Báo Xuân ngày xưa và Em gái Gia Long -Kỷ niệm Sài Gòn cũ-Sep 201 6

Báo Xuân Ngày Xưa Và Em Gái Gia Long

Hoàng Lan Chi – 2006
Ngày xưa, cứ vào cuối năm, chúng tôi tất bật làm báo -thường gọi là bích báo cho mỗi lớp và đặc san cho mỗi trường. Báo cuối năm được gọi  là Báo Xuân. Đây là một kỷ niệm về việc Báo Xuân của “ một người Gia Long”.

Hồi đó, thường thì đầu niên học, giáo sư hướng dẫn (tức chủ nhiệm)  chọn ra các ban cùng Trưởng ban: Thể Thao-Học tập-Văn nghệ-Báo chí. Tất nhiên bích báo sẽ do ban Báo Chí phụ trách. Cả lớp tham gia viết bài, Ban này phải “duyệt” rồi cho in. In đây là trình bầy trên tờ giấy cứng khổ lớn rồi dán trước mỗi lớp. Mọi nữ sinh xem tất cả các bích báo rồi sẽ chọn và gửi lên Trường. Trường thành lập Hội Đồng chấm gồm toàn các giáo sư Việt văn. Sau đó cũng trao giải thưởng cho các bích báo cùng các giải phụ: truyện ngắn hay nhất, bài thơ hay nhất, truyện cười vui nhất.

Nhưng đặc biệt hồi xưa, chúng tôi có “màn” sau: đi các trường khác để bán báo xuân -còn gọi là đặc san. Thường thì mỗi lớp chọn ra các bạn khá lanh lợi để đi bán. Chúng tôi sẽ đuợc xe đưa rước của Trường đưa đi.  Hồi đó cuối năm cận tết, đã thi xong học kỳ 1 (tức đệ nhất lục cá nguyệt) nên lớp tương đối rảnh, bài vở không căng. Tuy thế, trường cũng hay chừa các lớp thi là (lớp 9, 11 và 12 tức đệ tứ, đệ nhị và đệ nhất).
Vui là trường nào cũng bán báo xuân như nhau nên chúng tôi cứ đến các trường ngay trong giờ học. Khi đến, từ bảo vệ cho đến Ban Giám hiệu trường đều vui vẻ. (không vui vẻ sao đuợc vì mai mốt học sinh trường họ cũng qua trường GL chúng tôi để bán báo xuân của họ mà). Chúng tôi vào từng lớp và giáo sư ngưng dạy để  chúng tôi quảng cáo bán báo Xuân. Vui ghê !

Hồi đó GL luôn luôn đuợc Petrus Ký ủng hộ nhiệt tình nhất. Lý do là vì hồi đó hay cáp đôi như sau: Gia Long-Petrus Ký hay Trưng Vương-Chu Văn An hay Lê văn Duyệt -Hồ Ngọc Cẩn. Tất nhiên ha cặp trên là hai  “cặp xịn” của Saigon. Đa số ” nhân tài” đều tập trung vào hai cặp trường trên. Thi vào bốn trường này đều khó hơn các nơi khác.

Mỗi lần Gia Long đến, Petrus ký hò reo và ào ào mua báo xuân ủng hộ. Còn Chu Văn An, trường này là trường Nam di cư -giống Trung Vương là trường nữ sinh Bắc di cư -nên đa số học sinh là nguời Bắc. Các cậu Bắc này  thì khỏi chê.  Lém lỉnh và thông minh nhưng hay cợt nhã. Các cậu lại ủng hộ Trung Vương (là bồ ruột mà) nên hay eo xách bắt bẻ nữ sinh GL.

Các cậu giả vờ chọc:
-Này cô bé ơi, thế báo xuân Gia Long với Trưng Vương, báo nào hay hơn ?

Gia Long đối ngay:
Đạ, đầu lòng hai ả tố nga. Mỗi nguời một vẻ mười phân vẹn mười một ạ !!

Nghe  nói thế các cậu im ngaỵ Còn thử nói “báo GL hay hơn ” thì lập tức các cậu đang có bồ học TV sẽ nhao nhao:
-Bằng chứng đâu,  ai chấm? Bọn anh thấy TV hay hơn!!

Hay GL rao :
-Mại dô, mại dô, mua một, tặng một, biếu một đây.

Ban đầu các cậu còn bị bẫy, sau đó “bể mánh” các cậu bèn:

-À rồi trả tiền ba, phải không em gái ?

