Thời gian này, ở vào tuổi “lục thập” ( mà lão Khổng Tử nói Lục thập nhi nhĩ thuận) thì việc được tin “người người ra đi” là chuyện bình thường. Thế nhưng nếu người ra đi là người mình thương mến thì cũng làm mình buồn lắm lắm, phải không?
Tuần rồi là sự ra đi đột ngột của GS Nguyễn Ngọc Bích. Ông là người mà tôi “vô thưởng vô phạt”. Thật tình mà nói tôi cũng kính trọng kiến thức ông. Còn việc ông “làm chính trị”, ví dụ tổng thống gì đó (tôi hơi quên. Cùng với ông có ông Đoàn Hữu Định, Hồ Văn Sinh nhưng sau đó ô Định rút lui) thì tôi chỉ “cười cười”.
Tôi biết Gs Bích đầu tiên vào 2004 khi GS tổ chức cho Phạm Duy một buổi nho nhỏ nói về Kiều Ca. Phạm Duy mail báo tin cho tôi hay.
Nguyễn Ngọc Bích-Phạm Duy-Hoàng Lan Chi 2004-Virginia
Tiếp theo, lần thứ hai, biết, khi gặp nhóm Gs Bích-bà Jackie Bông và một vị nữa có một show truyền hình của Đài Việt Nam Hải Ngọai. Lúc đó, Giám Đốc Truyền Hình (tôi lại quên tên, giáo sư sử địa) muốn mời tôi làm reporter cho đài.
Gặp lại, lần ba, GS Bích, khi tôi làm cho BPSOS. Lúc này, GS Bích vẫn ở Board Director của BPSOS.
Tôi rất ghét những kẻ bêu riếu và gọi GS là “biển dâu”. Cái kiểu đó rất hạ cấp, chỉ có những kẻ đố kị, ghen tị khi so sánh sở học của họ với ô Bích. Một giáo sư Anh văn, du học Mỹ, trong lúc bất ngờ, ông dịch chữ “biển dâu” theo nghĩa đen, thì có gì mà phải dựa vào đó để bôi bác trình độ thật sự của ông?
Khi đọc tin Gs Bích ra đi đột ngột, tôi chỉ ngầm chúc ông bình an, thanh thản.
Sáng nay, trời CA dịu mát, không lạnh lắm. Sự dịu dàng của thời tiết dễ làm con người nhớ đến dĩ vãng. Từ GS Bích, tôi nhớ đến ông chú cà nông của tôi. Chú cà nông này thuộc thế hệ đàn anh của GS Bích. Trước kia, mỗi khi đọc tạp ghi của cô cháu (là tôi), ông hay cho những nhận xét nho nhỏ, đôi khi nghịch ngợm, dí dỏm. Một lần ông qua CA, đến dự buổi giỗ GS Nguyễn Ngọc Huy của Đảng Đại Việt và vô tình gặp tôi ở đó. Tôi đến sớm và hai “chàng” Đạt –Ngà (Đảng Đại Việt) bắt tôi ngồi hàng nhì. Ông chú cà nông vào muộn và bị ép vào ngồi hàng ghế thứ ba sau tôi. Không nhớ được “ai nhận ra ai trước” (!), dường như ông chú vào sau, nhận ra tôi thì phải, nhưng sau đó có chuyện vầy: một già một trẻ (!), một chú một cháu, cứ thế trò chuyện với nhau trong khi diễn giả nói, bằng cách viết vào giấy và chuyền lên, chuyền xuống. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy vui. Vui vì ông chú của tôi rất trẻ trung. Mấy ai ở tuổi đó, gần chín chục mà còn viết giấy trò chuyện qua lại như vậy. Mấy ai ở tuổi ấy, gần chín chục mà ngôn ngữ rất trẻ trung. Mấy ai ở tuổi đó, gần chín chục mà còn minh mẫn, vẫn qua Hoa Kỳ và lên đài Truyền Hình dù giọng nói không sang sảng…Điều mà tôi quý ở ông chính là cái kiến thức của ông. Tôi vẫn là người “đắm đuối” kiến thức.
Ông chú cà nông của tôi là ai? Mời đọc lại bài cũ của tôi năm 2013 như sau:
“…Sau đó cô nàng phải nhờ bọn trẻ lớn lên bên này coi lại. Tôi không được phép phổ biến thư tiếng Anh bây giờ (khoảng tháng Giêng thì được) nhưng đây là đoạn cuối bản tiếng Việt của tôi. Khi tôi đọc qua phone cho một “người tình net”, anh la trời “Sao mà trong bụng em lúc nào cũng sẵn chữ nghĩa vậy!” Tôi lại bật cười vì anh nói y chang LS Trần Thanh Hiệp. Ông chú bắn cà nông không tới của tôi cũng có lần nói thế, là Hoàng Lan Chi lúc nào cũng sẵn chữ nghĩa! ..”
