Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông

Kỳ 1: Mấy Dặm Sơn Khê

-1960: Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh.

Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một trong hai nhạc sĩ tôi yêu mến. Một nhạc sĩ thì là vì nhạc phẩm tình ca quê hương và cả tình ca đôi lứa của ông. Còn Nguyễn Văn Đông là vì nhạc phẩm về lính. Cả hai đều đã giã từ cuộc chơi. Hôm nay Việt Nam giã biệt ông. Ông được đưa hỏa táng va sau đó rải biển cả.

Trong cuộc đời của hai người nhạc sĩ này, có lẽ Hoàng Lan Chi có một vị trí rất đặc biệt. Cả hai nhạc sĩ tài danh này không hiếm phụ nữ đẹp đi qua cuộc đời họ nhưng có lẽ hầu hết là học trò thơ ngây, hoặc ca sĩ, hoặc nghệ sĩ. Dường như Hoàng Lan Chi là người phụ nữ mà hai ông biết rất muộn và thuộc một lãnh vực khác hẳn các phụ nữ kia: lãnh vực giáo dục, “gõ đầu trẻ” (trẻ là sinh viên) nghĩa là một hình ảnh nghiêm khắc, nề nếp, khác hẳn các nghệ sĩ. Có lẽ vậy mà cả hai nhạc sĩ khi viết mail cho HLC đều có những tôn trọng đặc biệt.

Phạm Duy sáng tác nhạc rất đa dạng nhưng tựu trung vẫn là giòng nhạc cao cấp. Nguyễn Văn Đông cũng đa dạng nhưng có những khuynh hướng trái hẳn nhau: tân và cổ nhạc; nhạc cao cấp và bolero. Vì lẽ đó Nguyễn Văn Đông phải sử dụng nhiều bút hiệu khác nhau tùy mục đích. Tôi mỉm cười khi nhớ về mình. Thì cá nhân tôi cũng phải dùng nhiều bút hiệu: Văn Học Nghệ Thuật, thời sự, tranh luận ngắn…Nguyễn Văn Đông từng giãi bày về vụ phải dùng nhiều bút hiệu như sau “ . Trước năm 1975, anh Đông có lấy một lô bút danh như Vì Dân, Đông Phương Tử, Phượng Linh, Phương Hà, Hoàng Long Nguyên, khai hết ra đây cho cô biết luôn. Lý do chuyện này buồn lắm, quân đội thì cấm đoán, giới văn nghệ thì không ưa, nên anh Đông phải phân tán ra nhiều tên, không tập trung vào một cái tên NVĐ. Anh Đông không ở trong Tổng Cục Tâm Lý Chiến, hoạt động đơn độc nên thiếu sự chính danh để được bảo vệ và vây cánh tung hê. Có lần TT Thiệu quở mắng, phán có nhiều thơ tố cáo lợi dụng văn nghệ ăn chơi trác táng làm hại uy tín quân đội. Khi ông Tổng Tư Lệnh Quân Đội phán quyết như vậy thì coi như đường binh nghiệp tàn rồi. Sau năm 1975 ở lại trong nước, tác phẩm cũng không được hoan nghênh, ca sĩ nào lỡ hát thì bị kiểm điểm phạt. Lại phải xoay trở có thêm bút danh nữa viết về Saigòn và linh tinh có gởi cho cô nghe. Nhớ lại Du Tử Lê viết, NVĐ đứng chông chênh giữa hai đầu tả và hữu….nhận xét thật thâm thuý. Ngưng trích)

Tôi có nhiều kỷ niệm với Nguyễn Văn Đông hơn Phạm Duy. Đơn giản là khi tôi ra hải ngoại thì chỉ năm sau là PD về VN và tình bạn giữa PD-tôi đứt từ đó. Nguyễn Văn Đông thì không vậy. Từ khi quen cho đến khi anh ra đi, tôi chưa gặp bao giờ và Nguyễn Văn Đông vẫn ở VN.

