Bài của Nguyễn Hữu Nghĩa-Bài Châu Đình An (Kẻ cưỡng hiếp xác chế t) -Vài ý kiến ( Phạm Duy chết)- Feb 2013

LGT: Sau khi Phạm Duy chết, ông nguyễn Hữu Nghĩa viết bài. Châu Đình An trả lời bằng bài (Kẻ cưỡng hiếp xác chết). Dưới đây là bài của Nguyễn Hữu Nghĩa, bài của Châu Đình An – vài ý kiến cho bài của CDA.

****************

Vài ý kiến về bài của Châu Đình An:

3-From Võ Công Điện

Thưa anh Châu Đình Ân

Bài viết của anh quá tuyệt, bản thân tôi rất đồng cảm với bài viết nầy. Tôi chỉ tiếc rằng khả năng viết lách hạn chế mà không thể lên tiếng cho gia đình nhạc sĩ Phạn Duy như anh được.Tôi cũng chưa được đọc bài viết của ông Nguyễn Hữu Nghĩa nào đó, tôi sẽ đọc nó sau để chắc chắn rằng trong cuộc đời nầy lại có thể sinh ra một con người tồi tệ và độc ác đến thế. Các câu chuyện nói xấu nhạc sĩ Phạm Duy và gia đình xuất hiện nhiều nhất trên mạng là sau năm 2005 kể từ khi ông quyết định trở về quê hương sinh sống trong những ngày cuối đời. Sự trở về nầy có lẽ đã làm cho một số người không hài lòng, như vậy có ích kỷ quá không?Nhu cầu được sống những ngày cuối đời trên quê hương nơi chôn nhau cắt rốn là một điều thật tự nhiên, nó không phải là cái tội. Có một dạo tôi thấy người Việt Nam nào về thăm quê cũng đều bị chỉ trích, nhất là những người nỗi tiếng, các ca sĩ về nước hát thì được gán là hát cho Cộng Sản nghe, bất cứ những người Việt Nam ở lại quê hương mà không ra đi đều bị xem là Cộng Sản???.Chúng ta đều biết một thực tế rằng có rất nhiều người VN sinh sống ở nước ngoài đa số còn có cha mẹ, anh chị, chú bác, cô cậu… còn đang sinh sống tại VN vô tình họ cũng là Cộng Sản ?…

Chế độ nào cũng vậy nếu không đem lại quyền lợi cho người dân, không bảo vệ được người dân, không vì dân, không vì sự tiến bộ của nhân loại, sớm muộn gì cũng sụp đổ lịch sử đã chứng minh như thế. Con người cũng vậy những gì họ nói hôm nay, những gì họ viết hôm nay lịch sử sẽ phán xét họ, tất cả đều tuân theo luật nhân quả của nhà Phật.Nhạc sĩ Phạm Duy trở về VN không phải làm chính trị, điều đó ai cũng biết và cũng không cần thiết phải chứng minh. Ông trở về VN như một nhu cầu tất yếu của người nghệ sĩ lớn. " Lá rụng về cội ".

Sự ra đi của một nhân tài lúc nào cũng để lại nhưng dư âm lớn lao cho xã hội cho loài người, người càng nỗi tiếng thì dư âm càng lớn, càng lâu, chúng ta thử nghỉ xem, mỗi ngày có biết bao nhiêu con người qua đời mà chẳng thấy ai nhắc đến dù chỉ một dòng trên mạng, vì họ chỉ là một con người bình thường, có thể em bé đánh giày, chị bán vé số, một nông dân tay lấm chân bùn.. điều đó chứng tỏ nhạc sĩ Phạm Duy quả thực là một đại nhạc sĩ , một nhân tài xuất chúng. Đời sống của con người thật ngắn ngủi, chúng ta lần lượt rồi cũng nhắm mắt xuôi tay, xin mọi người hãy đen tình yêu thương đến với mọi người, có như thế tâm hồn ta mới được gội sạch trong tình yêu thương, tình yêu sẽ giúp chúng ta loại bỏ những vết ung thư tâm hồn, để được thanh thản làm một con người đúng nghĩa, lòng thù hận ganh tỵ, đố kỵ tranh dành chức tước địa vị có ích gì mà không chịu trải lòng với nhau, có phải thế không ông Nguyễn Hữu Nghĩa.

