Ra khỏi nhà!


 Bước chân ra khỏi nhà tôi luôn cố gắng giữ cho mình tươm tất và tề chỉnh. Điều đó thể hiện tư cách mình và cả sự tôn trọng đối với người khác.

Tại sao lại để người khác nhìn thấy những hình ảnh xấu của mình? Đầu bù tóc rối, mắt kèm nhèm, áo quần xốc xếch là điều xốn con mắt. Tôi có một ông cậu, lúc nào cũng có cái lược trong túi. Hễ có gì là ông chải vài nhát ngay. Vì thế khó mà thấy ông với hình ảnh tóc rối.

Tóc rối chỉ đẹp khi một ngày mưa và đợi chờ để rồi nhìn thấy người yêu đứng ngoài ngõ, tóc rối và ướt. Đó là lý do một ngày năm xưa tôi yêu “Mưa trên vùng tóc rối” của Lê Xuân Trường là vậy.

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/MuaTrenVungTocRoi-TuanNgoc.mp3

Một cô bạn tôi rất hay. Ngủ dậy là cái lược ngay đó để chải tóc cho gọn ghẽ. Cô giống tôi một điểm: sau khi rửa mặt, tập thể dục, tắm rửa là trang điểm! Nếu đi làm, kỹ hơn. Ở nhà, ít kỹ hơn. Chỉ vậy thôi. Về phương diện trang điểm của phụ nữ, tôi ủng hộ việc xâm. Xâm mắt, lông mày và môi sẽ rất tiện. Tiện là trang điểm nhanh, tiện tiếp theo là ngay cả khi không trang điểm thì dung nhan không đến nỗi quá nhợt nhạt.

Một cô khác thì giống tôi điểm này: ở nhà vẫn mặc đẹp. Bên Mỹ có cái lợi là dễ mặc đồ đẹp ở nhà. “Đồ đẹp” có nghĩa là đồ có thể đi ngoài đường ngay. Mùa hè với quần short và áo thun đẹp thì bạn vẫn có thể đi chợ mà chả cần thay đồ. Mùa lạnh thì áo len và khăn quàng là đủ đẹp. Chính vì lúc nào cũng “tươm tất” như vậy mà Phan Nhật Namhỏi tôi một lần “Sao lúc nào cũng thấy công nương đẹp hết vậy? Ở nhà cũng trang điểm như vậy à?” Tôi vênh mặt “Chớ sao, chỉ khi nào đi ngủ, công nương mới rửa mặt thôi”.

“Ra khỏi nhà là em luôn giữ gìn mà”. Tôi viết cho một anh bạn như thế khi chia sẻ với anh về một việc. Việc đó là một nick lạ hoắc vào bài “Một nét nữ tính: Bông tai” của tôi và để “comment”. Anh ta vừa để lại “thankyou” (web này cho phép say thank you mà không cần viết chữ nào), vừa viết vài giòng. Vài giòng của anh ta làm tôi hiểu lầm. Tôi ngỡ là anh ta “cà khịa” và tôi giải thích. Trả lời tiếp cho tôi, anh ta viết “Già là khi so sánh mình với người nhỏ hơn. Già mà còn mignon?”. Tôi bật cười. Cái kiểu viết này cho thấy người viết chắc cũng… già cỡ tôi và thời tôi. Thời tôi thì mới dùng chữ Pháp “ Mignon”. Tôi phàn nàn với anh bạn là viết riêng cho tôi thì được chứ kiểu khen …một bà già như tôi ở public, tôi không thích. Đó là nguyên do tôi viết câu “Ra khỏi nhà là em luôn giữ gìn mà”. (bài viết đó ở đây:  http://thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=14711)

Giữ gìn, không chỉ là bề ngoài của diện mạo mà còn là thái độ tư cách ngôn ngữ. Có lẽ thời trước chúng ta được dạy dỗ như thế. “Đẹp tốt phô ra, xấu xa che lại”. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, đó là những câu tục ngữ mà học sinh thời tôi bị nhồi nhét từ gia đình và cả học đường.

