Chiều Mưa Biên Giới Có Gì Lạ Không Em-August 1, 2018

Là người gửi những tài liệu quý giá để TT Thúy Nga thực hiện chương trình “Tưởng Nhớ Nguyễn Văn Đông” ở Nam CA vào mà tôi không được xem trực tiếp vì bị “kangouru” níu chân. Mãi đến hôm nay nhận DVD từ Mỹ gửi sang, tôi mới xem được.

Nhận xét tổng quát rằng đây là một chương trình đặc biệt vì nhiều lẽ. Một: nhạc sĩ không hiện diện như những chương trình tác giả khác mà Thúy Nga từng thực hiện. Hai, nhạc sĩ tác giả vừa qua đời. Ba, nhạc sĩ tác giả là một cựu Đại Tá VNCH và có địa vị cao. Bốn, nhạc sĩ tác giả được coi là “tiền bối” của Thúy Nga trong lãnh vực “entertaiment/producer”. Năm, Như Quỳnh lần đầu hát cải lương. Sáu, dù bị stroke nhẹ, MC Nguyễn Ngọc Ngạn vẫn làm đủ hai chương trình với bác sĩ thường trực ở dưới sân khấu. Bảy, Ý Lan đem hình ảnh Thái Thanh về sân khấu. Tám, Vũ Khanh chưa bao giờ biết nhạc phẩm và lần đầu hát. Chín, tất cả ca sĩ đều áo dài (Ngọc Anh có hơi “biến tấu”). Mười, nghe nhạc đúng nghĩa vì không có phụ diễn hài kịch, không múa phụ họa nhiều.

NỘI DUNG

Rất phong phú. Những nhạc phẩm khá tiêu biểu cho hai giòng nhạc của người tôi yêu mến là nhạc lính và bolero được Marie Tô chọn lọc. Những người từng yêu Nguyễn Văn Đông cũng sẽ ngạc nhiên vì có những cái tưởng như là mới chứ thật ra là xưa vô cùng. Đó là “Cô nữ sinh Gia Long” mà Nguyễn Văn Đông viết từ lâu lắm. Nếu không có cô Gia Long bây giờ là tôi (Hoàng Lan Chi) nhắc nhở thì hiếm ai biết Nguyễn Văn Đông từng sáng tác một nhạc phẩm như thế về Gia Long. Hoặc “Anh nhớ gì không anh”, một nhạc phẩm tiêu biểu cho con người Nguyễn Văn Đông, luôn mong chờ một VN rực ráng minh châu trời Đông. Hoặc “Anh trước tôi sau” thì cũng là tâm tình thầm kín của Nguyễn Văn Đông về ước mơ lớn nhất đời ông dành cho hai chữ Việt Nam.

Y PHỤC

Tôi biết ca sĩ trẻ của Thúy Nga rất thích y phục sexy. Vì thế tôi dặn dò cô Marie Tô kỹ lưỡng: hãy kính trọng chú, một người lính yêu nước, một nghệ sĩ yêu âm nhạc, một người đàn ông mẫu mực tượng trưng cho thế hệ trước. Tự thân các nhạc phẩm của chú đã hào hùng khi viết về lính, đã đằm thắm khi viết về tình yêu đôi lứa, đã nồng nàn khi viết về quê hương, đã thánh thoát khi viết về Chúa thì những “gợi cảm” kia không cần thiết.

Cô Thủy và các ca sĩ đã làm đúng như thế. Lần đầu tiên áo dài tha thướt từ đầu đến cuối trong chương trình Thúy Nga. Ai bảo áo dài kín đáo là không đẹp nhỉ? Tôi ngạc nhiên nhìn Nguyễn Hồng Nhung rất sang trọng, quý phái. Tôi mở to mắt trước mầu áo nhu nhã và cả kiểu áo dễ thương của Như Ý.

Một chi tiết làm tôi cảm động: hình ảnh của nữ sinh thời VNCH với áo dài trắng thì ai cũng biết nhưng còn cái phù hiệu Gia Long trên áo ấy thì sao? Marie Tô đã hỏi xin. Tôi không có và mail nhờ Ngọc Long, cựu hội trưởng Gia Long Nam CA tìm. Nhưng Ngọc Long chưa kịp giao thì Marie Tô đã xin được rồi. Kể lại thế để chúng ta hiểu rằng Marie Tô đã trân trọng từng chi tiết nhỏ nhặt để cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật.

