Hoan đắc cử Dân Biểu của VNCH thì BĐD SVKH trở thành bỏ ngỏ. Anh Nguyễn Văn Thắng, tổng thư ký, thuộc nhóm Bừng Sống nắm lấy BĐD, thật ra người điều khiển chính có tên là Sơn (tôi không nhớ họ) và Lê Công Giàu. Kể từ đó nhóm Bừng Sống thao túng hoạt động của SV tại ĐHKH. Năm 1971, trước tình hình như vậy, cá nhân tôi nhận trách nhiệm tổ chức để chiếm lại ban đại diện SVKH cho các sinh viên Quốc Gia. Trở lại trường sau hơn hai năm vắng bóng, không còn ai quen biết, tôi điều nghiên tình hình và nhận thấy đa số sinh viên đều rất khó chịu về những hành động của nhóm Bừng Sống với những áp lực buộc SV phải theo họ đi biểu tình, bãi khoá v.v., chính nhóm SV Bừng Sống này đã làm cho khối đa số SV thầm lặng không thể yên tâm học hành. Tuy nhiên, không có một tổ chức nào đứng lên giúp cho họ có một tiếng nói. Từ nhận định đó tôi bắt đầu kết thân rồi “chiêu mộ” những sinh viên mà tôi gọi là “nhóm SV thầm lặng”, nhất là những người mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đại học, tổ chức họ thành một nhóm. Nhân lúc ấy đang có trại Long Thành tiếp đón các đồng bào tạm cư vì chiến cuộc Bình Long nhưng vẫn chưa có một tổ chức SV nào đứng ra giúp đỡ, tôi giúp họ thành lập một tổ chức lấy tên là “Uỷ Ban SVKH cứu trợ đồng bào chiến nạn”, nhân đó tôi liên lạc với anh Phạm Hào Quang, với tư cách chủ tịch của BĐD cũ, để nhờ anh đứng ra giúp Uỷ Ban này lấy trụ sở của Ban Đại Diện SVKH làm trụ sở sinh hoạt. Tất nhiên nhóm SV Bừng Sống phản đối rất mạnh kể cả dùng vũ lực. Cuộc xung đột giữa 2 nhóm SV diễn ra rất thường xuyên, cuối cùng thì chúng tôi cũng chiếm được trụ sở Ban Đại Diện SVKH để có nơi chính thức sinh hoạt. Bước tiếp theo, chúng tôi nhờ anh Quang tổ chức cuộc bầu cử ban đại diện SVKH đã bị ngưng từ lâu và để cho cuộc bầu cử được vô tư, tôi yêu cầu anh Quang chỉ đứng ra với tư cách trưởng ban tổ chức bầu cử chứ không tham gia ứng cử hoặc đưa người ra ứng cử. Cuộc bầu cử BĐDSVKH trước đó đều là gián tiếp, tức là chỉ có đại diện các chứng chỉ đi bầu cho BĐD. Nay, nếu tiếp tục làm theo thể thức ây thì nhóm SV Quốc Gia không thể thắng được vì nhóm Bừng Sống đang làm chủ tình hình ở các chứng chỉ. Vì lý do đó chúng tôi yêu cầu tổ chức bầu cử trực tiếp, tức là mọi SVKH đều được đi bầu như thế mới thể hiện được tính dân chủ thật sự. Với sự chống đối dữ dội của nhóm Bừng Sống và một vài giáo sư trong trường, nhưng với sự ủng hộ của đa số sinh viên và giáo sư, cuộc bầu cử đã thành công và Ban Đại Diện SVKH 71-72 ra đời với anh Nguyễn văn Lễ thuộc nhóm SV Quốc Gia làm chủ tịch. Nhóm Bừng Sống lui về sinh hoạt lẻ tẻ ở một câu lạc bộ SV gần giảng đường 1 và dần dần cũng bị BĐD tiếp thu. Kể từ đó đến tháng 4 năm 1975, những Ban Đại Diện SVKH tiếp theo đều là những SV Quốc Gia và nhóm Bừng Sống hết môi trường hoạt động tại trường ĐHKHSG.
HLC: Anh đề cập đến một vài giáo sư, xin cho hỏi đó là ai? Trước 75, chúng tôi chỉ nghe phong phanh rằng Ban Địa Chất là một “ổ VC”. Sau 75, lộ ra GS Trần Kim Thạch và Cô Bùi Thị Lạng. Về GS Lê Văn Thới, GS có công khai ủng hộ đám thiên tả hay đám phản chiến bên ngoài như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức gì không? Ngoài ô Trần Kim Thạch, còn ô Đinh Văn Hoàng (Sinh Hóa), GS Lê Văn Thới (Hóa) thì thế nào? Bên Động Vật/Thực Vật có những giáo sư, sinh viên nào thiên tả rõ rệt?