Hy vọng thế hệ cháu con của ông Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn yêu thích những tác phẩm âm nhạc bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy.Chúc nhạc sĩ Châu Đình Ân có những bài viết như thế, điều đó chứng tỏ tâm hồn của nhạc sĩ thật bao dung rộng lượng.

2-From LH

Cam on anh Châu Đình An gửi cho đọc. Bài này thật xuất sắc!
Đúng là tên "cuong hiep xác chết", vừa hèn vừa bẩn (nói như cn HLC).
Le Huu

1-From: Thinh Van

Date: February 19, 2013, 1:00:00 PM EST
Kính NS/NV CĐA
Cám ơn anh đã gởi 1 bài viết . Mới đây, tôi có đọc bài viết của anh về NS PD cho biết lý do thầm kín "khó khăn kinh tế" khiến Ông NS lớn phải về VN sống cuối đời, tôi tin và tôi khen anh can đảm, dám lên tiếng bảo vệ 1 người đang bị lên án mạnh mẽ ở HN (cũng như trước kia vụ NV NNN bị lên án dai dẳng, anh cũng đã dám viết 1 bài xin hãy stop. Ở đời sự can đảm sẽ làm nên giá trị trong mọi lãnh vực (có gan làm giàu…) . Thật ra, riêng cá nhân… tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm mà ít chú trọng đến đời tư. Tôi nghĩ hễ là người VN thì chúng ta nên sống bao dung với nhau. Chính người Việt xưa cũng đã rất đại lượng dễ bỏ qua những sai sót, bất đồng… vì thế mới có tam giáo hoà đồng, nạn cuồng tín cũng ít hơn dân Hồi giáo, người VN đã được tiếng hiền hòa chung thủy nặng tình hơn lý.

Đối với các NS thiên tài như TCS, PD tôi thông cảm đời tư của họ, vì họ là nghệ sĩ, không phải nhà chính trị, nhà đạo đức hay thánh nhân. Việc nói lên đời tư của bất cứ ai trên mặt báo là điều không nên, nhất là khi họ đã chết. Thật ra đời tư của họ cũng đâu có khác mình, họ cũng cần ăn, cần sống, cần yêu… có cả tốt lẫn xấu, bởi nhân vô thập toàn. Tốt nhất là mình nên tập trung suy xét quán tưởng về mình. Đọc bài viết sau của anh, rất khẳng khái, đầy can đảm, nhưng cũng khá gay gắt. Nếu tôi, thì tôi sẽ viết êm ái nhẹ nhàng hơn.

Còn bài viết của Ô NHN, gọi cụ PD bằng "anh" trên mặt báo, tôi thấy hình như không được ổn, đáng lý nên gọi bằng "ông" (dù sinh thời cụ PD có cho phép gọi bằng anh, đó là trong gia đình, nhưng trước công chúng thì nên dùng chữ "ông" phải phép hơn. Còn về nội dung, không nên khẳng định, công khai hóa những điều nhỏ nhặt hay thầm kín về đời tư 1 người khác mà mình mới chỉ có nghe, bởi chỉ "nghe" cũng chưa đủ, có thể sai sự thật. Vài ý kiến có tính cách riêng tư, thô thiển cho vui đầu năm, nếu có gì sai lầm cũng xin anh xí xóa bỏ qua cho. Kính chúc anh chị CĐA-DH năm mới vạn sự an lành, may mắn.

Châu Đình An –Kẻ cưỡng hiếp xác chết

LGT: Nhạc sĩ Phạm Duy đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam, điều đó không ai phủ nhận. Do hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, ông đã chọn con đường đi của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm trên sự lựa chọn đó. Sự lựa chọn trở về năm 2005 đã dấy lên những chỉ trích kéo dài từ đó đến nay. Ngay sau khi ông chết, có một số bài viết. Nội dung chỉ trích không có gì mới, vẫn là những gì nói dài dài từ 8 năm nay. Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã có viết một bài mà nội dung là kể lại những “kỷ niệm”, theo như ông nói, nhưng lại là những “kỷ niệm xấu” mà Phạm Duy thì đã chết, không có cách gì đính chính. Tất nhiên những “kể xấu” đó chả làm PD xấu hơn nhưng đứng trên phương diện luật pháp thì không công bằng vì một người bị tố giác mà không có cơ hội bào chữa. Đứng trên phương diện tình người thì là điều không hay vì có tính cách đâm bồi người mới chết, đâm cả gia đình người chết. Là người cầm bút chân chính, theo thiển ý chúng tôi thì nên “nhả ngọc phun châu” thay vì “ phun máu nhổ đàm”.