NHỮNG MÀN ĐẶC SẮC

Thật là khó để chọn ra những màn đặc sắc nhất vì với tôi thì đến ba phần tư là đặc sắc rồi. Đặc sắc vì người “producer” khéo chọn. Marie Tô, nói theo ngôn ngữ cải lương thì cô đã “đo ni đóng giày” cho các ca sĩ.

Nổi bật là Hương Lan với Chiều Mưa Biên Giới. Không luyến láy nhiều như tình tự quê hương là môn sở trường của Hương Lan. Lần này đây, Hương Lan hát “đúng” với CMBG. Tôi chọn chữ “đúng” để ám chỉ từ dáng điệu, vẻ mặt và cả cách ngân nga. CMBG không phải là nhạc buồn thống thiết. Đó chỉ là tâm tình của người lính vùng biên giới với nỗi buồn man mác. Cần hát “đúng” và “đủ”.

Ý Lan gợi nhớ một Thái Thanh năm nào qua kiểu tóc, áo trắng với Mấy Dặm Sơn Khê.

Là người trẻ Ngọc Ngữ-Châu Ngọc Hà đã khiến một nhạc phẩm (mà dù có Nguyễn Văn Đông bây giờ bên cạnh thì tôi vẫn chấm điểm vầy: nhạc trung bình), “Cô nữ sinh Gia Long” bỗng hay hơn, dễ thương hơn.

Trần Thái Hòa trầm ấm với Anh Nhớ Gì Không Anh. Nhạc phẩm này không phải sở trường của TTH nhưng chất giọng sang trọng của TTH đã khá phù hợp. Nội dung là tâm tình của “người dân Nguyễn Văn Đông”, ao ước một Việt Nam thống nhất, một hòa bình cho quê hương. Vì thế có lúc ngậm ngùi khi nhớ đến (nước mắt dân Hời), có lúc nhắc nhở (bản dư đồ ông cha nhọc khó), có lúc ao ước nồng cháy (trời Nam một cõi Minh Châu trời đông). Hy vọng lần tới, TTH sẽ “phả” thêm nỗi niềm vào từng đoạn thì sẽ hay hơn nữa.

Là ba giọng hát trẻ quyện vào nhau, duyên dáng trong vũ điệu của Hoàng Nhung, Thanh Xuân, Như Ý với Bông Hồng Cài Áo.

Khải Đăng với khuôn mặt, vóc dáng từa tựa Nguyễn Văn Đông thời trẻ và rất kỹ lưỡng trong diễn xuất với Phiên Gác Đêm Xuân, mở đầu chương trình. Khải Đăng không diễn quá lố. Tôi quan sát từng ánh mắt, từng biểu lộ trên khuôn mặt của Khải Đăng và tôi hài lòng. Khải Đăng không quá điệu như Nhật Trường của chúng ta ngày xưa. Khải Đăng cũng không quá “đau khổ quằn quại” kiểu Chế Linh. Khải Đăng thể hiện đúng giòng nhạc lính sang trọng, hào hùng của người lính Nguyễn Văn Đông. Giọng Khải Đăng hay nhưng chưa phải là xuất sắc khi hát nhạc Nguyễn Văn Đông. Tuy thế tôi tin rằng với thời gian, với sự tập luyện thì Khải Đăng sẽ học được cách luyến láy của ngôn ngữ Việt Nam, cách nhấn nhá của người Việt cho giòng nhạc nghe lồng lộng như gió ngàn bạt núi như Hùng Cường ngày xưa trong (Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp).

Nguyễn Hồng Nhung, đẹp nền nã trong áo nhung, đẹp cả trong giọng hát với Dạ Sầu.
Là sự trở lại của Giao Linh với Chiếc Bóng Công Viên. Đã lâu cô không hát nên Marie Tô phải hết sức cẩn trọng khi chọn bài cho Giao Linh. Kỷ niệm cũ được kể với sự chân thật của “cô bé Trần Thị Sinh” làm tôi cảm động. Ông Nguyễn Ngọc Ngạn đã không sử dụng audio mà Nguyễn Văn Đông kể về Giao Linh do tôi cung cấp: quả là đáng tiếc cho khán giả. Ông Ngạn chỉ “kể lại” và Giao Linh bổ sung thêm. Cái hợp đồng thưở ban đầu gặp gỡ quá to lớn khiến Giao Linh tưởng như là một giấc mơ.

