Hình Thức Bài Viết Tựa Như Phục Sức Của Một Người

Tháng Bẩy mưa ngâu của sách vở quê nhà. Tháng Bẩy Cali chợt có những ngày mát và hơi se lạnh khi hoàng hôn rủ. Tiết trời mát làm tôi thấy mình “dịu”. “Dịu” và “kiên nhẫn” khi đọc bài.

Dịu” thứ nhất là tôi chỉ hơi khó chịu với một câu trả lời của một cuộc phỏng vấn chứ không “bực mình”. Câu ấy kiêu, tự phụ. Tôi không thích câu trả lời và tôi hỏi. Làm sao một bìa nhạc lại có thể khẳng định chỗ đứng trong hội hoạ được nhỉ? Tôi tự hỏi các hoạ sĩ nổi tiếng và cả giới yêu tranh sẽ ngắm một người từ hoạ phẩm của họ hay từ một bìa nhạc? Câu trả lời lại lần hai vẫn như thế. Niềm thắc mắc của tôi còn nguyên vẹn.

Kiên nhẫn” là khi tôi đọc bài trả lời phỏng vấn từ ông bạn cũ từ thuở Virginia. Là một bác sĩ thú y, gia nhập quân đội và cấp bậc cuối “đại uý”, cũng bị tù vc, người bạn cũ của tôi là “một ông già vui tính”. Vui tính với kiểu “viết và nói tục theo kiểu Bắc kỳ 9 nút”,ví dụ như “Cái project nào không dính tên tôi, thì tôi mặc mẹ nó, ai làm sao, tôi không ý kiến”. Khi “edit” bài phỏng vấn, tôi phải gỡ bỏ cái “mặc mẹ nó”! Thứ hai là dù tôi đã viết “hàng tỷ” bài hướng dẫn gửi cho ông thì khi viết bài, ông vẫn “vô tư” đành lòng quên. Quên “rule” về dấu phẩy (ôm sát chữ đằng trước, không được có space), quên “rule” về dấu ngoặc kép mở/ đóng. Đó là chưa kể ông “chơi” viết hoa cũng khá tuỳ tiện. Tôi mất hơn một giờ để “edit” bài cho ông. Khi nhận lại bài mình do tôi edit, ông viết cho tôi mail sau. Lá mail dí dỏm, nghịch ngợm làm tôi bật cười.

Điều mà tôi rút ra từ câu chuyện kể của ông là về cách phục sức của GS Nghiêm Toản. Các vị giáo sư ngày xưa của chúng ta đa số như vậy. “Y phục xứng kỳ đức”. Mẹ tôi cũng thường dạy chúng tôi như thế. Nhà giáo thì càng cẩn thận hơn khi ra ngoài. Tôi nhớ từng đọc đâu đó khi còn ở phổ thông trung học: trước khi người ngoài biết đến “tâm hồn” của ta thì cái mà họ tiếp xúc đầu tiên, đánh giá đầu tiên chính là cái nhân dáng của ta. Vì thế phải chăm chút cách phục sức. Lần đầu gặp gỡ, một phục sức cẩu thả luôn để ấn tượng không hay.

Tương tự, một bài viết hay thì trước tiên hình thức phải “sạch sẽ”. “Sạch sẽ” nghĩa là đạt một số điều tối thiểu về “format”.

Mail từ người bạn:

Bà Chi à,
Cảm ơn bà đã sửa lỗi. Bà viết kỹ thật! Tôi đã nói rồi, tôi viết lách tào lao và quên cả những chuyện rất căn bản. Bây giờ là còn khá, mai mốt bà bảo tôi viết thì bà còn sửa mệt nghỉ.

Tôi được hai thầy giáo dạy Việt văn chỉ bảo và rèn luyện rất kỹ. Nhưng chứng nào tật nấy, bây giờ vẫn thế !

Giáo sư dạy Việt văn lớp Đệ Tứ của tôi là thày Thạch Trung Giả (Người Trong Đá). Chẳng trò nào biết tên thật của thầy là chi. Thày phê vào học bạ của tôi : “Có năng khiếu, nhưng thiếu căn bản từ ngữ. Cần tránh xử dụng từ ngữ bừa bãi, không đúng chỗ. ”

Trong năm học, Thầy thường bảo tôi “Viết khác với Nói ! Có những chữ dùng để nói chuyện thì không sao, nhưng đặt nó vào câu văn thì hỏng. Phải chú ý, ngẫm nghĩ kỹ, khi dùng những từ ngữ không thanh tao…”

Tôi thì vẫn cứ “nói sao, viết vậy “, quên lời Thầy dạy và thường văng tục ngay trong văn chương. Tù đầy, chèn ép trong đời sống, bất mãn với những chuyện khó chịu xảy ra hàng ngày đã là nguyên nhân tạo ra cái sự ưa nói bậy của tôi vậy.

Thầy dạy văn năm Đệ Nhị của tôi là giáo sư Hạo Nhiên Nghiêm Toản. Khi còn ở nhà quê miền Bắc, tôi được đọc tác phẩm giáo khoa của cụ, nhan đề “Luận Văn Thị Phạm “, thấy hay quá, nhưng vẫn théc méc, không hiểu Thị Phạm là Thị gì? Chắc hổng phải là Thị Quỳnh Giao! Lúc ấy, tôi cũng tưởng tượng ra cụ là một ông đồ nho, khăn đóng áo dài.