Kẻ cưỡng hiếp xác chết

Châu Đình An

www.chaudinhan.net

Khi ta nghĩ đến hình ảnh kẻ cưỡng hiếp, ta đã thấy ghê tởm phỉ nhổ và kẻ này luôn bị xã hội lên án. Nhưng nếu tên cưỡng hiếp đào mồ lên để cưỡng hiếp cái xác chết thì bạn nghĩ sao?

Ông Phạm Duy, người nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam vừa nằm xuống chưa quá một tháng (27 tháng 1, 2013) đang khi tôi viết bài bày (18 tháng 2, 2013) thì có những bài viết phát tán trên mạng với nội dung chửi rủa, đả kích người nhạc sĩ này. Vài bài viết có tính cách bươi xới, lục lọi đời tư cá nhân, từ những bài đưa ra những vụ việc về cái gọi là “loạn luân” của ông Phạm Duy và các mối tình với con dâu Julie Quang (vợ của Duy Quang) cho đến việc bà Khánh Ngọc, vợ của ông anh vợ Phạm Duy là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tác giả ca khúc Nửa Hồn Thương Đau.

Mới đây nhất là bài viết của ông Nguyễn Hữu Nghĩa ở Canada kể chuyện ông Phạm Duy nằm trên bụng đàn bà, lại còn chuyện “hỏi con nít” của Phạm Duy để đưa ra cho người đọc thấy là gia đình Phạm Duy nói tục và thiếu dạy dỗ con cái, làm cho người đọc ngộ nhận là gia đình ông Phạm Duy không có văn hoá. Tựu chung, cho dù che đậy qua cách viết một vài kỷ niệm “cà chớn” như lúc khen, lúc chê, nhưng hàm ý cuối cùng vẫn là những bài viết có tính cách mạ lỵ, bêu xấu người vừa nằm xuống.

Tôi cho rằng kẻ viết bài và phát tán trên mạng các bài viết xấu xa và bẩn thỉu như những tên giết người cầm con dao dính máu, đâm toạc vào thân thể người chết Phạm Duy, bất kể người thân, dòng họ, con cháu của nhạc sĩ đang đau khổ đeo vành tang trắng, nước mắt khóc Duy Quang chưa ráo thì lại phải khóc bố, khóc ông nội, ông ngoại của mình bên chiếc quan tài chứa thi thể bất động của một người đã cống hiến cho sự nghiệp lẫy lừng và đồ sộ cho nền tân nhạc Việt Nam.

Trong một đất nước Việt Nam chiến tranh do bởi ý thức hệ, do bởi địa phương tính, do bởi kẻ xâm lược, do bởi sự can thiệp của nhiều cường quốc vào cái mảnh đất chữ S bé nhỏ, nghèo nàn, đã sản sinh rất nhiều anh hùng, nhưng cũng tạo ra những tên vô loại bán nước, cũng tạo ra những kẻ bất chính từ các lĩnh vực, mà lãnh vực văn hoá là nơi cũng có kẻ bất chính, bất minh, bất nhân len lỏi vào.

Khi một kẻ lưu manh có chữ nghĩa, ta gọi là “trí thức lưu manh”, thì kẻ lưu manh này “đểu giả” không thể tả. Nó còn tàn tệ hơn một tên du đãng giang hồ bình thường ngoài xã hội, vì nó có cái đầu biết tính toán, hơn thế nó còn biết chữ nghĩa để viết lách loạn xà ngầu, phun hơi độc vào bầu khí quyển trong lành, mà nó vẫn tìm mọi cách để che đậy dã tâm, ta gọi kẻ này là “nguỵ quân tử”. Thành phần này nguy hiểm nhưng chóng bị xã hội và con người vạch mặt chỉ tên đào thải, chỉ vì nó không có sự thật trong ngòi bút của nó. Cho dù nó có khoác lên bao nhiêu danh xưng mỹ miều đi nữa, cho dù nó có nhân danh là cái gì đi nữa, người ta cũng sẽ thấy chân tướng của nó lộ diện.

