Khi tôi bước vào ngưỡng cửa trung học, một loạt các ca sĩ có chữ “Thanh” phủ đầy làn sóng thu thanh, phương tiện duy nhất thời đó. Thái Thanh, Lệ Thanh, Hà Thanh, Thanh Thúy…Với tôi, Hà Thanh có một vị trí đặc biệt và cũng với tôi, tiếng hát ấy là “tiếng hát hoa đào”.
Hoa đào ướm sắc hồng và tươi thắm, một vẻ đẹp đằm thắm, hiền dịu và nồng ấm như bếp lửa quê nhà. Làn hơi dài phong phú nhưng Hà không “lanh lảnh” để làm người nghe phải có chút se mình. Ngược lại cái phong phú đó làm cho Hà có sự “lồng lộng”. Hãy nghe Hà trong Mấy Dặm Sơn Khê, đúng là một giải hoa đào tươi thắm đang lồng lộng trời cao. Nốt nhạc ở đây rất cao, Hà lên thoải mái không bị giọng mũi và cũng không bị rơi vào trường hợp “hụt hơi” hay bị “the thé”.
Một ưu điểm khác của Hà mà không ai có, đó là sự sáng tạo trong cách “luyến láy”. Người may mắn đã được Hà sáng tạo khá nhiều là nhạc Nguyễn Văn Đông. Trong nhạc phẩm “Hải Ngoại Thương Ca”, Hà đã ngẫu hứng luyến chữ “giới” như một cành lụa đào uốn éo trước gió rồi lan tỏa ra xa.
Xin mời nghe trích đoạn HNTC qua hai tiếng hát: Hà Thanh trước và Lệ Thu sau, sẽ dễ thấy cái “lồng lộng, mượt mà” của Hà.
Trích đoạn 1, Hà luyến láy chữ “giới”, Lệ Thu không có:
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/HaiNgoaiThuongCa1.mp3
Trích đoạn 2, Hà luyến láy chữ “đồi núi” và ngân vang đoạn kết chữ “Xa xa”, còn Lệ Thu rất “bằng”:
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/HaiNgoaiThuongCa2.mp3
Khi được hỏi về sự luyến láy này, Hà nói rằng tự nhiên chị thích như vậy và lần đầu hát, chị e ngại sẽ bị nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông “la” nhưng bất ngờ ông không “la” mà còn rất vui lòng.
Về phía Nguyễn Văn Đông, ông tâm sự rằng “Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát cũa tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật.”
Ngoài ra, trong khi đa số các ca sĩ thành danh hay “điệu” thì Hà chưa bao giờ. Với Hà, hát là để đem nỗi lòng người nhạc sĩ đến với thính giả nên Hà trau chuốt, tỉ mỉ và sáng tạo nhưng không “điệu đà”. Sự tự nhiên đã đem đến cho giọng Hà một nét duyên dáng và không ai có thể mất cảm tình với một giọng hát tự nhiên.
Xuất thân từ Huế nhưng Hà vẫn hát những nhạc phẩm về Huế bằng giọng Bắc. Tất cả những ngọt ngào của nhụy đào, mượt mà của cánh đào đều được nâng niu trong “Khúc Tình Ca Xứ Huế” của Trần Hoàng Quân. Nghe Hà hát, có thể liên tưởng đến giòng sông Hương êm đềm lững lờ chảy. Cái “đưa đẩy” dòng nhạc, “đưa đẩy” lời nhạc trôi của Hà có thể thấy trong giọng sau này của Kim Anh nhưng Hà thuộc “Kim” và Kim Anh lại mang hơi hướng “Thổ”. Có thể nói không ai hát Khúc Tình Ca Xứ Huế hay hơn Hà.
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/KhucTinhCaXuHue.mp3
Một nhạc phẩm khác nổi tiếng của Phạm Duy và Thái Thanh “lảnh lót” đến rợn người thì Hà, dịu dàng đằm thắm như mầu hoa đào. Xin nghe trích đoạn Người Về, đoạn điệp khúc với nốt nhạc khá cao qua hai tiếng hát (Hà Thanh, Thái Thanh), ta sẽ dễ thấy được cái nhẹ nhàng độc đáo của Hà:
“Con có hay chăng cha về”, đoạn này nốt nhạc cao, hãy nghe Thái Thanh lanh lảnh trước và Hà lồng lộng sau:
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/NguoiVe1.mp3
“Tiếng Xưa” của Dương Thiệu Tước, một nhạc phẩm hay và nốt cao. Hãy nghe Hà Thanh và Thái Thanh trong một trích đoạn sẽ thấy cái ngọt ngào, mềm mại của Hà. Trong khi Thái Thanh quá cao và “điệu” thì Hà tự nhiên Trong trích đoạn này, chúng tôi để Thái Thanh hát trước và Hà hát sau:
Tôi không có ý muốn so sánh ca sĩ này ca sĩ nọ. Với tôi, Thái Thanh có một vị trí riêng, Hà cũng thế. Tôi cũng yêu Thái Thanh, nhất là với “Tình Ca”. Tôi chỉ muốn trưng dẫn cùng một nhạc phẩm để chứng minh điều tôi muốn trình bầy: giọng Hà khi xuống thì ấm áp, khi lên thì lồng lộng chứ không lanh lảnh và nét độc đáo nhất của Hà là sự luyến láy từng chữ. Ngôn ngữ Việt rất đặc sắc ở các dấu sắc huyền hỏi ngã. Trong Tiếng Xưa, Hà luyến láy “hương thu, ưu tư” và đoạn cuối “Ai đó tri âm hững hờ” nghe ngọt ngào tha thiết và làm lòng ta rung động, điều mà Thái Thanh không diễn tả được.