Năm 1957, được làm học trò cụ, tôi mới…té ngửa, khi nhìn thấy cụ là một người khác hẳn với trí tưởng tượng của tôi : cụ diện complet trắng toát, cavát màu, đầu chải bóng, đeo mục kỉnh, coi rất oai phong.

Cái lớp học của trường Văn Lang ở đường Cô Bắc, Saigon có gần trăm học sinh ngồi kín; lại không máy lạnh. Mùa nào ở Saigon cũng nóng. Lớp học như cái lò bánh mì thế nhưng giáo sư Nghiêm Toản vẫn complet, cavat đàng hoàng khi vào lớp.

Cụ Nghiêm gọi chung học trò trong lớp là “các thày Tú “, có lẽ vì chúng tôi sắp là các thí sinh thi Tú tài. Đối với cá nhân từng học sinh, cụ kêu là “tiên sinh”. Hãi chưa!

Cụ nghiêm khắc kinh khủng và không tha thứ một lỗi nhỏ nào trong các bài luận của học sinh. Cụ đặc biệt chú ý đến cách chấm, phết trong câu. Và hỡi ơi, cụ thất vọng xiết bao với đám học sinh mới tập viết trong đó có tôi.

Một bữa nọ, cụ vào lớp, dở tập bài đã chấm coi qua, lắc đầu và thở dài sườn sượt. Rồi cụ nói: “Các thày Tú không biết viết đã đành, nhưng các thày không biết cả cách chấm, phết, bỉ nhân đây rất lấy làm kinh ngạc. Vậy nên, kể từ hôm nay, cho tới nửa niên khóa, trong bất cứ bài luận văn nào, bỉ nhân sẽ không xét đến những ý tưởng hay lời lẽ nhả ngọc phun châu của các thày. Ai viết gì cũng đặng hết, duy phải chấm, phết cho đúng. Nếu được như vậy, bỉ nhân bảo đảm các thày sẽ có điểm trung bình 10/20. Ngược lại, nếu chỉ có một dấu chấm hay dấu phết sai chỗ, bỉ nhân dành quyền rút lại các con số, trừ số không ”

Và cụ làm đúng như thế. Tôi là tội phạm đầu tiên phải nhận hình phạt này. Bữa đó, khi vào lớp, cụ buồn bực thấy rõ. Cụ dở sấp bài đã chấm, lật qua lại, trong không khí lặng tanh của cả lớp đang hồi hộp muốn đứt gân máu. Cụ hắng giọng, rồi lên tiếng : “Ah, thưa tiên sanh Bùi Xuân Cảnh chẳng hay hôm nay có hiện diện nơi đây không ạ?”

Như có dòng điện giựt trong người, tôi rùng mình, rồi cảm thấy như đất sụt dưới chân.

Các bàn học phía trên ngoái cổ trông xuống, các bàn phía dưới nghển cổ trông lên. Cả trăm con mắt đổ dồn dzô chỗ tôi ngồi. Có cả những đôi mắt phượng đẹp như mắt Quỳnh mắt Giao !

Mặt tôi đỏ nhừ, hai tai rát bỏng như hơ lửa, chưa biết loay hoay cách nào để dấu mình đi. Chợt lại có tiếng nói rất dõng dạc của Thầy Hạo Nhiên: “Xin tiên sanh hạ cố đứng dậy để chúng tôi được hân hạnh chiêm ngưỡng dung nhan”

Tôi còn biết làm thế nào. Tôi lom khom đứng dậy truóc cả trăm con mắt đổ dồn vào, thiêu cháy tôi. Thầy Nghiêm Toản kéo trễ đôi mục kỉnh trên sống mũi để quan sát tôi cho rõ; xong thầy cúi xuống, tìm bài viết của tôi. Thầy sửa giọng rồi nói : “Đây ! tôi xin hân hạnh đọc một câu văn trong bài viết vô giá của tiên sanh BXC để các thày Tú thưởng lãm.”

Rồi cụ cao giọng, hít một hơi dài, và liến thoắng đọc một mạch cái câu văn dài…vô tận của tôi! Đọc xong, cụ ra vẻ tiếc rẻ, than rằng: ” Ôi ! tài nhả ngọc phun châu như thế mà tìm mãi, chả thấy những cái dấu phẩy, dấu chấm đâu cả! Cái tài này, tôi đã cố nhắm mắt cho 10. Nhưng rồi tôi thấy nó thiếu những cái chấm phết nhỏ nhít, không có đáng chi, cho nên tôi đã rút lại con số zéro! Số zéro chỉ là số “không”, chẳng có giá trị gì; không nên dùng cho điểm câu văn vô giá của tiên sanh BXC! ”

Tức là tôi được 1 điểm! Tôi không đau khổ vì con số 1 điểm, nhưng mặt tôi hôm ấy như dầy ra, nó khiến tôi cứ phải cúi xuống khi gặp các đôi mắt phượng.

Bây giờ các thày tôi đã quy tiên hết! Tôi đâu có sợ ai nữa. Chỉ còn bà Chi, tha hồ chấm điểm và sửa lỗi đến …gãy tay!

(BXC)

Hoàng Lan Chi 7/2013

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.