Sự việc nhạc sĩ Phạm Duy nằm xuống, là cơ hội cho bọn này lộ diện qua những bài viết “bẩn” phát tán trên mạng. Những bài viết, trước hết hoàn toàn không có một căn bản tình người. Không ai lại đi chà đạp người chết, không ai lại nhẫn tâm chà đạp và làm tăng thêm sự đau khổ tinh thần trên tình cảm thân nhân của người nằm xuống có hai cái “đại tang” trong vòng hơn một tháng. Là con người không ai làm thế. Chỉ có súc vật như bầy quạ đen và lũ kên kên mới ăn thịt xác chết.

Sự việc nhạc sĩ Phạm Duy quay về sinh sống tại Việt Nam trong những năm cuối đời của một nhạc sĩ già 93 tuổi, đã có quá nhiều chỉ trích, phê bình lên án, là một vấn đề mà sau này, những người có chính danh và tư cách viết sử về tân nhạc Việt sẽ đề cập, và đó là thuộc phạm vi thời gian.

Thái độ sống, và chọn lựa cung cách sống của ông Phạm Duy không làm tổn hại đến người khác. Ông Phạm Duy không nhân danh ai hết, vì ông đã tự nhận rằng, ông ta chỉ là một tên hát rong của thế kỷ. Khác biệt với người khác, những người bước vào thế giới chữ nghĩa văn chương, không hiểu sao một thời gian cứ thích tự nhận cho mình danh hiệu làm văn hoá để làm gì? Ví dụ như có kẻ làm thương mại qua lãnh vực băng nhạc, làm đại nhạc hội, hay làm tạp chí báo biếu, làm nhà xuất bản sách rồi cứ tự cho mình là bảo tồn văn hoá! Dù rằng họ chẳng hiểu cái văn hoá đang rêu rao “bảo tồn” là cái gì? Và nhìn quanh đâu có ai rình rập để cướp giật cái văn hoá mà phải lo bảo vệ?

Những nhà thơ, nhà văn, nhà báo làm dáng (tôi không nói đến những vị chân chính, có lòng) cứ khoác áo “trách nhiệm” vì tổ quốc, vì xã hội, vì giống nòi để làm gì nhỉ? Người làm văn nghệ, văn hoá thiện tâm, thiện ý do bởi tài năng của họ thể hiện qua sáng tác được nhiều người đồng cảm, qua các tác phẩm có tính cống hiến, ở chỗ cho đi mà không hề quan tâm đến sự nhận lại. Đó mới là người cầm bút chân chính. Ngoài ra, những kẻ luôn rình rập thời cơ để tự đánh bóng mình, chẳng qua là ngọn cỏ, ngọn lau nằm rạp đưới đáy bùn trong cơn thuỷ triều, bây giờ nước rút, lau sậy loe hoe dựng đầu ngóc dậy.

Cái chết nhạc sĩ Phạm Duy là một cái chết bình thường của kiếp người qua sinh, bệnh, lão, tử. Nhưng cuộc sống của ông mới đáng nói, là ông đã để lại cả một di sản đồ sộ về âm nhạc qua số lượng cũng như tính chất, và các ca khúc này đã hát đến 3 thế hệ. Ngày nay, hay ngàn sau khi nói đến Truyện Kiều ta nhớ Đại Thi Hào Nguyễn Du, nói đến tân nhạc ta sẽ phải nhớ đến Đại Nhạc Sĩ Phạm Duy.

Có nhiều bài viết đã nói đến tư cách và con người của ông Phạm Duy, tôi không cần phải nhắc lại. Vì tôi không phải là kẻ phán xét soi mói về đời tư của người khác. Chỉ có một điều là khi con người danh lớn thì hoạ lớn như lời Phật dạy. Hoặc là: “hơn người là một cái tội”. Ông Phạm Duy cũng không thể thoát ra điều mà Đức Phật đã dạy.

