Hà Thanh, tiếng hát hoa đào vừa rụng

Xin ghi rõ nguồn nếu trích đăng. Hình nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông 2014 do nhạc sĩ cung cấp cho Hoàng Lan Chi.

Tiếng Hát Hoa Đào Vừa Rụng

“Tiếng hát hoa đào” là mỹ từ mà Hoàng Lan Chi tặng cho ca sĩ Hà Thanh. Hoa đào tượng trưng cho mùa xuân với vẻ đẹp nồng ấm, ngọt ngào, thanh thoát. Tiếng hát Hà là như thế. Không cao quá mà vẫn có cái lồng lộng của một cánh đào trước gió. Không quá nồng nàn quyến rũ mà có cái dịu dàng đằm thắm của một cánh hoa phớt hồng.

Năm 2006, tôi thực hiện chương trình Hà Thanh-Nguyễn Văn Đông. Trong ấy, tôi nói về Hà Thanh, người được coi như hát những bản nhạc tiêu biểu của Nguyễn Văn Đông thành công nhất như Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Hải Ngoại Thương Ca. Tôi chỉ nói về giòng nhạc lính ấy và tôi để Nguyễn Văn Đông trải tâm tình. Tôi không hề phỏng vấn Hà.

Ngày ấy là một mùa đông của Virginia. Tuyết phủ trắng xoá trên những con đường dốc quanh co, tôi nghe Nguyễn Văn Đông kể về ngày tháng cũ với một giọng Nam trầm buồn. Giọng kể ấy nhuốm buồn hơn vì nhạc sĩ đang ở cách tôi cả nửa vòng trái đất. Ông vẫn đang ở tại quê nhà, nơi từng là thủ đô của một miền Nam tự do. Còn tôi thì đang trú ngụ cũng thủ đô nhưng lại là thủ đô của một cương quốc thế giới, một quốc gia đã song hành cùng vận mạng với Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử hai mươi năm. Nhạc sĩ kể về Hà Thanh với mối duyên văn nghệ. Ông biết Hà Thanh qua nhạc sĩ Mạnh Phát. Ông khen tặng Hà có những nốt luyến láy mà theo ông “rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm nhạc phẩm của ông thăng hoa cả về giai điệu lẫn lời ca”. Điều mà Nguyễn Văn Đông chia sẻ ấy thì hẳn là giới thưởng ngoạn của thập niên 60-70 đều tỏ. Về Mái Nhà XưaHải Ngoại Thương Ca là hai nhạc phẩm đã được Hà Thanh luyến láy những nốt không ai trình bầy được như thế và như vậy giai điệu của nhạc phẩm đã trở thành độc đáo.

Hà Thanh với Nguyễn Văn Đông

Đại Tá Nguyễn Văn Đông 1975

Nguyễn Văn Đông 2014

Chương trình được nhiều khen tặng và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vui bát ngát khi tôi chuyển cho ông những lời ấy. Những người của một Sài Gòn thuở nào, từng khoác chiến y hay chỉ dính líu một phần nhỏ nhoi, cũng không thể nào quên những nốt nhạc của Chiều Mưa Biên Giới, của Mấy Dặm Sơn Khê, của Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp. Một tầng lớp khác thì không thể nào quên Nhớ Một Chiều Xuân, Phiên Gác Đêm Xuân, Thầm Kín…

Tôi không nhắc gì đến ca sĩ. Tôi yêu tiếng hát Hà nhưng lúc ấy tôi chưa nghĩ đến Hà.

Rồi tình cờ ai đó viết mail “Chương trình nay hay quá mà không cho Hà Thanh biết thiệt là uổng”. Một chút xao động trong tôi. Ừ nhỉ, người đã chắp cánh cho những nhạc phẩm lính mênh mông ấy, lẽ nào không được biết?

Thế là tôi đi tìm Hà.

Tôi gọi cho chị vào năm 2007, hơn một năm sau của chương trình. Hà Thanh bất ngờ nhưng rồi mừng rỡ. Chị ríu rít như chim “Trời ơi, Hoàng Lan Chi, chị đi tìm em hoài. Chị về Cali và nghe mấy người có cả Nhất Tuấn hỏi chị là nghe chương trình phát thanh của em chưa!”. Sau đó tôi mail cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông báo tin hai chị em chúng tôi “tám” cả hơn một giờ. Nguyễn Văn Đông trả lời “Nghe cô đã liên lạc được cô Hà Thanh, nói chuyện vui vẻ, tôi mừng lắm. Nhưng hai bên nói chuyện lâu một tiếng rưỡi đồng hồ thì tôi lo ngại lắm. Tôi lo cô Hà Thanh xúi cô xuống tóc vào chùa thì còn gì Hoàng Lan Chi nữa. Tôi có bằng chứng là cô Hà Thanh đã gởi tặng tôi nhiều CD Kinh Phật, khuyến khích đi tu. Nhưng tôi đức mỏng, phận bạc nên Phật chưa đồng ý”. Sau đó khi tôi “mét” Hà là anh Đông lo lắng chị dụ dỗ Hoàng Lan Chi đi tu, Hà Thanh chỉ bật cười. Một năm sau tôi thực hiện một chương trình phát thanh khác. Hà Thanh chia sẻ tâm tình của chị khi hát lại Mấy Dặm Sơn Khê ở hải ngoại:

https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/Music/Single/HaThanhNoiVeMDSKhe.mp3