Tôi quen Nguyễn Văn Đông cũng như khi tôi quen các người khác vì tôi định phỏng vấn họ cho chương trình âm nhạc của mình. Tôi đã từng “quen” như vậy với Tùng Giang, Nam Lộc, Trường Sa, Vũ Đức Nghiêm và một số nhạc sĩ trẻ hay không trẻ nhưng mới sáng tác sau 1975…Tuy vậy, với Nguyễn Văn Đông thì sau đó hình thành một tình bạn đặc biệt. Lý do: Nguyễn Văn Đông là một trong hai nhạc sĩ lớn mà tôi yêu mến nhạc phẩm nhất. Nguyễn Văn Đông đọc bài tôi viết và theo dõi con đường nghệ thuật của tôi.

TÂM TÌNH VỀ “MẤY DẶM SƠN KHÊ” ( MỘT TRONG HAI BÀI BỊ BỘ THÔNG TIN CẤM)

MDSK là một trong vài nhạc phẩm hay nhất của Nguyễn Văn Đông. Một nhạc phẩm lính với bi chen lẫn hùng. Không thề phanh thây uống máu quân thù và cũng chẳng ướt át nỉ non kiểu Trần Thiện Thanh. Nó đặc biệt hùng vĩ ( non nước ơi hồn thiêng của núi sông), nó đặc biệt hào hùng (dấn thân vào gió bụi, nghìn sau nối nghìn xưa). Thế nhưng vì vài câu mà MDSB đã từng bị Bộ Thông Tín cấm.

Nguyễn Văn Đông tâm tình như sau khi nhà báo Phạm Kim, vào 2014, nhờ tôi làm trung gian, hỏi xin phép Nguyễn Văn Đông để thực hiện và phổ biến ở Amazon. Trước đó, Nguyễn Văn Đông đã nói cho tôi nghe rồi nhưng khi P-Kim hỏi, anh gõ lại tận tình:

From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Tue, Jan 28, 2014 9:20 am
Subject: Re: Xin anh Đông cho lời dẫn giải để có bài viết về :MẤY DẶM SƠN KHÊ –

Chào anh Phạm Kim,

Cám ơn anh quan tâm bản Mấy Dặm Sơn Khê. Theo yêu cầu của anh, tôi ghi lại một số tài liệu sau đây:

1/ Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh vào năm 1960. Trần văn Trạch sử dụng chất giọng đặc Nam bộ, pha luyến láy làn điệu “Bình Bán” cổ phương Nam, nghe rất duyên dáng (Đính kèm MP3 – Trần văn Trạch và Lệ Thanh). Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam, một tổ chức văn nghệ quy mô vào thời đó do bà cố vấn Ngô Đình Nhu chủ toạ, diễn ra suốt 10 đêm tại rạp hát Hưng Đạo, Thủ đô Saigòn. Tôi nhớ khi ấy tác giả cùng Thái Thanh song ca thì nhạc sĩ Lê Thương đánh nhịp Ban nhạc Đại hoà tấu, còn nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi ngồi đàn dương cầm dạo Prélude (Đính kèm MP3 – Thái Thanh). Sau đó một số nghệ sĩ như Hà Thanh, Hùng Cường, Tuyết Mai trình bày MDSK cũng rất thành công. Thời gian sau, vào tháng 11/1961, Bộ Thông Tin ra thông báo cấm lưu hành và trình diển 2 bài Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dặm Sơn Khê trên toàn quốc.

2/ Lý do lệnh cấm Mấy Dặm Sơn Khê vì ấn phẩm đầu tiên có lời ca mà Bộ cho là không thuận lợi cho cuộc chiến. Đó là những phân câu sau đây: “ Chít lên vành tang trắng”

Xin giải thích dụng ý câu “ Chít lên lên vành tang trắng” là chít lên vành khăn tang trắng lên người goá phụ có chồng là tử sĩ, không nhằm gợi ý trừu tượng hay ẩn dụ về “Sương trắng phủ ngang mấy dặm sơn khê” như anh đặt câu hỏi. Thời gian sau, tôi có chỉnh sửa, đặt lại lời 2 theo yêu cầu của Nhà Xuất Bản như sau: “Khoác lên vòng hoa trắng”.(Ý nói đoàn binh khoác vòng hoa chiến thắng thay vì chít khăn tang trắng lên người goá phụ tử sĩ).

3/ Bản Music sheet MDSK lần này được chụp hình lại và Scan bằng máy thật tốt nên có chất lượng trội hơn bản trước gởi anh (Đính kèm music sheet MDSK).