Nhạc sĩ, nhất là làm nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam là sinh lầm thế kỷ, nhìn tấm gương của nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bây giờ là nhạc sĩ Phạm Duy ta quá biết, chỉ vì một đất nước điêu đứng lầm than và qua chiến tranh, qua ý thức hệ, qua chủ nghĩa… và xã hội Việt Nam đã sản sinh ra các loại người “vàng thau lẫn lộn” “lộng giả thành chân” nơi một số ngòi bút đầy nhỏ nhen tị hiềm và ác cảm. Tài năng của họ như cái móng tay, đầu óc họ bé như con ruồi, nhưng họ vẫn muốn làm đại thi hào, đại nhạc sĩ bằng cách chà đạp người khác, kể cả khi người ta chết, chỉ vì họ muốn hơn người.

Một nhà báo Pháp phỏng vấn đại tài tử Pháp là Alain Delon “Ông có cảm nghĩ gì về tư cách của John McEnroe, khi anh ta hỗn láo với trọng tài”. Alian Delon đã trả lời rất hay là“Tôi không có thói quen phê bình người khác, nhưng tôi nghĩ rằng, John McEnroe là một thiên tài quần vợt, anh ta có quyền kiêu hãnh làm điều đó. Tôi chỉ ngại rằng chỉ những kẻ không có tài năng thực sự, mà kiêu ngạo hống hách mới đáng chê trách”.

Nếu qua câu nói này với cách suy nghĩ của người Tây Phương, thì một người có trên 1,000 ca khúc nổi tiếng, cũng xứng đáng có quyền phát biểu linh tinh mà không ngại phiền lòng người nghe.

Cách đây không lâu, báo chí trong nước đã đăng bản tin như sau:

“Một gã đàn ông đã vào nghĩa địa và đào một xác chết từ dưới mộ lên để cưỡng hiếp. Nghe nói động cơ là muốn trả thù đối với gia đình của xác chết nữ này.”

Tôi cho rằng, hành động lăng mạ người chết, bất chấp sự đau khổ của thân nhân người quá cố đang hứng chịu hai cái đại tang là Duy Quang và Phạm Duy, có khác gì gã đàn ông cưỡng bức xác chết để trả thù.

Sẽ không một ai dám giao du làm bạn với kẻ cưỡng hiếp!

Sẽ không một ai trong xã hội văn minh tiến bộ này, lại có thể nhẫn tâm bắn một phát đạn vào một xác hết lần thứ hai.

Châu Đình An

Để bạn đọc biết rõ câu chuyện, đây là link vào bài viết của Nguyễn Hữu Nghĩa

Nhận xét về bài “Nguyễn Hữu Nghĩa viết về Phạm Duy”

Bài của Nguyễn Hữu Nghĩa

Nguyễn Hữu Nghĩa viết về Phạm Duy

Khi Trịnh Công Sơn chết, tôi không viết chữ nào. Không viết, vì không có gì để viết thêm.

Khi các anh Giang Châu, Trầm Tử Thiêng rồi Ngô Mạnh Thu qua đời, tôi chưa viết được gì vì nghĩ rằng, một vài đoạn hay một bài viết ngắn không đủ để nói về họ, với những gì họ đã đóng góp cho văn học nghệ thuật, bên cạnh những kỷ niệm, ơn nghĩa, tình riêng.

Khi anh Nguyễn Đức Quang từ trần, tôi viết, vì anh gần tôi hơn, cả về tuổi tác lẫn sinh hoạt, và có với nhau những kỷ niệm ngộ nghĩnh.

Phạm Duy, thì sao?

Dĩ nhiên là không vui, nhưng cũng không buồn, chỉ bâng khuâng. Bâng khuâng, không vì sự vô thường của đời sống, vì anh năm nay 93 tuổi ta, chết như vậy là bình thường, tính theo tuổi thọ trung bình, còn dư được cả chục năm. Bâng khuâng, không vì sự thay đổi của đời người mà vì sự thay đổi của con người: con người của anh.

Lớn lên là thanh niên trong thời loạn, anh vào khu kháng chiến. Đẹp lắm! Anh gọi đó là giai đoạn của lãng mạn cách mạng, vừa trả nợ non song,, vừa được sống một cuộc sống cả phiêu lưu lẫn hào hùng theo lý tưởng của tuổi thanh xuân thời đó.

Rồi anh bỏ kháng chiến, về thành. Cũng vẫn đẹp. Anh đi theo tiếng gọi của lòng mình, khi con tim nhỏ không còn ôm ấp hoài bão lớn, mà nó rung động theo những nhịp đập của tự nhiên.

