Cái Học Và Dạy Ngày Xưa
Đại Hội Gia Long Thế Giới kỳ 7 vừa kết thúc ở DC với mùa hoa đào. Gs Phạm Thị Nhung, luôn có mặt trong các đại hội thế giới này cũng đang có mặt ở Nam CA sau khi đại hội kết thúc. Ngày mai tôi mới có hẹn gặp cô nhưng mấy hôm nay thầy trò vẫn rỉ rả qua điện thọai.
Cô Nhung là một giáo sư được rất nhiều học trò của mọi niên khóa yêu mến. Dường như ngày xưa đa số các học sinh hay yêu mến giáo sư Việt văn. Lý do có thể là: môn chính nên có nhiều giờ trên lớp, học văn chương nên dễ nhá, dễ thở hơn các môn khác. Nào là nghe rồi bình luận về truyện hay thơ. Nếu may mắn gặp được giáo sư dạy hay thì học trò cứ là há hốc mồm nghe thầy cô giảng Việt văn. Cô Nhung vừa đẹp vừa giảng bài hay, lại tận tâm yêu nghề nên việc cô được học trò quý là lẽ đương nhiên. Hôm nay cô kể cho tôi nghe hai chuyện và tôi rất thú vị.
Chuyện thứ nhất là khi cô học Sư Phạm với GS Nghiêm Toản. Bình thường cô Nhung là học trò cưng và giỏi của GS Toản. Bài cô Nhung thường xuyên được điểm cao nhất. Lần ấy, GS Nghiêm Toản cho đề bài trúng ý cô Nhung và cô thích quá nên cứ thế say sưa viết, ý này tràn theo ý khác, dài cả mười trang. Hôm trả bài, cô Nhung chờ mãi không thấy tên mình được gọi trong khi mọi lần, với điểm cao nhất, cô thường được điểm danh đầu tiên. Mãi sau GS Toản xướng tên cô cuối cùng với điểm số 05! GS bảo “Cho con chừa đến già. Không được đi lan man. Phải đi cho đúng đề”. Cô Nhung bảo tôi “Thế là cô nhớ đến già thật em ạ. Không bao giờ cô lạc đề như vậy nữa”.
Chuyện thứ hai: Cô cho chị Dương Bích Nga ( em gái nhà văn Dương Hùng Cường và cũng là chị của DĐT, bạn cũ Khoa Học của tôi) “zero” vì không thuộc bài. Kỳ tới, chị Nga đinh ninh cô không gọi nữa nên cũng không học bài. Ai dè cô vẫn cứ gọi và chị Nga lãnh con “zero” thứ hai. Cô nói với cả lớp “Cô làm hết sức mình cho các em. Cô cố gắng tìm hiểu để giảng cho các em dễ hiểu, dễ nhớ, truyền tình cảm cho các em để có thể cảm nhận về nhân vật. Vậy mà các em phụ lòng cô, không học bài, cô đau khổ quá”. Tôi không nhớ chính xác, đại khái là như vậy. Lúc đó không chỉ Bích Nga khóc mà cả lớp sụt sùi ngắn dài. Khi nghe cô kể, tôi cũng nước mắt đoanh tròng. Nhiều chục năm sau, dù chỉ mới định cư ở Canada, nghĩa là chưa ổn định gì cả nhưng được tin cô Nhung đang ở Montreal, Bích Nga đã đi xe lửa từ Toronto sang đấy, chỉ để ôm người thầy ngày xưa đã cho chị hai lần, mỗi lần một con “zero”.
Đó là cái Học và Dậy ngày xưa của chúng tôi, trường Gia Long trước 1975, nước Việt Nam trước 1975. Chúng tôi không oán hận thầy cô khi bị phạt mà chúng tôi hiểu đôi khi “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và nhờ những cứng rắn của thầy cô mà chúng tôi nên người hôm nay.
Hoàng Lan Chi 4/2015