4/ Trong binh nghiệp, tác giả MDSK phần lớn thời gian phục vụ ở các đơn vị tác chiến, xuyên dọc qua các vùng chiến thuật, có cả vùng thượng du rừng núi Bắc Việt năm 1954, đi gần hết chiều dài cuộc chiến. Vì vậy, Mấy Dặm Sơn Khê có thể là phản ánh vùng núi rừng cao nguyên miền Trung hay Thất Sơn miền tây Nam Bộ mà tác giả đã từng sống và chiến đấu ở các nơi đó. Mong anh hài lòng với giải đáp này. Đính kèm 6 files.

Trước đó thì Nguyễn Văn Đông viết cho tôi như sau:

Nhân đây kể cô nghe vài tình tiết về bài Mấy Dặm Sơn Khê. Trần văn Trạch và Lệ Thanh là người đầu tiên thu âm bài này năm 1960, ghi ra diã 45 tours. Năm 1961, Bộ Thông Tin ra lệnh cấm 2 bài CMBG và MDSK, khi ấy hầu hết các báo Saigòn đăng tin ở trang nhất, gây dư luận sôi nổi. Quân đội phạt tác giả 15 ngày trọng cấm, loại ra ngoài danh sách thăng cấp trong 2 năm. Lý do tác giả là quân nhân không tuân thủ lệnh trình duyệt qua hệ thống quân đội. Dù trước đó, bà Ngô Đình Nhu đại diện Tổng Thống VNCH trao giải thưỏng âm nhạc cho đương sự do tổ chức thành công “Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Toàn Quốc” vào năm 1959 tại Saigòn. Thời gian sau khi dư luận lắng xuống, anh Đông có sửa lời ca bài MDSK, tài liệu có đính kèm theo đây. Bài MDSK có nhiều ca sĩ trình bày nhưng anh Đông chỉ ưng ý Hà Thanh, Thái Thanh, Hùng Cường, Trần văn Trạch và Lệ Thanh. Sau năm 1975, anh bị tịch thu tài sản, mất hết kho tài liệu âm nhạc trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi truỵ. Thời gian gần đây có thân hữu gởi cho anh Đông cái file Mp3- MDSK do Trần văn Trạch và Lệ Thanh ca mà từ lâu biệt tích trong nhân gian và trên mạng. Giọng ca Trần văn Trạch trong MDSK thật duyên dáng, khi áp dụng làn điệu miền Nam qua luyến lái hơi “Bình Bán” cổ xưa vào bài này với Ban đại hoà tấu do Nghiêm Phú Phi điều khiển. Anh Đông gởi cô nghe cái hay lạ Trần văn Trạch, khác biệt với các ca sĩ khác. Còn các bài do Hà Thanh, Thái Thanh, Hùng Cường thì có đầy rẩy trên mạng rồi. Vài hàng thăm cô và chúc cô dồi dào sức khoẻ, học giỏi toàn thời gian.

Trần văn Trạch và Lệ Thanh hát:

http://nhacdanca.net/may-dam-son-khe.html

Hùng Cường hát: (trước 75)

https://www.youtube.com/watch?v=n5ax7l5Feok

Hà Thanh hát:

https://youtu.be/VKPi95z7yJc

Thái Thanh hát:
https://youtu.be/ZaIzMBf_UuM

Sau đó Phạm Kim đưa mp3, Xuân Thanh hát, hỏi ý kiến. Tôi chuyển vài người và anh Đông ở bcc. Tôi góp ý. (Tóm lại ca sĩ cần để tự nhiên hơn, thủ thỉ hơn, không điệu quá, không rung quá. Vài chỗ ca sĩ chịu khó luyến láy: khá.). Ý kiến của ca sĩ Phượng Vũ: (Hòa âm và mix vocal hơi bị DRY nên làm bài nhạc bớt hay)