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/TiengXua1.mp3
Nhạc lính của Nguyễn Văn Đông, thật lạ lùng là không lướt sóng bởi một giọng nam nào mà lại là giọng Hà Thanh. Rất nhiều cựu quân nhân mỗi khi nghe lại Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp hay Mấy Dặm Sơn Khê với tiếng hát Hà Thanh đều nguyên vẹn xúc cảm của một thuở nào.
Nếu Thái Thanh đóng dấu ấn nhạc Phạm Duy, Thanh Lan với Nhật Trường thì Hà Thanh là với Nguyễn Văn Đông.
Tâm tình về tiếng hát này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể với Hoàng Lan Chi năm 2007 [1]: “Lần đầu tiên, tôi được gập cô Hà Thanh là vào năm 1963 tại Đài Phát Thanh Sàigòn ở số 3 đường Phan Đình Phùng ngày xưa, bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu. Khi ấy, tôi là Trưởng Ban TIẾNG THỜI GIAN cũa Đài Sàigòn với các ca sĩ như Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Trần văn Trạch, Minh Diệu, Mạnh Phát, Thu Hồ, Anh Ngọc v.v. Ngày đó cô Hà Thanh từ Huế vào Sàigòn thăm người chị gái lập gia đình với một vị Đại tá đang làm việc ỡ Sàigòn.
Chính nhạc sĩ Mạnh Phát cho tôi biết về cô Hà Thanh nên tôi nhờ Mạnh Phát liên lạc mời cô Hà Thanh đến hát với Ban Tiếng Thời Gian. Đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe tiếng hát Hà Thanh, hát nhạc sống và hát thật ngoài đời với ban nhạc của tôi, không nghe qua làn sóng phát thanh hay qua băng đĩa nhạc.
Điều này giúp cho tôi có cơ sở nhận định chính xác về giọng hát Hà Thanh. Tôi hiểu ngay đây là giọng ca thiên phú, kỹ thuật tốt, làn hơi diễm cảm tuyệt đẹp, là một vì sao trong những vì sao hiếm hoi ỡ đỉnh cao nghệ thuật nhưng chưa có cơ hội phát tiết hết hào quang cũa mình. Ngay sau đó, tôi có mời Hà Thanh thâu thanh cho Hãng đĩa Continental. Nếu tôi nhớ không lầm thì bản nhạc đầu tiên tôi trao cho Hà Thanh là bài VỀ MÁI NHÀ XƯA do tôi sáng tác. Lần đó, cô Hà Thanh hát thật tốt, toàn ban nhạc và Ban Giám Đốc Hãng Continental rất hài lòng, khen ngợi. Sau ngày đó, cô Hà Thanh từ giã trỡ về lại Huế, trở về lại với Cố đô trầm mặc, tĩnh lặng, không sôi nổi như Thũ Đô Saigòn, là cái nôi của âm nhạc thời bấy giờ.
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/VeMaiNhaXua.mp3
Sau khi Hà Thanh trở về Huế, tôi có nhiều suy tư về giọng hát đặc biệt này. Tôi ví von, cho đây là vì sao còn bị che khuất, chưa toả hết ánh hào quang, vì chưa có hoàn cảnh thuận lợi để đăng quang, nếu phó mặc cho thời gian, cho định mệnh, có thể một ngày kia sẽ hối tiếc. Vì vậy tôi đem việc này ra bàn với Ban Giám Đốc Hãng đĩa Continental để mời cô Hà Thanh vào Sàigòn cộng tác.
Chính tôi viết thư mời cô Hà Thanh vào Sàigòn với những lý lẽ rất thuyết phục, rất văn nghệ, rất chân tình. Và cô Hà Thanh đã vào Sài Gòn sau khi đã tranh đấu gay go với gia đình bố mẹ, vốn giữ nề nếp cổ xưa của con người xứ Huế. Ngày đó Hà Thanh vào Sàigòn, hoà nhập vào đời sống người Sàigòn, vào nhịp đập âm nhạc Sài Gòn, vốn đứng đầu văn nghệ cả nước. Hà Thanh đi thâu thanh cho Đài Sài Gòn , Đài Quân Đội và nhận được lời mời tới tấp của các Hãng đĩa băng nhạc như Sóng nhạc, Việt Nam, Tân Thanh, Tứ Hải và hầu hết các Trung Tâm ở Thủ Đô Sài Gòn , chứ không phải chỉ riêng cho Hãng dĩa Continental và Sơn Ca của tôi.