Chỉ trong một đêm, anh viết lại lời mới cho những bài hát cũ. Từ “Việt nam! Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” thành “Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu”, cũng vẫn hay. Anh nhìn thấy cái đẹp mới, cái đẹp hơn, thì anh theo. Không ai bắt anh ôm ấp mãi những cái đối với anh không còn đẹp nữa. Có chăng, là một sự ngạc nhiên của bạn bè, như Văn Cao, bật thốt lên: “Cái thằng, nó nhanh thật!”

Anh gia nhập hàng ngũ quốc gia. Anh viết trường ca Con đường cái quan, trường ca Mẹ Việt Nam, anh viết tâm ca “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”, anh viết tục ca “Cầm c. cho nó đái”, anh viết “Đạo ca”, anh viết “Huyền sử ca một người mang tên Quốc”, anh viết cả nhạc phản chiến “Kỷ vật cho em”, anh viết bình ca, rồi sau 1975, anh viết “Tháng tư đen”, viết anh hùng ca “Võ Đại Tôn”, anh phổ nhạc ngục ca “sẽ có một ngày, con người hôm nay, vứt cùm vứt Đảng”...; rồi đột nhiên anh về Việt Nam, xoay ngang vòng nạng oan khiên…

Tôi không có nhiều kỷ niệm với anh.

Biết anh vào khoảng 1963, đi hát chung với anh dăm ba lần trên sân khấu, CPS, trường Quốc Gia Âm Nhạc, du ca,.. Tôi đến nhà thăm anh mươi, mười lăm lần gì đó ở Phú Nhuận, lần đầu tiên với các anh Đỗ Quý Toàn và Đỗ Ngọc Yến. Anh bảo tất cả chúng tôi gọi anh bằng “anh”, đối xử với nhau như bạn vong niên. Anh uống trà bằng bình, hút từ vòi như người thiểu số uống rượu cần, uống xong xoay vòi qua mời khách, rồi lại uống tiếp. Anh mua bắp vườn mới nấu để đãi. Anh dùng xe gắn máy chở tôi đi ăn kem Broda ở góc Tự Do và Nguyễn Thiếp.

Khi tôi còn nhỏ, anh khuyên tôi ba điều. Một là bỏ học đi hát. Anh bảo: “Càng học càng ngu, cái học làm cho mình bị gò bó, sáng tác không hay. Bỏ học, đi hát với thằng Duy Quang kiếm tiền sướng hơn.” Tôi không nghe anh, vì tôi không mê hát, không ham tiền và tôi không cho rằng “càng học càng ngu”, mà hiểu rằng càng học càng biết là mình ngu thì đúng hơn.

Điều thứ hai anh khuyên tôi là đàn ông yêu vợ, phải biết nói dối vợ. Anh nêu thí dụ là ông Tạ Tỵ viết sách, khai hết tất cả các mối tình lớn, tình con của anh. Sách anh để ngay trên kệ. “Bà Hằng đọc mà không biết gì hết”, anh nói. Vì Thái Hằng bận chăm sóc cho cả một bầy con, chị không thể đọc một lèo từ đầu đến cuối, mà mỗi ngày chỉ đọc được vài trang rồi làm dấu để đó. Mỗi ngày, anh theo dõi xem chị đọc tới đâu; khi chị sắp đọc tới chỗ “gay cấn”, anh dời cái dấu qua khỏi các trang nguy hiểm, thế là êm hết mọi bề. Anh còn đưa thêm bằng chứng, là “có lần bà Hằng bắt gặp anh đang nằm trên bụng con T. mà anh còn cãi được, anh bảo nó đau bụng đau bão, nên anh phải giúp nó.” Tôi không tin là “bà Hằng” khờ tới mức đó; chị chỉ cần một lời giải thích để bỏ qua, thế thôi. Anh thường ca tụng Thái Hằng là “nữ thánh”, chắc vì lẽ đó.

Điều thứ ba anh khuyên, hợp với sự giáo huấn của bà tôi và hợp với tâm tạng của tôi, nên tôi theo: “Đừng bao giờ tin người cộng sản, vì người cộng sản hễ nói là dối.” Tiếc là cuối đời, anh đã không làm được điều mà anh đã khuyên tôi lúc tôi hãy còn là một thiếu niên!