Vâng, ông chú bắn súng cà nông không tới của tôi là LS Trần Thanh Hiệp.
Sau khi đọc bài tạp ghi ấy, ông viết cho tôi như vầy “ "Lắm chữ nghĩa" chưa hẳn là "hay chữ" (các cụ ta ngày xưa hiểu "hay chữ" là gì nhỉ?). Nhưng coi chừng, rất có thể lại là triệu chứng của "lắm chuyện" đó. Nghĩ cho cùng, có là "lắm chuyện" chăng nữa thì có làm trời sập đâu. Trái lại, không "dông dài, lấy đâu ra chuyện cho người đọc mua vui ? CCN. ( chú thích CCN là Chú Cà Nông).
Tôi có thể trò chuyện rất thẳng thắn với ông chú về mọi điều. Ngược lại, ông cũng không sợ khi nói với tôi về vài điều vì ông thừa biết tôi không thuộc loại xớn xác, hồ đồ, chụp mũ, vu cáo, hay định kiến…
Một ví dụ:
-Ông mail cho tôi “ Gửi cô cháu nhà điểm nhạc có uy thế trên mạng, một sáng tác mới, chỉ có tính cách tài tử, nhưng cũng có thể nói không thua gì Xuất Quân, Nhạc Tuổi Xanh, Diệt Phát Xít, Không quân Việt Nam v.v… thủa nào. Nhờ cô cháu nghe và thỏ thẻ vì tác giả là anh em con cô con cậu ruột với ông chú. Nếu cần, xin cô chú lấy dùm ý kiến của Châu Đình An. Mọi người mà OK thì cô cháu giới thiệu với bà con ta đang dài cổ ra để trông ngóng đa nguyên, đa đảng. Cám ơn cô cháu rất nhiều. Ông chú bị đau mất một tuần.CCN”
-Tôi:cô cháu hong thích hoà giải mí vc mà.
-Ông: Thưa cô cháu, thì cứ phải cổ vũ đã rồi mới tính chuyện thực hiện chứ. Ít người thì sẽ không có "đa". Nhiều người mới thành "đa" Mà không cổ vũ thì làm sao kéo được nhiều người? Lưỡng lự làm gì nếu chỉ mới đang ở giai đọan cổ vũ?
-Tôi: Hôm nay cô cháu đã nghe bản nhạc. Hay. Nhưng cổ vũ cho đa nguyên đa đảng. Đó là điều mà cô cháu đang lưỡng lự. Làm sao bi giờ hả ông chú.
— Ông:Trời đất ơi! Làm chi có chuyện hòa giải mà đặt ra vụ này. Nói đa nguyên là nói đa nguyên trong dân chủ chứ đâu có đa nguyên với độc tài mà hòa giải với vc? Lời ca của Hành Khúc nói quá rõ, cô cháu Hòang Ngọc An không chịu nghe hay đọc gì cả. Rầu quá.
Đấy, tôi “hiểu” tâm tình ông. Tôi không ưa những người lên án ông về vụ Thông Luận năm xưa. Ông có giải thích cho tôi một lần về chuyện đó. Ông đã từ giã nhóm ấy sau một thời gian vì…
Ví dụ khác: tôi gửi cho ông như vầy: “
Xin hãy quên những gì phải nhớ
Nhớ làm gì vì sẽ mau quên
Khi không quên là em sẽ nhớ
Nhớ rồi quên rồi lại nhớ suốt đời.
Mấy cái chữ nghĩa lỉnh kỉnh của ông chú làm cô cháu viết mấy king cóc. (cười). Có những tài năng, cô cháu để họ ở một góc tâm hồn và lâu lâu buồn buồn nhớ đến họ. Vậy ông chú yên chí, sau này ông chú có ra khỏi cõi tạm, thì cô cháu cũng vẫn nhớ đến ông chú. Khi nào cô cháu nhớ, cô cháu sẽ hú gọi ông chú vầy nè " hai hồn tám vía ông chú ở đâu? " (giảm bớt mỗi thứ một so với các cụ ngày xưa!). Lúc đó nếu ông chú nghe được cô cháu gọi, thì nhớ về và làm ám hiệu cho cô cháu biết nhé. Quy ước là ông chú ráng đụng nhẹ vào tai trái của cô cháu hỉ. Cô cháu sẽ biết à, ông chú chưa siêu thoát, người vẫn ở quanh đây (cười hí hí. Lý do, cô cháu là người sợ ma kinh khủng. Nhưng với ông chú, có hiện hồn về thì cô cháu cũng không sợ đâu)
Đấy có ai “nghịch ngợm” như tôi không? Dám trêu ghẹo cụ già về cõi tạm mà cụ sắp tới! Ông chú trả lời vầy “Cứ tưởng rằng chuyện nhớ quên ở cái "cõi tạm" này chỉ là chuyện tầm phào. Nhưng hóa ra cũng không đơn giản như ý kiến sau đây: "Tạm cũng lại là không tạm". Thật vậy à? Giống như trong Tâm Kinh "Bát Nhã Ba La Mật Đa" : Sắc chính là không…". Cho đên những ngày cuối đời, tôi mới "ngô." được điều đó. "Sống" chỉ là thường trú nơi cõi tạm, nên "chết" mới định cư được nơi đất "thiên thu", Nhưng nhờ trí huệ chiếu dọi cho thấy được "bản lai diện mục" của Tâm thì cả "tạm" lẫn "không tạm" đều là như tạm cả. Vì thế chữ nghĩa mới lỉnh kỉnh. Ông chú có cảm tưởng rằng cô cháu đã lỉnh kỉnh, đang lỉnh kỉnh và còn muốn vẫn sẽ lỉnh kỉnh. Thì rút lại cũng như Thúy Kiều, soạn ra cho mình cung đàn bạc mệnh nó vận vào người. Như ông chú….See you later. CCN.