Ngày đó, tiếng hót cũa con chim Sơn Ca đất Thần Kinh đã được vang thật xa, đi vào trái tim của hàng triệu người yêu mến tiếng hát Hà Thanh.
Cô Hà Thanh hát hầu hết các tác phẩm cũa tôi. Bài nào tôi cũng thích, cũng vừa ý, có lẽ vì vậy mà tôi không nghĩ đến chuyện viết bài đặc biệt cho riêng cô. Tôi nhớ lại một chuỗi những sáng tác trong thời binh lửa chiến tranh như Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Lá Thư Người Lính Chiến, Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt vân vân, đều rất hợp với tiếng hát Hà Thanh và cô hát rất thành công.
Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát cũa tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật.
tôi cho rằng Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó. Tôi cám ơn tiếng hát của Hà Thanh đã mang lại cho các bài hát cũa tôi thêm màu sắc, thêm thi vị, bay bổng. Trước khi đến với Hà Thanh, tôi cũng rất ngưỡng mộ tiếng hát của cô Thái Thanh, Lệ Thanh, Khánh Ngọc và nhiều người khác đã gieo khắp phương trời tiếng lòng của tôi, cũng như về sau này có thêm các cô học trò như Thanh Tuyền, Giao Linh đã giúp cho ông Thầy truyền tải đến trái tim người yêu nhạc.
Nhưng đặc biệt, tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật. Sau biến cố 1975, tôi không còn dịp hợp tác với cô Hà Thanh như trước đây. Nhưng thỉnh thoảng tôi được nghe cô hát một sáng tác mới của tôi ở hải ngoại, tôi vẫn cảm thấy tiếng cũa cô vẫn đậm đà phong cách ngày xưa, vẫn một Hà Thanh diễn cảm, sang trọng, sáng tạo trong khi hát, mặc dù thời gian chia cách đã 40 năm qua.
Khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tâm sự “Nhưng đặc biệt, tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật”, chúng tôi vừa ngậm ngùi vừa tiếc nuối. Quả là một giọng hát khá đặc biệt.
Thế mà Hà vội lấy chồng và bỏ cuộc chơi.
Một cuộc chơi với hàng hàng lớp lớp những nhạc phẩm về lính, không ủy mị mà rất hào hùng với “Người đi giúp núi sông, hàng hàng lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề, gìn giữ quê hương”, với “ Thấy hoa tàn rơi trên báng súng, ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi”, với “Anh đến thăm áo anh mùi thuốc súng. Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê. Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông, kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa”.
Một cuộc chơi với những khúc tình ca xứ Huế tuyệt vời, chơi vơi qua những nhịp cầu Trường Tiền, lững lờ với “biết ái tình ở giòng sông Hương”, ngơ ngẩn với chuông chùa Thiên Mụ…
Đã bao nhiêu năm Hà bỏ cuộc chơi để đắm mình trong Phật ca nơi xứ người. Hồi tưởng về quá khứ, với Mấy Dặm Sơn Khê, Hà nói với Hoàng Lan Chi vào năm 2008:[2]
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/MayDamSonKhe.mp3
Mùa xuân lại vừa trở về. Trong ngàn hoa đang phô sắc, triệu hương đang tỏa ngát, Hoàng Lan Chi viết bài này để tặng Hà Thanh, với muôn vàn yêu mến dành cho: Tiếng Hát Hoa Đào
Hoàng Lan Chi Xuân 2013
Hoàng Lan Chi update vào ngày 3 tháng 1/2013: bài viết của Hoàng Lan Chi về sự ra đi của Hà Thanh, những âm thanh cuối cùng Hà hát cho Hoàng Lan Chi nghe ở đây:
Hà Thanh, tiếng hát hoa đào vừa rụng
*****************************************************************************************
Vài nhạc phẩm chọn lọc qua tiếng hát hoa đào:
Chiều Mưa Biên Giới (Nguyễn Văn Đông):
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/ChieuMuaBienGioi-HaThanh_36pk7_hq.mp3
Hải Ngoại Thương Ca (Nguyễn Văn Đông):
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/HaiNgoaiThuongCaSTNguyenVanDong_ryst-HaThanh.mp3
Khúc Tình Ca Xứ Huế (Trần Hoàng Quân):
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/KhucTinhCaXuHue.mp3
Tiếng Xưa (Dương Thiệu Tước):
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/Tiengxua.mp3
Chinh Phụ Ca (Phạm Duy)
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/ChinhPhuCa.mp3
Một Bàn Tay:
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/MotBanTay.mp3
Vợ Chồng Quê ( hát chung với Duy Khánh)
https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/HaThanh/VoChongQue.mp3
[1] Đây là một trích đoạn trong một chương trình âm nhạc đặc biệt do Hoàng Lan Chi thu âm trực tiếp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông năm 2007. Mọi trích dịch xin ghi rõ Nguồn.
[2] Hoàng Lan Chi thu âm Hà Thanh năm 2008. Xin ghi rõ nguồn nếu sử dụng.