Anh có thói nói tục và chửi tục. Ghét ai, anh bảo ngay nó là “thằng mặt l.” Tôi thật tình không hiểu tại sao người ta lại đem cái chỗ chúa dấu, vua yêu, ông nào cũng thích vào trong câu chửi, kể cả Việt Nam lẫn Ăng-lê!

Có lần tôi cùng với Nguyên Hương tới nhà anh ở đường Chi Lăng. Anh đang bận phôn trên lầu, chúng tôi ngồi chơi dưới cầu thang, Duy Minh lúc đó mới 7, 8 tuổi gì đó, tò mò chạy tới làm quen với cô. Thấy cậu bé hay hay, Nguyên Hương tinh nghịch hỏi: “Bố có đánh không?” Minh cười, lắc đầu. Lại hỏi: “Thế bố có chửi không?” Cậu nhỏ gật đầu rất quả quyết. Hỏi tiếp: “Bố chửi thế nào?” Cậu nhỏ đáp ngay: – “Bố chửi địt mẹ.” Chúng tôi nhìn nhau tủm tỉm cười. Các cụ mình ngày xưa bảo “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” quả là hay. Trẻ con không biết nói dối…

Tôi viết chung với anh bài hát “Màu dân chủ” phổ thơ Quách Thoại. Đúng ra là tôi viết, anh sửa rồi ký tên chung. Bài này yểu tử. Tôi vượt biển, không còn gì, chỉ nhớ trong đầu; hỏi anh, anh bảo còn giữ. Anh chưa lục ra và tôi cũng chưa chép ra.

Ra hải ngoại lại hát chung với anh vài lần, nhất là khi anh vừa soạn xong các bài “ngục ca” và không còn sức để hát cho hay! Buổi sinh hoạt ấm cúng nhất có lẽ tại “Hầm Lú” ở Montreal, lần đầu tiên tôi phải nhìn vào bản thảo và hát ngay, không kịp tập dượt gì cả, may mà diễn tả được ý anh và ý tác giả các bài thơ.

Rồi anh phổ nhạc một bài thơ tình mà tôi ký tên Cung Vũ, “Từ dạo ta buồn”. Bài này cũng yểu tử. Tôi quả không có duyên với anh. Bài hát vẫn còn nằm trong tập thơ “Cỏ biếc” và trên website của Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong. Tôi còn giữ audio file do chính anh tự đệm đàn và hát. Tôi chưa nghe lại, nhưng vẫn mường tượng tiếng đàn, tiếng hát của anh và bâng khuâng, vì dù anh đi đâu, về đâu, còn sống hay đã chết, nó vẫn là những dấu chân còn in vết trên một đoạn đường chung.

Tôi tiếc cho anh, nhưng nói cho thật đúng, là tiếc cho chính mình. Giá chỉ nhớ toàn kỷ niệm đẹp thì lòng mình nhẹ nhõm biết bao!

Anh có nhiều khuyết điểm mà tôi không muốn nhớ hết, nhưng bất cứ lỗi lầm nào, kể cả sát nhân, bản án có định mức, dù là án tử hình. Người ta chỉ có thể giết phạm nhân một lần; nhưng một khi liên can tới phạm vi chính trị, lập trường, thì sự kết án kéo dài vô hạn.

Với tôi, Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy đã chết từ lâu, từ lúc họ tự giẫm lên phẩm cách của chính mình. Nhưng với một nghệ sĩ, khi tác giả chết, cái còn lại là tác phẩm, hay hoặc dở, đỏ hay vàng, bất tử hay yểu tử, mỗi tác phẩm tự nó có một bản sắc, một sinh mệnh, những lời bàn nhắm vào tác giả — nói trắng ra là tư cách của tác giả — có thể làm thay đổi mức độ tiếp nhận tác phẩm, nhưng không làm thay đổi giá trị của tác phẩm. Rồi tôi lại nghĩ, có lẽ phải mất một thời gian khá lâu, có khi tới một hay hai thế hệ sau nữa, người ta mới có thể tách rời tác phẩm ra khỏi những dấu vết lấm lem của tác giả. Đó là lớp quần chúng không trực tiếp chịu ảnh hưởng những hệ lụy chính trị của thời đại này.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.