Anh Đông là người rất khéo léo. Không bao giờ muốn làm ai buồn lòng. Chính vì thế tôi cũng bị mắc hỡm anh vài lần. Nói vậy có nghĩa là …Đông đóng kịch rất giỏi (cười). Ai đời ban đầu Đông viết vầy cho tôi: “nhận quà của cô rồi. Chị Thu không cho ăn, bảo để ngắm đã”. “Con bé tồ” là tôi tưởng thật. Sau đó thì Nguyễn Văn Đông viết vầy ở thư khác “Sáng nay về nhà thấy Email của cô và Đỗ Văn Phúc, phát hoảng vì sắp có nhiều quà quá. Đến 5 kilos bánh kẹo ăn biết đến chừng nào cho hết để khỏi phụ lòng nhau. Rồi lại nghỉ thương anh Tường, bạn cô phải mang nặng vì nể cô, tội nghiệp quá đi. Cô ơi là cô ơi. Đến phút này thì phải nói thật với nhau thôi. Nhà anh Đông là cửa hàng bán tạp hoá, bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, còn dám treo bảng hiệu ghi tiếng Mỹ là Store Glocery, khách ngoại quốc thích lắm. Các bàn thờ ông Địa và bàn thờ Phật luôn đầy ấp bánh kẹo ngoại và bổn xứ. Một lần mời đồng cốt lên hỏi han, các ngài tuyên bố ngán kẹo bánh lắm rồi, đãi cho ta trái cây thôi.” Ngưng trích.

Vì khéo vậy nên khi tôi góp ý thẳng thừng cho mp3 của Kim khi mới thử thực hiện còn ông Đông thì …lăng ba vi bộ. (cười). Lúc tôi mail riêng trách ông “lăng ba” thì ông trả lời vầy “Em à, Phạm Kim ra kinh doanh nhạc, Kim không là nhạc sĩ trong nghề, hẳn là có một bộ sậu đẳng cấp làm cố vấn nghệ thuật, kỷ thuật. Điều này cho thấy Kim tự tin rao hàng ngay từ phút đầu khi giao dịch với em về bài MDSK. Rõ ràng bài PK thực hiện có nhiều điểm yếu về kỷ thuật hòa âm phối khí cùng sự non kém của ca sĩ nếu đem so sánh với các phiên bản trước đây qua nữa thế kỷ. Những nhận xét tinh tế của em không thừa nhưng anh lại không muốn gây cho Kim mất hứng thú, mất khí thế đối với chúng ta. Anh từng ở trong nghề, thích lắng nghe phản hồi về sản phẩm mới của mình, hả hê biết mấy nếu lời có cánh. Ở đây cũng chỉ là bài hát thôi dù có liệt vào loại thượng thặng đi nữa, anh cũng không muốn phê phán chi nhiều làm cho đối tác mất đi hứng khởi ban đầu. Bởi bất cứ lúc nào anh cũng có đủ lực thể thực hiện được ngay một phiên bản mới theo tiêu chuẩn của em, bù đấp lại. Vì vậy em đừng ngạc nhiên khi thư anh có tình ý khuyến khích, tôn trọng gởi cho P-Kim. Em chia sẻ với anh nha. Anh Đông.

Đấy, Nguyễn Văn Đông lúc nào cũng khéo léo như vậy. Sau nữa ông biết có Hoàng Lan Chi nói thẳng rồi thì Phạm Kim sẽ cho sửa lại thôi, ông nói làm chi nữa.