Là giọng hát nhẹ nhàng của Anh Khoa. Tuy đã gần 70 nhưng Anh Khoa đã rất cố gắng tập luyện để cống hiến nhạc phẩm mà Anh Khoa chưa hát, thậm chí chưa biết bao giờ. Thật ra, nhạc phẩm này, “Anh Trước Tôi Sau”, rất xuất sắc qua tiếng hát Duy Quang nhưng đó là DQ thời chưa già.

Anh Dũng thật chói sáng với Hải Ngoại Thương Ca. Nhạc phẩm này là “của Hà Thanh”. Trước 75, không ai hát hay bằng Hà với bản này. Đó chỉ là vì Hà Thanh đã sáng kiến luyến nốt cuối cùng lên cao thật đẹp và lạ. Hà tâm sự với Hoàng Lan Chi: khi tự ý sửa như thế, Hà rất sợ bị anh Đông la. Thế nhưng Nguyễn Văn Đông quá hài lòng. Khi Hoàng Lan Chi phỏng vấn vào 2007, Nguyễn Văn Đông đã ca ngợi như sau “Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác gỉa khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật”.

“Của Hà Thanh” nhưng bây giờ Anh Dũng rất xuất sắc khi cũng có chút sáng tạo như thế. Có lẽ tuổi không quá trẻ như Khải Đăng nên giọng hát Anh Dũng rất phù hợp. Anh Dũng đã chọn hát một câu vô cùng đẹp của nhạc phẩm để cất lên ở phút đầu. Và khi kết thúc, Anh Dũng cũng kỹ lưỡng chọn một câu để làm nhạc phẩm đẹp lồng lộng. Có lẽ tôi phải thay mặt người nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để cám ơn Anh Dũng về sự trau chuốt cho Hải Ngoại Thương Ca.

Thiên Tôn thật trong sáng với Mùa Sao Sáng. Trước 75, nhạc phẩm này làm mưa gió với tiếng hát Giao Linh. Nay, Mùa Sao Sáng không vang vọng khỏe khoắn của một Giao Linh ngày cũ mà rất dịu dàng của một giọng nam ấm. Nó gợi lại cho tôi hình ảnh của một Sĩ Phú xa xưa. Nam mà rất dịu dàng, thủ thỉ. Thiên Tôn kết thúc với kiểu sáng tạo đưa nốt cuối lên cao thật là đẹp.

Thanh Tuyền, người nữ ca sĩ mà số phận quá may mắn khi tuổi đời mới 16, đã được Nguyễn Văn Đông đón từ Đà Lạt rồi giao cho gia đình Mạnh Phát nuôi, Continental đào tạo. Thanh Tuyền cũng là người phụ nữ duy nhất mà Nguyễn Văn Đông ở vào thế chẳng đặng đừng đã phải “tô son trét phấn” cho cô. Cũng đáng tiếc là ông Ngạn đã không cho khán giả khắp nơi được nghe audio Nguyễn Văn Đông kể về Thanh Tuyền do Hoàng Lan Chi cung cấp mà ông chọn hình thức “ông và Kỳ Duyên” kể lại. Thanh Tuyền đã khóc lóc và không kể được gì nhiều. Thành thật so sánh: tôi thích sự chân thật của người ca sĩ thứ hai từ bàn tay Nguyễn Văn Đông hơn: Giao Linh.

Thanh Tuyền đã nhận quá nhiều từ Nguyễn Văn Đông nhưng xem ra đúng như TT từng khóc và nói thì tôi cũng muốn nói vầy “không đáp trả được trong muôn một ấy”.

Đây là hình ảnh Nguyễn Văn Đông tập hát cho Thanh Tuyền, tại VN, khoảng sau năm 2000 mà Nguyễn Văn Đông gửi riêng cho Hoàng Lan Chi:

Nguyễn Văn Đông tập hát cho Thanh Tuyền sau 75

Như Ý với áo dài đẹp nhất và đã phả vào một bản nhạc cũng có thể xem như bolero một chút nhưng lại không còn hơi hướng của một bolero mà chúng ta từng quen thuộc. Giọng khàn và melody cùng lời nhạc của Niềm Đau Dĩ Vãng đã khiến Như Ý rất thành công ở nhạc phẩm này. Tôi liên tưởng đến một Duy Quang, người của nhạc trẻ, “nhạc sang” nhưng khi hát nhạc bolero thì ô hay lạ quá, Quang đã dùng đũa thần khoác chất sang cho bolero. Và cái sang của bolero thì có một cái gì đó rất đặc biệt. Đặc biệt như hương vị quê nhà trên đất Mỹ.