LAK: Tất nhiên trong số đó phải kể đến GS Trần Kim Thạch, Bùi Thị Lạng. GS Thới thì bất mãn vì đã bị mất chức Viện Trưởng Viện Đại Học SG và bị ảnh hưởng của những nhóm SV ở Pháp lúc ông ấy du học bên Pháp nên thường có những lời nói khó nghe mà thôi chứ chưa thấy có hành động cụ thể nào.
HLC: Thế còn các khuôn mặt sinh viên nổi bật? Tổng nha cảnh sát có tài liệu về Miên Đức Thắng không? Lý do, MĐT học SPCN cùng năm với HLC và phải nói HLC cũng là những sinh viên thuộc “khối thầm lặng bực mình với đám sinh viên tối ngày xuống đường” mà không biết làm sao.
LAK: Tôi không biết những tài liệu ấy, nhưng tôi nghĩ chắc là phải có. Nhưng anh ta là một nhạc sĩ và anh ta cũng chỉ sáng tác nhạc giống như TCS chứ chưa thấy có hành động theo CS rõ rệt. Thêm vào đó ảnh hưởng của anh ta không đáng kể vì anh ta cũng không lôi kéo được bao nhiêu SV. VNCH mặc dù là một quốc gia Dân Chủ ở tình trạng “phôi thai’, nhưng cũng phải tuân thủ luật pháp của một xứ sở dân chủ. Nếu không bị bắt quả tang phạm pháp hoặc có chứng cớ cụ thể thì Cảnh Sát không có quyền giữ hơn thời hạn quy định. Đó chính là lý do ta thấy tại sao Huỳnh Tấn Mẫm cứ bị bắt rồi thả ra không biết bao nhiêu lần cho đến cuối cùng mới bị bắt quả tang và được trao trả cho phía VC (nhưng họ không nhận.)
HLC: Tại sao VC không nhận Mẫm? Sẵn nói tới Mẫm, xin anh cho vài nhận xét? Mẫm, có vẻ hoạt động rất mạnh và khá được việc trong việc phá hoại VNCH. Đặc biệt, khi có mâu thuẫn giữa Thiệu, Kỳ thì Mẫm đã dựa vào Kỳ. Sau 75, Mẫm không được trọng dụng và bây giờ, thời điểm 2014, Mẫm có vài bài viết không hẳn là ăn năn nhưng cũng bàng bạc tư tưởng ấy.
LAK: Tất nhiên tôi không biết rõ tại sao VC lại không nhận HTM, tôi nghĩ chỉ có tụi chóp bu của VC mới biết lý do chính mà thôi. Tất cả những lý do nhiều người đưa ra theo tôi chỉ là suy đoán, nào là họ còn có thể dùng Mẫm như một lá bài lật ngửa, nào là HTM chưa phải là một đảng viên vân vân. Việc HTM dựa vào ông Nguyễn Cao Kỳ bởi vì theo suy nghĩ của tôi lúc đó HTM không có chỗ dựa nào khác để khỏi bị bắt giam, vì lúc đó lá bài HTM đã hết hiệu quả. Còn chuyện của ông Kỳ chứa chấp HTM dù biết rõ anh ta là VC, tôi xin không nói đến để tránh bị tranh cãi vô ích. Chuyện sau 75 là chuyện của CS, tôi thấy chẳng ai được họ trọng dụng lâu dài mà tất cả những SV và các thành phần gọi là thứ ba theo họ đều chỉ được dùng như những con cờ trong một giai đoạn nào đó mà thôi. Theo ý của riêng tôi, HTM không ăn năn hay bàng bạc có ý tưởng ăn năn như HLC nói mà anh ta đang ngấm ngầm bất mãn vì không được trọng dụng sau khi anh ta đã đóng góp một phần rất lớn trên mặt trận chính trị để giúp cho CS chiếm được miền Nam.
HLC: Trở lại với A 17. Nhóm Bừng Sống “chết” tại Khoa Học nhưng còn ở các phân khoa tự do khác như Luật, Văn Khoa? Có phải vì đối diện Tổng Nha CS nên phải cương quyết xóa sổ vc tại Khoa Học?