Phạm Kim cũng nói có một bà ở San Jose sẵn lòng làm chương trình nhỏ cho Nguyễn Văn Đông ( không phải chương trình lớn như của Thúy Nga hay Asia). Tôi thì nghĩ ở CA sẽ có Phượng Vũ vì PV đã từng thực hiện chương trình nhạc Nguyễn Văn Đông cách đây nhiều năm do PV hát. Tôi bèn e-mail dụ khị Nguyễn Văn Đông đi Mỹ vì tôi rất muốn được gặp mặt anh một lần. Vậy là anh viết vầy (tôi không sửa lỗi chính tả của Nguyễn Văn Đông): “Em à. Thấy em phát hoạ chương trình nhạc NVĐ, tổ chức show ở khắp các thành phố lớn nước Mỹ, anh nghe thích quá. Từ lâu rồi, anh cũng mong có một chuyến đi văn nghệ như vậy, vừa du lịch vừa gặp lại bạn bè. Riêng trường hợp của anh thật đặc biệt, chưa kể hết em nghe, nó không giống bất cứ hoàn cảnh nào của những người chế độ cũ đi cãi tạo vể. Anh là người duy nhất bị tách ra từ trại cải tạo, đưa về giam giử ở khám lớn Chí Hoà, giam chung với các Linh mục lảnh đạo tinh thần, Thượng toạ Viện Hoá Đạo và Bộ trưởng thông tin chiêu hồi Hồ văn Châm, gần suốt 10 năm. Lý do là có uy tín lảnh đạo, lôi cuốn quần chúng chống đối. Rồi khi mãn tù về đời thường, 28 năm qua, anh từ chối tham gia vào đời sống mới, không gia nhập Hội nhạc sĩ VN, không vào Mặt Trận Tổ Quốc, hay phong trào trí thức Phường xóm nên ngầm bị xếp vào phần tử có thái độ không thiện chí. Mấy năm trước đây, khi Thuý Nga PBN mời sang, lảnh đạo văn hoá có huấn dụ “Những gì nên làm và không được làm”. Anh thấy có nhiều bất lợi, nhiêu khê nên huỷ bỏ chuyến đi. Khi Phạm Duy về nước, anh cũng từ chối tham gia vào các sinh hoạt văn nghệ của ông ta, khiến các nhà tổ chức cũng không thích anh cho là kiêu. Các buổi lễ lớn trong nước, họ muốn anh lên truyền hình phát biểu nhà nước không phân biệt đối xữ, luôn luôn tạo điều kiện cho người chế độ cũ sống hoà nhập cộng đồng , nhưng suốt thời gian qua do anh hay đau ốm luôn nên không có dịp làm vui lòng Nhà nước.Nên họ nói gần nói xa, không có sức khoẻ lên truyền hình Nhà nước mà lên truyền hình Show văn nghệ ở ngoại quốc như Thuý Nga, Asia thì là loại người lạc lỏng. Việc Thanh Tuyền bị cấm về VN hát, cùng một số khác hát cho Asia khi trở về nước bị phạt tiền và cấm hát một thời gian dài, là hình thức cảnh báo răn đe. Anh chị em này là loại lòng tông, còn đối với loại cá mập thì có những biện pháp nặng khác hơn. Dù sao anh vẫn chưa mất đi hy vọng, tìm cho mình một giải pháp ổn thoả. Anh có thể chọn cách đi du lịch và đứng sau các tổ chức văn nghệ góp ý cho họ. Đầu năm nay, ông Tô văn Lai có nhắc lại chuyện xưa, anh có hứa dành ưu tiên cho Thuý Nga khi thiên thời địa lợi. Lòng anh đã quyết, nhất định anh phải đi gặp em ở Virginia, nối tiếp “Chuyện Bâng Khuâng” về rừng thông lá đỏ.

PS: Em à, Nếu có ai muốn tổ chức chương trình nhạc NVĐ ( không có anh), anh Phạm Kim hay bà gì đó , em thay mặt anh nhận đi. Anh sẽ cung cấp cho em phần Scenario và thuyết minh, và điều Giao Linh sang nếu cần. Anh uỷ quyền em đại diện quyền lợi cho anh, anh không quan tâm tiền bạc, nếu có em giử đó, chờ anh sang cùng đi ăn kem, nhiều thì ăn cao lầu. Anh Đông.

Đọc giòng cuối, tôi không thích. Trả lời Nguyễn Văn Đông, tôi “ép” ông như sau “…Dài dòng vậy để anh hiểu: em không làm show Nguyễn Văn Đông nào hết như anh đề nghị . Một show chỉ có giá trị khi có tác giả hiện diện. Một show như vậy sẽ được lưu trữ làm tài liệu lịch sử. Em chú trọng đến khía cạnh lịch sử, not thương mại. Giao Linh hay Thanh Tuyền, cũng bị mất cảm tình của hải ngoại. Nhưng vì anh là người lancer họ, và họ sẽ hát nhạc anh. Vậy thôi. Nếu show có anh hiện diện, Hoàng Oanh, vẫn được cảm tình hải ngoại, chắc sẵn sàng hát “Lá Thư Người Lính Chiến” của anh, rất hay. Nhiều ca sĩ khá, có lẽ cũng sẵn sàng tham gia vì họ cũng từng hát nhạc anh, và có lẽ cũng từng quý mến anh. Tình trạng anh bị kẹt, suýt chết trong lao tù cs, có lẽ sẽ khiến nhiều ca sĩ sẵn lòng đến với chương trình và chỉ tính chi phí di chuyển. Em không ưa Khánh Ly nhưng có vẻ KL ngày ấy cũng hát một số nhạc của anh, khá hay. Em sẽ đề nghị bầu show mời Khánh Ly, chỉ hát một bài, với điều kiện chị ta không được đòi cát sê quá đáng. Nghe nói bà này hay hét giá trên trời. Nếu KL hét, em đề nghị dẹp KL. Sở dĩ em đề nghị KL vì coi như KL là một trong những người được anh làm CD cho đầu tiên (dường như Sơn ca số mấy gì đó, phải không?). Nghĩa là KL, chỉ xuất hiện, với tư cách lịch sử. Rằng mấy chục năm về trước, Nguyễn Văn Đông đã tung mode CD cho từng ca sĩ và KL là một trong vài ca sĩ thời đó…