Như Quỳnh, lần đầu đóng và hát cải lương. Nếu khen NQ hát cải lương cũng hay, dáng điệu, vẻ mặt rất đúng thì phải cảm ơn Nữ Hoàng Hồ Quảng: nghệ sĩ Phượng Mai. Tuy thế cũng phải khen Như Quỳnh học khá nhanh. Trần Nhật Phong nói với tôi “Chuyện động trời. Như Quỳnh mới từ VN về và bà xã em chỉ luyện cho nó thời gian rất ngắn. Chưa hết, chương trình đầu, nó không biết vì đóng vai mù nên nó toàn đưa đ..vào khán giả”. Tôi cười ngất ngưởng khi nghe Phong kể. Tất nhiên DVD thì không có cảnh ấy vì qua chương trình thứ hai, Phượng Mai đã phải sửa cho Như Quỳnh đưa mặt vào khán giả! Tôi rất cảm động khi xem trích đoạn vở tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng. Thì tôi đã từng viết, tôi là người Thích Đủ Thứ. Tân nhạc cũng thích, cải lương cũng mê, hồ quảng cũng đắm đuối. Từ khi ra hải ngoại, không có thì giờ xem nhiều nên đã lâu, lâu lắm không xem cải lương . Nếu không phải là DVD về Nguyễn Văn Đông thì chắc tôi cũng không có thì giờ xem cải lương. Kim Tử Long quả là diễn xuất tuyệt vời. Nó gợi cho tôi kỷ niệm cũ. Thì tôi cũng từng viết “Cải lương, một thời để yêu và một thời để nhớ”.

Don Ho, cũng lại là một “bản của Hà Thanh” nhưng Don Ho cũng lại đã tạo một “phong cách mới” cho giòng nhạc cũ. Trẻ hơn nhưng không quá lố. Tôi chợt nhớ đến vài ca sĩ gốc Hà Nội. Họ đã làm hư rất nhiều những nhạc phẩm cũ của chúng ta bằng dáng điệu quằn quại, bằng kiểu hát ngắt quãng như chặt thịt. May mà Marie Tô không chọn họ nhiều. Cứ xem Ngọc Anh đã mặc áo hở tay trong khi mọi ca sĩ khác, kể cả Nguyễn Hồng Nhung đều trang phục kín đáo, nhu nhã.

Là những giọng hát trẻ bây giờ ca tân nhạc cũng hay mà “lái cổ nhạc” cũng khéo qua các màn tân cổ giao duyên như Hương Thủy, Mạnh Đình, Mai Thiên Vân.

Là ca sĩ gạo cội Hoàng Oanh với sở trường: ngâm thơ và hát. Đoạn Tuyệt là tên nhạc phẩm ấy mà có lẽ nhiều người nghe rất quen nhưng không ai ngờ tác giả là Nguyễn Văn Đông: Nào ai lấy thước đo tấc lòng

Nếu trao giải thì tôi phải chọn cho nhạc phẩm kết thúc chương trình: Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp. Nhạc phẩm này được nhiều ca sĩ hát nhưng Nguyễn Văn Đông thích Hùng Cường với Hà Thanh. Đúng thế, giọng tenor mạnh mẽ của Hùng Cường, giọng lồng lộng của Hà Thanh đã làm nổi bật melody và cả nội dung nhạc phẩm. Chất bi hùng của nhạc lính Nguyễn Văn Đông được thể hiện đẹp nhất qua bài này và cả Mấy Dặm Sơn Khê.