Chuỗi mail cuối, 2014, giữa ông-tôi khi tôi viết bài “Chữ Nghĩa Lỉnh Kỉnh” rồi ông nín thinh cho đến nay. Trong đó, tôi thuật lại những “lỉnh kỉnh chữ nghĩa” giữa tôi và ông.
-Ông: Chữ nghĩa mà lỉnh kỉnh thì nếu có "chết" cũng chỉ "chết" người đọc. Nhưng cuộc đời mà "lỉnh kỉnh" vì "lầm một tiếng đàn chữ nghĩa", sẽ chết cuộc đời. Hay chết để sống nghĩa là không chết thì không sống. Cũng vậy thôi. Chưa hết, Đã "Sắc sắc, Không không" được rồi, nhưng nghĩ cho cùng, vẫn còn thấp thoáng "Không không, Sắc sắc". Tại sao không "chẳng còn gì", kể cả sắc sắc không không nữa. Không lẽ cứ phải gây sóng gió thì mới trời êm bể lặng trong lòng được sao?
-Tôi: Nếu lỉnh kỉnh chữ nghĩa để cho một đời người (khác) lỉnh kỉnh, cũng là thú vị mà. Sức mạnh của chữ nghĩa, một lần cô cháu đã viết thế mà.Người nào lầm tiếng đàn lỉnh kỉnh thì ráng mà chịu hay cố mà biện luận vầy "chết trong đau thương cũng là một cái thú". Tại sao phải "bước tiến nhảy vọt" từ Sắc sắc thành không không. Cô cháu thấp thoáng "Không, sắc sắc" là một bước đi đúng như ngày xưa Phật đã từng! Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Phật dậy thế. Nên con đường Phật đi là con đường cô cháu đang đi cơ mà. Có khác gì đâu. Nhưng Phật là nam, cô cháu là nữ nên trên chuyến xe đò cuối cùng, nam nhìn thẳng, mắt nhắm còn cô cháu nhìn nghiêng làm duyên, mắt hí. Gây sóng gió để sóng sau xô sóng trước thì tâm mới bình an chứ. Lảng cảng hỉ?
-Ông:Vậy là cô cháu muốn như ông chú muốn "làm Phật ở giữa ngay cuộc đời này" chứ không ở cái thế giới "Tây Phương cực lạc" nào đó, hổng ai biết ở đâu. Merveilleux non?
Khi giới thiệu với người lạ về các bài phỏng vấn của mình, tôi luôn giới thiệu bài Sài Gòn Muôn Năm Cũ – Trần Thanh Hiệp Với Sáng Tạo. Với tôi đó là một bài phỏng vấn có giá trị và Ls Hiệp viết trả lời rất hay. Tài liệu lịch sử được gói gọn trong bài ấy.
Tôi vừa gửi mail cho vài người hỏi xin số điện thọai của LS Trần Thanh Hiệp. Chị Bé Bảy đoán ông không khoẻ vì không thấy ô phân ưu GS Bích. Tôi cũng đoán vậy. Năm 2015, tôi gửi mail hai lần khi lâu không nghe tiếng ông trêu ghẹo chữ nghĩa của cô cháu nhưng không thấy ông hồi đáp. Rồi lu bu và tôi cũng quên. Cho đến hôm nay, trời dịu dàng và chợt nhớ đến ông.
Những người của Sài Gòn muôn năm cũ, xin hãy kể những gì người biết, người sống, người trải qua, trước khi người ra đi. Hoàng Lan Chi “năn nỉ” đấy. Chuyện xưa, người cũ là nền tảng cho chuyện sau, người trẻ. Phải thế không?
Hoàng Lan Chi
3/2016