Về điều anh e ngại: Thời điểm mỗi lúc mỗi khác. 2013, làn sóng dân chủ dấy lên toàn cầu. Nhà cầm quyền trong nước đang lo sốt vó. Vì nhiều thứ. Họ, không còn khe khắt như năm xưa. Bao nhiêu nhà đấu tranh dân chủ (thật hay giả..) đang mạnh mẽ. Internet khiến nhà cầm quyền cs không độc tài 100% được như xưa. Sau nữa, con chim cất tiếng hót cuối cùng là tiếng hót hùng tráng bi thương. Em đã thấy ông Nguyễn Văn Tý chửi Vc công khai cách đây 5 năm trên Thuý Nga hay Asia gì đó và có sao đâu? Em hoàn toàn không thích và không đồng ý một show nhạc Nguyễn Văn Đông nào mà không có anh hiện diện. (Nếu như anh cho em toàn quyền sở hữu nhạc anh thì em nói vậy đó!!!!!). Sau này, người chính thức nhận tác quyền (nếu có) từ nhạc anh thì là chị Thu. Chị là người yêu anh chân tình. Chị là người nuôi anh trong tù. Chị là người cứu sống anh khi anh trở về thoi thóp. Em nghĩ, chị là người đem lại cuộc đời thứ hai cho anh. Cho nên, nếu giữ tác quyền, em chỉ dành cái tinh thần và về vật chất, chị Thu là người xứng đáng và hợp pháp. Em rất thương chị. Em yêu mến nhạc anh, tiếng hát Hà Thanh là vì em yêu nước. Do lòng yêu nước nên em dễ xúc động trước những bản nhạc hùng tráng và vẽ lên hình tượng người lính đẹp theo kiểu của em. Em không thích hình tượng người lính của vài tác giả khác. Em thích người lính “hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thế, giành lấy quê hương” của anh. Ngày xưa, như trong tạp ghi từng viết, em yêu nhạc hay tiếng hát và không chú ý tác giả. Về già, em mới chú ý đến tác giả. Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông là hai người em yêu mến nhất về nhạc. Một cho tình ca quê hương và một cho người lính bảo vệ quê hương. Cũng may mắn mà Phạm Duy làm quen em rồi chú cháu tâm tình…Cũng may mắn mà em phỏng vấn thu âm anh. Cũng may mắn mà em và Hà Thanh gặp nhau. Trong duyên tình văn nghệ, với một “cô bé Bắc Kỳ chín nút ngày xưa cắm cúi học” và cha mẹ là nhà giáo, thì mọi chuyện tình cảm lãng mạn vẫn chỉ là kiểu “lãng mạn con nhà giáo”. Hôm nay nghỉ học nên mới gõ dài cho anh. Cali vẫn se lạnh. Chưa vào đông”. ngưng trích.

Nghĩa là tôi ép ông phải đi Mỹ và khi viết “Sau nữa, con chim cất tiếng hót cuối cùng là tiếng hót hùng tráng bi thương” là tôi khích tướng Nguyễn Văn Đông nhưng tôi thất bại vì chị Thu đang có cửa hàng thực phẩm. Nguyễn Văn Đông không dám làm gì ảnh hưởng đến nguồn sống của gia đình.

Còn tiếp

Hoàng Lan Chi


Kỷ Niệm với Nguyễn Văn Đông- Kỳ 1- Mấy Dặm Sơn Khê- March 4, 201 8

3/2018

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.