Không được lớn tiếng ở ngoài đường.
Không được cười ha hả ở ngoài đường.
Không được ăn uống nhồm nhoàm ngoài đường.

Đủ mọi thứ “không không”. Điều đó đưa đến vài bài viết khôi hài từ phía các ông. Chẳng hạn bài viết về “Gia đình tôi” của Duy Lam. Duy Lam mô tả một cô ra đường thì yểu điệu thục nữ, ăn nói nhẹ nhàng nhưng ở nhà thì trợn mắt quát em. Một lần, cây si gõ cửa bất ngờ và gặp “thần tượng” của mình đang kèm nhèm với các ống cuộn tóc trên đầu!

Tôi cho rằng đó không phải là “đóng kịch” hay giả dối gì. Ra khỏi nhà khác với ở trong nhà. Còn hơn một số người bây giờ ở nhà hay ngoài đường không khác nhau mấy. Cẩu thả từ diện mạo đến ngôn ngữ. Con nhỏ cháu lúc mười tuổi nó ghẹo bà chị tôi là “Sao thấy bác nói chuyện với khách hàng thì khác”. Ơ, nói với khách hàng thì phải ngọt ngào chứ không làm sao có khách. Nói với chồng con, nhất là khi chồng con lì lợm thì phải hét lên chứ.

Tuy vậy sự tươm tất cũng còn tùy nhiều thứ. Một bà mẹ trẻ với con còn nhỏ sẽ không có thì giờ làm đẹp hay tươm tất như những bà mẹ không có con quá nhỏ. Tương tự thời sống với vc sau 1975 thì làm sao mà tươm tất tử tế được khi cả nước đói kém? Lúc gia đình tan tác, chồng con tù tội, ai còn đủ can đảm để phấn son?

Tôi có bà chị họ bằng tuổi. Bằng tuổi nên suy nghĩ nhiều cái giống nhau. Hai chị em cười hể hả với nhau khi nói rằng “Không đi tu được vì đi tu là không được trang điểm!”. Ông anh rể bảo vậy thì hai cô tự xây chùa cho mình và cho phép ni cô trong chùa được mặc đẹp, được trang điểm.

Bạn thử nghĩ, nếu có một chùa như thế thì chuyện gì sẽ xẩy ra? ( Phật đi di tản luôn?)

Mới vài ngày qua, tôi viết bài về nữ tính của phụ nữ với bông tai và khăn quàng thì ông anh (chắc già chát, già khú đế!) Đàm Trung Phán gửi cho tôi bài “Chân quê” và bảo bao giờ em mặc áo tứ thân thì gửi cho anh coi. Tôi trả lời “ Có ngay”.  Gửi kèm hình tôi mặc áo tứ thân ở ngoài tiệm chụp hình năm 1998. Vậy mà ông anh phán “ Đây mà là áo tứ thân? Đồ đồng cô bóng cậu thì có. Anh xem mà phát chán”.

Giời. Thời buổi bây giờ mà anh tôi đòi chân quê và rên rỉ “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi” ! Ơ cơ mà  bọn trẻ chúng đã mặc áo không có khuy bấm đấy thôi!

Thật tình ngày xưa tôi cũng thích bài “Chân quê” của Nguyễn Bính. Hai câu kết tôi yêu nhất là “Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Ra khỏi nhà, hãy giữ cái “hương đồng gió nội” của mình, phải thế không?

Tôi, vẫn tự hào về cái “hương đồng gió nội” của một thời Gia Long, của một thời Việt Nam Cộng Hòa!

Hoàng Lan Chi

——————————————————————————————-
Phụ đề:

 Anh Đàm Trung Phán, ra khỏi nhà bây giờ là y phục để em không lạc lõng giữa vùng đất này, nhưng trong em, vẫn là “hương đồng gió nội” của Việt Nam Cộng Hòa!

Hình tứ thân (ngoài tiệm chụp hình- 1998) và bị Đàm Trung Phán kêu là đồ “đồng cô bóng cậu”, không phải “áo lụa sồi, quần lĩnh đen, khăn mỏ quạ..” !

 Bài thơ của Nguyễn Bính

Chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Nguyễn Bính 1936

 

 

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.