Tôi thích trò chuyện với Hà Thanh dù rằng giọng Huế hơi khó nghe với tôi. Điều thích đó là chị rất hồn nhiên, đùa nghịch líu lo như trẻ thơ. Có lần tôi trêu chị “Trên Asia, thấy chị đoan trang nghiêm chỉnh quá vậy? Bên ngoài chị đâu có thế?” Hà bật cười. Chị kể cho tôi nghe thuở xưa chị chơi với Trịnh Công Sơn thế nào. Chị bảo ngày đó có “tam Ba” chơi với nhau rất thân là Ba Hà, Ba Hải, Ba Sơn cùng nhau nghịch ngợm viết giấy thề không ai lập gia đình cả! Tờ giấy đó Ba Sơn tức Trịnh Công Sơn giữ! Chị còn kể một điều làm tôi cười ngặt nghẽo. Đó là có một nhạc phẩm ngộ nghĩnh lắm lắm, một tác phẩm học trò từ thuở xa xưa của nhạc sĩ Lê Vân Tú. Chị còn nhớ lõm bõm lời và tôi cười thú vị khi nghe chị hát. Mấy hôm sau tôi nghịch ngợm gọi sang Úc cho nhạc sĩ Lê Vân Tú và nối “three calling” với Hà Thanh. Chị cứ một điều Tú hai điều chị làm tôi buồn cười. Lý do, trong đầu tôi là một Hà Thanh trẻ trung, mặt kia là một giáo sư đại học Lê Vân Tú già dặn. Vì thế tôi không thể nào vẽ trong đầu một Hà Thanh như vai vế chị của GS Tú.

Một lần khác, chị vừa nói chuyện với tôi vừa chuẩn bị ăn chiều. Tôi hỏi hôm nay ăn gì. Hà Thanh cười rất hồn nhiên “Ăn mì nì ngon lắm. Hoàng Lan Chi há miệng ra, chị Hà đút cho một miếng, hỉ”. ‘Rồi há miệng ra chưa!”.

Có lần tôi la lên là tại sao làm mất số phone của tôi hoài, Hà Thanh rất ngoan “Thôi bây giờ để chị Hà ghi số của Hoàng Lan Chi lên cánh cửa hỉ. Vậy là không mất”. Quả là lần sau đó thấy chị gọi được cho tôi.

Hà Thanh bịnh đã khá lâu nhưng chị không cho tôi biết. Một lần qua Lê Hữu, tôi được tin chị mới vào bệnh viện. Tôi gọi cho chị, lúc đó là cuối năm 2012 thì phải. Lúc đó chị mới cho hay chị bị ung thư máu và bác sĩ không thay tuỷ vì đã ngoài sáu mươi. Hà Thanh vẫn lạc quan. Có vẻ chị sùng đạo Phật, ăn chay trường đã lâu nên sinh tử là chuyện không ảnh hưởng nặng nề với chị. Tôi báo tin cho anh Nguyễn Văn Đông thôi vì Hà không muốn ai biết. Anh chỉ lặng lẽ cầu nguyện cho chị.

Tháng Ba năm 2013, sau khi nói chuyện với Hà, tôi viết “Hà Thanh, tiếng hát hoa đào”. Tôi không cho ai biết đó là chương trình tôi viết riêng để tặng Hà Thanh vì tôi biết rồi chị sẽ ra đi. Vương Trùng Dương xin phép đăng trên Báo Sài Gòn Nhỏ. Rồi Hà Thanh kể “Chị đi chùa, có mấy người gọi chị nói là thấy có báo viết về chị”. Tôi mail cho Vương Trùng Dương, nhờ anh nói toà soạn Sài Gòn Nhỏ gửi báo cho Hà. Hai tuần sau gọi lại, Hà bảo không nhận được. Tôi trách Vương Trùng Dương thì anh trả lời rằng anh đã nhờ toà soạn gửi chứ cá nhân anh không lo chuyện đó. Đến giờ này tôi cũng quên không hỏi VTD nữa nhưng chắc chị Hà không nhận được rồi.

Tháng Mười Một 2013, tôi linh cảm và tôi gửi bài Tiếng Hát Hoa Đào cho Bút Tre. Sau khi báo đăng, tôi nhắn chủ nhiệm Mộng Tuyền gửi cho Hà. Mộng Tuyền là một chủ báo dễ thương nhất trên đời. Mọi yêu cầu của cô Hoàng Lan Chi bao giờ cũng được Mộng Tuyền chu đáo. Chu đáo hơn cả yêu cầu. Hà Thanh nói với tôi “Chị nhận hai báo Bút Tre rồi. Có cả thiệp và một cái áo thun nữa. Báo đẹp lắm. Mà họ lấy đâu được mấy bức hình cũ đẹp hỉ”. Tôi nói “Em chỉ gửi cho Bút Tre một tấm thôi, còn họ tự tìm đấy”. “Nói dùm là chị Hà cảm ơn nhiều, tốt quá hỉ. Chị cho em gái chị một cuốn, còn chị giữ một cuốn”.