Nhưng hôm nay, đã bao năm trôi qua, thế sự nhiều thăng trầm và Marie Tô đã chọn một hình thức khác. Không như tiếng trống dục quân, không như tiếng kèn xung trận của âm vang ngày cũ. Hôm nay đúng là “Khúc tình ca” với hàng hàng lớp lớp ca sĩ nối tiếp nhau “giành lấy mai sau”. Marie Tô đã xuất sắc khi kết hợp được tất cả ca sĩ qua nhạc phẩm này. Từng câu nhạc phải phù hợp với chất giọng của mỗi ca sĩ. Từng đoạn nhạc phải chọn cặp ca sĩ nam nữ cho đúng. Khúc kết thúc, hai nam ca sĩ hát lập lại “Đời dâng cho núi sông” và tất cả đáp “lòng này thách với tang bồng, đừng sầu má ấy phai hồng, buồn lắm em ơi”.

Tôi đã bật khóc khi nghe nhạc phẩm này nhất là đoạn cuối. Tôi thầm gọi anh “Nguyễn Văn Đông ơi, anh an nghỉ nhé. Chương trình do Marie Tô thực hiện hẳn anh hài lòng. Tuy vẫn có khuyết điểm nhưng quá ít, quá nhỏ. Một sân khấu giản dị. Một chương trình thuần túy âm nhạc. Marie Tô yêu quý anh, xưng tụng anh là người “producer” giỏi nhất VN trước 75, nay Asia và Thúy Nga đang đi tiếp con đường của anh nên Marie Tô luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng có thể. Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp với “Đời Dâng Cho Núi Sông” đã được hàng hàng lớp lớp trẻ già đáp vọng anh ơi”.

LỜI KẾT: như câu tôi thủ thỉ với vong hồn Nguyễn Văn Đông, tôi không muốn ghi vài khuyết điểm nhỏ ra đây. Hãy ghi nhận đây là một nỗ lực vô cùng của Thúy Nga vì phải thực hiện chương trình này vội vã ngay sau khi Nguyễn Văn Đông qua đời mà còn bị nhóm Nam CA biểu tình chống phá vì những lý do cá nhân đầy vụ lợi. Hãy ghi nhận sự cố gắng của các ca sĩ: suy nghĩ, sáng tạo những nốt luyến láy thật đẹp như ngày xưa Hà Thanh đã làm thế và Nguyễn Văn Đông vô cùng vui thích. Hãy ghi nhận các ca sĩ trẻ đã nền nã áo dài, đã nhu nhã trong mầu sắc, đã gìn giữ nụ cười sao cho vừa đủ. Hãy ghi nhận cả những “vội vã tập, vội vã bay cho kịp”.

Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ

Em em ơi, thời gian đã chẳng còn

(nhại thơ NB)

Ghi nhận và sẽ tìm DVD để nghe: là những tâm hồn yêu ca nhạc, thích nghệ thuật. Phải thế không.

Hoàng Lan Chi

8/2018

Một số bài viết cũ về Nguyễn Văn Đông:

§

§ XIN ĐỂ NGUYỄN VĂN ĐÔNG YÊN NGHỈ- Xin đừng bịa đặt điều gì về Ngu yễn Văn Đông-May 6, 2018

§ Chiều Mưa Biên Giới Anh Có Về CA-April 29, 2018

§ Năm Bài Kỷ Niệm Với Nguyễn Văn Đông -April 26, 2018

§ Trang Tưởng Nhớ Nguyễn Văn Đông -2018

§ Con Đường Doanh Nghiệp của Nguyễn Văn Đông -April 14, 2018

§ Marie Tô -Như Quỳnh- Ý Lan nói về CT tưởng nhớ Nguyễn Văn Đông -April 6, 2018

§ Anh Ra Đi Mùa Thu- March 2018

§ Thúy Vy: Nói về người anh khả kính: Nguyễn Văn Đông- March 4, 2018

§ Nguyễn Quốc Đống- Tưởng Niệm Nguyễn Văn Đông -March 5, 2018

§ Phan Nhật Nam -Tưởng nhớ Nguyễn Văn Đông – Mưa vẫn bay g iăng trên chiều quê hương -March 6, 2018

§ Bài cũ- Du Tử Lê- Binh Nghiệp và Nhạc Nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông -March 2, 2018

§ Nghe Nguyễn Văn Đông kể về Hà Thanh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phiên Gác Đêm Xuân cho Câu Chuyện Âm Nhạc của Hoàng La n Chi vào khoảng 2007- Feb 28, 2018

§ Tưởng Nhớ Ns Nguyễn Văn Đông – Feb 26, 2018

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.