LAK: Nhóm Bừng sống không “chết” mà lui vào hoạt động trong bóng tối, một số thành viên thì vào mật khu, một số bị lực lượng an ninh bắt quả tang đang trên đường trốn vào mật khu. Sau khi ban A17 thành lập thì chúng tôi nhắm vào tất cả các phân khoa của VĐHSG chứ không phải chỉ có ĐHKH, sau đó chúng tôi dần dần nắm hết các tổ chức SV của VĐHSG cho đến tháng 4 năm 1975, nhưng vì tôi không trực tiếp nên tôi không biết chi tiết cụ thể. Kể từ 72 đến 75, VC không còn lợi dụng lực lượng SV được nữa nên chúng mới thành lập những tổ chức khác để yểm trợ cho những cuộc quấy rối thủ đô SG như “phong trào phụ nữ đòi quyền sống, lực lượng thanh niên cứu đói, ký giả ăn mày”, hoặc lợi dụng các thương phế binh vân vân, nhưng không quy tụ được số đông và không gây được tiếng vang lớn như các phong trào SV trước đó. Chỉ còn một số nhỏ không quan trọng mấy ở VĐH Vạn Hạnh do Phật giáo đỡ đầu nên rất khó vì dễ bị đụng chạm đến tôn giáo. Thêm vào đó công tác tình báo rất tốn kém, mà VNCH không có đủ ngân sách để đài thọ. Tôi xin lấy một thí dụ nhỏ về sự tốn kém ấy, trong thời gian nghỉ Hè, sau những kỳ thi SV không làm gì thường bị lôi kéo vào những hoạt động gây mất trật tự. Muốn tránh điều này cần phải có một trại hè cho SV để đưa họ ra khỏi thủ đô. Việc đài thọ cho một trại hè với hàng chục ngàn SV không phải là một chi phí nhỏ! Chúng ta nên nhớ thêm rằng ngoài phương diện tam quyền phân lập, VNCH còn bị áp lực của Hoa Kỳ và nhất là của truyền thông Hoa Kỳ cũng như của các phong trào phản chiến ở Mỹ và các nước phương Tây.
HLC: Dù sao cũng phải ghi một điểm son cho A 17 trong việc ổn định tình hình giới sinh viên. Thời nào cũng thế, thanh niên luôn là phát súng khởi đầu vì trái tim nhiệt huyết và cái đầu tương đối không quá u mê nhưng lại ngây thơ vì chất chứa những lý tưởng cao vời. Hiện giờ những người ấy đâu rồi? Tôi muốn nói đến những người công tác tại phòng A 17? Tôi có thể hình dung, nếu không thoát kịp, hẳn những con người tương đối ưu tú ấy ( tôi dùng chữ tương đối vì họ phải đối phó trong một mặt trận khác, không phải rạch ròi để xả súng vào đối phương mà phải len lỏi, mưu kế) đã bị cộng sản trả thù tàn nhẫn lắm. Cá nhân anh, với gần 17 năm tù là một chứng minh hùng hồn. Xin kể cho chúng tôi nghe về vài con người lãnh đạo của A 17 và vài người đã hy sinh trong ngục tù CS?
LAK: Ngoài vài anh bạn đã chết trong ngục tù CS, hầu hết chúng tôi đều đã sang đây theo chương trình trao đổi của Mỹ với VC, mà ta thường gọi là HO. Xin phép cho tôi không nhắc tên những người ấy vì chúng tôi đã vướng vào cái nghiệp tình báo, tức là làm việc trong bóng tối và cũng sẽ chết trong bóng tối.
HLC: Cảm ơn anh về sự hoài niệm những người con ưu tú của tổ quốc trong mặt trận tình báo. Trước khi tạm biệt, xin cho vài nhận định của anh đối với cuộc chiến hôm nay? Sau hơn 30 năm, VC tất nhiên không phải là cộng sản thuần túy thế nhưng với những người nặng lòng với quê hương đất nước vẫn không thể ngồi yên. Giải pháp nào cho Việt Nam hiện nay?
LAK: Theo ý tôi, CS bao giờ cũng là CS. Tuỳ lúc và tuỳ thời mà chúng khoác một chiếc áo khác mà thôi! Nào là “Hoà Hợp Hoà Giải,” rồi “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vân vân, chỉ là những sách lược của họ trong một giai đoạn nào đó. Tôi mong các thế hệ thanh niên nhất là ở quốc nội và cả những người Việt ở quốc ngoại nên nhận định rõ như vậy khi phải đối đầu với chúng. Những người Việt ở quốc ngoại dù sao cũng đã chấp nhận cuộc đời ly hương, tranh đấu để hỗ trợ cho những thanh niên trong nước mới là chính. Tranh giành một chút tiếng tăm hoặc quyền lực càng làm chia rẽ tập thể và giúp cho CS có đất nẩy mầm.
Hoàng Lan Chi thực hiện 9/2014