Cũng có lớp “trùm sò” kinh hồn . Dường như Trường TL (ở Tân Định ) thì phải. Hôm đó GL chỉ bán đuợc có một cuốn  mà lại là giáo sư mua.  Một anh tự xưng đại diện lớp ca cẩm:

-Kính bẩm các chị GL, các chị là dân nhà giàu nhất Sè goòng, trường các chị vừa to vừa đẹp, giáo sư nổi tiếng, bao giải thưởng cao quý các chị giành hết cả. Chúng em là phận nhà nghèo làm sao so bì với các chị được.  (Rồi cậu ta giả vờ khóc huhu, cả lớp cũng hu hu theo, còn giáo sư thì phì cuời. Dân GL thì đứng như trời trồng trúớc màn kịch nước mắt cá sấu đó.) Nay các chị đến tệ xá mà không mua ủng hộ, hóa ra chúng em vô tình lắm ru? Nghèo thì nghèo chứ chúng em cũng nhất quyết mua báo xuân các chị về ngâm kíu đặng học kinh nghiệm chớ.

Dân GL nghe đến đó thở phào, à ra “hắn” khóc, kệ hắn, miễn là hắn có mua báo ta. Nhưng coi hắn lẻo mép nè:
-Chị ui, lực bất tòng tâm. Chả là mỗi ngày chúng em được bố mẹ phát có năm cắc mà chót dại ăn xôi mất rồi nên chẳng còn tiền mua chị, à quên mua báo xuân trường chị. Nếu chúng em xin thì .các chị sẽ phải móc túi ra bù vào cũng khổ cho các chị lắm,  chi bằng em đề nghị thế ” lày” .

Dân GL cùng cả lớp im phăng phắc xem hắn “thề lày nà thề lào “. Hắn tằng hắng:

-Dạ bẩm các chị, em xin kính cẩn nghiêng mình giới thiệu cùng các chị, hôm nay các chị ra ngõ gặp giai (!!) nên đã vào đúng giờ của Giáo sư hướng dẫn lớp chúng em. Nên chúng em đề nghị cô mua ủng hộ các chị một cuốn rồi sau đó cả lớp đọc chung ạ.

Cô giáo ngã ngữa nguời khi thấy lũ ranh ma bán cái ngon ơ ! Cô phì cuời và cuối cùng đành  móc túi ra mua một cuốn. Đã thế, anh chàng còn cắc cớ:

-Bẩm các chị có bàn tay nõn nà, em đề nghị các chị nhín chút thì giờ quý báu bốc thăm dùm xem ai là có số may mắn sẽ đuợc đem cuốn chị -à quên cuốn báo xuân các chị về nhà để thờ sau khi cả lớp xem tập thể  ạ?

Chán ghê chưa? Mình mất thì giờ, đổ mồ hôi để nghe hắn kể lể, cuối cùng bán đuợc có một cuốn mà còn “nhiều chiện”! Dân GL trả đũa:

-Đuợc chứ. Nhưng chúng tôi đề nghị khỏi bốc thăm, mà ưu tiên cho anh đem chúng tôi về thờ!!!

Cả lớp cười rần rần kể cả cô giáo. Ai biểu hắn Bắc Kỳ lẻo mép và cứ ngỡ Gia Long người nào cũng hiền queo không biết đáp trả!

Khi ra khỏi lớp đó, dân GL hăm he mà cố tình cho lớp nghe:
– Ê phải nhớ mặt tên này nghe. Mai mốt hắn có qua GL bán báo, chúng ta phải”chơi” lại hắn mới được !!

Đó là chuyện (trần ai đi bán báo) nhưng cũng có nhiều mối tình đã nảy nở xuyên qua việc bán báo xuân.Có anh mua báo chỉ vì cô em bán báo xinh quá. Mua xong là dụ khị xin địa chỉ. Tất nhiên em nào ưng thì cho địa chỉ thật, còn không ưa thì cũng chơi nhau sát ván nghĩa là giả vờ ghi địa chỉ truờng hay địa chỉ bót cảnh sát vào sổ tay của  anh chàng!

Bán báo xuân chẳng được “bồi dưỡng” gì nhưng vui. Hồi đó tôi chưa đuợc (hay bị) đi bán báo xuân cho trường bao giờ nhưng có một kỷ niệm đến bây giờ chưa phai. Kỷ niệm này thì buồn chứ không vui như vụ đi bán báo.

Năm 1969,  tôi đang học năm thứ hai tức là chúng chỉ chuyên khoa của Đại Học Khoa Học. Hôm đó đang thực tập Sinh Hoá. Nghe ồn ào thì ra các anh đang truyền tai nhau “Có Gia Long đến bán báo xuân quý vị ơị” Thế là gần như cả phòng thực tập bỏ ra ngoài hết. Hồi đó thực tập thích lắm, không bị gò bó như giờ lý thuyết. Khi đang làm thực tập, có những giai đoạn chờ cho phản ứng hóa học xảy ra trong một giờ nên thỉnh thoảng cả nhóm bỏ đó kéo nhau ra ngoài uống nuớc tán dóc.

Lúc tôi ra thì mấy anh bạn nhao nhao :
-Cô bé ơi, mua báo xuân của GL đi này.

Quý vị đó hơn tôi một hay hai ba tuổi gì đó nhưng rất ngang ngược, chuyên gọi tôi là cô bé, không gọi chị bao giờ. Có lẽ tôi là một trong  mười cô của KH lọt vào tầm ngắm của “lũ trời đánh đó” chăng?