Tôi hài lòng. Ít ra, tiếng hát hoa đào ấy, người hát lồng lộng trời cao, không điệu đà, không điều tiếng gì, người mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã ngậm ngùi “Con chim hoạ mi quý đã bỏ mình tôi cô đơn trên con đường nghệ thuật kể từ khi cô đi lấy chồng” , cũng xem được một bài viết về chị từ một người phụ nữ khác; một người phụ nữ yêu mến tiếng hát Hà với tất cả chân tình, viết về Hà với tất cả dấu yêu.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi gọi coi tình hình sức khoẻ Hà Thanh ra sao. Có khi Hà báo tin lên ký chút đỉnh vì không ăn chay nữa do bác sĩ yêu cầu. Cách đây khoảng hơn hai tuần, tôi gọi. Hà Thanh mới từ bệnh viện về. Tuy mệt nhưng giọng chị vẫn reo vui. Chị nói có vẻ y học đầu hàng gì đó. Tôi im lặng không biết nói gì. Hà Thanh cười “Không sao. Sống chết là chuyện bình thường”. Tôi cũng không thích an ủi lẽ thường tình vì Hà Thanh là người ngoan đạo lắm. Tôi bảo “Hà hát mấy câu gì Đến Tuổi Này đi, em thích cái đó lắm”. Hà Thanh, có lẽ giống như nhiều ca sĩ khác, nghe đến hát là không biết mệt hay đau là gì. Hà líu lo hát ngay. Hát xong, Hà nói “Hoàng Lan Chi hát đi. Hát đi mới thuộc được”. Tôi chiều chị và hát đại. Nghe dở ẹt vì vốn dĩ hát dở mà lại chưa thuộc melody nên cứ ngang phè phè. Tôi bật cười khi nghe chính giọng mình “Thôi em hát không được đâu!” Hà dỗ dành “Thì cứ hát đi”. Lúc ấy, tôi không hiểu vì sao Hà có vẻ dỗ dành tôi thế. Hà có vẻ như muốn tôi phải thuộc giai điệu mấy câu thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương mà Hà “chế” thành nhạc! Sau vài lần thất bại, tôi nói “Để em thu âm Hà cho rồi. Em sẽ nghe đi nghe lại thì sẽ thuộc điệu nhạc.” Hà ngoan ngoãn cúp điện thọai để tôi gọi lại sau khi mở Cool Edit. Laptop với win7 không fix với Cool Edit cũ này nên tôi không chỉnh được audio như trước kia. Đành thu đại bằng cách mở speaker của cell phone.

Đó là những âm thanh cuối cùng của Hà Thanh. Đó là những giai điệu nhạc do Hà chế ra từ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Đó là lần cuối tôi nghe Hà nói.

https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/Music/Single/HaThanh-DenTuoiNay.mp3

Tối mùng Một của tết tây 2014, tôi nhận mail từ Ns Nguyễn Văn Đông “Anh vừa nhận được Phone của TQB ở Cali, báo tin cô Hà Thanh vừa qua đời vì bệnh ung thư máu cách đây 2 tiếng đồng hồ. TQB đề nghị anh viết về Hà Thanh. Anh viết gì nổi bây giờ nên anh vào Blog HLC, chép bài viết năm xưa “Hà Thanh với nhạc sĩ NVĐ”gởi cho TQB rồi. Ở Việt Nam bây giờ là 11 giờ sáng ngày 2/1/2014. Anh Đông”.

Tôi không bất ngờ vì biết trước nhưng lòng vẫn trĩu nặng. Trước đó, ngày 7 tháng 12/ 2013, tôi viết “Hai người tôi muốn gặp bây giờ”. Trong đó tôi ám chỉ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và ca sĩ Hà Thanh.

Hà Thanh đã không bao giờ gặp mặt tôi. Hai chị em như hai người tình net.

Tuần trước một ông anh rể mất và một ông anh viết “Nước mắt nào cho đủ để tiễn nhau đây”.

Dường như với Hà, tôi cũng vậy. Cũng dường như khi người ta yêu quá thì nước mắt không hề chảy.

Từ hôm qua đến giờ, tôi chưa hề nhỏ lệ cho Hà Thanh.

Tiếng hát hoa đào của tôi vừa rụng. Cánh hoa tung trong gió ngàn và có lẽ vì thế không cần đến giọt lệ Hoàng Lan Chi.

Cali ngày 2 tháng 1, 2014

Hoàng Lan Chi

Hai Người Tôi Muốn Gặp Bây Giờ

Hà Thanh, Tiếng Hát Hoa Đào

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.