Thấy các nữ sinh mặc áo phù hiệu GL, tôi thấy lòng bồi hồi xao xuyến. Chả gì chúng tôi cũng ở trường đến bẩy năm. Hồi đó chúng tôi học chung cấp 2 và 3 nên  gắn bó với nhau lắm vì chung một mái trường trong thời gian dài từ đệ thất đến đệ nhất.  Tôi cũng lăn xả vào rao bán dùm cho trường cũ. Vài “cây si” của tôi thấy vậy muốn lấy lòng tôi nên ào ào mua.  Sinh viên thường giàu hơn học sinh (vì lớn đuợc cha mẹ phát lương nhiều hơn, hay vì đi dạy thêm) nên có anh muốn tôi vui mua một hơi 10 cuốn và ưu ái “cadeau” lại cho tôi 5 cuốn!

Đang rao bán dùm, bỗng tôi ghe thỏ thẻ bên tai:
-Chị ơi, chắc ngày xưa chị học GL hả ?

Tôi quay lại. Chao ôi, cô bé xinh quá. Khuôn mặt trái xoan với đôi mắt bồ câu tròn xoe đen láy.Tôi -vốn dĩ mê nguời đẹp -nên thấy lòng cảm động quá, cười toe:

-Đúng “quậy” cưng ui.  Bé tên gì, học lớp nào ?

Thấy tôi rao bán dùm và bán đắt nữa chứ, lại cựu nữ sinh GL nên cô bé vui vẻ thì thầm :
-Tên em là …học lớp….Chị đừng nói cho cái anh kia biết nhá. Hồi nãy anh ấy hỏi, em không cho đâu.

Tôi ngớ người . Á, con bé cùng tên mí mình.  Ngộ thiệt ta.

Mấy tháng sau, vào một ngày gần cuối tháng 5 , tôi đến GL định vô thư viện trường để học bài vì dậy hơi muộn và đoán rằng thư viện Khoa Học , thư viện Văn hoá Đức, Thư viện Hội Việt Mỹ đều đã hết chỗ (gần ngày thi, thư viện các trường phải đi sớm dành chỗ y như lớp học).

Ngày đó tôi cũng ngây thơ nên ỷ y mình trốn vô thư viện GL đuợc vì đang mặc áo trắng còn nguyên phù hiệu trường . Ai dè tổ trác, tôi bị bảo vệ giữ lại vì hôm đó cả trường đang thi học kỳ.  Tôi thì chót nói dóc là nữ sinh GL nên bị nghi là lẻn vô trường định ăn cắp xe. Tôi sợ quá, đang mếu máo thì may quá, bà Giám Học Trần Thị Kỳ đi ngang. Bà dạy tôi môn Pháp văn mấy năm trước nhưng điều khiến bà nhớ tôi là vì tình sử của tôi với cô Phạm Thị Nhung.  Sự việc năm đệ nhị tôi mê cô Nhung, suốt ngày ôm hoa tặng cô khiến nhiều giáo sư biết, kể cả bà Giám Học. Bà nhận ra tôi và cho tôi về sau khi mắng yêu vài câu.

Ra khỏi truờng, trời hôm đó sao âm u như tháng chạp.Gió thổi lồng lộng.Tôi hơi chóng mặt.Trong phút giây mơ màng đó tôi bỗng chợt nhớ đến cô bé cùng tên mới bán báo xuân ở Khoa Học dịp tết. Trong lúc lá đổ xoay vòng chong chóng trên bầu trời u ám, gió lồng lộng thổi, tôi như nghe văng vẳng ai đó gọi tên mình.

Tên mình và cũng là tên em.

Rồi Hè đến. Sau khi thi xong tôi cùng cha tôi đi thăm mộ em trai trong Nghĩa trang Bắc Việt trên Tân Sơn Nhất. Em tôi mất năm 59. Năm đó là 69.

Trong khi cha tôi đang rẫy cỏ mộ em, tôi đi tha thẩn.Tính tôi vốn dĩ mê nguời đẹp nên vào nghĩa trang, tôi cũng hay lang thang ngắm nguời đẹp vắn số.

Trời, ô kìa, tôi như không tin ở mắt mình. Em! Em gái Gia Long của tôi.  Làm sao tôi quên đuợc khuôn mặt đó, đôi mắt tuyệt vời đó.

Tôi lại gần. Choáng váng. Em ơi, ngày em ngủ giấc ngàn thu chính là ngày tôi về lại trường xưa – với áo trắng, phù hiệu cũ .Và hôm ấy trời gió lộng, lá xoay tròn chong chóng và tiếng ai gọi tên tôi.

Bây giờ.

Đã bao năm trôi qua. Tôi vẫn nhớ em.

Em thì vắn số. Tôi thì lận đận.
Có phải tên là vận vào người?

Hoàng Lan Chi

2006

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.